Nội dung chính

Mục lục

Sở khoa học - công nghệ & môi trường

Trước khi thành lập Trung tâm quốc gia sản xuất vacxin, Viện Pasteur Đà Lạt chỉ là chi nhánh thuộc Viện Pasteur Sài Gòn có nhiệm vụ theo dõi dịch bệnh khu vực và sản xuất các sinh phẩm như vacxin tứ liên phòng bệnh tả ? thương hàn, phó thương hàn, vacxin dịch hạch dạng nước bán thành phẩm, vacxin uốn ván bạch hầu thô.

Ngày 23/11/1978, trên cơ sở sáp nhập bộ phận sản xuất của 3 Viện Pasteur (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Nha Trang), Bộ Y tế ra quyết định số 1395 thành lập Trung tâm (sau đổi tên là Viện Vacxin) với chức năng nghiên cứu sản xuất vacxin huyết thanh và sinh phẩm y học phục vụ công tác tiêm chủng phòng chống dịch cho cả nước.

Trải qua 20 năm hoạt động gắn liền với sự lớn mạnh của đội ngũ công nghệ khoa học tỉnh Lâm Đồng, Viện Vacxin cơ sở 2 Đà Lạt đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong nghiên cứu khoa học. Đã có 3 đề tài cấp Nhà nước được đánh giá cao là việc ứng dụng thành công và hoàn thiện công nghệ sản xuất vacxin bằng hệ thống lên men hiện đại (vacxin DPT, tả uống và thương hàn Vi). Chúng tôi cũng đã hoàn thành 2 đề tài cấp Bộ (vacxin dịch hạch và huyết thanh chẩn đoán) cùng 21 đề tài cấp cơ sở đưa năng suất, chất lượng và số lượng sinh phẩm ngày một cao. Đặc biệt đội ngũ công nhân lành nghề của Viện sát cánh cùng trí thức trong Viện chúng tôi đã thực hiện hàng trăm sáng kiến cải tiến hợp lý hóa công việc, tiết kiệm hàng tỷ đồng cho Nhà nước (có một số sáng kiến làm lợi từ 100 triệu đồng trở lên và đã đạt 8 bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).

Tính đến năm 1999 này, Viện Đà Lạt đã làm ra những sinh phẩm sau:

Vacxin tam liên tả ? TB hàng triệu liều trong các năm 1978 - 1982.

Vacxin dịch hạch nước (trước 1982), vacxin dịch hạch sống đông khô (1982) và kháng nguyên F1 cho chẩn đoán (1996).

Vacxin ho gà thủ công (1980) bổ sung với DT tạo vacxin nước bạch hầu - uốn ván - ho gà (DTP) (1985), sau khi lắp đặt hệ thống lên men hiện đại của UNICEF (1986) đã sản xuất thành công vacxin DTP tinh chế cô đặc theo tiêu chuẩn quốc tế của WHO (từ 1991). Hàng năm số lượng ngày một nâng cao đáp ứng chương trình tiêm chủng quốc gia (EPI) từ 1 triệu liều đến 4 triệu liều (1997) và 5 triệu liều vacxin Uốn ván đơn (TT) cũng từ thiết bị này.

Vacxin tả uống đã được thử nghiệm thành công trên hệ thống lên men tạo một sản phẩm bổ sung cho EPI, đến nay đã chuyển giao công nghệ cho Viện Vệ sinh Dịch tễ Hà Nội thực hiện chương trình cấp Nhà nước K.Y.01.03.

Vacxin thương hàn Vi polysaccharide được thực hiện từ năm 1996 qua chương trình chuyển giao công nghệ của Hoa Kỳ đến nay (07/1999) đã có sản phẩm đạt các tiêu chuẩn kiểm định của Hà Lan - Hoa Kỳ, và sắp được Quốc tế -  Quốc gia công nhận cho dùng rộng rãi. Năm 1998 sản xuất thử 40.000 liều cho chương trình thực địa, đến  năm 2000 nếu triển khai việc mở rộng nâng cấp sản xuất do quỹ ODA Hàn Quốc giúp sẽ đạt 2 triệu liều/năm, tiến tới 6 triệu liều thỏa mãn nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Kháng huyết thanh chẩn đoán các loại bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn như tả - thương hàn - lỵ - ho gà và E. coli (triển khai từ 1995) đang tiếp cận thị trường, có khả năng phục vụ các nhu cầu điều tra dịch tễ học, chẩn đoán ở bệnh viện, phòng chống dịch của cả nước. Các loại kháng nguyên Widal, độc tố Shick cũng là những mặt hàng Viện làm thành công phục vụ tốt công tác trong Viện và trong hệ thống y học dự phòng theo yêu cầu tương lai cũng sẽ được thị trường hóa.

Đông khô chủng giống vi sinh vật được triển khai từ năm 1982 đến nay. Hệ thống lô giống phục vụ sản xuất tại Viện và các đơn vị bạn đã phát huy tác dụng rõ rệt trong sản xuất. Suốt 17 năm qua đã đông khô hàng trăm loạt với hàng nghìn chủng loại vi sinh vật bao gồm vi khuẩn, nấm men thuộc y học và công nghiệp thực phẩm và nông nghiệp.

Ngoài các sản phẩm chính trên đây, Viện chúng tôi còn phát triển nhiều mặt hàng phụ phục vụ đời sống kinh tế của địa phương như: nước giải khát lên men (1982-1985), Biosubtyl (1983 đến nay từ vài chục nghìn gói 1 g đến 2,6 triệu gói năm 1997), Amimorin (thuốc bổ từ nhộng tằm), Artesunate - Terneurine đông khô (1995), Bitonic + BT (thuốc trừ sâu vi sinh vật), Enzymbiosub (men tiêu hóa sống cho gia súc gia cầm: năm 1998 đạt hơn 1 triệu gói 5 g). Kết hợp với Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đông khô hàng nghìn mẫu sinh phẩm ứng dụng của kỹ thuật phóng xạ hạt nhân, sản xuất Philatốp (1981) các Matrix (1993), vật liệu chữa bỏng (1998) và Oligo alginat (thuốc dạ dày Gastroginat).

Đạt được các thành quả trên một phần nhờ các giải pháp công nghệ, các sáng kiến cải tiến sau:

1) Các giải pháp công nghệ nâng cao chất lượng và số lượng vacxin:

+ Làm chủ quy trình lên men công nghệ cho từng đối tượng, nâng dần chất lượng (an toàn - công hiệu - độ sạch kháng nguyên) và số lượng (tăng hiệu quả - giảm độ tạp nhiễm và hư hỏng từ 40% xuống 15% tổng sản phẩm).

+ Sử dụng ly tâm thay tủa axít thu sản phẩm đạt an toàn công hiệu.

+ ứng dụng hệ thống lọc chéo để thu và tinh chế cô đặc sản phẩm D - P thay cho ly tâm, đáp ứng số lượng ngày một cao của sản phẩm.

+ Sử dụng hệ thống giống đông khô cho sản xuất ổn định sản phẩm công hiệu đạt tiêu chuẩn quốc tế.

+ Cải tiến môi trường AKI thành môi trường IVAC, tiết kiệm hóa chất ngoại nhập, tăng lượng kháng nguyên TCP cho vacxin tả uống. ứng dụng thành công cả hai hệ thống lên men 75 lít và 300 lít cho sản xuất vacxin tả uống.

2) Các giải pháp công nghệ hoàn thiện và đa dạng hóa sinh phẩm:

- Với vacxin dịch hạch sống đông khô: ứng dụng quy trình đông khô với tá dược có Thiourê trên chủng EV, đạt độ sống 15% đủ tiêu chuẩn xuất xưởng (1981-1985).

- Đổi mới liên tục dạng trình bày, bao bì và công nghệ đóng gói, duy trì và nâng cao số lượng Biosubtyl chữa tiêu chảy, bán rộng rãi trên thị trường cả nước (chuyển từ dạng nước sang đông khô năm 1982, từ đông khô thành sấy khô 1983, đổi mới thiết bị đóng gói từ bán thủ công (1985) đến máy tự động (1997), cải tiến môi trường Edward, giảm đáng kể số lượng thịt bò tươi, phục hồi máy ly tâm, thu hồi sinh khối trên môi trường đặc...)

*

Đối với địa phương Lâm Đồng, Viện chúng tôi được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp lãnh đạo Tỉnh,  của Sở Khoa học, công nghệ và môi trường, sự hợp tác của các đơn vị bạn đóng cùng địa bàn, đã thực hiện được một số công việc sau:

1) Thực hiện đề tài "Sản xuất Amimorin" do Sở Khoa học, công nghệ và môi trường giao năm 1995 với số tiền 35 triệu, nghiệm thu đạt loại khá.

2) Đáp ứng mọi yêu cầu đông khô sản phẩm của Viện Hạt nhân, Trường Đại học và các Trung tâm nghiên cứu ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội.

3) Tham gia giảng dạy, hướng dẫn và chấm luận văn nghiên cứu sinh với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương ở Hà Nội, cao học và hàng trăm luận án tốt nghiệp của sinh viên Đại học Đà Lạt.

4) Kết hợp với Bệnh viện Y học dân tộc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các Trung tâm y tế huyện,  thành phố Đà Lạt, thực hiện các công trình nghiên cứu phối hợp về cây thuốc, tác dụng lâm sàng và phản ứng phụ của vacxin và sinh phẩm, thực hiện các xét nghiệm mẫu nước và mẫu thực phẩm...

*

Hai mươi năm qua là chặng đường gian khó và vinh quang, giờ đây Viện chúng tôi đã trưởng thành với đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ đông đảo (1 Phó Giáo sư, 3 Phó Tiến sĩ, 2 Thạc sĩ và hơn 20 cán bộ tốt nghiệp đại học) có tay nghề chuyên môn sâu, cao, chắc chắn sẽ đáp ứng được yêu cầu mới khi đất nước bước sang thế kỷ 21 công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

PGS. PTS. LÊ VĂN HIỆP  
Viện Vacxin Nha Trang - Đà Lạt

Nội dung chính

Mục lục

Sở khoa học - công nghệ & môi trường