Nội dung chính

Mục lục

Sở khoa học - công nghệ & môi trường

Hơn 20 năm qua, với khối lượng kế hoạch đã thực hiện hàng chục ngàn ha rừng trồng ở Lâm Đồng, cần phải nhìn nhận lại và đánh giá về công tác này đặng tìm ra những vấn đề cần lưu ý về kỹ thuật trong công tác trồng rừng.

ĐIỂM LẠI CÔNG TÁC TRỒNG RỪNG HƠN 20 NĂM QUA

1. KẾT QUẢ

- Loài cây trồng chính là thông 3 lá, chiếm 90% kế hoạch.

- Thông 2 lá, bạch đàn, keo, sao khoảng 10% kế hoạch.

- Diện tích rừng trồng đạt yêu cầu hiện có khoảng 30.000 ha.

Các diện tích rừng trồng tập trung đã hình thành ở các huyện và thành phố; thông 3 lá ở Đà Lạt, Lạc Dương, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm; keo tai tượng ở Đạ Huoai, Đạ Tẻh.

- Từ những năm 1986-1987, nhiều diện tích rừng trồng bắt đầu tỉa thưa cho sản phẩm nguyên liệu giấy.

- Lạc Dương, 2-3 năm nữa sẽ hoàn tất phủ xanh đất trống đồi núi trọc.

2. NHỮNG NHƯỢC ĐIỂM QUA TỪNG THỜI KỲ

- 1976-1980: Thông 3 lá chủ yếu trồng ở đồi trọc, đất nghèo kiệt. Do làm đất chỉ cuốc hố, 25-25-25 cm nên tỷ lệ thành rừng thấp, đạt 25-30%, cây sinh trưởng chậm.

- 1981-1989: Thông 3 lá được trồng ở đất còn tính chất đất rừng, tỷ lệ thành rừng cao, 85-90%, cây sinh trưởng nhanh. Nhưng vì đất hạng tốt nên thảm thực bì dày rậm, trong quá trình chăm sóc nuôi dưỡng, thảm cỏ khô tồn đọng nhiều; về mùa khô, thường xuyên bị lửa cháy đe dọa, tỷ lệ thành rừng vẫn đạt thấp, 50-60%.

- Ở Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Bảo Lộc, thông 3 lá có khả năng trồng ở vùng thấp hơn 900 m; nhưng đây lại là vùng giáp ranh với khu phân bố tự nhiên của thông 2 lá - dầu trà beng; nhiều năm qua, chúng ta đã không đầu tư vào đối tượng này. Những địa hình bằng, đất pha sét, ở chân đồi phù hợp với thông 2 lá. Trên sườn đồi, cách chân từ 100-200 m trở lên trồng được thông 3 lá. Trong thực tế thiết kế trồng thông 3 lá sai lệch vị trí đã làm chất lượng rừng trồng kém.

- Bạch đàn, keo đã trồng hầu hết trên địa bàn toàn tỉnh, nhưng chỉ có kết quả với keo tai tượng ở Đạ Huoai, Đạ Tẻh.

Việc lựa chọn giống, xuất xứ bạch đàn, keo, Trung tâm nghiên cứu lâm sinh Lâm Đồng đã báo cáo chi tiết ở Hội nghị kỹ thuật 6.1997 ở Đà Lạt.

- Nhiều diện tích có khả năng khoanh nuôi tái sinh tự nhiên thì lại thiết kế trồng rừng, làm tốn kém, có nơi lại bị thất bại.

Ví dụ:

+ 1995, Bắc Lâm Hà trồng thông 3 lá vào nương rẫy bỏ đi, lồ ô, le tái sinh tự nhiên rất mạnh.

+ 1996, Cát Tiên trồng keo xen sao vào nương rẫy bỏ đi, lồ ô tái sinh rất mạnh.

+ 1995-1996-1997, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh trồng thông 3 lá vào khu vực dầu, dẻ, kháo, thông 2 lá tái sinh tự nhiên dày đặc.

- Về thời vụ gieo ươm và trồng rừng thông 3 lá: nên gieo ươm vào tháng 12-1, để cây con được 6-8 tháng tuổi, và trồng vào tháng 6. Nhưng sản xuất thường gieo muộn vào tháng 2, 3, và chăm sóc tưới thúc cho mọc nhanh, cây con bị vống. Nếu xảy ra hạn giữa kỳ kéo dài, trồng muộn vào tháng 9, chất lượng rừng trồng đầu mùa khô sẽ kém.

- Công tác chăm sóc nuôi dưỡng rừng: từ 1990, diện tích rừng trồng hàng năm tăng nhiều, nhưng kế hoạch chăm sóc, nuôi dưỡng không tăng tương xứng, nên đã xảy ra tình trạng:

+ Rừng trồng giai đoạn chăm sóc, thảm cỏ không được dọn sạch, về mùa khô dễ bị cháy.

+ Rừng trồng giai đoạn nuôi dưỡng, ở Đà Lạt, Lạc Dương, Bảo Lâm mới khoảng 10% diện tích được tỉa thưa.

Từ 1994-1998, nhiều diện tích rừng thông trồng không đúng khu vực phân bố tự nhiên, vệ sinh rừng kém, chăm sóc nuôi dưỡng không đầy đủ, kịp thời đã bị sâu đục nõn, ong ăn lá, bọ rầy nâu cắn rễ, bọ rầy xám ăn lá phá hại.

NHỮNG VẤN ĐỀ KỸ THUẬT CẦN LƯU Ý

1. PHÂN BỐ CÁC KIỂU RỪNG THEO ĐỘ CAO

- Trên 1.800 m (Bidoup - Núi Bà): Kiểu rừng kín thường xanh, hỗn giao cây lá rộng, lá kim, ẩm, vành đai ôn ới; thuộc đối tượng khoanh nuôi, bảo vệ của rừng đặc dụng.

Loài cây ưu thế thuộc họ: dẻ, mộc lan, kháo, thông, kim giao.

- Từ 1.000-1.800 m (cao nguyên Lang Biang, Đà Lạt, Lạc Dương): Kiểu rừng thưa cây lá kim, ẩm, vành đai á nhiệt đới.

Loài cây ưu thế: Thông 3 lá.

- Từ 600-1.000 m (cao nguyên Di Linh): Kiểu rừng thưa cây lá kim, hơi khô, nhiệt đới.

Loài cây ưu thế: Thông 2 lá - dầu trà beng.

- Dưới 600 m: Kiểu rừng kín nửa rụng lá, ẩm mát trong mùa khô hạn, nhiệt đới.

Loài cây ưu thế: sao - dầu rái.

2. XÁC ĐỊNH BIỆN PHÁP KỸ THUẬT TÁI SINH RỪNG

- Trên từng thềm độ cao ta biết được: quần xã thực vật (qxtv) cơ bản, qxtv phát sinh; với quy luật diễn thế nguyên sinh và thứ sinh, ta cũng biết được qxtv tiến hóa, qxtv thoái hóa.

Đó là những căn cứ để xác định biện pháp kỹ thuật tái sinh rừng thích hợp cho từng khu vực. Ví dụ:

+ Khu vực phân bố của thông 3 lá: Trồng thông 3 lá ở đồi cỏ tranh; rừng trồng đủ mật độ chuẩn, giữ nhiều năm không bị lửa cháy và chặt phá, thì dưới tán rừng, thảm cỏ tranh sẽ được thay thế bằng thảm cây bụi lá rộng: kháo, dẻ, hình thành rừng hỗn giao 2 tầng: tầng trên thông 3 lá, tầng dưới kháo - dẻ.

Nếu rừng thông bị cháy và chặt phá, nó sẽ bị thoái hóa dần thành trảng cỏ tranh.

+ Khu vực phân bố của thông 2 lá: Nếu trồng thông 3 lá ở đất trống (dễ trồng hơn thông 2 lá), khi rừng trồng gần khép tán, thì dầu trà beng và thông 2 lá sẽ tự tái sinh tự nhiên; thông 3 lá sẽ bị lấn át dần; rừng trở thành thông 2 lá hỗn giao với dầu trà beng.

+ Khu phân bố của sao - dầu rái: Nếu rừng tự nhiên bị chặt phá làm rẫy, sau vài năm, rẫy bỏ đi, thảm cây bụi lá rộng (Hu, Ba soi, Ba bét...) xuất hiện; lại phá tiếp, lồ ô, tre nứa tép sẽ xuất hiện; dọn sạch, trồng keo tai tượng vào. Keo gần khép tán, xẻ rạch đưa sao - dầu vào sẽ có kết quả. Qxtv thứ sinh sẽ tiến hóa, hình thành dần trở lại qxtv nguyên sinh.

- Keo tai tượng không phải là cây trồng rừng chính, nó chỉ là cây trồng phù trợ. Ngay việc trồng cây keo lá tràm ở cao nguyên Di Linh, keo lá nhỏ ở cao nguyên Lang Biang trên trảng cỏ thì chúng cũng chỉ là cây phù trợ thúc đẩy quá trình diễn thế của qxtv.

3. XÁC ĐỊNH TRÌNH TỰ ƯU TIÊN CHO CÁC GIẢI PHÁP TÁI SINH RỪNG

- Với vốn rừng trồng là 30.000 ha, thì ưu tiên hàng đầu là chăm sóc, nuôi dưỡng đầy đủ, kịp thời cho toàn bộ diện tích rừng trồng, rừng non tái sinh tự nhiên.

Thực hiện giải pháp này, vừa lấy ra được 1 khối lượng sản phẩm lớn, chi phí cho việc vệ sinh rừng, phòng cháy, làm cho cây sinh trưởng, phát triển tốt.

- Ưu tiên tiếp theo là: khoanh nuôi tái sinh, xúc tiến tái sinh tự nhiên, làm giàu rừng.

- Làm tốt 4 ưu tiên trên rồi đến công tác trồng rừng.

Tất cả các công việc trên đều nhằm bảo vệ, xây dựng, phát triển vốn rừng tự nhiên của Lâm Đồng.

KẾT LUẬN

Để đẩy mạnh công tác trồng rừng ở Lâm Đồng, trong chương trình 5 triệu ha của toàn quốc, ngoài những vấn đề nêu trên, cần phải có chính sách khuyến khích thu hút mọi nguồn vốn và lao động trong, ngoài tỉnh; đồng thời cũng phải chú trọng công tác nghiên cứu ứng dụng và giống cây con trồng rừng.

PTS. PHÓ ĐỨC ĐỈNH  
Chi cục kiểm lâm Lâm Đồng

Nội dung chính

Mục lục

Sở khoa học - công nghệ & môi trường