Nội dung chính

Mục lục

Sở khoa học - công nghệ & môi trường

Đại học Đà Lạt ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và thống nhất đất nước đã được Nhà nước giao nhiệm vụ đào tạo cán bộ khoa học cho các tỉnh Tây Nguyên, miền Nam Trung bộ và Đông Nam bộ, trong đó có Lâm Đồng. Nhiệm vụ cụ thể của trường trong thời gian đầu là cùng với đội ngũ cán bộ của Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt xây dựng và phát triển các ngành mũi nhọn như vật lý hạt nhân, hóa phóng xạ và sinh học phóng xạ. Trong những khóa đầu tiên, Đại học Đà Lạt đã đào tạo được hàng trăm cán bộ khoa học - kỹ thuật thuộc các lĩnh vực nói trên. Nhiều người trong số họ hiện đang là những cán bộ giỏi của Viện nghiên cứu hạt nhân hoặc đang giữ các trọng trách khác nhau trong những cơ quan chính quyền, trường học, viện nghiên cứu, các tổ chức kinh tế... của địa phương Lâm Đồng.

Cùng với sự phát triển của đất nước, Đại học Đà Lạt không ngừng nỗ lực phấn đấu mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo. Từ một trường đại học với một số ít ngành đào tạo hạn chế, Đại học Đà Lạt đã vươn lên thành một đại học đa ngành và đa lĩnh vực với 18 ngành đào tạo, trong có có những ngành đào tạo mà xã hội hiện đang có nhu cầu khá lớn như: ngoại ngữ, tin học, quản trị kinh doanh. Từ quy mô đào tạo trên dưới 1.000 sinh viên vào những năm 1976-1980, trong năm học 1999-2000 này con số sinh viên theo học tại trường là gần 13.000, trong đó 3.131 sinh viên là con em của tỉnh Lâm Đồng. Nhờ mở thêm hướng đào tạo sư phạm nên Đại học Đà Lạt đã góp phần đáng kể vào việc đào tạo giáo viên phổ thông trung học cho địa phương. Từ năm 1992 đến nay, bên cạnh đào tạo cử nhân, Đại học Đà Lạt còn đào tạo thạc sĩ với 6 ngành khác nhau và đang vươn lên đào tạo tiến sĩ trong một vài năm tới. Cần nói thêm rằng trong số những thạc sĩ do Đại học Đà Lạt đào tạo trong 7 năm qua có khá nhiều là cán bộ, công nhân viên chức của Lâm Đồng - Đà Lạt.

Bên cạnh hệ đào tạo chính quy, trong những năm gần đây, hệ tại chức và hệ chuyên tu cũng ngày càng được mở rộng để đáp ứng nhu cầu học tập, bồi dưỡng của những người lớn tuổi. Nhờ mở thêm những hệ đào tạo này mà hàng trăm công nhân viên chức của địa phương đã trở thành cử nhân hoặc đã nhận được các chứng chỉ về nâng cao năng lực chuyên môn. Các trung tâm ngoại ngữ, tin học của trường, các khóa bồi dưỡng chuyên môn ngắn hạn do trường phối hợp với các trường đại học trong và ngoài nước cũng đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công nhân viên chức của địa phương.

Bên cạnh công tác đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường cũng đã góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Đà Lạt - Lâm Đồng. Nhiều đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên cũng như trong lĩnh vực khoa học xã hội được thực hiện nhằm mục đích giải quyết những vấn đề khoa học cần thiết đối với địa phương.

Về khoa học tự nhiên cần kể đến những đề tài về điều tra, nghiên cứu, khai thác và bảo vệ tài nguyên rừng; bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường; nuôi cấy mô tế bào thực vật; nghiên cứu, sưu tập đoàn hoa, cây cảnh; nông hóa, thổ nhưỡng; công nghệ thông tin v.v...

Về khoa học xã hội có thể nêu lên hàng loạt những công trình nghiên cứu điển hình như các nghiên cứu về dân tộc, ngôn ngữ, tôn giáo của các dân tộc Lâm Đồng, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự nhận thức của các tầng lớp xã hội tỉnh nhà đối với đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa...

Hai trung tâm nghiên cứu triển khai của Trường là Trung tâm tài nguyên môi trường và Trung tâm nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội đang cố gắng phát huy hơn nữa vai trò của mình trong hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ địa phương.

Sự phát triển của Đại học Đà Lạt và vai trò của Trường đối với công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương Lâm Đồng trong những năm qua gắn liền với sự lãnh đạo và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng như với sự hỗ trợ và phối hợp của các cơ quan, ban ngành của địa phương, đặc biệt là sự hợp tác quý báu của Sở khoa học, công nghệ và môi trường Lâm Đồng.

Chúng tôi tin rằng với sự nỗ lực của bản thân và sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Đại học Đà Lạt và các cơ quan, các tổ chức khoa học - công nghệ của Lâm Đồng - Đà Lạt, sự đóng góp của Trường đối với địa phương trong những năm tới sẽ ngày càng hiệu quả hơn.

PGS. MAI XUÂN LƯƠNG 
Trường Đại học Đà Lạt

Nội dung chính

Mục lục