Nội dung chính

Mục lục

Sở khoa học - công nghệ & môi trường

Sau thời gian đầu khắc phục hậu quả của chiến tranh và cùng cả nước giải quyết triệt để vấn đề FULRO, Lâm Đồng đã tìm được con đường phát triển nền kinh tế với tốc độ ngày càng cao: Nhịp độ tăng bình quân thu nhập quốc dân sản xuất thời kỳ 1976 - 1980: 8,3%, 1981 - 1985: 10,3%,  GDP bình quân thời kỳ 1991 - 1995: 12,9%; mức tăng GDP năm sau so với năm trước: 1996:23,2%, 1997: 9,3%, 1998: 5,9%, ước tính năm 1999: 8,7%. Nền kinh tế từ chỗ sản xuất tự cung tự cấp, chi ngân sách dựa chủ yếu vào Trung ương, chưa có tích lũy từ nội bộ, đời sống nhân dân rất thấp... đến nay sản xuất cơ bản là hàng hóa. Ước tính năm 1999 riêng các mặt hàng trà, cà phê, kén, tơ, lụa, rau, hoa chiếm khoảng 50% GDP toàn tỉnh; xuất khẩu 52 triệu USD, tích lũy xã hội cho đầu tư 600 tỷ đồng, thu ngân sách 390 tỷ, đời sống nhân dân được cải thiện rõ nét, cơ bản chấm dứt tình trạng thiếu đói trong vùng đồng bào dân tộc và dân kinh tế mới tự do. Nhìn tổng thể, Lâm Đồng có thể rút ra một số bài học tạo nên các thành tựu kinh tế nổi bật sau:

1. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa vấn đề lương thực và phát huy thế mạnh cây công nghiệp dài ngày

Trong khoảng 5 năm sau ngày giải phóng, Lâm Đồng tìm mọi cách tự túc lương thực với bất cứ giá nào, nhưng do điều kiện tự nhiên và hình thức tổ chức không phù hợp nên sản lượng lương thực không những tăng chậm, hiệu quả thấp, mà còn làm cho thế mạnh cây công nghiệp dài ngày không phát huy được, thậm chí không ít diện tích cây công nghiệp dài ngày bị chuyển sang trồng khoai lang, trồng mì (sắn)...

 Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ III (1983) đã đánh dấu bước ngoặt trong việc xác định phương hướng phát triển kinh tế của tỉnh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ việc tự túc lương thực bằng mọi giá sang xác định giải quyết vấn đề  lương thực chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở phát huy thế mạnh cùng với phát triển thâm canh cây lương thực ở những nơi có điều kiện. Thực chất của chủ trương này là phát triển thế mạnh kinh tế cây công nghiệp dài ngày,cây đặc sản, cũng là chuyển mạnh từ nền kinh tế tự cấp tự túc sang nền kinh tế sản xuất hàng hóa. Một cơ cấu kinh tế dựa trên thế mạnh đã được xác định và ngày càng được khẳng định là hoàn toàn đúng đắn. Nhờ đó từ năm 1983 trở đi, tốc độ phát triển kinh tế của Tỉnh ngày càng cao và vững chắc, vừa phát huy được thế mạnh kinh tế, vừa giải quyết cơ bản được vấn đề lương thực.

Gần 25 năm qua, kể từ sau ngày giải phóng, tuy diện tích  canh tác cây lương thực tăng không đáng kể, nhưng do hình thành được các vùng chuyên canh, tập trung đầu tư để tăng hệ số sử dụng đất, tăng năng suất cây trồng,  Lâm Đồng đã đạt được sản lượng lương thực qui thóc tăng gấp 3,5 lần so với 1976; lương thực bình quânđầu người tăng từ 150 kg năm 1976 lên 180 kg  năm 1998, trong lúc dân số đã tăng gấp 2,79 lần. Điều đặc biệt là sản xuất lương thực cũng là sản xuất hàng hóa với gạo Tùng Nghĩa, bắp Đức Trọng, lúa Đạ Tẻh, Cát Tiên... Riêng về cây công nghiệp dài ngày (trà, cà phê, dâu tằm, điều,  tiêu...) đã có sự phát triển rất nhanh, là động lực phát triển toàn bộ nền kinh tế của tỉnh, là con đường làm giàu của mọi người dân Lâm Đồng, kể cả đồng bào dân tộc ít người và đồng bào kinh tế mới. Tính đến cuối năm 1998, diện tích cây công nghiệp dài ngày đã tăng lên 12,6 lần (so với 1976), chiếm khoảng 50% diện tích canh tác; đạt tỷ trọng 50,42% giá trị toàn ngành nông nghiệp, 75-80% giá trị kim ngạch xuất khẩu và chiếm tỷ trọng 30,02% trong GDP của tỉnh. Đã hình thành được những vùng chuyên canh tập trung sản xuất hàng hóa có giá trị cao gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu, hiện là ngành kinh tế động lực đưa nhanh nền sản xuất sang sản xuất hàng hóa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa bắt đầu từ nông dân, nông nghiệp và nông thôn.

Cũng cần nói thêm thế mạnh về rau  hoa đặc sản đã từng bước phục hồi và phát triển, đến nay đạt sản lượng khoảng 300.000 tấn/năm, gấp 2,6 lần sản lượng cao nhất trước ngày giải phóng, với vùng chuyên canh Đà Lạt - Đơn Dương - Đức Trọng.  

TT

Chỉ tiêu

Diện tích gieo trồng (ha)

Năng suất (tạ/ ha)

Sản lượng (tấn)

 

 

1976

1981

1998

1976

1981

1998

1976

1981

1998

I

Cây CN dài ngày

8.619

8.589

108.497

 

 

 

 

 

 

1

Cây cà phê

1.544

1.711

78.710

4,8

3,04

12,79

866

520

57.939

2

Cây chè

6.633

5.656

17.189

31,6

38,6

45,35

21.645

21.831

69.620

3

Cây điều

--

--

8.412

--

--

3,65

--

--

2.800

4

Cây dâu tằm

442

1.222

4.057

68,3

28,2

62,49

3021

3.446

25.354

5

Cây hồ tiêu

--

--

129

--

--

19,59

--

--

96

II

Cây lương thực

33.896

43.686

52.296

15,14

18,26

32,76

51.324

79.776

171.300

 

Cây lúa

21.026

25.128

3.1021

13,26

17,43

28,81

27.885

43.810

89.850

III

Cây rau

4.532

1.506

13.531

250,4

186,73

222,89

113.479

28.122

301.600

  2. Đã từng bước khai thác được thế mạnh ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh             

Lâm Đồng nói chung và thành phố Đà Lạt nói riêng nổi tiếng nhờ những cảnh quan vùng núi và khí hậu ôn hòa, tạo ra rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình tham quan nghỉ dưỡng sinh thái. Tỉnh đã xác định du lịch là thế mạnh chiến lược nên đã tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo cán bộ công nhân, tích cực quản lý bảo vệ và đầu tư phát triển các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh làm cho cảnh quan Lâm Đồng - Đà Lạt ngày càng khởi sắc, thu hút du khách ngày càng nhiều.

Nếu như năm 1976 ngành  du lịch của tỉnh chỉ đón tiếp 7.730 lượt khách, trong đó có 111 khách quốc tế, thì năm 1998 thu hút 580 ngàn lượt khách, tăng gấp 75 lần so với năm 1976, trong đó khách quốc tế 65.000 người, doanh thu toàn ngành 168 tỷ, bằng 6,03 % GDP của tỉnh, nộp ngân sách 16 tỷ (chưa kể tiền thuê đất) bằng 4,07 % tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Hiện nay toàn tỉnh đã có 303 khách sạn với 3.790 phòng; trong đó đã có 20 khách sạn được xếp sao và 34 khách sạn loại A vớì 1.230 phòng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nước ngoài đã đầu tư 30 triệu USD trong liên doanh du lịch DRI và chính phủ đã phê duyệt Dự án du lịch Đan Kia - Suối Vàng lớn nhất nước với tổng vốn trên 700 triệu USD. Ngành du lịch phát triển đã tác động tích cực đến các ngành sản xuất, dịch vụ khác phát triển theo, góp phần giải quyết việc làm và tạo điều kiện khai thác có hiệu quả hơn các tiềm năng của Tỉnh.

3. Xây dựng và phát triển vững chắc kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc

Lâm Đồng có 30 dân tộc, trong đó dân tộc gốc địa phương chiếm khoảng 1/4 dân số ở 269 thôn buôn trong 77 xã thuộc tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Nhóm cư dân này giữ vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển cộng đồng xã hội ở Lâm Đồng, nhưng cơ bản họ đang ở trình độ thấp cả về kinh tế văn hóa; do vậy việc xây dựng vùng dân tộc được xác định là nhiệm vụ chiến lược của Đảng bộ Lâm Đồng.

Giai đoạn 1976 - 1981: Tỉnh phải vừa truy quét FULRO vừa tập trung đầu tư để định canh định cư đồng bào dân tộc, giúp họ làm lúa nước và các loại màu đảm bảo cái ăn, di dời một số buôn làng ở vùng sâu xa rải rác về gần đường trục để dễ quản lý và đầu tư tập trung đường giao thông, trường học, trạm y tế, cả nhà cửa cho dân. Kết quả đã khai hoang phục hóa
17.000 ha đất canh tác, trong đó có 8.400 ha lúa nước, 5.400 ha màu và 3.200 ha đất thổ cư.

Giai đoạn 1982 - 1994: Tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở lấy định canh làm chỗ dựa cho định cư, chú trọng khai thác thế mạnh các tiềm năng tự nhiên, lấy hộ gia đình làm đơn vị cơ bản để tổ chức lại sản xuất. Ngoài việc tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tỉnh tập trung phát triển vườn cà phê trong 16.000 hộ thuộc 38 xã có nhiều khó khăn. Nhờ vậy công tác định canh định cư có những chuyển biến cơ bản, dân không còn trở về buôn làng cũ như giai đoạn trước.

Giai đoạn 1994 - 1998: Thực hiện Chỉ thị số 25 (tháng 9 năm 1994) của Tỉnh ủy Lâm Đồng, Tỉnh đã tập trung đầu tư theo kiểu "cuốn chiếu", chọn 27 xã khó khăn làm trước, đảm bảo mỗi hộ có 2ha vườn cây công nghiệp dài ngày (chủ yếu là cà phê), 1-2 con trâu, bò và nhận 20-
30 ha rừng để quản lý bảo vệ. Đến cuối 1998 đã đầu tư 87.690 triệu đồng, trong đó ngân sách địa phương 39.549 triệu đồng, số vốn còn lại thuộc các chương trình của Trung ương. Kết quả đã trồng và chăm sóc 3.040 ha cà phê; quản lý bảo vệ rừng 96.904 ha; chăn nuôi 3.562 con trâu bò... Nhờ vậy đời sống đồng bào trong các vùng dự  án được nâng cao rõ rệt. Năm 1993 trong toàn Tỉnh còn 17.587 hộ dân tộc đói nghèo, trong đó có 6.827 hộ đói; đến năm 1998 chỉ còn 11.470 hộ đói nghèo, trong đó có 1.820 hộ đói.

Vấn đề cải tạo một xã hội kém phát triển tiến dần tới trình độ phát triển là một quá trình lâu dài và gian khổ, Lâm Đồng đạt thành quả như trên khẳng định chính sách dân tộc của Đảng trong thời gian qua là đúng đắn.

4. Sử dụng khéo léo một nền kinh tế nhiều thành phần, vừa phát huy tốt nội lực của nền kinh tế, vừa tranh thủ được nguồn lực từ bên ngoài

Cùng với việc xác định lại cơ cấu kinh tế của tỉnh, cũng từ năm 1981, Lâm Đồng đã dần dần nhận thức đúng đắn và biết khai thác một nền kinh tế nhiều thành phần, khắc phục từng bước những sai lầm trong cải tạo quan hệ sản xuất trước đó. Tính đến nay, toàn tỉnh có 64 doanh nghiệp nhà nước (không kể của Trung ương), 77 hợp tác xã; 37 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Khu vực kinh tế ngoài quốc doanh chiếm 79,4 % trong GDP toàn tỉnh, hàng năm đã đầu tư khoảng 70 % trong tổng đầu tư phát triển toàn bộ nền kinh tế.

Điều đáng quan tâm là kinh tế hộ gia đình đã phát huy, không chỉ chuyển từ kinh tế tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hoá, đặc biệt là cây công nghiệp dài ngày, mà đã phát triển ở hình thức cao, hình thành nên các trang trại. Đến nay toàn tỉnh có khoảng 7.000 hộ sản xuất nông - lâm nghiệp theo mô hình trang trại gia đình, chiếm  khỏang 7,4% tổng số hộ nông lâm nghiệp. Có khoảng 500 đảng viên là chủ trang trại, chiếm 7,1% tổng số trang trại. Các trang trại góp phần chuyển nhanh nền kinh tế sang sản xuất hàng hóa, tạo điều kiện cho công nghiệp và dịch vụ phát triển, chuyển cơ cấu kinh tế ngành và lãnh thổ theo hướng khai thác có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nông dân.

Cùng với việc phát huy các thành phần kinh tế trong tỉnh, Lâm Đồng đã thu hút vốn nước ngoài khoảng 140 triệu USD, tham gia 2% vào GDP của tỉnh, đóng góp vào ngân sách khoảng 2% trong tổng thu ngân sách trên địa bàn.

*

Quá trình 25 năm kể từ ngày giải phóng, nền kinh tế - xã hội Lâm Đồng có những bước phát triển thăng trầm, nhưng nhìn chung đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và quan trọng, tạo xu hướng phát triển phù hợp với quy luật khách quan của thời kỳ quá độ lên CNXH.

Đạt được những thành tựu trên là do Đảng bộ Lâm Đồng biết đổi mới tư duy chiến lược trong lãnh đạo và chỉ đạo, đã tổ chức có hiệu quả một nền kinh tế hàng hóa đa dạng với nhiều thành phần, hoạt động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN. Trên cơ sở đó đã phát huy cao độ nội lực của tỉnh về lao động, đất đai, vốn, tri thức, kết hợp với thu hút sức sản xuất từ bên ngoài. Thể hiện rõ nét nhất là trong việc xác định đúng phương hướng sản xuất nông - công nghiệp và dịch vụ. Đó là con đường phát triển nền kinh tế lấy nông nghiệp làm mặt trận hàng đầu, ưu tiên đầu tư cho các ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch, cây công nghiệp dài ngày; gắn phát triển kinh tế ngành với kinh tế lãnh thổ, sản xuất với phân phối lưu thông, phát triển kinh tế với ổn định xã hội, từng bước xây dựng nông thôn mới trên cơ sở phân bổ lại lao động, đất đai, xây dựng các vùng kinh tế mới cũng như tổ chức định canh định cư vùng đồng bào dân tộc gốc địa phương.

Nhìn lại chặng đường đã qua, nhân dân Lâm Đồng có thể tự hào đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và tự tin vững bước vào thế kỷ 21 cùng cả nước đi lên công nghiệp, hóa hiện đại hóa.

BAN KINH TẾ TỈNH UỶ LÂM ĐỒNG

Nội dung chính

Mục lục

Sở khoa học - công nghệ & môi trường