Nội dung chính

Mục lục

Sở khoa học - công nghệ  môi trường

Công tác quản lý kỹ thuật (quản lý tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng hàng hóa - TĐC) đã được xác định là một nhiệm vụ chính trong quản lý khoa học kỹ thuật (KHKT). Từ năm 1982, phòng TĐC trực tiếp thực hiện hoạt động quản lý TĐC. Hoạt động TĐC thời gian này chủ yếu phục vụ nền kinh tế tập trung, gồm các công tác quản lý định mức vật tư kỹ thuật, kiểm tra đánh giá chất lượng sản phẩm của cơ sở,  quản lý các phương tiện đo của các ngành lưu thông phân phối, giải quyết các tranh chấp về chất lượng và đo lường, đồng thời giúp các cơ sở nghiên cứu cải tiến công tác quản lý kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Hoạt động TĐC đã góp phần thúc đẩy hoạt động tiêu chuẩn hóa, góp phần đảm bảo việc lưu hành các hàng hóa có đủ chất lượng cần thiết theo quy định.

Từ những năm 1985, cùng với sự đổi mới của đất nước, hoạt động TĐC cũng hướng vào việc quản lý nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Ngày 16/6/1987, Chi cục TĐC Lâm Đồng chính thức được thành lập. Với 12 người và số thiết bị kỹ thuật cũ rất hạn chế, Chi cục đồng thời xây dựng tổ chức và triển khai ngay nhiệm vụ quản lý TĐC một cách khá toàn diện. Các hoạt động quản lý đăng ký chất lượng, thanh kiểm tra là một trong các nội dung chủ yếu lúc này. Thời gian này biên chế Chi cục là nhiều nhất tới 25 người, bộ máy tổ chức gồm các phòng chức năng và cả trạm TĐC khu vực (đặt tại Đạ Tẻh và Bảo Lộc).

Sau 10 năm đổi mới, nhất là trong 5 năm (1991-1995) sau Đại hội lần thứ VII của Đảng, nền kinh tế nước ta đã đạt các thành tựu nổi bật, đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng và chuyển sang thời kỳ mới - thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hoạt động TĐC cũng đã có nhiều biến đổi chuyển từ cơ chế mệnh lệnh áp đặt sang cơ chế khuyến khích, định hướng. Một mặt đề cao quyền tự chủ, trách nhiệm của nhà sản xuất kinh doanh, mặt khác tăng cường sự quản lý của nhà nước, tạo sự bình đẳng trong quyền lợi và trách nhiệm trong các thành phần kinh tế. Sự đổi mới hoạt động TĐC nhằm vào mục tiêu đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và toàn xã hội, đẩy nhanh quá trình hội nhập, tăng cường khả năng cạnh tranh, trong điều kiện khu vực hóa và toàn cầu hóa đang diễn ra nhanh chóng.

I. TIÊU CHUẨN HÓA VÀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG

Việc tuyên truyền phổ biến hướng dẫn để áp dụng các tiêu chuẩn là một nội dung quan trọng với hoạt động tiêu chuẩn hóa ở địa phương. Chi cục xây dựng tủ tiêu chuẩn, gồm hàng ngàn tài liệu tiêu chuẩn các loại, có các danh mục tiêu chuẩn được thường xuyên cập nhật. Việc phổ biến áp dụng được chú ý nhiều,  hiện có khoảng trên 100 tiêu chuẩn chính được áp dụng tại địa phương. Chi cục cũng đã xây dựng 25 quy định tạm thời và 12 tiêu chuẩn địa phương (47 tiêu chuẩn vùng) dùng cho các sản phẩm đặc thù của địa phương; hướng dẫn các cơ sở xây dựng tiêu chuẩn cơ sở đối với sản phẩm như rượu trái cây đặc sản, hoá chất dùng cho ngành tằm tơ, dầu bóng...

Quản lý đăng ký chất lượng (ĐKCL) là một biện pháp quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa có hiệu quả trong thời kỳ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Trong thời kỳ này cung cầu rất chênh lệnh, có nhiều cơ sở sản xuất vừa, nhỏ, điều kiện kỹ thuật và quản lý hạn chế, việc nhà nước can thiệp để duy trì mức chất lượng đảm bảo an toàn và quyền lợi người tiêu dùng và xã hội là rất cần thiết. Các hồ sơ đăng ký chất lượng như là cam kết của cơ sở sản xuất, là cơ sở để thực hiện sự giám sát của nhà nước, cũng như để xử lý các tranh chấp về chất lượng. Các sản phẩm quản lý chủ yếu là các sản phẩm thực phẩm chế biến, vật liệu xây dựng, hóa chất, phân bón, thức ăn gia súc... Cùng mức độ phát triển sản xuất trong tỉnh, số hồ sơ quản lý tăng dần, cao nhất là năm 1995 có tới 567 hồ sơ. Từ sau khi thực hiện Nghị định 86/CP (1997), công tác quản lý trực tiếp thông qua ĐKCL có giảm. Thực tế biện pháp ĐKCL ít thúc đẩy được việc nâng cao chất lượng. Các mức chất lượng đăng ký hầu như chỉ ở mức tối thiểu, ít có các mức chất lượng cao. Tuy nhiên nhờ có các hoạt động tích cực trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quản lý chất lượng các sản phẩm chính của địa phương như chè, cà phê được nâng cao, các sản phẩm chế biến từ nông sản khác cơ bản đạt các mức của tiêu chuẩn Việt Nam và đáp ứng được một phần yêu cầu khách hàng.

Từ năm 1995 trở về trước, Chi cục đã thực hiện các hoạt động thanh kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm phục vụ tốt công tác quản lý và giúp cơ sở thấy được tình trạng chất lượng để tự có hướng xử lý phù hợp. Sau này nhiệm vụ thanh tra TĐC được chuyển về thanh tra Sở KHCN & MT. Tuy vẫn tiếp tục hỗ trợ cho công tác quản lý TĐC nhưng việc đáp ứng cho quản lý chưa kịp thời, mặc dù đã có sự cố gắng phối hợp. Tổng số các lượt cơ sở đã được thanh tra tới trên 2.600, phát hiện các vi phạm chiếm 23%, thu phạt trên 80 triệu đồng. Tỷ lệ không đạt mức ĐKCL trên 50% vào năm 1992 đã giảm còn khoảng 30% vào năm 1996. Mặc dù chưa thật đầy đủ, song ta cũng có thể thấy chất lượng nói chung được tăng lên, tuy chưa nhiều. Điều này cũng phản ánh đúng thực trạng trình độ sản xuất kém, công nghệ lạc hậu, chưa có các hoạt động quản lý đảm bảo và nâng cao chất lượng phù hợp. Hoạt động thanh tra cũng đã góp phần ngăn chặn sự gian dối về chất lượng, ghi nhãn tùy tiện... cũng như đã giải quyết được các khiếu nại của người tiêu dùng, các tranh chấp về chất lượng, bảo vệ người sản xuất chân chính.

Phù hợp với mức độ phát triển và mở cửa của nền kinh tế, các hình thức quản lý chất lượng khác, phù hợp với thông lệ thương mại quốc tế, dần được triển khai áp dụng. Các hoạt động như: nhà sản xuất tự công bố sự phù hợp tiêu chuẩn, chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn cho sản phẩm, cho tổ chức (theo các mô hình hệ thống quản lý chất lượng)... mới được phổ biến và triển khai bước đầu.

II. QUẢN LÝ ĐO LƯỜNG

Chi cục đã có nhiều cố gắng để đảm bảo việc quản lý trong lĩnh vực đo. Đến nay đã có khả năng kiểm định: cân thông dụng, cân lớn đến 30 tấn, cân phân tích và cân kỹ thuật, dụng cụ đo dung tích thông dụng, máy đong, đồng hồ đo áp suất, huyết áp kế, công tơ điện một pha. Chi cục cũng có cán bộ cùng Công ty cấp nước thực hiện kiểm đồng hồ nước xuất xưởng.

Tuy nhiên, số lượng phương tiện đo được quản lý so với số phương tiện đo thực tế sử dụng vẫn còn rất khiêm tốn (khoảng 70-75%), trừ một số loại dùng trong giao dịch có giá trị lớn như cột đong xăng dầu, cân vàng, cân chìm được kiểm định 100%. Từ năm 1995, công tác quản lý đo lường bắt đầu có chuyển biến tích cực hơn. Việc rà soát phương tiện đo đang sử dụng được tiến hành thường xuyên, cùng với việc ứng dụng máy tính vào việc theo dõi tình trạng sử dụng và kiểm định đã giúp việc quản lý chặt chẽ hơn. Ngoài các cơ sở sản xuất kinh doanh lớn, các đối tượng khác như chợ và các cơ sở dịch vụ đang được đưa dần vào kế hoạch kiểm định thường xuyên. Mô hình phối hợp quản lý đo lường với Ban quản lý chợ đang được triển khai ở các chợ huyện. Các đơn vị có sử dụng nhiều phương tiện đo như Công ty vật tư, Bưu điện đã có các văn bản phối hợp quản lý.

Chi cục đã tổ chức hàng chục đợt tập huấn văn bản pháp lý về đo lường, kiến thức cơ bản về chuẩn và kiểu phương tiện đo thông dụng, các quy trình kiểm định, cho các đơn vị cơ sở trong tỉnh. Qua đó giúp các đơn vị quản lý phương tiện đo đúng quy định cuả nhà nước và sử dụng tốt hơn trong hoạt động của mình.

Chi cục cũng góp phần giải quyết việc ủy quyền kiểm định  cho Công ty cấp nước (về đồng hồ nước) và Điện lực Lâm Đồng (về công tơ điện), tạo điều kiện cho các cơ quan phục vụ tốt cho hoạt động kinh doanh của mình và chấp hành đúng các quy định của nhà nước.

Các điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật tuy còn hạn chế, song Chi cục cũng thực hiện đầy đủ việc hiệu chuẩn và nối với hệ thống chuẩn quốc gia theo đúng quy định; nhà xưởng, điều kiện làm việc được chú ý để bảo đảm tính chính xác của công tác hiệu chuẩn và của các chuẩn đang giữ. Trong quá trình thực hiện kiểm định, đã thực hiện hỗ trợ cơ sở bảo trì hiệu chỉnh phương tiện đo, nhờ đó việc sử dụng phương tiện đo sai số quá yêu cầu kỹ thuật đã giảm bớt đáng kể. Hoạt động kiểm định đang hoàn thiện dần, để vừa đáp ứng được yêu cầu chính xác, kịp thời trong quản lý, vừa đảm bảo tính hiệu quả trong đầu tư tài chính cho hoạt động này.

Số phương tiện được kiểm định ngày càng tăng, từ vài trăm phương tiện vào trước năm 1991, đến nay lên đến 3.000 phương tiện/năm. Tổng số lượt phương tiện đã thực hiện kiểm định đến nay tới khoảng 14.000.

Tuy kết quả làm được chưa phải là nhiều, song trong điều kiện tỉnh ta, một tỉnh miền núi, điều kiện đi lại khó khăn, nhân lực và phương tiện vận chuyển phục vụ cho công tác hạn chế, thì đây cũng có thể coi là một sự cố gắng đáng kể của các cán bộ kỹ thuật viên. Việc kiểm định đo lường không chỉ đáp ứng tốt các yêu cầu của công tác quản lý, mà còn hỗ trợ được hoạt động cho các cơ sở, ví dụ như năm 1993 khi thực hiện kiểm tra cho Công ty xuất khẩu Đà Lạt trong tổng số 42.141,1kg len giao nhận đã phát hiện sai lệch 1.007,6kg, và đã được bồi thường; năm 1989 nhờ việc kiểm tra độ dài của xa quay tơ mà phát hiện sai lệnh của Công ty dâu tằm tơ khi thu mua của dân tại xã Quảng Lập (huyện Đơn Dương), sau đó Công ty đã bồi thường bằng việc xây dựng một trường phổ thông...

Công tác thanh kiểm tra về đo lường được tổ chức thường xuyên, đặc biệt từ khi Pháp lệnh Đo lường có hiệu lực và đã tác động tích cực việc chấp hành các quy định, giảm đáng kể số phương tiện đo vi phạm quy định về đo lường. Ví dụ như năm 1992 có 84% phương tiện đo được thanh kiểm tra là vi phạm, năm 1993 là 27% và đến 1996 là 4%.

III. HOẠT ĐỘNG THỬ NGHIỆM

Ngay từ những ngày đầu mới hoạt động, công tác kiểm nghiệm đã được chú ý để đảm bảo có các kết quả kỹ thuật phục vụ kịp thời công tác quản lý. Phòng kiểm nghiệm đã được chú ý đầu tư nâng cấp và bổ sung các trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý. Điều kiện mặt bằng nhà xưởng cũng được quan tâm để bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật của phép kiểm. Song vì kinh phí thực tế đầu tư cho trang thiết bị kỹ thuật còn hạn chế, nên phòng kiểm cũng chỉ đáp ứng các yêu cầu kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng chính của các sản phẩm đang quản lý.

Hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ đã được chú ý. Từ công tác đào tạo qua các lớp tập huấn của ngành, học tập theo yêu cầu với sự hỗ trợ của Trung tâm kỹ thuật khu vực III, cho đến việc nghiên cứu tự đào tạo tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề, đảm bảo độ tin cậy của các kết quả đã được tiến hành một cách thường xuyên.

Các cán bộ kiểm nghiệm đã tích cực nghiên cứu phát huy tốt các trang bị kỹ thuật hiện có, sáng kiến tìm tòi lắp đặt một số thiết bị phụ trợ tăng cường hiệu quả công việc, tạo môi trường làm việc tốt hơn như bộ phá mẫu cho phân tích đạm, bộ thu hồi ê-te; nghiên cứu vận dụng phương pháp phân tích thích hợp với điều kiện thiết bị hiện có để đáp ứng được các yêu cầu quản lý như phân tích phân bón, độc tố trong cồn rượu và các thực phẩm... Nhờ vậy hoạt động kiểm nghiệm ngày càng được mở rộng, số lượng chủng loại mẫu kiểm, cũng như tính chính xác ổn định của kết quả được nâng lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý và hỗ trợ được các cơ sở sản xuất. Từ những ngày đầu thành lập Chi cục chỉ kiểm nghiệm được 27 loại sản phẩm,  đến nay năng lực kiểm nghiệm đã đáp ứng yêu cầu quản lý ngày càng tăng với trên 40 chủng loại sản phẩm; số mẫu kiểm tăng từ khoảng 200 mẫu (1987) tới 496 mẫu (1998).

Các hoạt động quản lý phòng thử nghiệm cũng dần được chuẩn hóa theo các yêu cầu của TCVN. Hệ thống các qui định, thủ tục được xây dựng và áp dụng dần vào nề nếp. Các hoạt động thử nghiệm liên phòng trong những năm gần đây được quan tâm hơn. Kết quả thử nghiệm liên phòng cho thấy độ tin cậy của  các kết quả kiểm là chấp nhận được.

Do sự phát triển đa dạng của các ngành nghề sản xuất, điều kiện tài chính có hạn và tính hiệu quả khi đầu tư trang thiết bị cho hoạt động kỹ thuật, Chi cục không thể đáp ứng hết các yêu cầu kiểm nghiệm nên sự phối hợp với các phòng thử tại địa phương và Trung tâm kỹ thuật TĐC khu vực III là không thể thiếu được và cần được phát triển.

NGUYỄN MINH TÂM  
Chi cục TC-ĐL-CL Lâm Đồng

Nội dung chính

Mục lục

Sở khoa học - công nghệ  môi trường