Nội dung chính

Mục lục

Sở khoa học - công nghệ & môi trường

Thời gian gần đây, khi nói đến Lâm Đồng, nhân dân cả nước nói chung, giới khoa học xã hội và nhân văn nói riêng, không chỉ hiểu đó là một tỉnh nằm ở Nam Tây Nguyên, có thành phố Đà Lạt thơ mộng - một trung tâm du lịch nghỉ dưỡng của cả nước, có cao nguyên Lâm Viên, cao nguyên Di Linh phì nhiêu, có rừng cấm Cát Tiên - nơi có loài tê giác Java một sừng vô cùng quý hiếm, là quê hương của chè, cà phê, dâu tằm tơ và quặng bôxít... mà đó còn là một trong những vùng đất tụ cư lâu đời của các cư dân cổ đại, là một vùng tiềm ẩn nhiều điều lý thú về khảo cổ học. Có được cái nhìn và sự hiểu biết đó là có hoạt động điều tra, nghiên cứu, sưu tầm và khai quật khảo cổ học ở Lâm Đồng trong thời gian qua được tiến hành thường xuyên, rộng khắp và đã thu được những kết quả đáng tự hào.

Ngay từ năm 1983, Bảo tàng Lâm Đồng đã phối hợp với Ban khảo cổ thuộc Viện khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành khai quật khảo cổ tại khu mộ cổ Đại Làng thuộc hai xã Lộc Tân và Lộc Tiến (huyện Bảo Lộc) trên diện tích hơn 500 m2 với hơn 10.000 tiêu bản, thu được từ 18 ngôi mộ tại 10 gò các công cụ lao động như xà gạt, lưỡi giáo..., đồ dùng gia đình như chóe, nồi, tô, bát bằng sành, gốm sứ và đồ trang sức bằng đồng, đá, ốc, hạt cườm... cho thấy đây là khu mộ cổ của cư dân bản địa có đời sống kinh tế khá phát triển. Niên đại của khu di chỉ này vào khoảng thế kỷ XV-XVIII. Chủ nhân của nó có thể là tổ tiên của người Mạ.

Sau đó, do khó khăn về điều kiện kinh phí nên hoạt động khảo cổ bị chững lại trong thời gian hơn 10 năm. Cho tới đầu năm 1994 mới tiến hành khai quật khảo cổ tại khu mộ cổ thôn Đại Lào (xã Lộc Châu, huyện Bảo Lộc). Trong 3 hố khai quật với 6 ngôi mộ, đoàn khai quật đã tìm được hàng ngàn tiêu bản gốm sứ có nguồn gốc Chămpa, Trung Quốc, Việt Nam; các công cụ lao động như xà bách, xà gạt, lao; các bao tay bằng đồng... Về niên đại, khu mộ này được nhận định là có sự chồng lấn về thời gian, tức là có ngôi mộ chôn trước, sau đó lại có sự chôn chồng lên trên hoặc ngay bên cạnh. Do vậy niên đại khu một này có thể kéo dài từ thế kỷ XVI-XIX.

Cuối năm 1994, đầu năm 1995, sau 10 năm bị lãng quên kể từ khi được phát hiện (1985), khu di chỉ Cát Tiên mới được đánh thức bởi cuộc khai quật khảo cổ học lần đầu tiên tại gò 2a và gò số 4 do Bảo tàng Lâm Đồng phối hợp với Viện khảo cổ học Việt Nam tiến hành. Sau đó, liên tiếp trong các năm 1996, 1997, 1998, đã tiến hành tiếp 3 cuộc khai quật khảo cổ tại gò 1a, 2b và số 5. Qua 4 đợt khai quật, khu di chỉ khảo cổ học Cát Tiên đã dần dần được khám phá với những điều bí ẩn khá tiêu biểu. Khu di chỉ này chia thành 7 cụm với 12 gò, trải dài trên hơn 2 km, có diện tích khoảng 24 ha thuộc thôn 1 và thôn 2 xã Quảng Ngãi (huyện Cát Tiên). Di tích ở các gò này là các phế tích đền tháp và mộ tháp được xây dựng bằng gạch nung và đá. Có những chi tiết được chạm khắc khá tinh vi, sắc sảo. Trong lòng các đền tháp, mộ tháp có những vật thờ, vật tùy táng bằng đá quý và kim loại màu vàng dát mỏng có khắc miết hoặc dập nổi các hình ảnh thể hiện những tích truyện của đạo Bà La Môn giáo. ở hầu hết các di tích đều tìm thấy bộ ngẫu tượng Linga-Yoni bằng đá (kể cả đá quý) là vật thờ linh thiêng của đạo Bà La Môn giáo.

Từ kết cấu kiến trúc, chủng loại di vật thờ cúng, kỹ thuật chế tác các vật thờ ... bước đầu các nhà chuyên môn nhận định khu di chỉ này chịu ảnh hưởng rất sâu sắc của đạo Bà La Môn giáo. Niên đại của nó có thể vào khoảng thế kỷ IX-XII. Chủ nhân của khu di chỉ có thể là hậu duệ của một dòng tộc thuộc Vương quốc Phù Nam sau khi tan rã phiêu bạt tới hoặc cũng có thể là tổ tiên của người Mạ - một cư dân bản địa hiện vẫn còn sinh sống ở các vùng lân cận.

Với tính đặc thù và giá trị nhiều mặt của khu di chỉ này, ngày 27.9.1997 Bộ Văn hóa - thông tin đã cấp bằng công nhận khu di chỉ Cát Tiên là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Cuối năm 1995 đã tiến hành khai quật khảo cổ học khu mộ cổ tại thôn 5 (xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà) với diện tích 224 m2. Hiện vật thu được tại khu di chỉ này cũng gồm các công cụ lao động như xà gạt, xà bách, lao, kiếm; các đồ gia dụng như nồi, tô, bát bằng đất nung, gốm sứ có nguồn gốc từ Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam; các đồ trang sức như vòng đồng, hạt cườm, đá thạch anh... Niên đại của di chỉ này có thể vào thế kỷ XVIII. Chủ nhân chủa nó có thể là người Mạ.

Tháng 11.1998, Bảo tàng Lâm Đồng lại phối hợp với Viện khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật khu di chỉ tại xã Phù Mỹ (huyện Cát Tiên). Có thể nói, đây là khu di chỉ cổ xưa nhất được biết tới trên đất Lâm Đồng cho tới thời điểm này. Trên diện tích 93m2 khai quật, đoàn đã thu được hàng vạn mảnh gốm, hơn 100 bàn xoa gốm và nhiều dọi xe chỉ, bàn mài, đặc biệt đã phát hiện được 8 khuôn đúc đồng bằng đá cát. Bước đầu các nhà khảo cổ học nhận định đây là một di chỉ cư trú thuộc thời đại kim khí có niên đại cách đây khoảng 3.000-2.500 năm. Cư dân ở đây là cư dân nông nghiệp biết trồng lúa, dệt vải, làm gốm và đúc đồng giỏi. Qua so sánh những hiện vật thu được, các nhà khảo cổ học nhận định di chỉ Phù Mỹ có quan hệ chặt chẽ với các di chỉ cùng thời như Dốc Chùa, Tân Uyên (Sông Bé) nằm dọc theo sông Đồng Nai. Thậm chí còn có sự giao lưu văn hóa với các di chỉ khảo cổ ở vùng ven biển Nam Bộ, ở Campuchia và Đông Bắc Thái Lan.

Cũng cuối năm 1998, đầu năm 1999, Bảo tàng Lâm Đồng còn phối hợp với Trung tâm khảo cổ học thuộc Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành khai quật 2 khu di chỉ tại xã Pró (huyện Đơn Dương). Tại đây đã tìm thấy phế tích của những đền thờ tồn tại có thể từ thế kỷ XII-XIV được xây dựng bằng gạch nung và có những chi tiết được tạo dáng khá công phu, sắc sảo. Riêng chủ nhân của khu di chỉ này hiện còn là điều bí ẩn. Phải chăng là tổ tiên của người Chămpa hoặc kết hợp giữa người Chămpa và người Churu?

Ngoài công tác khai quật khảo cổ học, thời gian qua, Bảo tàng Lâm Đồng còn phối hợp với Viện khảo cổ học Việt Nam và Trung tâm khảo cổ học thuộc Viện khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành nhiều cuộc điền dã, điều tra khảo cổ học tại hầu hết các huyện trong tỉnh và đã thu được khá nhiều thông tin, cứ liệu có giá trị. Có thể nói, ở tất cả các huyện ở Lâm Đồng đều có dấu vết cư trú của các cư dân cổ đại. Từ Lạc Xuân, Ka Đô (Đơn Dương), đến Phú Sơn (Lâm Hà), kéo dài qua Di Linh, Bảo Lộc, Bảo Lâm xuống đến Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, ở đâu cũng có thể tìm thấy rìu đá, mộ táng, các đồ gia dụng bằng gốm sứ cổ v.v...

Đồng thời công tác sưu tầm hiện vật khảo cổ thời gian qua cũng thu được kết quả khả quan. Nhiều rìu đá, nhiều đồ đồng, gốm sứ cổ đã được sưu tầm, bổ sung làm phong phú thêm cho kho hiện vật của Bảo tàng Lâm Đồng. Nhưng tiêu biểu nhất có lẽ là việc sưu tầm phát hiện ra hai bộ đàn đá ở B?lao (1979) và Đinh Lạc (Di Linh) (1997).

Bên cạnh đó, Bảo tàng Lâm Đồng còn phối hợp với các chuyên gia khảo cổ học của Nhật Bản và Australia để nghiên cứu các hiện vật gốm sứ sưu tầm khai quật được. Điều lý thú qua công tác nghiên cứu là ngoài các hiện vật gốm sứ có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái lan, Việt Nam, còn có cả gốm sứ Hê-gen (Hégel) xuất xứ từ Nhật Bản đã có mặt tại Lâm Đồng từ cách đây 3-4 thế kỷ.

Như vậy, có thể nói, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sự hỗ trợ giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong tỉnh và sự phối kết hợp chặt chẽ của các cơ quan chuyên ngành khảo cổ học ở Trung ương, thời gian qua ngành văn hóa - thông tin Lâm Đồng đã có sự quan tâm thường xuyên, đúng mức tới hoạt động khảo cổ học tại địa phương và đã thu được nhiều thành tựu khả quan. Từ chỗ là một vùng trắng về khảo cổ học, đến nay đã từng bước phục dựng được bức tranh quá khứ của địa bàn tỉnh Lâm đồng từ thời tiền sử, sơ sử đến thời kỳ cận hiện đại. Điều đó giúp các nhà chuyên môn bước đầu có cơ sở để nhận định rằng: Từ ngàn xưa, trên hầu hết các địa phương thuộc tỉnh Lâm Đồng ngày nay, nhất là bên các dòng sông, dòng suối lớn đã có các cư dân sinh sống. Ngoài nghề trồng trọt, săn bắn muông thú, họ còn biết đúc đồng, biết làm đồ gốm thô, làm đồ mỹ nghệ và có sự giao thương rộng rãi với các cư dân và quốc gia lân cận. Cá biệt có vùng phát triển cực thịnh như vùng dọc sông Đồng Nai thuộc huyện Cát Tiên ngày nay. Có 2 giả thuyết về chủ nhân của các vùng đất này: có thể là người bản địa mà ngày nay vẫn còn tồn tại như Mạ, K'Ho và Churu hoặc cũng có thể là người ở các vùng khác phiêu bạt tới như người Chămpa hoặc hậu duệ của cư dân thuộc vương quốc Phù Nam...

Điều đó giúp chúng ta thêm trân trọng, tự hào về quá khứ và vững tin ở tương lai phát triển của quê hương Lâm Đồng.

Trên đây là những mặt làm được của hoạt động khảo cổ học tại Lâm Đồng thời gian vừa qua. Bên cạnh đó còn có những tồn tại, khiếm khuyết cần khắc phục.

Nổi bật nhất là việc bảo vệ, tu bổ tôn tạo các di chỉ khảo cổ học hầu như chưa làm được bao nhiều. Tất cả các di chỉ khảo cổ học đều bị xuống cấp trầm trọng. Tuy có nhiều khu di chỉ và có những khu rất có giá trị nhưng đến nay chưa có một di chỉ nào được tu bổ tôn tạo nghiêm chỉnh để đưa vào khai thác sử dụng, phát huy tác dụng thông qua việc tham quan, nghiên cứu, du lịch.

Kế đó là đội ngũ cán bộ làm công tác khảo cổ còn rất hạn chế về kiến thức chuyên môn. Vì vậy tất cả các đợt khai quật khảo cổ học đều phải phối hợp với các cơ quan chuyên môn khảo cổ học ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Điều đó dẫn tới sự tốn kém về kinh phí và rất bị động, nếu không muốn nói là bị lệ thuộc.

Từ hai khiếm khuyết trên đặt ra vấn đề là UBND tỉnh cần nghiên cứu và có sự đầu tư tập trung, đầu tư cần thiết nhằm tiến hành tu bổ tôn tạo một vài khu di chỉ, trước hết là khu di chỉ khảo cổ học Cát Tiên để sớm đưa vào khai thác phục vụ công tác tham quan nghiên cứu và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đồng thời tạo điều kiện cho ngành văn hóa - thông tin bồi dưỡng hoặc tuyển dụng những cán bộ có trình độ chuyên môn về khảo cổ học để giúp chủ động trong việc nghiên cứu khai quật khảo cổ học. Đó cũng là điều mong muốn và kiến nghị mà ngành văn hóa - thông tin muốn gửi tới các cơ quan có thẩm quyền.

Hy vọng rằng, trong thời gian tới, hoạt động khảo cổ học tại Lâm Đồng sẽ thu được nhiều thành tựu hơn nữa.

VŨ NHẤT NGUYÊN  
Sở văn hóa - thông tin Lâm Đồng 

Nội dung chính

Mục lục

Sở khoa học - công nghệ & môi trường