Nội dung chính

Mục lục

Sở khoa học - công nghệ & môi trường

Phối hợp thời gian sinh trưởng ngắn (90-100 ngày), tiềm năng năng suất, giá trị dinh dưỡng và giá tiêu thụ cao, khoai tây là cây trồng có giá trị kinh tế và thực phẩm thuộc loại cao nhất trong các cây lương thực, thực phẩm. Khoai tây còn có tiềm năng lớn trong cơ cấu cây trồng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong tương lai.

BẢNG1: CHÍN CÂY LƯƠNG THỰC, THỰC PHẨM CÓ GIÁ TRỊ SẢN XUẤT CAO NHẤT/ha/ngày
TẠI CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN

Cây trồng

Thời gian sinh trưởng (ngày)

Năng suất chất khô (kg/ha/ngày)

Năng lượng
dễ hấp thu (1000kCal/ha/ngày)

Protein
dễ hấp thu (kg/ha/ngày)

Giá trị sản xuất (USD/ha/ngày)

Cải bắp

100

12

29

1,6

27,50

Cà chua

125

8

25

1,3

25,30

Khoai tây

100

18

54

1,5

12,60

Khoai mỡ

180

14

47

1,0

8,80

Khoai lang

180

22

70

1,0

6,70

Lúa gạo

145

18

49

0,9

3,40

Lạc vỏ

115

8

36

1,7

2,60

Lúa mì

115

14

40

1,6

2,30

Sắn

272

13

27

0,1

2,20

  (Nguồn: FAO, Production Year Book 1984)

Với khí hậu mát lạnh quanh năm, khu vực Đà Lạt và vùng ven (Đơn Dương, Đức Trọng) có điều kiện đặc biệt thuận lợi trồng khai tây hầu như quanh năm. Trong khi 98% diện tích trồng khoai tây ở nước ta tập trung ở đồng bằng sông Hồng, chỉ trong vụ Đông (3 tháng), và không địa phương nào khác trồng được khoai tây, thì đây là tiềm năng đáng kể của Lâm Đồng không những về sản xuất khoai tây thực phẩm mà còn là tiềm năng quan trọng về sản xuất cung cấp giống khoai tây cho phía Bắc.

MỘT SỐ TIẾN BỘ KỸ THUẬT ĐƯỢC NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN VÀ ÁP DỤNG TRONG THỜI GIAN QUA

1. Giống mới

Trước 1975, sản xuất khoai tây tập trung chủ yếu tại Đà Lạt với nguồn giống nhập chủ yếu từ Tây Âu (Hà Lan, Pháp). Các giống chủ yếu trong sản xuất là Greta, Cosima, Desiree, Patrones và Cardinal. Những năm sau giải phóng, do nguồn nhập gián đoạn và giống cũ thoái hóa, năng suất, diện tích và sản lượng khoai tây giảm mạnh. Năm 1977-1980, Trung tâm nghiên cứu cây thực phẩm (NC CTP) Đà Lạt đã tiến hành khảo nghiệm và đưa vào sản xuất các giống mới VĐ1, VĐ2. Trên cơ sở hợp tác với Trung tâm khoai tây quốc tế (CIP), năm 1981-1984, các giống CFK-69.1 (06), Atzimba (012), B-71-240.2 (04) và P-3 đã được phổ biến rộng rãi nhờ khả năng kháng bệnh mốc sương và thích ứng tốt với điều kiện núi cao nhiệt đới. Năm 1987-1990, từ bộ giống nhập từ CIP, giống Utatlan (07) được tiếp tục phổ biến rộng rãi nhờ tiềm năng năng suất cao và hình thức phù hợp với thị hiếu tiêu dùng.

Ngày nay, các giống 07 và 06 là các giống được trồng rộng rãi nhất trên địa bàn vùng rau thành phố Đà Lạt và các huyện Đơn Dương, Đức Trọng. Tuy nhiên, các giống này còn một số hạn chế cơ bản:

- Khả năng kháng mốc sương chỉ ở mức độ trung bình và mẫn cảm với héo xanh do vi khuẩn;

- Không chống chịu ruồi đục lá;

- Chất lượng còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thị hiếu tiêu thụ cao cấp, chế biến và xuất khẩu.

Để khắc phục các nhược điểm này, Trung tâm NC CTP Đà Lạt đã và đang tiến hành các đề tài tạo giống khoai tây kháng ruồi đục lá, kháng mốc sương, héo xanh và giống chất lượng cao cho chế biến công nghiệp và xuất khẩu. TK-97-1, TK-97.2 kết hợp khả năng kháng mốc sương, kháng ruồi và héo xanh vi khuẩn là các giống có nhiều triển vọng đang được nhân nhanh để phóng thích vào sản xuất. Các giống TK-98.1, TK-98.2 là các giống có tiềm năng năng suất, thời gian sinh trưởng ngắn và chất lượng cao phù hợp với chế biến công nghiệp trong tương lai cũng đang được khẳng định và nhân nhanh cho sản xuất.

2. Công nghệ sản xuất giống

ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô vào sản xuất giống khoai tây sạch bệnh là tiến bộ kỹ thuật đặc biệt thành công tại Đà Lạt từ những năm 1980. Với thành công này, các giống mới được nhân và phát triển rộng rãi với một tốc độ đáng kinh ngạc: trong vòng 3 năm, 1980-1983, hầu như toàn bộ diện tích trồng khoai tây của Đà Lạt (400/ha/năm) đã được phủ kín bằng những giống mới nhập nội từ CIP, có khả năng thích ứng và kháng mốc sương tốt. Đây là tiến bộ kỹ thuật mang tính đặc thù nhờ điều kiện khí hậu đặc biệt thuận lợi có thể nhân giống quanh năm với quy mô lớn và sáng kiến xây dựng mô hình pilot nông dân của Viện khoa học Việt Nam. Nhờ thành công này, năng suất khoai tây trung bình tại Đà Lạt đã tăng từ 8-9 tấn/ha trước 1980 lên 14-15 tấn/ha. Ngày nay, sản xuất giống và khoai tây thực phẩm sử dụng cây giống sạch bệnh từ nuôi cấy mô đã là biện pháp kỹ thuật quen thuộc đối với đa số nông dân Đà Lạt.

Trồng khoai tây bằng hạt là công nghệ sản xuất mới được Trung tâm NC CTP Đà Lạt tiến hành nghiên cứu xây dựng từ 1978-1980 tại Đà Lạt và được Viện cây lương thực và cây thực phẩm phát triển rộng rãi tại đồng bằng sông Hồng trong giai đoạn 1980-1986. Năm 1987, công nghệ này đã được Bộ nông nghiệp công nhận và cho phép ứng dụng rộng rãi để đáp ứng nhu cầu bức xúc về giống khoai tây tại các tỉnh phía Bắc. Ngày nay, với các giống khoai tây hạt lai mới, trồng khoai tây bằng hạt là biện pháp công nghệ được áp dụng rộng rãi trên diện tích hàng chục nghìn hecta với các thế hệ cây từ hạt và củ giống đời 1-2 từ hạt. Với đời cây từ hạt, năng suất khoai tây có thể đạt 15-20 tấn/ha, với đời củ giống 1-2 năng suất có thể đạt 25-30 tấn/ha, trong khi với nguồn củ giống cũ đã thoái hóa năng suất chỉ đạt 8-10 tấn/ha.

Lợi điểm quan trọng nhất của dùng hạt làm giống là:

- Giảm chi phí đầu tư về giống và vận chuyển giống: để trồng 01 hecta khoai tây cần 2.000 kg củ giống tốt, trong khi chỉ cần 0,1 kg hạt;

- Hạt là nguồn giống sạch bệnh vì hầu hết các bệnh virus, vi khuẩn không truyền qua hạt;

- Có thể nhanh chóng thay toàn bộ nguồn giống cũ đã thoái hóa bằng nguồn sạch bệnh trên quy mô đại trà trong thời gian ngắn nhất, nâng cao nhanh chóng năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế của nghề trồng khoai tây. Đây có lẽ là ưu thế quan trọng nhất của công nghệ trồng khoai tây bằng hạt trong điều kiện một đất nước nông nghiệp là chính, nông dân còn nghèo và chưa có một hệ thống sản xuất cung cấp giống khoai tây có phẩm cấp.

Sản xuất hạt khoai tây lai F1 cũng là công nghệ mới đặc thù do Trung tâm NC CTP nghiên cứu xây dựng từ 1994-1998 và đã được Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn công nhận là tiến bộ kỹ thuật cấp quốc gia năm 1998. Với quy trình này, có thể sản xuất 200-500 kg hạt lai trong nhà lưới có bổ sung quang chu kỳ (tổ hợp lai THK-94.3) và 150-200 kg (Giống Hồng Hà 7) trong điều kiện đồng ruộng. Thay cho nguồn hạt thụ phấn tự do, từ 1996, Trung tâm đã bắt đầu sản xuất, cung cấp hạt lai của một số tổ hợp lai tạo trong nước và nhập nội của CIP với chất lượng không thua kém hạt nhập khẩu và giá thành thấp hơn 40-50%:

- 1996: 2 kg (TKH-94.2, THK-94.3, THK-94.10)

- 1997: 5 kg (HH2, HH7)

- 1998: 20 kg (HH2, HH7)

- 1999: 60 kg (HH2, HH7)

Hiện nay, Trung tâm tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất siêu hạt (superseed) khoai tây, đáp ứng nhu  cầu sản xuất khoai tây thực phẩm trực tiếp từ hạt giống.

BẢNG 2: NĂNG SUẤT HẠT THL HỒNG HÀ 7 VÀ NĂNG SUẤT CỦ DÒNG MẸ VỤ HÈ VÀ THU ĐÔNG - XUÂN 1998, TRỒNG TRÊN CÁC NỀN PHÂN ĐẠM VÀ MẬT ĐỘ TRỒNG KHÁC NHAU

Nịn phân đạm/mt đ trng

Năng suất hạt lai (kg/ha)

Năng suất củ dòng mẹ (tấn/ha)

Vụ hè

Vụ thu - đông

Vụ hè

Vụ thu - đông

150 kg N/ha        M1

112,5 d

88,46 a

20,38 bc

13,91 c

                            M2

166,2 b

74,75 b

27,11 ab

25,31 a

250 kg N/ha        M1

137,7 c

92,25 a

22,86 ab

15,85 b

                            M2

185,1 a

78,70 b

28,63 a

23,71 a

350 kg N/ha        M1

115,3 b

-

20,62 bc

-

                            M2

137,8 c

-

25,43 ab

-

CV (%)

6,83

4,34

13,91

13,83

                    Prob. N

**

*

ns

*

                             M

**

***

*

**

                      N x M

*

ns

ns

ns

  Chú thích: Khoảng cách trồng: M1 = 50 X 25 CM, M2 = 50 X 35 CM

Sản xuất củ giống mini sạch bệnh (Go, Pre-basic seed) là tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống khoai tây ở Việt Nam. Hợp tác với CIP, từ 1991, Trung tâm NC CTP Đà Lạt đã tiến hành nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất củ giống mini sạch bệnh. Nhờ điều kiện khí hậu mát lạnh, có thể ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô nhân nhanh giống sạch bệnh quanh năm, công nghệ này cho phép sản xuất khối lượng lớn củ giống mini sạch bệnh các giống khoai tây chất lượng cao cho một hệ thống sản xuất, cung cấp giống có phẩm cấp ở Việt Nam. Cấp giống gốc này có giá trị cao trên thương trường thế giới - 1 USD/củ. Tuy nhiên, hiện nay, Trung tâm NC CTP Đà Lạt sản xuất cung cấp cho miền Bắc với giá 900-2000 đ/củ để phục vụ sản xuất và xây dựng một hệ thống nhân giống khoai tây. Hiện tại, Trung tâm có phương tiện kỹ thuật đủ sản xuất 100-150 nghìn củ/năm. Dự kiến sẽ đưa quy mô sản xuất lên 800 nghìn - 1 triệu củ/năm khi hình thành hệ thống giống khoai tây ở nước ta.

3. Sản xuất khoai tây an toàn

Sản xuất rau an toàn là một chương trình khoa học - công nghệ quan trọng của Lâm Đồng. Năm 1996, Trung tâm NC CTP Đà Lạt đã phối hợp với Sở khoa học, công nghệ và môi trường Lâm Đồng tiến hành đề tài nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn tại Đà Lạt. Cây khoai tây là một đối tượng nghiên cứu của đề tài này. Kết quả thử nghiệm quy trình sản xuất khoai tây an toàn cho thấy áp dụng đúng các biện pháp bón phân và sử dụng nông dược sẽ có sản phẩm an toàn với dư lượng thuốc trừ sâu bệnh, nitrate và kim loại nặng dưới ngưỡng cho phép. Quy trình này cũng đã được Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn công nhận là tiến bộ kỹ thuật cấp quốc gia và Hội đồng khoa học của tỉnh Lâm Đồng đánh giá cao và cho áp dụng rộng rãi trong sản xuất.

TIỀM NĂNG VÀ TRIỂN VỌNG CẦN ĐẦU TƯ KHAI THÁC

Khả năng trồng khoai tây quanh năm là một ưu thế đặc thù của khí hậu Đà Lạt và vùng ven. Điều kiện khí hậu mát lạnh quanh năm cho phép tiến hành công tác nghiên cứu chọn tạo giống và nhân nhanh giống 2-3 vụ mỗi năm.

Với công tác tạo giống, chu kỳ chọn giống có thể rút ngắn 2 lần so với đồng bằng sông Hồng. Với việc nhân nhanh và sản xuất giống, có thể tiến hành quanh năm để có quy mô lớn với các chi phí thấp hơn, hiệu quả cao hơn. ở đồng bằng sông Hồng, các công tác này chỉ tiến hành được trong 3-4 tháng trong vụ Đông Xuân do điều kiện nhiệt độ cao trong các giai đoạn khác trong năm.

Đặc biệt hơn cả là điều kiện vụ Hè của Đà Lạt rất phù hợp với sản xuất hạt lai khoai tây do khả năng ra hoa kết quả rất tốt của các giống bố mẹ. Đồng bằng sông Hồng không thể sản xuất được hạt lai trong điều kiện đồng ruộng do điều kiện ánh sáng và nhiệt độ không phù hợp cả trong vụ Hè và vụ Đông. Miền núi phía Bắc lại quá lạnh với quang chu kỳ quá ngắn trong vụ Đông, trong khi mưa quá nhiều và sớm trong vụ Xuân - Hè.

Tiềm năng nói trên cho thấy triển vọng đầu tư xây dựng Đà Lạt và vùng ven thành vùng sản xuất khoai tây thực phẩm và khoai tây giống cấp cao của cả nước. Đà Lạt có thể sản xuất đủ hạt khoai tây lai cho nhu cầu sản xuất trong nước, xuất khẩu và sản xuất cung cấp đủ giống gốc sạch bệnh cho một hệ thống giống khoai tây có phẩm cấp phía Bắc. Đà Lạt cũng có đủ điều kiện để sản xuất cung cấp khoai tây thực phẩm quanh năm cho các tỉnh phía Nam và đặc biệt có tiềm năng là vùng nguyên liệu có khả năng cung cấp quanh năm cho xuất khẩu và công nghiệp chế biến thực phẩm từ khoai tây.

Vấn đề còn lại là cần có đầu tư phát triển để có công nghiệp sản xuất giống, sản xuất khoai tây chất lượng cao và công nghiệp chế biến, xuất khẩu, kịp đáp ứng nhu cầu an toàn lương thực và tiêu dùng cao cấp hơn trong tương lai, khi dân số nước ta vượt qua 100 triệu và có thị hiếu tiêu thụ cao cấp hơn.

PHẠM XUÂN TÙNG 
Trung tâm nghiên cứu cây thực phẩm Đà Lạt

Nội dung chính

Mục lục

Sở khoa học - công nghệ & môi trường