Mục lục |
Sở khoa học - công nghệ & môi trường |
Đà
Lạt, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, được xem như là một nhà kính khổng lồ trên cao nguyên Lâm Viên, là một vùng chuyên canh rau hoa quả lâu năm của khu vực phía Nam. Với quy mô canh tác không lớn như những
vùng rau hoa khác nhưng về mặt chất lượng sản phẩm thì ít có địa phương nào trong cả nước có thể so sánh được. Có được điều này một phần là nhờ ở điều kiện tự nhiên ưu đãi với khí hậu thuận lợi. Một phần khác, quan trọng hơn cả, đó là việc tiếp
thu và ứng dụng nhanh chóng những tiến bộ khoa học - công nghệ trên các lĩnh vực nông học, hoá học, công nghệ sinh học... vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Trong
20 năm qua, việc ứng dụng thành công các kết quả của khoa học công
nghệ đã tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp Đà Lạt phát triển khá
ổn định và ngày càng được nâng cao hơn về mặt chất lượng nông
phẩm. Kết quả gặt hái được trong những năm cuối của thập kỷ 1990 đã phản ánh trình độ ứng dụng khoa học - công nghệ vào thực tế sản xuất. Trong đó, công tác giống cây trồng, kỹ thuật bảo vệ thực vật, kỹ thuật canh tác... đối với người sản xuất
đã được nâng lên một bước đáng kể.
Cho
đến những năm đầu của thập kỷ 1980, vùng rau hoa Đà Lạt vẫn còn sử
dụng các giống trồng trọt được sản xuất trong 10 năm trước đó như
giống cải bắp NS-Cross, KK-Cross, cải thảo Nagaoka, khoai tây Cosima,
Tondra, hành tây Grano 502, cà rốt Red Core Chantenay... của các công ty
Nhật, Mỹ, Pháp, Đài Loan... Hầu hết các giống cây trồng này với
đặc điểm là thời gian canh tác kéo dài, chống chịu với sâu bệnh kém?
ngày càng tỏ ra không thích hợp trong điều kiện canh tác mới.
Bước
đột phá trong công tác giống cây trồng là việc ứng dụng kỹ thuật
nuôi cấy mô thực vật vào những năm đầu của thập kỷ 1980. Kỹ thuật
này được áp dụng thành công trên cây khoai tây, dâu tây Đà Lạt và
một số giống hoa khác như hoa lan, glaieul, lys... đã mở ra một hướng
phát triển mới và nhân cấy mô thực vật đã trở thành một kỹ thuật
phổ biến đối với người sản xuất tại Đà Lạt. Hiện nay, các giống
cây trồng ngắn ngày, đăc biệt là các giống hoa mới, hầu như đều
được thực hiện thông qua con đường cấy mô thực vật để phục tráng
và nhân nhanh nguồn giống, đáp ứng kịp thời cho nhu cầu sản xuất của
địa phương.
Bên
cạnh đó, công tác thử nghiệm các giống cây trồng mới với hàng trăm
giống rau trong nhiều năm liên tục đã tạo điều kiện cho việc chọn lọc
được các giống trồng trọt thích nghi với điều kiện canh tác mới. Các
chủng loại giống mới như cải bắp Shogun, Green Coronet, Green Crown, cải
thảo TN35, 304, khoai tây Utatlan, CFK.69.1, sú lơ xanh, pố xôi, các giống
rau mùi như hồi, quế, các giống rau ăn lá cao cấp khác như xà lách
tím, bắp cải tím... với đặc điểm chất lượng cao, thời gian canh tác
ngắn, có khả năng chống chịu với các thay đổi của điều kiện thời
tiết và một số loại sâu bệnh đã được tổ chức canh tác với quy mô
ngày càng lớn.
Song
song với việc thay đổi tập đoàn giống rau, các giống hoa mới cũng
đã được người sản xuất nhanh chóng đưa vào thực tế. Chỉ trong vòng
3-4 năm gần đây, nhiều giống hoa mới như hoa cúc (Chrysanthemum sp.), cẩm chướng (Dianthus caryophylus), hoa hồng (Rosa sp.), lys màu (Lilium longiflorum), đồng tiền (Gerbera jamesonii), ngàn sao (Gryptophylla)...
đã dần dần thay thế các giống hoa cũ. Ước tính đến hết năm 1999, diện tích canh tác hoa ngắn ngày của Đà Lạt đã có thể đạt khoảng 150 ha với diện tích hoa canh tác trong nhà che plastic chiếm khoảng 50%.
Một
thành quả khác, rất quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp Đà Lạt
trong 20 năm qua, là việc ứng dụng thành công các nghiên cứu về công
tác bảo vệ thực vật.
Trước
đây, vùng rau Đà Lạt luôn bị đe dọa bởi các loài dịch hại, đáng
kể nhất là sâu tơ trên cây họ Cải và tình hình nấm bệnh trên cây
trồng trong vụ nghịch (hè thu). Các thế hệ thuốc bảo vệ thực vật mới
nhất đều được sử dụng trên vùng rau hoa Đà Lạt. Những năm
1985-1987 là thời hoàng kim cuả các loại thuốc bảo vệ thực vật mang gốc
Cúc tổng hợp như Decis, Sherpa, Shimbus, Karate... Tiếp đó là các loại
hormone trẻ như Dimilin, Nomolt (nay là Atapron). Người sản xuất đã pha
trộn nhiều loại thuốc mới và cũ để sử dụng nhằm hạn chế đến mức
thấp nhất tác hại của dịch bệnh đối với cây trồng mà không cần chú
ý đến chất lượng sản phẩm.
Việc
chuyển đổi chủng loại giống cây trồng ngắn ngày, có tính kháng sâu
bệnh, cộng với trình độ canh tác được nâng cao và cùng với xu hướng
phát triển ngày càng cao của thị trường tiêu dùng đã tạo tiền đề
cho người sản xuất giảm dần tập quán sử dụng thuốc hóa học, thay vào
đó là các loại thuốc bảo vệ thực vật mang bản chất sinh học trong
những năm 1990. Một số kỹ thuật phòng chống dịch hại khác như công tác quản trị dịch hại tổng hợp (IPM trên cây rau), sử dụng ong thiên địch ký sinh sâu (Cotesia và Diadegma sp.), ký sinh nhộng (Diadromus),
ký sinh kén...
và việc giảm mức độ sử dụng thuốc hóa học có thời gian tồn lưu lâu, độc tính lớn... trong những năm đầu 1990 đã từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Chính điều này đã cho phép rau cải Đà Lạt tham gia xuất khẩu từ năm
1995 với sản lượng khoảng 10.000 tấn/năm và duy trì khá ổn định liên tục trong nhiều năm qua.
Theo
số liệu quy hoạch, đến nay vùng nông nghiệp Đà Lạt có trên 5.000 ha
đất canh tác. Chủng loại cây trồng hầu hết là cây ôn đới, thích hợp
với khí hậu lạnh ở cao độ trên 1.500 m. Trong thành phần cây trồng
thì các loại rau quả ngắn ngày chiếm khoảng 75%
với hệ số vòng quay là từ 1,5-3 vụ/năm, cá biệt có nơi có vòng quay 4-5 vụ/năm. Đây là khu vực sử dụng một lượng rất lớn các loại vật tư nông nghiệp chủ yếu mà trong đó đáng kể nhất là phân bón các loại.
Sử
dụng phân bón trong nông nghiệp trong những năm 1980 hầu hết là do người
sản xuất chủ động và hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm canh tác.
Với những kết quả thực nghiệm về sản xuất rau an toàn trong những năm
1995 đến nay đã từng bước giúp người sản xuất cải thiện kỹ thuật
canh tác, phương pháp bón phân theo tập quán từng bước đã bị xoá
bỏ trên nhiều vùng sản xuất. Phân xác mắm được thay thế bằng các
loại phân vi khoáng bổ sung qua lá; các loại phân bón chậm phân giải
(Nitrophoska, NPK Pháp...) cũng đã được sử dụng ngày càng rộng rãi
hơn, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người sản xuất cùng với
chất lượng nông sản được cải thiện một bước đáng kể. Đến nay,
cơ bản vùng rau hoa Đà Lạt đã chuyển hướng từ phương pháp canh tác
nông nghiệp hoá học sang hướng canh tác nông nghiệp tổng hợp mà
trong đó biện pháp bón phân hợp lý và cân đối đã và đang trở nên
phổ biến, tạo những tiền đề để phục hồi môi trường sinh thái nông
nghiệp của địa phương.
Mặc
dù hiện nay quy mô canh tác nông nghiệp của Đà Lạt không còn mở rộng
như những năm trước đây nhưng về mặt nghiên cứu thử nghiệm và ứng
dụng thành tựu của khoa học công nghệ vào sản xuất thì có thể
được xem là nơi nhạy cảm nhất.
Hơn
20 năm trước, vùng nông nghiệp Đà Lạt là nơi cung cấp các loại hoa
tươi cao cấp như glaieul, lys, marguerite, gerbera, hoa hồng... cho thị trường
tiêu dùng ở phía Nam với sản lượng khá dồi dào và phong phú về thành
phần chủng loại.
Trong
vài năm gần đây, hoa ngắn ngày ở Đà Lạt đã trở thành một mặt hàng
thường xuyên đem lại nguồn thu nhập cao và khá ổn định cho người sản
xuất so với trồng rau quả. Vì vậy việc chuyển đổi từ sản xuất rau cải
truyền thống sang sản xuất hoa cắt cành là một định hướng đúng
đắn và được nông dân triển khai một cách mạnh mẽ. Ước tính đến
tháng 6/1999, Đà Lạt đã có trên 50 ha cây hoa ngắn ngày trồng trong
nhà che plastic, sản lượng cắt cành ước tính với 1-2 triệu cành/tháng.
Đây chính là một bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng có ý nghĩa hết
sức quan trọng, phù hợp với chủ trương của Đảng và chính quyền
địa phương trong công tác quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp thành
phố Đà Lạt trong những năm sắp tới.
Đến
nay, mặc dù sản phẩm hoa của nhân dân địa phương sản xuất chưa
đạt đến trình độ tương đương với sản phẩm hoa của các công ty
nước ngoài, nhưng về mặt kỹ thuật trồng trọt và chất lượng sản phẩm
thì đây là một bước tiến đáng kể trong lĩnh vực sản xuất hoa của
địa phương.
Như
thế, tính từ năm 1980 đến nay, vùng rau hoa Đà Lạt đã có những bước
phát triển khá ổn định về lượng cũng như về chất. Hiện nay, như
đã nói, mặc dù diện tích canh tác không gia tăng đáng kể nhưng sản
lượng sản phẩm nông nghiệp đã gia tăng gấp 2-3 lần so với năm 1990,
chất lượng nông sản cũng được cải thiện rất nhiều. Bên cạnh đó,
trình độ thâm canh của người sản xuất cũng đã có những bước phát
triển vược bậc, từ chỗ canh tác phụ thuộc hầu như 100% vào tự nhiên
đã chuyển dần sang hướng có khống chế bởi những kỹ thuật canh tác
cao như canh tác rau hoa trong nhà lưới, nhà che plastic.., ít chịu ảnh
hưởng của điều kiện tự nhiên và có thể sản xuất ở bất kỳ mùa vụ
nào trong năm.
Vào
các năm cuối của thập kỷ 1990, các chương trình nghiên cứu ứng dụng
như sản xuất khoai tây hạt lai, sản xuất rau theo hướng an toàn, sản
xuất hoa với quy mô lớn trong nhà che plastic, áp dụng các biện pháp kỹ
thuật cao trong canh tác nông nghiệp truyền thống như kỹ thuật phủ luống,
kỹ thuật tưới nước nhỏ giọt, kỹ thuật cung cấp dinh dưỡng chậm phân
giải ? được triển khai thử nghiệm trên nhiều vùng canh tác của
địa phương đã mang lại những kết quả hết sức khả quan.
Hy
vọng bước sang thiên niên kỷ mới, công tác nghiên cứu ứng dụng trên
lĩnh vực nông nghiệp của Đà Lạt sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn nữa,
phù hợp với tinh thần Nghị quyết II của Đảng về phát triển khoa học
công nghệ và mang lại nhiều kết quả ứng dụng thiết thực hơn cho vùng
rau hoa nổi tiếng của địa phương Lâm Đồng.
NGUYỄN VĂN
TỚI
Kỹ thuật Nông nghiệp Đà Lạt
Mục lục |
Sở khoa học - công nghệ & môi trường |