Nội dung chính

Mục lục

Sở khoa học - công nghệ  môi trường

PHẠM BẠCH TẦN

Tôi rất lấy làm vinh dự được Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng giao nhiệm vụ góp phần thành lập ngành khoa học - kỹ thuật (KHKT) ngay từ những ngày đầu. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Sở khoa học, công nghệ và môi trường tỉnh Lâm Đồng (1.3.1979 - 1.3.1999), tôi xin lật lại những trang sổ công tác từ năm 1976 đến năm 1979, ghi tóm tắt bối cảnh sự ra đời ngành KHKT tỉnh Lâm Đồng để bạn đọc hình dung trong hoàn cảnh điều kiện khó khăn về mọi mặt lúc bấy giờ, Đảng và chính quyền đã quan tâm đến ngành khoa học tỉnh nhà như thế nào.

Vì sao tôi được lãnh đạo Tỉnh giao làm nhiệm vụ này? Trước tiên, tôi xin mạn phép được giới thiệu về mình: Tôi sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt, tham gia phong trào Việt Minh từ năm 1952, và năm 1954 được đưa ra miền Bắc đào tạo. Sau khi tốt nghiệp, tôi được giữ lại làm công tác tại Trường Đại học Thủy lợi ở Hà Nội. Trong thời gian này, tôi tham gia làm cộng tác viên của Viện thông tin KHKT thuộc Ủy ban KHKT Nhà nước.  

Năm 1975, tôi về lại Lâm Đồng, được phân công cùng bác Tôn Thất Lương tiếp thu và quản lý Chi nhánh văn khố Trung ương của chính quyền Sài Gòn đóng tại 24 Yersin (nay là 24 Trần Phú) Đà Lạt, do Ty Văn hóa - Thông tin quản lý và dưới sự chỉ đạo  trực tiếp của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng vì đây là kho tài liệu của Trung ương.

Khi về công tác ở Lâm Đồng, tôi vẫn thường xuyên liên lạc với đồng chí Kim, Viện trưởng Viện thông tin KHKT ở Hà Nội. Do đó, ngoài những văn bản chủ trương của Nhà nước xây dựng ngành KHKT ở địa phương được gửi chính thức theo đường công văn, tôi còn có những thông tin cần thiết báo cáo cho lãnh đạo biết để triển khai.

Ngày 20.10.1977, tôi được Tỉnh cử đi dự hội nghị Thông tin KHKT toàn quốc lần thứ hai tại Hà Nội do Ủy ban KHKT Nhà nước tổ chức trong 3 ngày.

Hôm khai mạc hội nghị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp  chuyển lời của Trung ương Đảng và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến chúc mừng hội nghị. Trong bài phát biểu, Đại tướng nhắc nhở các tỉnh phía Nam khẩn trương tổ chức ngành KHKT địa phương.

Sau khi tiếp thu ý kiến ở hội nghị về, tôi báo cáo tình hình để lãnh đạo tỉnh biết. Tỉnh ủy liền giao nhiệm vụ cho đồng chí Hồ Phú Diên, Phó  Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, trực tiếp chỉ đạo và bàn biện pháp tổ chức thực hiện theo chủ trương của Trung ương. Khó khăn lúc ấy là nhân sự vì thành lập một Ban KHKT tỉnh đòi hỏi cần nhiều cán bộ có bằng cấp học vị chuyên môn nghiệp vụ đa ngành, trong lúc đó tỉnh ta lại thiếu cán bộ trầm trọng, nhất là cán bộ KHKT có trình độ chuyên môn cao.

Ngày 26.1.1978, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy kết hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức buổi tọa đàm về KHKT trong 2 ngày với các nhân sĩ trí thức mới và cũ trong tỉnh bàn việc thành lập Ban KHKT tỉnh. Đồng chí Hồ Phú Diên, Phó Ban tuyên giáo, và đồng chí Cửu Long, Chủ tịch Mặt trận, điều hành hội nghị.

Ngày 11.10.1978, tại Hội trường Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, đồng chí Trần Quỳnh, Chủ nhiệm Ủy ban KHKT Nhà nước, chủ trì hội nghị bàn về xây dựng ngành khoa học, kỹ thuật địa phương. Trong bài phát biểu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có câu rất dí dỏm: "Lâm Đồng - Đà Lạt giàu đẹp nhưng không ai đến, chẳng khác nào như cô gái đẹp nhưng không ai thèm lấy, nên phải ế chồng!". Cả hội trường cười ồ lên hồi lâu. Đồng chí Lê Thứ, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, báo cáo với Đại tướng: ?Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lâm Đồng chúng tôi đã thấm nhuần chủ trương của Trung ương nên rất coi trọng cuộc cách mạng KHKT, biết đó là then chốt để xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta, trong đó có tỉnh Lâm Đồng chúng tôi, nhưng cái khó chưa ló cái khôn, thực tế cán bộ có trình độ đại học ở Lâm Đồng còn rất thiếu và yếu nên chưa xây dựng được ngành KHKT. Chúng tôi hứa sẽ khẩn trương tập hợp đội ngũ trí thức để thành lập Uỷ ban KHKT như các tỉnh bạn, đồng thời phải nhờ Trung ương chi viện cán bộ?.

Ngày 5.12.1978, tôi được Tỉnh cử đi dự hội nghị KHKT các tỉnh phía Nam tại TP. Hồ Chí Minh trong 3 ngày, gồm 20 tỉnh thành phía Nam và 3 tỉnh phía Bắc có phong trào hoạt động KHKT khá để phổ biến kinh nghiệm. Trong hội nghị này có thảo luận thông tư số 2021/TT của Ủy ban KHKT Nhà nước hướng dẫn các địa phương phía Nam, tỉnh nào có đủ điều kiện thì thành lập ngay Ủy ban KHKT, nếu tỉnh nào chưa đủ điều kiện thì tạm thời thành lập Ban KHKT, rồi dần dần mở rộng và phát triển cũng được. Đây là điểm tháo gỡ bế tắc cho nhiều địa phương phía Nam, trong đó có tỉnh Lâm Đồng chúng ta. Sau khi tiếp thu ý kiến ở hội nghị về, tôi báo cáo ngay cho Ban tuyên giáo Tỉnh ủy.

Chiều 21.12.1978, Ban Khoa giáo Tỉnh ủy triệu tập cuộc họp liên tịch giữa Đảng và Chính quyền tại 19 Nguyễn Du Đà Lạt gồm có các đồng chí: Phạm Thuần, Hồ Phú Diên, Hoàng Văn, Sáu Thiệt, Diệp Đình Huyên, Tôn Tích Phu và Phạm Bạch Tần. Sau khi thảo luận cân nhắc mọi vấn đề, đồng chí Phạm Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban tuyên giáo, đi đến kết luận và ra nghị quyết: giao nhiệm vụ cho đồng chí Phạm Bạch Tần từ ngày 22 đến 31 tháng 12 năm 1978 phải làm xong đề án tổ chức Ban KHKT tỉnh Lâm Đồng để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy duyệt.

Tối 26.12.1978, tôi đến nhà anh Hồ Phú Diên ở (nay là Văn phòng Sở Văn hóa - Thông tin Lâm Đồng, số 1 Hoàng Văn Thụ Đà Lạt) trình bản thảo lần thứ nhất. Anh Phú Diên đọc, suy nghĩ một lúc rồi bảo: Theo đề án thì đúng với chủ trương ở trên, nhưng so với điều kiện thực tế ở tỉnh ta thì còn quá quy mô chưa có thể thực hiện được, trước mắt chỉ cần làm mấy việc cấp thiết để rút kinh nghiệm, dần dần phát triển lên cũng chưa muộn. Sau đó, anh Phú Diên lấy bút đánh dấu những việc cần làm trước mắt và bảo tôi đem về sửa lại khẩn trương.

Ngày 30.12.1978, tôi gửi bản thảo lần thứ hai cho anh Phú Diên.

Sáng ngày 5.1.1979, anh Phú Diên gọi điện thoại bảo tôi lên Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng gấp. Khi vừa thấy tôi, anh Phú Diên cười và bảo: "Tỉnh ủy đã nhất trí thông qua đề án xây dựng Ban KHKT tỉnh Lâm Đồng như bản dự thảo, vậy anh đem về cho đánh máy cẩn thận trên giấy tốt thành 6 bản rồi đưa tất cả ngay cho anh Ba Dư (*)". Tôi nhận lại bản thảo, thấy bên lề trang đầu có ghi thêm 2 từ thay cho 2 từ gạch bỏ ở giữa, ký tên Phú Diên.

15h cùng ngày, tôi đem văn bản đã đánh máy xong lên Văn phòng gặp anh Ba Dư. Tôi chưa kịp báo cáo xong sự việc thì anh đã nói: "Tôi có dự buổi họp Thường vụ vừa rồi, biết Thường vụ đã thông qua kế hoạch xây dựng Ban KHKT của tỉnh nhưng còn khó khăn lắm đấy!".

Sáng 20.1.1979, tại hội trường UBND tỉnh Lâm Đồng, các ty, ban, ngành họp bàn về việc ứng dụng tiến bộ KHKT và kế hoạch xuất khẩu. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc lại tỉnh cần khẩn trương thành lập Ban KHKT, tránh cầu toàn. Đại tướng nói: "Đà Lạt - Lâm Đồng phải biết phát huy thế mạnh của mình về khí hậu thời tiết mà trời đã ban cho để đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT, tạo ra giống cây và con để dưới đồng bằng người ta trồng và nuôi rồi tiêu thụ, đỡ công vận chuyển".

Ngày 22.1.1979, hội nghị trù bị thành lập Ban KHKT tỉnh Lâm Đồng được tổ chức tại Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng. Đồng chí Hồ Phú Diên chủ trì, đồng chí Phạm Bạch Tần - thư ký, thành phần tham dự có đoàn cán bộ KHKT Trung ương và các trưởng đầu ngành của tỉnh. Lúc nghỉ giải lao buổi chiều, Đại tướng hỏi tôi: "Tỉnh đã phân công ai xây dựng đề án tổ chức Ban KHKT của tỉnh chưa?". Tôi báo cáo: "Dạ có, cháu đã làm xong và Tỉnh ủy đã thông qua, nay văn bản ấy đã chuyển đến đồng chí Ba Dư để triển khai". Đại tướng bảo: "Lên nói anh Ba Dư đưa văn bản đó cho tôi xem". Theo lời Đại tướng, tôi lên báo cáo cho đồng chí Ba Dư ngay.

Lúc 12h30 ngày 23.1.1979, anh Ba Dư gọi điện thoại hỏi tôi: "Anh còn giữ bản dự thảo đề án xây dựng Ban KHKT mà Tỉnh ủy đã phê chuẩn không? Nếu còn thì đầu giờ chiều nay lúc đi họp nhớ đem theo đưa cho tôi". Gần 13h, tôi đem bản thảo có chữ ký của anh Phú Diên lên Ủy ban. Khi vào phòng làm việc của anh Ba Dư thì thấy trên bàn bề bộn tài liệu. Anh Ba Dư gục đầu trên bàn ngủ thiếp vì quá căng thẳng và mệt mỏi. Tôi không đánh thức, định quay ra phòng ngoài ngồi chờ. Vừa lúc ấy, Đại tướng bước vào và hỏi ngay: "Anh Ba Dư đến chưa?" Tôi chưa kịp thưa thì tiếng anh Ba Dư trong phòng vọng ra: "Dạ, có tôi", và vội vã ra chào Đại tướng. Khi thấy tôi, anh Ba Dư nói ngay: "Anh có đem bản đề án thì trình cho Đại tướng". Đại tướng nhận bản đề án rồi đi xuống hội trường.   

Chiều 23.1.1979, tại hội trường UBND tỉnh Lâm Đồng, đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì hội nghị, bàn kế hoạch thành lập Ban KHKT. Hôm đó có 149 đại biểu của tỉnh và 50 đại biểu của Trung ương. Mở đầu hội nghị, Đại tướng đưa bản đề án lên và nói: "Anh em người ta đã xây dựng xong đề án được như thế này là đạt lắm rồi, vả lại Tỉnh ủy cũng đã nhất trí thông qua, vậy còn chần chừ gì nữa mà Ủy ban không ra quyết định để làm cây gậy mà hoạt động. Vậy hôm nay tôi quyết định lấy ngày 3.2.1979, nhân sinh nhật Đảng, làm ngày thành lập Ban KHKT tỉnh Lâm Đồng, các đồng chí có đồng ý không?". Cả hội trường vỗ tay đồng tình.

Sau đó, đồng chí Lê Thứ, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đi công tác xa nên đến ngày 1.3.1979 mới ký quyết định thành lập Ban KHKT tỉnh Lâm Đồng. Ngày 29.3.1979, đồng chí Lê Thứ làm lễ ra mắt Ban KHKT tỉnh và cử đồng chí Nguyễn Hậu Tài, chuyên viên trồng nấm, đảng viên, làm Trưởng ban, điều đồng chí Đoàn Văn Thiệp, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt, về làm ủy viên. Căn cứ vào đề án ban đầu, Ban KHKT tỉnh trước mắt tổ chức 3 bộ phận:

1. Bộ phận kế hoạch tổng hợp do đồng chí Đoàn Văn Thiệp, ủy viên, phụ trách.

2. Bộ phận tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng sản phẩm do đồng chí Nguyễn Thị Xuân Hồng, kỹ sư hóa, phụ trách.

3. Riêng bộ phận thông tin KHKT vì chưa đủ điều kiện nên trước mắt giao cho bộ phận lưu trữ Tỉnh do đồng chí Phạm Bạch Tần phụ trách, chịu trách nhiệm giúp đỡ.

Theo sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, căn cứ công văn số 07/VP do đồng chí Phạm Thuần ký, Ban KHKT Tỉnh cử tôi làm Trưởng đoàn, cùng anh Phạm Phú Thành trong bộ phận lưu trữ và anh Nguyễn Văn Hùng, lái xe của Ban KHKT Tỉnh, ra Hà Nội nhận 5 vạn cuốn sách của thư viện KHKT Trung ương tặng, từ ngày 18.11 đến ngày 4.12.1979.

Năm 1983, đồng chí Nguyễn Hậu Tài nghỉ hưu, Tỉnh ủy điều đồng chí Huỳnh Thống, Phó Ty Thủy lợi, về làm Trưởng ban thay đồng chí Tài. Từ đó, đồng chí Huỳnh Thống xin bổ sung cán bộ và nâng lên thành Ủy ban KHKT Tỉnh và đồng chí Huỳnh Thống làm Chủ nhiệm Ủy ban.

Giữa năm 1983, bàn giao bộ phận lưu trữ cho Cục Lưu trữ Trung ương xong, tôi được điều về Ủy ban KHKT tỉnh. Trong thời gian này, Ủy ban KHKT tỉnh có 28 người, trong đó có 3 Đảng viên, 5 kỹ sư, 10 cán bộ tốt nghiệp đại học, 10 công nhân kỹ thuật.

*

Theo sổ công tác tôi còn lưu giữ thì có rất nhiều phiên họp bàn đến vấn đề KHKT mà tôi không nêu lên hết vì quá dài, tôi chỉ xin tóm lược quá trình hình thành và phát triển ngành KHKT của tỉnh nhà từ năm 1976-1983 để bạn đọc hồi tưởng lại dĩ vãng khó khăn thiếu thốn của buổi ban đầu, vững tin vào tương lai của ngành khoa học, công nghệ và môi trường ở tỉnh nhà.

Trụ sở đầu tiên của Ban KH&KT tỉnh Lâm Đồng 
(nay là trụ sở Hội cựu chiến binh tỉnh LĐ) 
ở số 2B đường 3 tháng 4 Đà Lạt

Nội dung chính

Mục lục

Sở khoa học - công nghệ  môi trường