Mục lục |
Sở khoa học - công nghệ môi trường |
Nhân
Hội nghị khoa học, công nghệ
và môi trường miền Đông Nam bộ
họp
tại Đà Lạt (12.1999)
Chiếm
gần đại bộ phận miền Đông Nam Bộ, sông Đồng Nai có một vị trí khá
quan trọng về mặt tài nguyên nước, nguồn điện năng và về mặt giao
thông thủy.
Sông
Đồng Nai bắt nguồn từ vùng núi phía bắc thuộc cao nguyên Lang Biang
(Nam Trường Sơn) ở độ cao 1.770m. Cao nguyên Lang Biang gồm nhiều đồi
đỉnh tròn. Có những đỉnh cao như Lâm Viên 2.167m, Bi Đúp 2.287m.
Thung lũng hiện nay là rừng cây thưa, mặt dốc, các sườn phủ cỏ cao
và dày. Độ dốc các sườn núi thường là 20 - 25%.
Hướng
chảy chính của sông là đông bắc - tây nam và bắc - nam. Sau khi hợp
hai nhánh Đa Nhim và Đa Dung, sông Đồng Nai vòng bao lưu vực sông La
Ngà, chảy qua nhiều thác ghềnh, mà thác cuối cùng nổi tiếng là thác
Trị An cách Biên Hòa 30km. Qua Trị An, sông Đồng Nai chảy vào đồng bằng.
ở thượng lưu thác Trị An, sông Đồng Nai có nhánh lớn La Ngà gia nhập,
với diện tích lưu vực 4.100km2. Ở hạ lưu thác Trị An, lại nhận thêm
nhánh sông Bé với diện tích lưu vực 8.200km2. Đại bộ phận các lưu
vực này là đất phong hóa từ đá bazan có độ phì cao và có khả năng
giữ độ ẩm đủ cho cây trồng trong mùa khô. Độ cao của các lưu vực
thay đổi từ 80 đến 200m. Sau khi qua thác Trị An, sông Đồng Nai đi vào
đỉnh tam giác châu và trở nên rất thuận lợi cho giao thông thủy. Về
phía tây lưu vực có sông Sài Gòn bắt nguồn từ cao nguyên Hớn Quản
chảy song song với sông Bé và đổ vào sông Đồng Nai. Từ thượng nguồn
đến hợp lưu với sông Sài Gòn, dòng sông chính dài khoảng 530 km. Đoạn
sông Đồng Nai từ đó đến chỗ gặp sông Vàm Cỏ có tên là sông Nhà
Bè. Đoạn này dài khoảng 34 km. Sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ chảy
trong đồng bằng thấp nên thủy triều ảnh hưởng lên đến tận nguồn.
Cũng có ý kiến cho rằng sông Vàm Cỏ trước đây là phân lưu của sông
Cửu Long, về sau sông chuyển dòng về phía tây nam.
Hệ
thống phân lưu ở cửa sông Đồng Nai rất phức tạp giữa vùng cửa Xoài
Rạp và mũi Ô Cấp hai bên bán đảo Cần Giờ, với những diện tích rộng
lớn chằng chịt rừng tràm, rừng đước.
Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai |
Toàn
bộ chiều dài sông Đồng Nai đến cửa Xoài Rạp ước khoảng 586km, diện
tích lưu vực cho đến ngã ba Lòng Tàu là 29.520 km2. Độ dốc trung bình
của lưu vực là 0,064. Mật độ lưới sông thay đổi từ 0,64 km/km2 đến
xấp xỉ
2 km/km2.
Nguồn
tài nguyên nước phong phú. Lưu vực sông Đồng Nai có lượng mưa tương
đối phong phú với trung tâm mưa lớn nhất tại Bảo Lộc trên cao nguyên
Di Linh. Lượng mưa đạt tới
2.876 mm mỗi năm. ở thượng nguồn lưu vực phía nam cao nguyên Lang
Biang, lượng mưa vào loại trung bình: 1.300 mm đến 1.800 mm. Sau cao
nguyên Di Linh, lượng mưa có giảm, nhưng vẫn còn phong phú từ 2.000
đến
2.300 mm.
Tính
trung bình, hằng năm trên lưu vực lượng mưa đạt xấp xỉ 2.300 mm. Mùa
mưa trên lưu vực bắt đầu từ tháng V và kết thúc vào tháng XI. Có
một số vùng mùa mưa bắt đầu sớm hơn, từ tháng IV, như Đà Lạt, Liên
Khương, Di Linh, Bảo Lộc.
Tháng có lượng mưa lớn nhất thay đổi theo vùng, có nơi là tháng VII, tháng VIII, có nơi là tháng X. Trong biến trình lượng mưa tháng trong năm có một số vùng thể hiện thêm một cực đại vào tháng V, nhấtlà ở vùng phía nam cao nguyên Lang Biang.
Lượng mưa phong phú đã cung cấp một lượng nước mặt phong phú. Hằng năm, lưu vực sông Đồng Nai, không kể hai sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ, tải ra biển khoảng trên 22 tỷ m3 nước, ứng với môđun dòng chảy khoảng 30 l/s.km2. Tuy
nhiên, dòng chảy phân bố trên lưu vực rất khác nhau. Lưu vực sông La Ngà có dòng chảy phong phú nhất, đạt xấp xỉ 40 l/s.km2. Lưu vực sông Bé có dòng chảy trung bình, đạt xấp xỉ 30 l/s.km2. Vùng thượng nguồn sông Bé, sông
Đồng Nai có dòng chảy nhỏ hơn hết, chỉ đạt 20 - 15 l/s.km2. Cá biệt có nơi như lưu vực Đa Quyn dòng chảy năm chỉ đạt xấp xỉ 18 l/s.km2.
Châu thổ sông Đồng Nai |
Mùa lũ trên lưu vực sông Đồng Nai thường là từ tháng VII
đến tháng X hoặc XI và có lượng nước chiếm 80-85% tổng lượng nước
cả năm. Tháng có lượng nước lớn nhất trong năm thường là tháng
IX, có nơi tháng X, và có thể đạt từ
25 - 30% lượng nước năm.
Lưu vực sông Đồng Nai có tiềm năng kinh tế lớn, có điều kiện thuận lợi về phát triển thủy lợi. Đây là vùng trồng cao su rất thích hợp và có diện tích trồng cao su lớn nhất của nước ta. Trên lưu vực cũng có những nông trường lớn trồng chè, cà phê,
những trung tâm công nghiệp, khu nghỉ mát, v.v... Nguồn thủy năng tiềm tàng tính đến Trị An có thể đạt tới trên 31 tỷ kW/h, ứng với lưu lượng nước bình quân năm khoảng 553m3/s. Còn sông Bé có lưu lượng nước bình quân năm khoảng 389m3/s
cho một nguồn thủy năng tiềm tàng trên 9 tỷ kWh.
NGUYỄN VIẾT PHỔ
Nguồn:
Sông ngòi Việt Nam, Nxb khoa học và kỹ thuật, Hà Nội,
1983
Mục lục |
Sở khoa học - công nghệ môi trường |