|
|
Diện
tích : 10.356 km2
Số dân : 639.044 người
HÌNH THỂ
Lâm Đồng là một tỉnh thuộc khu vực Nam Tây Nguyên, có hai cao nguyên Lâm Viên (Langbian) và cao nguyên Di Linh.
Phía bắc Lâm Đồng giáp tỉnh Đắc Lắc, đông và nam giáp hai tỉnh Khánh Hòa và Thuận Hải, tây và tây nam giáp hai tỉnh Sông Bé và Đồng Nai.
Lâm Đồng có các dãy núi cao và chạy dài theo hướng từ đông sang tây. Đỉnh Langbian cao 2.183m, là một trong những điểm cao nhất của Lâm Đồng. Sông ngòi của Lâm Đồng không nhiều, nhưng do có độ dốc cao, vận tốc dòng chảy khá lớn, nhất là về mùa mưa. Các sông chủ yếu gồm Đạ Đờn, Đa Nhim, La Ngà và Đồng Nai...
Cao nguyên Lâm Viên là một trong những cao nguyên lớn và thuộc vào loại cao nhất ở nước ta. Đây là một cao nguyên có thành phố Đà Lạt nổi tiếng, rộng ước chừng 300 km2. Cao nguyên Di Linh là cao nguyên đất đỏ tương đối bằng phẳng rộng khoảng 200 km2.
Rừng ở Lâm Đồng chiếm khoảng 64% diện tích toàn tỉnh.
KHÍ HẬU
Khí hậu của Lâm Đồng ôn hòa và quanh năm mát mẻ. Lâm Đồng có hai mùa khí hậu rõ rệt: mùa nắng và mùa mưa.
Mùa nắng bắt đầu từ tháng 11 cho đến khoảng cuối tháng 4, nhiệt độ thời gian này ở Đà Lạt là từ 6oC đến 22oC và ở Di Linh là từ 12oC đến 23oC. Nhiệt độ trung bình cả năm là 21oC.
Mùa mưa ở Lâm Đồng từ tháng 5 cho đến hết tháng 10. Nhiệt độ lúc này ở Đà Lạt là từ khoảng 12oC đến 22oC và ở Di Linh từ 15oC đến 24oC.
Mùa nắng khí hậu lạnh có gió bắc thổi, mùa mưa có gió tây nam. Lượng mưa trung bình cả năm vào khoảng 1.700 mm. Độ ẩm không khí hàng năm là 80 đến 85%.
HÀNH CHÍNH
Hiện nay Lâm Đồng có một thành phố và 9 huyện. Thành phố Đà Lạt là tỉnh lỵ của Lâm Đồng, các huyện còn lại là Bảo Lộc, Đạ Huoai, Cát Tiên, Lâm Hà , Đức Trọng, Di Linh, Đơn Dương, Đạ Tẻ và Lạc Dương.
GIAO THÔNG
Tuy là một tỉnh miền núi nhưng đường giao thông đi lại của tỉnh Lâm Đồng tương đối thuận tiện.
* Đường bộ: đường 20 là đường chính từ Đà Lạt đi thành phố Hồ Chí Minh, dài khoảng 300km.
* Ngoài ra còn có:
Đà Lạt đi Đan Kia 17km để lên núi Langbian.
Đường 11: Đà Lạt đi Phan Rang: 101 km (gần đây đoạn đường này được gộp chung với đường 27).
Đường 21B: Từ Đà Lạt theo đường 20 đến km 28, rẽ tay phải, đi tiếp 177km nữa đến Buôn Ma Thuột.
Đường liên tỉnh 8: Từ Di Linh đi Phan Thiết: 90 km.
* Đường không: Lâm Đồng có các sân bay: Cam Ly (Đà Lạt), Liên Khương (Đức Trọng), Di Linh và Bảo Lộc. Ngoại trừ sân bay Liên Khương có thể sử dụng cho một số máy bay chở khách loại nhỏ, các sân bay còn lại trước đây chủ yếu phục vụ cho nhu cầu quân sự.
Hiện nay, Lâm Đồng đang triển khai kế hoạch khai thác sân bay Liên Khương, phục vụ cho tuyến đường Đà Lạt - thành phố Hồ Chí Minh và cũng đang kiến nghị với Trung ương cho mở lại đường bay thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang - Đà Nẵng và Hà Nội.
* Đường sắt: từ hướng đông lên Đà Lạt, trước đây còn có tuyến đường sắt bắt đầu từ Tháp Chàm. Bởi đặc điểm tự nhiên, đoạn đường sắt vượt đèo Dran lên Đà Lạt được thiết kế thêm một đường "răng cưa" ở giữa hai đường ray. Đây là một loại đường sắt đặc biệt do Pháp thiết kế và đưa vào sử dụng từ những năm thuộc Pháp. Hiện nay, tuyến đường sắt này không còn sử dụng được nữa.
TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH
Từ năm 1929, ở Đà Lạt đã có cơ sở cách mạng. Đến năm 1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Lâm Đồng ra đời tại khách sạn Palace. Ngày 1-5-1930, cờ đỏ búa liềm đã tung bay tại trung tâm thành phố. Tháng 2-1939, nhân dân Đà Lạt biểu tình đấu tranh đòi giảm thuế. Khoảng thời gian 1936-1939, ở Đà Lạt đã thành lập Uỷ ban hành động chống bọn phản cách mạng, đòi cải thiện dân sinh và tự do dân chủ.
Truyền thống đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng cũng rất vẻ vang và anh dũng. Đó là truyền thống đoàn kết đấu tranh chống ngoại xâm của các dân tộc sống trên vùng đất Nam Tây Nguyên này. Hãy nghe lời cầu nguyện trong một buổi tập hợp quần chúng của phong trào Mụ Cọ (Tức K'Nhỡi): "Hỡi thần núi! Hỡi thần nước! Hãy giết hết bọn thực dân Pháp xâm lược! Để cho người Thượng, người Chàm, người Kinh cùng nhau chung sống hòa bình, ấm no hạnh phúc."
Nếu lược bỏ đi những yếu tố mê tín, nội dung lời cầu nguyện này quả có nhiều ý nghĩa thiết thực. Nhờ vậy mà phong trào Mụ Cọ ở Lâm Đồng lúc đó đã tập hợp được khoảng 10.000 đồng bào các dân tộc trong tỉnh tham gia chống Pháp.
Năm 1945, cùng với cả nước, ngày 23-8, nhân dân Lâm Đồng đã đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
Kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nhân dân các dân tộc Lâm Đồng đã đoàn kết một lòng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, vượt qua muôn ngàn khó khăn, gian khổ, cùng với quân và dân cả nước lập nên những chiến công lẫy lừng, mà đỉnh cao là cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn Bảo Lộc vào ngày 28-3 và Đà Lạt ngày 3-4-1975.
Truyền thống đấu tranh cách mạng lâu đời, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ, đã làm cho tình đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc anh em Kinh - Thượng trên cao nguyên này ngày một thêm gắn bó. Đó là một quá trình đoàn kết bình đẳng, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau một cách thực sự và là quá trình hòa hợp dân tộc trong đại gia đình Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
|
Đón
nhận huy chương Sao vàng |
Lễ kỷ niệm lần thứ 40 Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2.9.1945 - 2.9.1985) |
![]() |
|
Đà Lạt trong ngày kỷ niệm 10 năm giải phóng (3.4.1975 - 3.4.1985) |
Nguồn: Lâm Đồng - Đà Lạt, Một vùng non nước Tây nguyên, 1991