Trang trước  ||  Mục lục  || Trang sau

 

CON đưỜng thỬ thách cỦa các nhà du lỊch

 

 Sự tồn tại các sườn dốc đứng khiến cho cao nguyên Lâm Viên vượt lên cao, phân biệt hẳn với các khu vực núi và cao nguyên xung quanh là một nguyên nhân cơ bản hình thành nên các ngọn thác và các chùm thác tự nhiên. Đương nhiên muốn lên Đà Lạt bằng con đường ngắn nhất thì con đường đó phải có độ dốc rất cao. Con đường đó thường dành cho các nhà thể thao leo núi, cũng có khi là con đường lăn gỗ của những người khai thác rừng. Nước mưa cũng lợi dụng những con đường ấy mà lao nhanh xuống chân núi, sức mạnh "cưa trời" của nó thường đào sườn thành những rãnh sâu và bóc sạch lớp đất tơi trên mặt, để trơ ra những sống đá, mỏm đá gồ ghề. Nếu bạn cũng là người ưa mạo hiểm, đi chơi núi muốn thử sức mình bằng những con đường dốc đứng cheo leo thì xin mời bạn ! Chỉ xin nhắc bạn cần lưu ý một chút mà thôi. ở đoạn dốc đứng, đã leo lên thì cố mà leo lên tiếp, tụt xuống là điều tối kỵ, hụt chân một cái là có thể lăn xuống tận chân dốc, không hiểu điều gì sẽ xảy ra... Trên đường leo lên gặp một mỏm đá nhô ra hoặc một khóm cây bụi ngang tầm với, bạn hãy cảnh giác ! Rất có thể đó là một tảng đá lăn xuống dốc, gặp chướng ngại, tạm thời dừng lại, rồi đất mùn, có chỗ dựa đọng lại, phủ lên khiến ta dễ lẫn với một mỏm đá gốc nhô ra. Khi bạn bám vào, đu lên, sức ỳ của tảng đá không thắng nổi trọng lượng cơ thể bạn nó sẽ bật tung ra và cùng với bạn lăn xuống chân núi ! Trong trường hợp này tai nạn không thể lường hết, không chỉ cho bạn mà cho cả đoàn người tiếp bước theo sau, nhất là tảng đá thường lăn theo kiểu nhẩy cóc tạo ra sức mạnh giáng xuống rất ghê gớm. Cũng như vậy một khóm cây có thể phát triển dựa vào một lớp mùn mỏng trên vách đá, nó cũng dễ dàng bật tung cả chùm rễ mỏng mảnh để cùng người leo núi lăn xuống vực !

Không hiểu chỉ do ý đồ xây dựng một con đường ngắn nhất thông thương giữa Đà Lạt và vùng đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ, hay còn vì muốn tạo ra một con đường có sức hấp dẫn đặc biệt đối với khách tham quan Đà Lạt mà người ta đã xây dựng nên con đường mang số hiệu 11, nối liền Phan Rang - Đà Lạt. Thú vị nhất là trên tuyến này người ta lại tổ chức cả đường ô tô lẫn đường xe lửa. Ô tô thì xuất phát từ bến Phan Rang, còn xe lửa thì khởi hành từ ga Tháp Chàm. Đoạn đường đầu tiên đặt trên dải đồng bằng duyên hải nhỏ hẹp với địa hình hơi lượn sóng, xe, tầu đi êm ả, nhẹ nhàng lên đến Crông-pha ở độ cao chừng 200 m. Từ đây xe phải vượt qua một cái đèo rất dốc. Ô tô phải đi theo đường uốn khúc vòng đi vòng lại nhiều lần, nhiều lúc theo kiểu xoáy trôn ốc để tạo ra độ dốc nhỏ. Mặc dầu máy móc và thắng (phanh) đã được kiểm tra kỹ lưỡng, song người lái vẫn luôn luôn ở trong tâm trạng căng thẳng, thận trọng, còn khách trên xe dù cho đã qua lại tuyến đường này nhiều lần khi đi trên đèo Crông-pha cũng không sao tránh khỏi cảm giác hồi hộp, không yên dạ. ở ga Crông-pha xe lửa phải được kiểm tra thật kỹ càng. Từ đây lên dốc đường ray phải mắc bánh răng khế để tàu khỏi bị tụt xuống và phải sử dụng hai đầu máy, một máy kéo ở đầu, một đẩy ở cuối. ấy thế mà xe lửa cũng chỉ lăn bánh một cách ì ạch trong tiếng thở phì phò nặng nhọc của hai đầu máy. Người ta kể lại rằng vào một năm nào đó, trước cách mạng tháng Tám một đoàn xe lửa đã bật khỏi đường ray, lăn xuống vực, làm chết mấy trăm người, đầu máy toa xe đổ vỡ tan tành. Và hình như cũng từ khi xảy ra tai nạn kinh khủng đó tuyến đường sắt nguy hiểm này bị loại bỏ.

 Qua gần 30 km đường dốc nguy hiểm xe lên đến đỉnh đèo, mọi người thở phào nhẹ nhõm. Khí hậu á nhiệt đới trên núi, ở độ cao 1.000 m có tác dụng phục hồi sức khỏe một cách nhanh chóng. Từ đỉnh đèo nhìn trở lại đoạn đường vừa qua, tầm mắt mở rộng trải dài đến tít tận vùng biển xanh bao la. Trước mắt một thang mầu xanh phối hợp một cách hài hòa, tạo nên một cảnh đẹp thanh bình, êm ả: rừng cây xanh đậm trên vách đá cheo leo. Xa xa là đồng lúa xanh ánh vàng rập rờn như sóng nước. Xa hơn nữa là mặt biển xanh màu ngọc bích trải dài vô tận. Bất giác mọi người gặp nhau cùng một ý nghĩ khen cho ai khéo đặt cho đèo này cái tên là đèo "Ngoạn Mục" (belle vue). Đứng giữa đèo cao lộng gió mà say sưa ngây ngất đất trời. Cứ cái tinh thần sảng khoái, cái cảm giác ngất ngây, cái cơ thể dễ chịu ấy xe đưa khách tiến vào thành phố Đà Lạt theo những con đường lượn sóng, khi lên, lúc xuống nhẹ nhàng, có lúc thoắt nẩy sinh cảm giác chơi vơi, bay bay trong không trung, có lúc qua màng nhĩ tai cảm thấy rõ rệt sự thay đổi áp lức của khí trời. Những tình cảm thơ mộng đối với một thành phố du lịch trên cao được tăng lên gấp bội. Xe đỗ, du khách bước vào khách sạn với niềm hân hoan phấn lhởi, không thể nào còn phát hiện ra nỗi ưu tư phiền muộn hay vẻ uể oải chán chường. Người Đà Lạt chào đón du khách niềm nở, thanh lịch.

 

Trang trước  ||  Mục lục  || Trang sau
Về đầu trang