Trang trước || Mục lục || Trang sau |
|
THÀNH PHỐ TRONG LÒNG THUNG LŨNG CỔ |
|
Các
"bậc thang trời" từ các nẻo đường dẫn đến "xứ
hoa đào" đã nói với chúng ta điều gì?
Tài
liệu địa chất lịch sử cho biết rằng lãnh thổ nước ta đã tồn
tại như là một bộ phận của khu vực Đông Nam Á cách đây hàng
nghìn triệu năm. Sau đó các vận động kiến tạo hoạt động trở
lại, lãnh thổ nhiều phen bị sụt lún tạo ta các "máng"
sâu, nước biển tràn ngập vào. Trong những giai đoạn "hải
tiến" này có một số mảng lục địa còn sót lại, nhô lên
như những hòn đảo giữa đại dương bao la. Đó là những mảng nền
cổ lớn: khối vòm sông chảy ở phía bắc và khối Công Tum ở phía
nam.
Khối
nền Công Tum là một bộ phận tách ra từ địa khối Inđônêxia,
tràn sang cả lãnh thổ Lào, Campuchia, Thái Lan tạo dựng thành nền
móng vững chắc cho lãnh thổ nước ta. Sau vận động Hecxini trong
đại cổ sinh, bộ phận lãnh thổ này được mở rộng ra và được
củng cố thêm bền vững. Đến vận động tân kiến tạo ở đây xuất
hiện những đứt gãy sâu làm cho lục địa lại vỡ ra thành từng
mảng lớn. Dọc theo các đứt gãy có mảng sụt nhiều, có mảng sụt
ít, có mảng nâng lên theo quy luật bù trừ. Và thế là hình thành
các bề mặt cao nguyên cao thấp khác nhau. Những bề mặt nguyên thủy
này không bằng phẳng ngay đâu. Sau nhờ có dung nham bazan từ các
đứt gãy sâu phun ra, chảy tràn trên mặt đất đá san lấp những
chỗ lồi lõm, tạo ra những mặt bằng rộng lớn. Từ đá bazan này
sau bị phân hủy rồi biến dần thành loại đất đỏ đặc biệt gọi
là đất đỏ bazan. Cao nguyên Lâm Viên nhô cao hơn cả, không
được dung nham bazan phủ kín như các cao nguyên thấp hơn. Trên
bề mặt này hoạt động xâm thực, chia cắt diễn ra tương đối mạnh,
tạo ra những quả đồi, dãy đồi trên núi khá dài với sườn khá
dốc. Đồng thời cũng để lại những đỉnh núi sót cao trên 2.000
m, như là những chiếc chòi canh của người khổng lồ. Với hình
thế địa hình khá phức tạp này một số tác giả dùng khái niệm
"bình sơn Đà Lạt" để phân biệt với các cao nguyên khác
của Tây Nguyên. Bình sơn Đà Lạt là một đơn vị lãnh thổ tự
nhiên, trong khi thành phố Đà Lạt là một đơn vị lãnh thổ hành
chính, do đó ranh giới giữa chúng hoàn toàn không trùng hợp.
Nhìn
toàn cục ta thấy bề mặt bình sơn Đà Lạt có độ cao 1.600 m, thấp
xuống 1.400 m ở phía nam. Giới hạn của nó về phía tây, bắc và
đông là các dãy núi cao xấp xỉ 2.000 m. Như vậy bình sơn Đà
Lạt có dạng một "thung lũng cổ". Chính cái hình thế
thung lũng cổ này làm cho cấu trúc thành phố Đà Lạt có nét
độc đáo khác thường. Toàn bộ thành phố không nằm trên một mặt
bằng đồng nhất. Từ trên máy bay nhìn xuống thành phố Đà Lạt
được xây dựng thành tầng, thành lớp trên những quả đồi, dãy
đồi cao thấp khác nhau. Từ hồ Xuân Hương có thể coi là đáy
thung lũng, chạy dài theo hướng đông bắc - tây nam. ở trung tâm
thành phố, các đường phố, các dãy nhà, các toà biệt thự cứ
xa dần, cao dần, càng xa, càng cao. Các tòa biệt thự trông càng
thêm kiểu cách duyên dáng, như đứng biệt lập trên những quả
đồi lớn, với những khu vườn rộng, cây cối xum xuê, những hàng
rào xanh trồng tỉa công phu. Càng cao, càng xa trung tâm thành phố
thật yên tĩnh, êm đềm, du khách có cảm giác đi từ cõi thực về
với cõi mơ. Khách đi bộ muốn chuyển đường nhanh từ dãy phố nọ,
lên dãy phố kia ở tầng cao phải leo những bậc thang xây bằng gạch
hay bằng đá. Đi ô tô trong thành phố hoàn toàn có cảm giác như
dạo chơi trong một công viên lớn. Khắp thành phố rợp bóng thông.
Đi đâu cũng thấy vườn hoa, cây cảnh. Hoa trên cây cao, hoa dưới
luống thấp, hoa leo trên hàng rào, trên tường lên tận mái ngói
của các tòa biệt thự. Những con đường nhựa láng bóng hiện
quanh các thảm cỏ xanh non, uốn lượn ngoằn ngoèo. Ngồi trên xe với
trạng thái bồng bềnh, êm ru theo những con đường lượn sóng. Hình
như đường phố không chủ trương dành cho xe đạp. Người đi xe
đạp sẽ cảm thấy vừa nhọc mình, vừa dễ xảy ra tai nạn tên những
con đường nhựa bóng, vừa lên xuống dốc liên tục lại vừa có
độ vòng hẹp. Sự vắng bóng các loại xe đạp làm cho đường phố
mất đi cái vẻ bộn bề, hỗn độn.
Mạng
lưới giao thông ở Đà Lạt cũng thật đặc sắc. Trừ một vài đoạn
đường như Phù Đổng Thiên Vương, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần
Hưng Đạo, Thi Sách, Lê Thái Tổ là tương đối bằng phẳng. Song
chiều dài tối đa những đoạn đường này cũng chỉ đạt được
từ hai đến bốn cây số. Còn lại tất cả đều là những con
đường vòng vèo, uốn lượn ôm lấy các sườn đồi.
Từ
hồ Xuân Hương, trung tâm thành phố các con đường tỏa về các
ngả. Chúng không tạo nên mạng lưới ô vuông mà lại tạo thành
như những mạng nhện nho nhỏ nối ghép vào nhau bằng những đường
trục chính tỏa ra ba bề bốn phía.
Đường
Phù Đổng Thiên Vương chạy lên hướng bắc dẫn đến khu vực hồ
Đa Thiện và hồ Vạn Kiếp. Cả hai đều là những thắng cảnh đã
được ghi nhận có thể kết hợp sản xuất với kinh doanh du lịch và
xây dựng nơi vui chơi giải trí cho nhân dân thành phố. Tại khu
vực hồ Đa Thiện đã có sẵn những đập nước và những trạm bơm
với những bể chứa nước có gắn vòi bơm mang hình những đầu rồng
quái dị. Các vòi bơm được bố trí đẹp mắt kết hợp một cách
tinh tế giữa khung cảnh thiên nhiên với những kiến trúc giản dị,
độc đáo làm cho phong cảnh càng trở nên hữu tình. Đứng dưới
bầu trời Đà Lạt một chiều lộng gió mà ngỡ như đang đứng giữa
thảo nguyên mênh mông một ngày xuân rực rỡ hoa đồng. ở độ
cao này có thể nhìn bao quát cả thành phố từ phía bắc. Trước
mắt ta hồ Xuân Hương hiện ra lấp loáng trong ánh nắng chiều.
Quanh hồ lô xô bao nhiêu cao ốc và biệt thự, biệt điện. Nào
Hotel Đà Lạt, khách sạn Palace, khách sạn Duy Tân, Ngọc Lan, dinh
tổng thống, các công sở, nhà thờ, trường học, khu chợ v.v... Các
khu dân cư nối nhau chạy thành hai vệt dài tạo nên hình một chữ
"Y" nằm nghiêng. Đuôi chữ Y là khu vực bờ tây nam hồ
Xuân Hương, càng xa trung tâm thành phố, số biệt thự càng giảm
dần nhường chỗ cho những ngôi nhà gỗ rất xinh xắn mang một vẻ
đẹp kín đáo rất riêng tư.
Nhìn
lên hướng đỉnh Langbian ở phía bắc nhấp nhô những đồi cỏ, những
vạt đồi thông non mới trồng xanh mướt. Đây là khu rừng bảo hộ
có thể kết hợp tạo thành "khu săn bắn trong rừng thắng cảnh"
hoặc khu "vườn quốc gia" phục vụ thú vui săn bắn của
du khách, thực sự tiềm ẩn một khả năng du lịch đặc sắc, hoàn
hảo.
Đại
lộ Hùng Vương đi về hướng tây, nơi có thác Cam Ly, nằm cách
trung tâm thành phố chưa đầy ba cây số. Đi qua Cam Ly chừng năm
trăm mét, theo một con đường dốc với những bậc tam cấp lát
đá dẫn lên ngọn đồi cao 1.517 m. ở đó có lăng quận công Long
Mỹ. Lăng xây giữa một đồi thông mát lộng. Ngay cạnh đó, dưới
chân đồi phía bắc, đồn điền Cam Ly nằm cạnh một sân bay.
Đường
Huyền Trân Công Chúa chạy về hướng tây - nam nối tiếp đường
Hùng Vương ở chỗ ngoặt trước trường tiểu học Yersin cách hồ
Xuân Hương hai cây số. Sau khi vượt qua một khu dân cư đông
đúc thuộc ấp Nam Thiện để đi vào khu rừng rậm thâm nghiêm,
con đường chia làm ba ngả tỏa ra như những rẻ quạt bò ngoằn
ngoèo luồn sâu vào các khu rừng. Từ đây chúng trở thành những
con đường khai thác, chuyên chở gỗ, nhựa thông. Rải rác trong các
cánh rừng, ven các lối đi có những biệt thự rất xinh xắn làm
cho khu rừng bớt đi cái vẻ hoang sơ, nguyên thủy của nó. Trong rừng
có nhiều suối nước, chỉ cách nhau mấy chục mét đã có thể bắt
gặp một dòng suối trong xanh, rừng cây soi bóng bên bờ, tiếng suối
chảy rì rầm lan truyền mọi ngả, ngỡ như mặt đất đang kể cùng
rừng cây câu chuyện bất tận của nó. Đây là khu vực có nhiều
rừng rậm, xen với rừng thông. Chắc chắn sẽ đáp ứng thỏa đáng
yêu cầu cho những ai yêu thích thiên nhiên, yêu thích cái huyền
bí kỳ ảo của những rừng cây, những suối nước chảy từ trên
cao ngay trong thành phố.
Đường
Triệu Việt Vương, Prenn và Hoàng Hoa Thám đi về hướng nam. Theo
đường Triệu Việt Vương có thể ghé thăm dinh tổng thống
(1).
Từ
hồ Xuân Hương có thể theo đại lộ Nguyễn Tri Phương tiếp nối
với nó là đường Prenn để đến con thác mà nó mang tên - thác
Prenn và sau đó chỉ cách thác Prenn chừng hai cây số là thác Đatanla.
Nếu được đi lên sơn nguyên vì lý do gì đó bạn chưa có dịp
ghé lại thăm hai con thác mà vẻ đẹp của nó đã từng làm xúc
động bao tâm hồn của không riêng gì các nghệ sĩ, những nhà
đạo diễn điện ảnh phim truyện, phim tài liệu, khoa học... thì
xin mời bạn, xin đừng để mất một cơ hội tốt đẹp như vậy !
Đại
lộ Lê Thái Tổ đi về hướng đông, nối đường Trần Hưng Đạo
với quốc lộ 11 (2)
Những
đường phố bao quanh hoặc xen kẽ các khu rừng, sườn đồi không
làm mất đi vẻ phong quang của những ngôi nhà, biệt thự ẩn hiện
dưới các vườn cây, vườn hoa xanh mát, cùng với những công trình
kiến trúc đồ sộ như các dinh thự "biệt điện" được
xây trên ngọn đồi cao trên một ngàn mét.
Các
biệt thự ở Đà Lạt vừa xinh đẹp vừa lộng lẫy được đặt
trong một khung cảnh thiên nhiên đầy ngoạn mục là niềm mơ ước
lý tưởng về du lịch. Mai đây khi ngành du lịch nước ta được
mở rộng, bênh cạnh các khách sạn lớn có tầm cỡ quốc tế không
đủ chỗ cho khách thì hàng ngàn biệt thự kia sẽ là nơi nghỉ ngơi
rất ưa thích cho du khách nước ngoài.
Những
nhà nghiên cứu lịch sử, kiến trúc sư đã từng tham gia xây dựng
thành phố Đà Lạt cho biết rằng: Để tạo ra một thành phố nghỉ
mát độc đáo hấp dẫn, người ta đã đưa ra một điều luật
nghiêm ngặt nhưng lý thú là mỗi ngôi nhà, mỗi tòa biệt thự mới
xây không được giống những cái trước. Vì thế ý thức tạo dáng,
tạo thế độc đáo hình như đã trở thành một thuộc tính đặc
biệt của người Đà Lạt từ xây dựng nhà cửa đến sản xuất các
mặt hàng mỹ nghệ hoặc trang trí cắm hoa, chơi cây cảnh v.v...
Người
Đà lạt không thích nhà cao tầng bởi lẽ dễ hiểu là họ không
phải sống kiểu chen chúc, không phải đặt vấn đề tiết kiệm diện
tích ở. Vì vậy thường chỉ là nhà một, hai tầng với tiện nghi
đầy đủ, thuận lợi. Vì vậy bên cạnh những biệt thự kiểu cách
và những tòa nhà đồ sộ kiểu dinh thự tổng thống vẫn tồn tại
những ngôi nhà xinh xinh làm toàn bằng gỗ thông như những tổ uyên
ương bình dị nhưng không kém thơ mộng. (1)
Ở Đà Lạt có ba dinh Tổng thống được gọi là biệt điện 1, 2 và
3. Dinh 3 ta vừa thấy. Dinh 2 nằm cạnh đường Hoàng Minh Thế và
Trần Hưng Đạo. Dinh 1 cạnh đường Gia Long. (2)
Quốc lộ 11 sau khi gặp quốc lộ 20 ở Đức Trọng thì tiếp tục đi
vòng lên phía bắc để nối tiếp với đại lộ Trần Hưng Đạo trước
khi vào thành phố. |
|