Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, cùng với việc tổ chức Đoàn 559 mở tuyến vận tải trên bộ, vượt qua dãy Trường Sơn; sau khi nghiên cứu, thử nghiệm và chuẩn bị về mọi mặt, ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng ra Quyết định thành lập Đoàn Vận tải quân sự 759, mở tuyến đường chiến lược quan trọng đường Hồ Chí Minh trên biển để vận chuyển người và vũ khí đến các chiến trường xa ở miền Nam, những nơi mà đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn chưa thể vươn tới. Từ đây cho đến ngày toàn thắng, đường Hồ Chí Minh trên biển đã làm tốt vai trò “tiếp viện” kịp thời cho chiến trường miền Nam, góp công, góp sức cùng quân dân cả nước làm nên thắng lợi của chiến dịch mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vai trò của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển được thể hiện trên các khía cạnh sau:
Một là, đường Hồ Chí Minh trên biển đã cung cấp một lượng lớn vũ khí, trang thiết bị chi viện cho chiến trường miền Nam.
Trong 14 năm hình thành và phát triển, đường Hồ Chí Minh trên biển đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho chiến trường, góp công lớn vào thắng lợi của sự nghiệp thống nhất nước nhà. Điều đó có thể thấy qua các con số cụ thể: Thời kỳ 10 năm (1961 - 1971), tổng số tàu vào bến là 155 chuyến, chở 6.638 tấn vũ khí trang bị, đưa hàng ngàn cán bộ vào Nam. Trong đó, vào 4 bến ở Nam Bộ (Trà Vinh, Bạc Liêu, Bến Tre, Bà Rịa) 142 chuyến, chở 6.346 tấn. Vào 5 bến ở Khu V (Phú Yên, Bình Định, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Khánh Hòa) 13 chuyến, chở 292 tấn. Thời kỳ 4 năm (1971 - 1975) Đoàn gặp nhiều khó khăn, chuyển sang làm nhiệm vụ vận chuyển gần, đi 411 chuyến, chở 30.137 tấn vũ khí, trang thiết bị, hàng hóa và chở 2.042 lượt người đi B, hàng trăm xe cơ giới các loại, đi 158.292 hải lý trong chiến dịch VT5 vận chuyển cho chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên và Quân khu 5. Từ 14/04/1975 đến 29/04/1975 chở đặc công Quân khu V đánh chiếm đảo Trường Sa và Cù Lao Thu. Đoàn 371 dùng tàu gỗ vận chuyển hợp pháp theo ven biển từ Nam ra Bắc và từ Bắc vào Nam đi được 31 chuyến, chở 520 tấn cho Quân khu 9

Xét về mặt số lượng, con số vài chục ngàn tấn đi theo đường biển nếu so với con số vận tải của đường Trường Sơn trên bộ thì ít hơn rất nhiều. Nhưng nó đã tạo ra sức mạnh chiến đấu cho vùng ven biển miền Trung và miền Tây Nam Bộ, những nơi rất khó vận chuyển vũ khí, đạn dược qua đường bộ. Nhờ những con “tàu không số” liên tục đưa vào Nam Bộ vũ khí, lương thực nên quân và dân nơi đây đã nhanh chóng làm thất bại chiến dịch “sóng tình thương” của Mỹ - Ngụy. Điển hình như trận Ấp Bắc ngày 02/01/1963, ta đã phá tan 1.891 đồn bốt, phá rã 623 đồn bốt khác ở miền Trung Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Trận thắng này đã mở ra khả năng đánh bại chiến thuật "Trực thăng vận", "Thiết xa vận" của Mỹ. Sự chi viện nhanh chóng, kịp thời của những con tàu không số cũng góp phần làm nên thắng lợi của những Ba Gia, Vạn Tường, Bầu Bàng… Những chiến thắng quyết định đó, kết quả không chỉ là việc tiêu diệt bao nhiêu quân Mỹ, bao nhiêu đơn vị, mà còn là một sự khẳng định của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương: “Không sợ quân Mỹ, có thể đương đầu với quân Mỹ và có thể chiến đấu giành thắng lợi”.
Hai là, tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đã thể hiện tính ưu việt ở tốc độ và hiệu quả.
Ngoài ý nghĩa sinh tử về việc cung cấp vũ khí và nhu yếu phẩm cho những vùng xa xôi, con đường vận tải biển tuy gặp không ít tổn thất nhưng có ưu thế hơn đường bộ là tốc độ rất cao. Vận chuyển trên đường bộ mất hàng mấy tháng trời mới tới nơi. Vận chuyển trên biển, tuy gian nan, nguy hiểm hơn nhưng nếu không phải quay đi quay lại thì cùng lắm chỉ 1 tuần là hàng đã tới nơi. Đó là một ưu thế nổi trội của việc vận chuyển chi viện bằng đường biển. Vấn đề tốc độ càng có ý nghĩa quan trọng trong cuộc Tổng tấn công Mùa xuân 1975. Lúc đó, để thực hiện chỉ thị "Thần tốc", "Đại thần tốc" của Đại tướng Tổng tư lệnh, phải kịp thời chuyển thật nhanh những vũ khí hạng nặng và hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ vào miền Tây, kịp thời hợp đồng tác chiến với cánh quân đường bộ, Đoàn 125 đã vận chuyển thần tốc tới 130 lần với 143 chuyến tàu, chở 8.721 tấn vũ khí hạng nặng gồm 50 xe tăng và đại pháo, đưa 18.741 cán bộ và chiến sĩ, vượt 65.721 hải lý để kịp thời tham gia chiến đấu.
Mặt khác, đường Hồ Chí Minh trên biển dù rất gian nan, nhưng xét về hiệu quả thì rất cao, tỷ lệ tổn thất lại rất thấp. Trong 168 chuyến đi, có 30 lần chạm trán phải chiến đấu, không một tàu nào bị bắt sống hay đầu hàng, có 11 lần phải phá hủy tàu, tổn thất về hàng khoảng 7%, có nghĩa là 93% tới đích, trong khi tỷ lệ mà Quân ủy Trung ương cho phép là 50%. Nếu tính về "chi phí" trên mỗi tấn “hàng hóa", thì đường biển "rẻ" hơn rất nhiều so với vận tải đường bộ. 100 tấn vũ khí chở bằng đường thủy, trên một con tàu, chỉ cần 10 -15 hay tối đa là 20 chiến sĩ. Nếu vận tải bằng đường bộ thì 100 tấn đó cần đến cả một sư đoàn nếu là khuân vác, cả một tiểu đoàn nếu là vận tải bằng cơ giới. Còn chi phí nguyên liệu nếu vận tải bằng cơ giới trên đường bộ thì lượng xăng dầu tốn gấp hàng trăm lần so với vận tải đường thủy

Ba là, đường Hồ Chí Minh trên biển đã vận chuyển nhanh chóng và an toàn những “món hàng đặc biệt”
Tuyến đường Hồ Chí Minh đã vận chuyển nhiều món hàng hóa có tầm quan trọng sống còn đối với công cuộc kháng chiến ở miền Nam. Đó là những thứ máy móc đặc chủng không thể vận chuyển bằng đường bộ như những dụng cụ đặc biệt về y tế, những chiếc máy đặc chủng của nước bạn giúp đỡ để chế tạo những giấy tờ giả đủ các loại cho cán bộ đi lại công khai trên toàn miền Nam. Đó là những loại hóa chất đặc biệt để chế tạo vũ khí như thuốc nổ để chế tạo các ngòi nổ, ngòi cháy, sản xuất các loại đạn tại các công binh xưởng ở miền Nam. Trong nhiều trường hợp khẩn cấp, những “con tàu không số” cũng mang theo các loại tiền, nhiều khi tới hàng triệu đô la. Đặc biệt hơn, tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đã đưa đón an toàn tuyệt đối hàng trăm cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước và các chuyên gia đầu ngành tăng cường cho chiến trường như các đồng chí: Lê Đức Anh (đi Tàu 55 vào Nam Bộ năm 1964 và đi Tàu 159.TT của Đoàn 371 ra miền Bắc tháng 11-1973), Võ Văn Kiệt (đi Tàu 159.TT vào Nam Bộ tháng 10-1973), Bùi Phùng (đi Tàu 65 vào Nam Bộ năm 1964), Nguyễn Thế Bôn (đi Tàu 55 vào Nam Bộ năm 1964), Nguyễn Hòa (đi tàu 56 vào Nam Bộ năm 1964), Hoàng Thế Thiện (đi tàu 69 vào Nam Bộ năm 1964), Nguyễn Trọng Xuyên (đi Tàu 67 vào Nam Bộ năm 1964), Nguyễn Thiện Thành (đi Tàu 69 vào Nam Bộ năm 1964), Hồ Văn Huê, Bùi Cát Vũ (đi Tàu 165 vào Nam Bộ năm 1964), Ung Răng (đi Tàu 55 vào Nam Bộ năm 1965)...
Đường Hồ Chí Minh trên biển là một mắt xích quan trọng trong toàn bộ công tác chi viện từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam, một nét độc đáo, sáng tạo của chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông, biển do Đảng ta đề xướng và lãnh đạo. Đường Hồ Chí Minh trên biển đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến trường bằng đường biển từ miền Bắc vào các chiến trường khó khăn nhất, xa nhất là Nam Bộ, Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ, có những đóng góp cực kỳ quan trọng vào việc xây dựng và tăng cường sức chiến đấu cho các lực lượng vũ trang ở miền Nam, góp phần quan trọng cùng quân dân cả nước đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Tô Quốc Anh, Giảng viên Khoa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - Học viện Lục quân.