Cỡ chữ |
Màu sắc
Đọc bài viết

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng và ôm trọn 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là 17 dân tộc thiểu số thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Á (Austro-Asian) và Nam đảo (Austronesian) sống trên khu vực cao nguyên trung bộ của Việt Nam. Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ. Một trong 17 tộc người là chủ nhân của nó, có thể kể đến tộc người K’Ho.  Người K’Ho sở hữu một kho tàng nhạc khí hết sức phong phú đa dạng thuộc nhiều loại, nhiều nhóm và được chế tác bằng nhiều chất liệu khác nhau. Có những loại nhạc khí cổ sơ mang hoàn toàn chất liệu của thiên nhiên. Điều ấy chứng tỏ vốn văn hoá truyền thống ở Nam Tây Nguyên đã ra đời, tồn tại và phát triển theo chiều dài lịch sử và gắn bó với cuộc sống sinh tồn của đồng bào qua nhiều biến thiên hết sức gay gắt. Có thể kể ra đây một số loại nhạc cụ : Bộ gõ (Lur goòng – đàn đá, Cing, kuong-chiêng cồng, Sgơr-trống, Poh Kroc –đàn gió,), Bộ hơi (Mboắt-khèn bầu ống, PRê- sáo bầu 3 lỗ, Tôồng –đàn môi, Kenung và Kuộc –khèn sừng trâu), Bộ dây( đinh jưt). Tuy nhiên, đặc biệt nhất vẫn là cồng chiêng.  Chiêng là những cái có kích thước nhỏ, không có núm. Cồng là những cái to, có núm. Chiêng là nhạc khí tự thân vang, mỗi chiếc là một cao độ. Chất liệu tạo nên loại nhạc cụ này chủ yếu là đồng (nếu có pha vàng là loại chiêng quý). Chiêng có hình tròn, đường kính của cái lớn nhất có thể lên tới 60cm, cái nhỏ nhất không đến 20cm. Bộ chiêng phổ biến nhất trong cộng đồng K’Ho là giàn chiêng 6 chiếc có tên gọi từ lớn tới nhỏ chiang Me, Rrđơm, Dờn, Thoòng, Thơ và Thê.

Chương trình Liên hoan văn hóa cồng chiêng 
(Nguồn quản lý Di sản văn hóa)
Chương trình Liên hoan văn hóa cồng chiêng (Nguồn quản lý Di sản văn hóa)
Tái hiện không gian sinh hoạt văn hóa cồng chiêng
(Nguồn quản lý Di sản văn hóa)
Tái hiện không gian sinh hoạt văn hóa cồng chiêng (Nguồn quản lý Di sản văn hóa)

Trong tất cả các phong tục tập quán, tục đánh cồng chiêng đã và đang giữ một vai trò cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong đời sống cũng như truyền thống về các vị thần linh, chế độ nhà sàn dài, chế độ già làng, việc cưới hỏi, ma chay, phạt vạ, ma lai đến các ngày lể hội, như : lễ sấm ran đầu năm, lễ cưới, lễ ăn cơm mới, lễ thần đất, thần núi, thần sông, thần trời, lễ chúc sức khỏe, lễ đâm trâu, cúng thần cây đa, tế Yàng v.v… là những biểu hiện sống động cho sự gắn bó giữa nghệ thuật với cuộc sống. Trong kho tàng truyện cổ K’Ho các tác giả dân gian không ít lần nhắc đến tục đánh chiêng trong các ngày lễ trọng, trong truyện Tết tê lê, “ Thế là tất cả dân làng trong buôn lại sống dậy và không thiếu một ai. Mọi người mang ơn Tết tê lê và tôn cử lên làm người đầu buôn. Bà con đem nhiều ché rượu cần đến, chém con trâu béo nhất đàn. Tiếng chiêng tiếng trống, tiếng khèn vang lên mừng người chủ làng buôn mới”. Hay trong truyện K’BLộ - K’BLàn, khi đón khách phương xa tới “Lũ con trai con gái chung quanh múa hát, đánh chiêng, thổi khèn và giành nhau đong nước mời K’BLộ, K’BLàn”. Không những thế còn có cả truyện Chiêng biết nói giải thích tại sao có bộ chiêng 6 chiếc như ngày nay, truyện kể rằng ngày xưa có hai vợ chồng Ka Vàng và K’RĐơm sinh được 4 anh em tên là Dờn, Thoòng, Thơ và Thê, cả 4 anh em đều lười nhác, đến khi không còn gì để ăn, đi vào rừng tìm thức ăn, mệt quá ngủ quên, mơ gặp Yàng, cả nhà tìm được 6 chiếc khay đồng, đánh vào thì có tiếng người phát ra, có “6 vị Yàng từ trong chiếc khay tròn có vành  bước ra và bảo với họ ngày mai phải lên nương để chọc cái lỗ và tra cái hạt” . Cứ vậy, trải qua sáu ngày, các vị Yàng của sáu chiếc khay có vành đã dạy cho cả nhà cách trồng lúa trên nương, bắt cá dưới suối, săn thú trong rừng. “Ngày nay vật quý mà gia đình nọ tìm thấy giữa rừng sâu và mang về cho buôn làng chính là bộ chiêng Droòng sáu chiếc có tên thứ tự từ lớn đến nhỏ là Vàng, Rđơm, Dờn, Thoòng, Thơ và Thê”. Một mô típ khá ngộ nghĩnh trong truyện cổ K’Ho khi nói đến chiêng là mô típ khỉ đền chiêng cho người, trong các truyện: Chàng K’Ho và Naitơlúy, Chây K’Ho (II), Cil K’Ho (III), Một người nghèo, Cil K’Ho (IV), Người lấy vượn, Chàng Kiếc ghẻ, KTàr. Trong trường hợp này, chiêng được xem như vật trao đổi cao quý nhất mà Khỉ đền cho người, bởi chiêng đều có phép màu, biến ước mơ của người thành hiện thực chỉ trong chớp mắt.  Cồng chiêng đã trở thành hơi thở, là khát vọng, là cầu nối tâm linh giữa người với thần linh. Sau các biến cố lớn của một con người, hay của một cộng đồng, người ta lại nổi cồng, chiêng lên để giao thoa cùng trời đất ,trong các truyện : Chàng trai K’Tàr, Chuyện Nàng Ka Làng, K’BLộ - K’BLàn, Nàng Ka Jông và Chàng cá vàng, Ha Du-Bud chọn vợ  cả buôn làng mừng vui cho hạnh phúc của những người dũng cảm, biết chiến đấu và chiến thắng các thử thách để giành lấy hạnh phúc cho mình và cộng đồng. Bên cạnh những giá trị tinh thần, cồng chiêng còn mang giá trị về vật chất, nó được xem như tài sản quý giá, biểu trưng cho sự giàu sang và quyền lực. Người K’Ho xưa sẵn sàng đổi tất cả có được cồng chiêng. Truyện Nghé Thần như một minh chứng bi thảm cho việc sở hữu nhiều chiêng, ché mới là người giàu có. Tuy đã có Nghé Thần và rất nhiều của cải do chính Nghé Thần đem lại, vợ chồng Ka Đàng và K’Bi vẫn mơ “Người giàu không chỉ nhiều trâu mà còn phải nhiều chiêng, nhiều ché…”  và  “… Giao con nghé đầu đàn cho người Chàm, bà Ka Đàng nhận bộ chiêng treo ngay sát vách, bên bếp lửa, mắt bà sáng hẳn lên. Trong lúc đó, con nghé đầu đàn rớt nước mắt…nghé đầu đàn nói:  vì ông K’Bi –Bà Ka Đàng đã tham chiêng, trống mà bỏ tình bỏ nghĩa nghé tôi..” .

Diễn tấu chiêng trong lễ mang lúa về kho tại Đinh Văn – Lâm Hà 
(Nguồn quản lý Di sản văn hóa)
Diễn tấu chiêng trong lễ mang lúa về kho tại Đinh Văn – Lâm Hà (Nguồn quản lý Di sản văn hóa)

Tục đánh cồng chiêng và tín ngưỡng qua việc sử dụng nó không còn là một tục lệ bình thường nữa, cồng chiêng Nam Tây Nguyên nói riêng và Tây Nguyên nói chung giờ đây không những rung ngân trong các buôn làng nhỏ hẹp mà đã vang xa, bay xa khắp nơi trên thế giới, là niềm vinh dự và tự hào của Việt Nam. Ngày 4 tháng 11 năm 2008, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên cùng với Nhã nhạc Cung đình Huế đã được UNESCO công nhận lần thứ 2 là “Kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể đại diện của nhân loại” .

Trần Thanh Hoài

Tài liệu tham khảo :

1.Sự tích Lang Bian. Tác giả: Lâm Tuyền Tĩnh (sưu tầm). Sở Văn hóa Thông tin xuất bản 1987.

2. Truyện cổ tích Mạ-K’Ho. Nhiều tác giả. Sở Văn hóa Thông tin Lâm Đồng xuất bản 2003.

4. Truyện cổ K’Ho (chưa xuất bản của Tiến sỹ Lê Hồng Phong và các cộng sự sưu tầm tại Lâm Đồng)

5. Viên ngọc mặt trời - Truyện cổ Cơ Ho. Tác giả: Tạ Văn Thông ,Võ Quang Nhơn sưu tầm và biên soạn. Nxb Văn hóa Thông tin 1998.