Trang trước Mục lục Trang sau  

   

iống Thông (Pinus) gồm 110 loài phân bố ở những vùng khí hậu ôn hòa của Bắc bán cầu: Ở châu Á có khoảng 20 loài, kể cả những loài có kích thước và hình dáng nhỏ. Ở Việt Nam, đến nay đã thấy có 3 loài phân bố rộng và được trồng phổ biến là: 1. Thông ba lá (P.Khasya Royle et Gordon), 2. Thông nhựa (P. merkusii Jungle et de Vries), 3. Thông đuôi ngựa (P. massonniana Lamb).

Thông qua các tài liệu đã có và các quá trình gây trồng rừng Thông, cho phép rút ra được một số nhận xét có thể phục vụ cho công tác trồng rừng:

1. Ở nước ta loài Thông nhựa, Thông 3 lá và Thông đuôi ngựa đều có biên độ sinh thái khá rộng, lãnh thổ nước ta trải dài trên nhiều độ vĩ, bề ngang hẹp, địa hình chia cắt, các điều kiện tự nhiên phân hóa rõ theo các đặc điểm đó. Trong điều kiện tự nhiên của từng vùng có thể tìm thấy từng loài phù hợp để gây trồng rừng.

2. Thông là những loài cây dễ trồng, kỹ thuật gieo ương, gây trồng tương đối đơn giản, nhiều nơi có loài trồng được bằng rễ trần, tỷ lệ sống cao, sức tăng trưởng mạnh, mau thành rừng không đòi hỏi độ ẩm, độ phì của đất. Đây là thuận lợi rất quan trọng trong điều kiện kinh doanh còn thấp, một số loài cây trồng rừng đã được xác định còn ít, và đặc biệt trong công tác phủ xanh đồi trọc ở nước ta.

3. Các loài Thông đều mang đầy đủ tính chất của những loài cây tiên phong. Ở nhiều lập địa hầu như rất khắc nghiệt Thông vẫn sống và phát triển nhanh, làm thay đổi dần môi trường theo hướng có lợi cho quần thụ - nhất là Thông nhựa; mở đường cho các loài cây khác có thể sinh tồn được. Đây là đặc tính quí nhất của Thông trong việc phục hồi lại những diện tích đất đai mà rừng đã bị triệt hạ từ lâu đời, điều kiện sống của quần thụ đã bị thoái hóa nghiêm trọng.

4. Trong những điều kiện nhất định, Thông có khả năng tái sinh tự nhiên nếu lửa rừng không lặp đi lặp lại trong thời gian 10-15 năm.

5. Thông thích hợp với nhiều kiểu phân bố. Nói chung, Thông được thuần loại với những tỷ lệ tổ thành, mật độ và giai đoạn khác nhau, nhưng cũng thấy lâm phần trong đó Thông hỗn giao là không thấy gây hại thành dịch. Điều này chứng tỏ trong điều kiện cụ thể có thể gây trồng Thông với nhiều kiểu giống khác nhau, giúp cho ta chọn được phương thức trồng thích hợp cho từng vùng, tạo ra những quần thụ có sức tăng trưởng cao và khống chế được sự phát sinh và gây hại thành dịch của các loài sâu bệnh.

Với các đặc tính kể trên, các loài Thông đã trở thành những loài quan trọng nhất trong công tác trồng rừng ở nước ta, và chắc chắn trồng rừng Thông sẽ được mở rộng hơn nữa trong những kế hoạch sắp tới.

Trong quá trình gieo ương và gây trồng Thông ở nước ta, bệnh thường gây hại ngay từ giai đoạn hạt giống cho đến tuổi trưởng thành, đặc biệt nặng vào thời kỳ gieo ương và rừng non mới trồng.

Căn cứ vào qui trình phát triển của cây Thông và sự hoạt động của bệnh hại, có thể phân chia thành các giai đoạn như sau:

1.- Giai đoạn hạt nảy mầm

Hạt Thông nhựa sau khi gieo, nếu đủ nhiệt độ và độ ẩm thì sau khoảng 7-10 ngày sẽ nứt nanh đều. Thời kỳ này hạt có thể bị thối mà một trong số nhiều nguyên nhân, là do nấm Rhizoctonia.

2.- Giai đoạn cây mầm

Giai đoạn này kéo dài 13-20 ngày, thân cây mầm chưa hóa gỗ. Đây là giai đoạn gây hại chính của bệnh thối cổ rễ, chủ yếu do nấm Rhizoctonia gây ra. Cây đổ rạp trên luống và chết lụi từng đám.

3.- Giai đoạn cây mạ

Thân cây đã hóa gỗ (trừ thời gian đầu). Giai đoạn cây mạ, kéo dài khoảng 3-6 tháng.

Lúc này nấm Rhizoctonia vẫn có khả năng gây ra bệnh thối cổ rễ nhưng giảm rất nhiều so với giai đoạn trước. Nếu bị bệnh, cây có thể bị khô và chết đứng. Bệnh nhẹ thì cây bị cằn, không lớn được, và không đủ tiêu chuẩn trồng.

4.- Giai đoạn cây ương

Khi lá kim thật hình thành, cây ương bước vào giai đoạn hoàn chỉnh, rễ, thân, tán lá tiếp tục phát triển. Giai đoạn này việc chăm sóc cây ương có tác dụng quyết định tạo ra cây trồng tốt, khỏe, không bệnh. Ở giai đoạn này, bệnh hại nguy hiểm nhất là bệnh rơm lá đặc biệt đối với Thông nhựa và Thông đuôi ngựa, làm khô dần tán lá dẫn đến cây chết hoàn toàn. Bệnh phổ biến khắc các địa phương gieo trồng Thông, mức độ gây hại rất cao. Cây ương còn gặp nhiều bệnh hại khác: úa vàng sinh lý, thiếu các nguyên tố dinh dưỡng... làm cho cây cằn cỗi nếu không chết cũng không đủ tiêu chuẩn đưa đi trồng.

5.- Giai đoạn rừng non mới trồng

Thông sau khi trồng, có ưu thế tăng trưởng nhanh nên chóng thành rừng, nhưng trở ngại lớn vẫn là bệnh rơm lá - nhất là Thông nhựa - bệnh có thể gây hại tới rừng 4 tuổi, làm chết hàng loạt cây non, đặc biệt vào giai đoạn 1, 2 năm tuổi. Đây là bệnh nguy hiểm nhất trong tất cả các loài bệnh đã phát hiện được.

Sau khi rừng đạt 4, 5 tuổi thì bước vào giai đoạn ổn định, chưa phát hiện loại bệnh nào nguy hiểm. Cần chăm sóc, tạo điều kiện cho cho quần thụ phát triển thuận lợi. Một số loại bệnh như khô rụng lá, loét thân cành Thông đuôi ngựa, tuy có ảnh hưởng nhất định đến tăng trưởng của rừng, phẩm chất của cây nhưng không làm cây chết tức thời và hiện nay ta cũng chưa có biện pháp giải quyết hữu hiệu.

Sau đây là một số bệnh phổ biến và nguy hiểm nhất đối với Thông:

  Trang trước Mục lục Trang sau