Trang trước Mục lục Trang sau  

Những kết quả nghiên cứu khoa học của Viện nghiên cứu chè đã đóng góp một phần đáng kể để mở rộng diện tích, tăng năng suất và chất lượng chè ở nước ta. Xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn sản xuất, Viện đã đề ra phương hướng cho công tác nghiên cứu khoa học nhằm thực hiện mục tiêu mà ngành đã đề ra.


rải qua nhiều năm thử thách, cây chè mới được khẳng định chỗ đứng của mình ở vùng trung du và miền núi. Ở các tỉnh như: Hà Giang, Sơn La, Tuyên Quang, Bắc Thái, Vĩnh Phú v.v... cây chè đã được công nhận là cây mũi nhọn trong sự nghiệp phát triển kinh tế của từng địa phương.

Đến năm 2000 diện tích chè toàn quốc đạt 88.000 ha, trong đó trồng mới 15.000 ha, năng suất búp tươi bình quân từ 3,5 (năm 1995) lên 4,5 tấn/ha. Sản lượng đạt 315.000 tấn chè búp tươi, sản phẩm chế biến đạt 50.000 tấn, trong đó sản phẩm chè cấp cao đạt 40.000 tấn bằng 80% so với toàn bộ sản phẩm chế biến. Đồng thời đưa giá trị sản phẩm từ 1.425 USD lên 1.800 USD/tấn sản phẩm vào năm 2000, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho người trồng chè. Để góp phần thực hiện nhiệm vụ chiến lược đã đề ra, trong giai đoạn tới Viện nghiên cứu chè tập trung nghiên cứu và triển khai một số vấn đề như sau:

1. Về nông nghiệp:

Sản xuất nông nghiệp đối với cây chè là công đoạn quyết định để đưa năng suất, sản lượng và chất lượng nguyên liệu chè. Trong lĩnh vực nông nghiệp chúng tôi tập trung vào nghiên cứu về di truyền giống, canh tác, bảo vệ thực vật...

+ Nghiên cứu về giống di truyền

ng dụng phương pháp tiên tiến của công nghệ sinh học, đồng thời sử dụng các phương pháp chọn lọc cá thể, lai tạo, đột biến tạo ra các vật liệu khởi đầu để chọn ra những giống mới phục vụ sản xuất. Xây dựng phát triển quỹ gen hiện có, thu thập nguồn gen mới ở các địa phương, nhập nội giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt để chọn lọc nhân nhanh ra sản xuất, đặc biệt khai thác thế mạnh giống chè Shan ở vùng núi cao. Nghiên cứu phương pháp nhân nhanh giống chè mới cả hình thức nhân giống bằng hạt nhằm hạ giá thành trồng chè. Xây dựng các điểm chọn tạo nhân giống tại địa phương, nhanh chóng đưa các giống mới như TRI 777, LDP1, LDP2, 1A, PH1 v.v... vào sản xuất.

+ Các biện pháp kỹ thuật canh tác

- Đẩy mạnh việc thực hiện các qui trình thâm canh, nghiên cứu các biện pháp cải tạo đất bằng các cây phân xanh, các cây trồng xen, nghiên cứu biện pháp chống xói mòn, hệ thống cây che bóng phù hợp cho từng giống chè, nhằm xây dựng các mô hình trình diễn đồi chè có năng suất cao, chất lượng tốt, nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội, bảo vệ môi sinh phù hợp với từng vùng sinh thái khác nhau.

- Đẩy mạnh nghiên cứu về phương thức bón phân: NPK, hữu cơ, vi sinh, vi lượng với liều lượng và thời kỳ bón thích hợp cho cây chè nhằm nâng cao năng suất và chất lượng nguyên liệu.

+ Về bảo vệ thực vật

Hệ thống lại các loài sâu bệnh hại chè hiện có, nghiên cứu các biện pháp phòng trừ tổng hợp, sử dụng thuốc sinh học, hạn chế ô nhiễm môi trường, không có dư lượng độc trong sản phẩm.

Tìm biện pháp hạn chế sự phá hoại của mối hại chè, điều tra các loài thiên địch và biện pháp bảo vệ chúng.

+ Nghiên cứu trồng các cây hương liệu

Thu thập, chọn lựa nhân giống các loại cây hương liệu như hoa nhài, ngâu, mộc và các loại cây hương liệu khác thích hợp tạo hương cho chè xanh, chè đen, nhằm phục vụ cho nhu cầu phát triển các sản phẩm mới, nâng cao giá trị của các mặt hàng chè.

2. Khoa học công nghiệp:

Hiện nay trên thế giới có hơn 100 nước sản xuất và tiêu thụ chè, có thể nói đó là thị trường tiêu thụ chè rộng lớn, nhưng đòi hỏi chất lượng sản phẩm ngày càng cao và đa dạng hóa mặt hàng chè. Ngoài các sản phẩm chè đen truyền thống (Orthodox), CTC, thị trường chè cần sản phẩm chất lượng cao như chè Ô long, Pouchung, chè xanh dẹt, chè cúc (Gounpowder), chè tuyết, các loại chè hương hoa... và các sản phẩm mới của chè.

+ Công nghệ chè đen

Hoàn thiện qui trình công nghệ chè đen có chất lượng cao, cải tiến khâu làm héo kết hợp héo nhân tạo và tự nhiên, hoàn thiện nghiên cứu sử dụng năng lượng mặt trời phục vụ làm héo lá chè, tiết kiệm năng lượng, tăng hương thơm sản phẩm.

- Nghiên cứu các biện pháp vận chuyển, bảo quản, để đảm bảo chất lượng nguyên liệu tránh dập nát ôi ngót.

- Nghiên cứu khâu bảo quản chè đen bán thành phẩm hạn chế làm tăng độ ẩm, giảm chất lượng chè.

+ Công nghệ chè xanh

Nghiên cứu các mặt hàng chè xanh cao cấp, chè xanh đặc sản có chất lượng cao từ các giống chè chọn lọc với mẫu mã hấp dẫn người tiêu thụ, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

+ Nghiên cứu đa dạng hóa mặt hàng sản phẩm chè

- Hoàn thiện qui trình công nghệ chè Pouchung, chè cúc từ các giống chè chọn lọc, phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

- Nghiên cứu các mặt hàng chè hương, chè hoa tươi có chất lượng cao, các sản phẩm từ chè như nước giải khát lên men, các sản phẩm có chè như chè thuốc, các món ăn, bánh kẹo, tiến tới nghiên cứu sản xuất thử chè hòa tan phục vụ cho công nghiệp thực phẩm và xuất khẩu.

+ Nghiên cứu về cơ điện

Cải tiến phòng lên men phù hợp với điều kiện sản xuất và nâng cao chất lượng chè đen. Hoàn thiện hệ thống hút bụi cải tiến cho phòng sàng, sử dụng nhiệt thải từ máy sấy để làm héo chè, cơ giới hóa bốc dỡ nguyên liệu chè, thiết kế chế tạo máy diệt men lá chè, máy sấy tĩnh để sấy chè hương hoa, hoàn thiện thiết kế máy cắt cơ học.

3. Hợp tác trong và ngoài nước

- Mở rộng xây dựng các chương trình hợp tác khoa học, kỹ thuật với các tỉnh để đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật về nông nghiệp, công nghiệp chè phục vụ cho việc phát triển chè ở các địa phương.

- Tăng cường hợp tác phối hợp nghiên cứu với các viện, các trung tâm nghiên cứu khoa học để tranh thủ sự giúp đỡ về thiết bị nghiên cứu và đào tạo cán bộ.

- Tăng cường hợp tác, trao đổi khoa học - kỹ thuật công nghệ chế biến và giống mới  với các nước (Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Srilanka...) và các tổ chức quốc tế.

ĐOÀN HÙNG TIẾN
Viện trưởng Viện nghiên cứu chè

Biên tập: Nguyễn Công Mai

  Trang trước Mục lục Trang sau