Trang trước Mục lục Trang sau  

 

Cây chè gắn với trung du miền núi hàng trăm năm nay và đặc biệt được phát triển trong vài thập kỷ gần đây. Để đạt được sự tăng trưởng của ngành chè, với vai trò là động lực của sự phát triển, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển trong ngành chè đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.

iệt Nam là một trong những nước có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất chè. Diện tích đất theo qui hoạch để trồng chè rất lớn, trên 200.000 ha. Đặc biệt điều kiện khí hậu rất phù hợp cho cây chè phát triển: Lắm nắng, nhiều mưa, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm cao từ 8-12oC tạo điều kiện cho cây chè tổng hợp được nhiều chất thơm tự nhiên và đặc trưng. Nhân dân ta đã có tập quán trồng và uống chè từ lâu đời, đã đúc rút ra nhiều kinh nghiệm sản xuất và chế biến chè. Mặt khác Nhà nước cũng rất coi trọng việc phát triển của ngành chè, coi chè là một ngành kinh tế mũi nhọn của trung du và miền núi.

Theo đánh giá của Hiệp hội chè thế giới: Diện tích chè của Việt Nam đứng hàng thứ 7, sản lượng chè khô đứng thứ 11 và xuất khẩu đứng hàng thứ 8 trong số 30 nước sản xuất chè trên thế giới.

Trong những năm qua, diện tích và sản lượng chè ở Việt Nam phát triển khá mạnh, đến nay cả nước có 75.000 ha chè trong đó có 52.000 ha chè sản xuất kinh doanh. Sản lượng chè khô đạt 36.000 tấn và xuất khẩu khoảng 20.000 tấn.

Năm 1996, Tổng công ty chè Việt Nam được thành lập (trước đây là Liên hiệp các xí nghiệp chè Việt Nam), đã đi vào hoạt động ngày càng có hiệu quả. Trên cơ sở đánh giá đúng tiềm năng và triển vọng của cây chè, xem xét lại các mặt hạn chế của việc phát triển sản xuất chè ở nước ta, phương hướng phát triển của ngành chè đến năm 2000 là: Sản xuất chè có chất lượng cao với công nghệ tiên tiến, đưa vào sản xuất các giống chè tốt và đạt năng suất ổn định nâng cao hiệu quả kinh tế, đem lại lợi nhuận cao cho người làm chè.

Về sản xuất nông nghiệp, cái gốc của nền sản xuất chè. Phấn đấu đầu tư chăm sóc tốt để nâng cao năng suất và chất lượng nguyên liệu. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2000: Năng suất bình quân cả nước: 4,5 tấn/ha (trong đó 20% diện tích chè cao sản đạt 15 tấn/ha). Sản lượng chè búp tươi 315.000 tấn và đưa diện tích chè lên 88.000 ha trong đó có 65.000 ha chè sản xuất kinh doanh và trồng mới 15.000 ha. Đặc biệt trong 5 năm 1996-2000 tập trung đầu tư thâm canh cho 10.000 ha chè ở 14 tỉnh trọng điểm với tổng vốn đầu tư 5 triệu USD và trồng mới chăm sóc 10.000 ha chè ở 12 tỉnh phía Bắc với tổng vốn đầu tư 25 triệu USD. Tổng số vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp chè trong 5 năm là 30 triệu USD.

Về công nghiệp, phấn đấu với mức cao nhất có thể để đổi mới thiết bị và công nghệ, quản lý chặt chẽ và nghiêm ngặt dây chuyền công nghệ để đạt được các mục tiêu giá trị của chè thành phẩm, đưa tổng sản lượng chè khô đạt 72.300 tấn và xuất khẩu đạt 35.000 tấn, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó 85% chè đen sản xuất ra đạt tiêu chuẩn cấp cao có giá trị 1.500-1.700 USD/tấn. Chè đặc sản đạt giá trị 2.500-4.000 USD/tấn.

Hiện nay cả nước có trên 60 cơ sở chế biến chè công nghiệp, hầu hết đã già cỗi và lạc hậu. Một số cơ sở đã liên doanh liên kết với nước ngoài nhưng sản lượng chưa đáng kể. Mục tiêu trước mắt là: Cải tạo và thay thế thiết bị của 9 nhà máy chế biến chè do Liên Xô (trước đây) trang bị với tổng số vốn đầu tư trong 5 năm là 10.100.000 USD. Xây dựng thêm các nhà máy chế biến chè ở phía Bắc với tổng công suất 790 tấn búp tươi/ngày tương đương với 21.000 tấn chè thành phẩm/năm với tổng số vốn đầu tư là 56.900.000 USD. Đồng thời tổ chức một cơ sở sản xuất và đóng gói chè xuất khẩu với vốn đầu tư 1.250.000 USD và củng cố, mở rộng, nâng cấp các kho bảo quản chè xuất khẩu với với nhu cầu vốn đầu tư 1.700.000 USD.

Công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

Viện nghiên cứu chè là đơn vị chủ chốt xây dựng những luận cứ khoa học phục vụ chủ trương phát triển của ngành. Trong thời gian tới Viện tập trung những đề tài nghiên cứu cơ bản như: "Sinh lý, sinh hóa chè; dinh dưỡng đất đặc biệt là vi lượng; qui luật phát sinh phát triển của sâu bệnh hại chè và biện pháp phòngtrừ; bảo quản và lưu trữ quĩ gen... đồng thời mở rộng nghiên cứu ứng dụng triển khai: chọn tạo giống mới có năng suất cao, phẩm chất tốt đưa nhanh vào sản xuất; xây dựng qui trình canh tác, bón phân, phòng trừ tổng hợp; xây dựng, thử nghiệm, xác định mô hình sử dụng cây phân xanh, cây che bóng thích ứng với từng vùng sinh thái; xây dựng mô hình trình diễn, mô hình nông lâm kết hợp phù hợp với từng vùng và từng nông hộ; tiến hành các đề tài nghiên cứu về kinh tế chè, kinh tế trang trại vùng trung du miền núi. Về công nghiệp, Viện tập trung nghiên cứu, xây dựng qui trình công nghệ mới tạo ra sản phẩm mới có giá trị cao phù hợp với thị trường trong và ngoài nước. Nghiên cứu xây dựng qui trình bảo quản, tránh tổn thất chất lượng chè trong quá trình bảo quản.

Với sự nỗ lực phấn đấu của ngành, cùng với động lực thúc đẩy của khoa học và công nghệ, mục tiêu tổng doanh thu 100 triệu USD vào năm 2000 chắc chắn sẽ đạt được, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động, đem lại lợi ích kinh tế- xã hội cho đất nước.

ĐOÀN HÙNG TIẾN

Viện trưởng Viện nghiện cứu chè
Tổng công ty chè Việt Nam
Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn

Biên tập: Nguyễn Công Mai

  Trang trước Mục lục Trang sau