LỜI MỞ ĐẦU

ừ bao đời nay con người đã biết chiêm ngưỡng vẻ đẹp thanh nhã, độc đáo và đa dạng của Lan, loài hoa kỳ diệu. Bên cạnh đó các nhà khoa học cũng đã lao vào công cuộc sưu tầm, nuôi trồng và nhân cấy lai tạo ra nhiều giống mới khiến chúng đã kỳ diệu lại càng kỳ diệu hơn.

Với điều kiện sinh thái khá đặc biệt: ở độ cao 1.500 m, khí hậu mát mẻ trong lành, rừng Đà Lạt - Lâm Đồng có khá nhiều loài Lan hoang dại, kể cả những loài quý hiếm trên thế giới. Đây là chiếc nôi lan vô cùng quý giá của đất nước ta. Trong chiếc nôi ấy, Cymbidium là loài lan rất đặc biệt không thể không chú ý đến.

Cymbidium được mệnh danh là "Nữ hoàng của các loài lan", người dân Đà Lạt thường gọi là "Địa lan", là một chi quan trọng của loài lan.

Tại Đà Lạt, các "Nữ hoàng" phát triển rất tốt, ra hoa đều đặn, kể cả những giống lai nhập nội. Các điều kiện khí hậu thời tiết ở đây cơ bản đã phù hợp với các yêu cầu sinh thái và sinh lý của Cymbidium, thay thế được phần lớn hệ thống nhà kính mà việc trồng lan ở các nước ôn đới cần đến.

Ai đã đôi lần ghé thăm các vườn lan Đà Lạt nhất là những dịp thành phố tổ chức Hội Hoa Xuân, mới có được những cảm giác ngỡ ngàng, thích thú trước vẻ đẹp muôn vẻ mà thiên nhiên đã dành cho địa lan Đà Lạt, mới thấy được tài năng, công phu chăm sóc của các bậc nghệ nhân, mới thấy được tiềm năng to lớn của Lan Đà Lạt. Gần 10 năm qua, tuy số lượng chưa nhiều, nhưng Cymbidium cũng đã được xuất khẩu, chào hàng ở một số nước và đã dành được nhiều cảm tình của khách hàng.

Với mục đích phục vụ cho việc trồng lan xuất khẩu, chương trình nghiên cứu về Lan Đà Lạt đã ra đời theo quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng. Sau 3 năm hoạt động, chương trình đã đạt được một số kết quả ban đầu và mở ra hướng đi lâu dài trên cơ sở những đánh giá đúng đắn và hiểu biết cặn kẽ hơn về mặt hàng của mình.

Trước nhất, việc điều tra cơ bản về tài nguyên đã có những kết quả khả quan: số lượng giống, loài tự nhiên và các đặc điểm sinh thái của chúng đã thu thập khá chính xác. Việc sưu tập, nuôi dưỡng lan trong điều kiện bán tự nhiên đã thành công. Điều này làm sáng tỏ nhiều vấn đề, nổi bật là các giống lan nhập nội có phả hệ liên quan với các loài nội địa.

Tiếp theo, việc hệ thống hóa, định danh và lập mã hiệu cho các giống nhập nội, các biến chủng trong tự nhiên cũng đã hoàn chỉnh. Nhờ đó việc chào hàng sẽ có cơ sở chính xác và tránh được mọi lầm lẫn khi nghề trồng lan phát triển mạnh.

Nhiều thí nghiệm, từ việc nhân giống hàng loạt bằng phương pháp cấy đỉnh sinh trưởng cho đến khi ra hoa đồng bộ, đã được triển khai và đạt nhiều kết quả tốt. Giá thể cho cây con và cây trưởng thành đã được cải tiến. Vấn đề che bóng có hướng giảm thiểu các giàn gỗ, phát triển việc trồng một số cây che rợp. Những vấn đề tưới, thông gió, bảo vệ thực vật... đều có những thành tựu theo hướng giảm chi phí sản xuất để hạ giá thành, tăng chất lượng hoa và mở hướng trồng lan Cymbidium ở qui mô lớn.

Chúng tôi xin hân hạnh giới thiệu với độc giả những kết quả trên qua tập sách DA LAT CYMBIDIUM này. Dù sao đi nữa, đây cũng chỉ là những suy nghĩ nồng nhiệt của một tập thể cán bộ khoa học trẻ rất yêu mến cây lan cao quí này, xin góp một phần nhỏ cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Chúng tôi ước mong được sự tiếp tay của các nhà lãnh đạo, nhà khoa học, những bậc đồng nghiệp, những nghệ nhân nhiều kinh nghiệm, nhân dân thành phố Đà Lạt, những người hâm mộ trong nước và bà con Việt kiều ở các nước để cho Cymbidium Đà Lạt phát triển kịp người.  

TRƯƠNG TRỔ
 
Trưởng Ban Khoa học Kỹ thuật Đà Lạt
Trạm trưởng Trạm nuôi cấy mô Đà Lạt
Chủ nhiệm chương trình nghiên cứu khoa học lan xuất khẩu tỉnh Lâm Đồng

Đà Lạt, ngày 1/1/1988


Sở khoa học, công nghệ và môi trường Lâm Đồng

Trang truoc Trang sau