![]() |
|||||
Nội dung chính | Trang trước | Mục lục | Trang sau | ||
I. HÌNH THÁI CƯ TRÚ CỦA LÀNG XÓM Trong xã hội truyền thống của các dân tộc Lâm Đồng, đơn vị cư trú chủ yếu là "bon" đối với những dân tộc thuộc ngữ hệ Môn-Khơme, hay "plei" đối với những dân tộc thuộc ngữ hệ Mã Lai-Đa đảo. "Bon" hay "plei" là một công xã huyết tộc qui tụ một hay nhiều dòng họ cùng chung một huyết thống hoặc cũng có thể là một công xã láng giềng quy tụ nhiều dòng họ khác nhau. Những dân tộc du canh du cư như người Mạ, Chil, làng rất phân tán và khái niệm làng bao gồm không những là tổng thể nhà ở xây cất trong một phạm vi tập trung hay rải rác nào đó cộng thêm với một số đất đai canh tác mà còn bao gồm luôn một khoảnh rừng tái sinh đã hưu canh và những cụm rừng nguyên thủy hay những đồi núi uy nghi dành cho thần linh cư trú; các dân tộc định canh định cư làm ruộng nước như người Srê và Churu ở phía Đông, làng xóm tập trung hơn, đông đúc hơn, làng nọ cách làng kia bởi đất đai canh tác. Chính sách dồn dân, di dân của Mỹ-ngụy làm đảo lộn tất cả xã hội truyền thống của đồng bào dân tộc, bức tranh làng xóm cổ truyền hầu như đã biến mất để thay thế vào đó bằng những phân chia hành chính như ấp, xã, huyệnv.v... Căn cứ trên thực tế hiện tại chúng ta có thể nêu ra những hình thái cư trú của các dân tộc Lâm Đồng như sau: 1. Hình thái cư trú theo cổ truyền Hình thái này chỉ còn lại một số rất ít làng ở vùng Mạ phía Tây. Dù rằng, trong chiến tranh đã có nhiều xáo trộn nhưng đến nay vẫn còn giữ lại được những nét đặc thù về hình thái cư trú và kiến trúc nhà ở của một cộng đồng huyết thống cổ xưa trong xã hội nguyên thủy Lâm Đồng. Phần lớn hình thái này vẫn còn giữ lại tên gọi cũ của nó, ví như trường hợp 2 bon B'Lạch A và B'Lạch B ở vùng Mạ Lộc Bắc huyện Bảo Lộc. Hai bon này cách nhau gần 1km, thực chất là kết quả của sự phân chia của bon B'Lạch khi xưa do quá trình phát triển các dòng họ tạo nên, một hiện tượng rất phổ biến trong xã hội truyền thống Mạ. Bon B'Lạch A nằm các huyện lỵ Bảo Lộc khoảng 40 km đường chim bay về phía Tây Bắc, và khoảng 60 km đường bộ, nay thuộc xã Lộc Bắc. B'Lạch A nằm trên vùng Mạ Coop cũ và được xây cất ở chân một ngọn đồi thấp ở cao độ 683m, chung quanh cũng là đồi thấp mà người Mạ gọi là "dăng". Trước kia B'Lạch A cũng nằm ở vị trí hiện tại, nhưng có một thời gian dài phải dời lên núi để chống chiến tranh hủy diệt của đế quốc Mỹ. Từ ngày giải phóng, bon trở về nơi cũ xây cất lại theo hình thái cư trú xưa dưới sự hướng dẫn của chính quyền Cách mạng. Bon B'Lạch A gồm 6 căn nhà, 4 căn nhà ngắn, bố trí trên một địa hình dài, dọc theo con đường đất chạy qua làng, tất cả đều quay mặt về phía con đường ấy. Từ đầu làng đến cuối làng khoảng 200 bước, nhà này cách nhà kia từ 10 đến 20 mét, xen kẽ nhau bởi những vườn nhỏ, những chuồng gia súc. Tất cả các nhà đều nằm theo hướng Bắc Nam, trừ một căn nhà nhỏ nằm phía bên kia đường. Con suối Đạ Me chạy dọc phía sau lưng làng chảy theo hướng Bắc Nam, cách nhà ở khoảng 100 mét về phía Đông. Bên kia con đường đất có 3 giếng nước, đây là những điểm cung cấp nước dùng cho việc nấu ăn, làm rượu suốt cả năm. Khu vực canh tác nương rẫy của bon là tất cả những đồi ở chung quanh, thường là rừng tre, nứa, rẫy gần nhất chỉ cách làng khoảng 100 mét, rẫy xa nhất khoảng 1 giờ đồng hồ đi bộ. Tất cả dân làng đều có quan hệ thân thuộc với nhau, mỗi căn nhà dài là nơi cư trú của một gia đình gồm cha, mẹ, anh, em, con, cháu, chắt, chít v.v... Bốn căn nhà ngắn chỉ là trường hợp một người trong gia đình ra sống riêng, nhưng vẫn quan hệ chặt chẽ với gia đình lớn. Sáu gia đình trong bon đều cùng chung một huyết thống nghĩa là cùng tách ra từ một ông tổ chung. Bon B'Lạch B chỉ có 4 căn nhà sàn dài từ 10 đến 18 mét, không thấy có nhà ngắn. Các kho lúa đều tập trung vào một góc của bon, có rào chung quanh, phía bên kia con đường đất là khu vực canh tác. Các nhà trong bon san sát với nhau, nhà số 1, 2, 3 chỉ cách nhau từ 2 đến 5 mét, nhà số 3 cách nhà số 4 khoảng 10 mét. Tất cả dân làng không những có quan hệ thân thuộc với nhau mà còn cùng chung một huyết thống với dân làng B'Lạch A. 2. Hình thái cư trú cổ truyền phát triển Hình thái này không những là kết quả của một quá trình biến đổi tự nhiên từ một công xã huyết tộc tiến lên thành một công xã láng giềng mà còn do những ảnh hưởng sâu rộng bên ngoài tác động làm thay đổi mau chóng bộ mặt cũ của làng. Thường đây là những làng định canh định cư nằm ở vị trí tiếp xúc với xã hội bên ngoài như ở ven các trục lộ giao thông hay gần các tỉnh, huyện lỵ nên có một sức hút mạnh đối với các làng khác nằm sâu hơn trong nội địa. Đồng thời do sự giao lưu văn hoá tác động vào nên làng phát triển nhanh chóng và biến đổi cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Điển hình cho hình thái này là các làng người Srê sinh sống lâu đời ở quanh huyện lỵ Di Linh bị ảnh hưởng người Pháp và Thiên chúa giáo khá mạnh. Ấp K'ming xã Gung Ré thuộc huyện Di Linh là một trường hợp điển hình nhất. Ầp K'Ming, tên gọi của một ông tổ người Srê khi xưa sáng lập nên làng, nằm cách huyện lỵ 1 km về phía Bắc và cách lộ 20 khoảng 2 km. Làng xây cất trên một ngọn đồi bên cạnh một ngọn núi thiêng, chính giữa là một thung lũng rộng làm nơi canh tác ruộng nước cho cả dân làng. Sâu vào nội địa cách lộ 20 khoảng 4-5 cây số là ngọn núi Gung Ré. Trong làng tất cả những kiến trúc xây cất đều quy tụ trên ngọn đồi nói trên, không theo một phương hướng nhất định nào cả, đường đất lớn nhỏ chạy quanh co theo một lối phát triển tự nhiên. Nhà ở phần lớn khang trang, tuy còn cái vẻ cổ truyền với cái sàn thấp và hiên trước cửa ra vào nhưng vật liệu xây cất và kỹ thuật lắp ráp đã khá hiện đại: vách gỗ, mái tôn, kèo cột ráp mộng đôi khi có bắt bù loong. Chung quanh nhà lại có vườn nhỏ trồng tre và cây ăn trái như chuối, mít, một vài nhà giàu đã có vườn cà phê, chuồng gia súc (heo, gà, dê). Nói chung quá trình biến đổi của ấp K'Ming tuy phần lớn là do ảnh hưởng bên ngoài nhưng Hòan toàn không bị một tác động máy móc nào buộc phải biến chuyển. 3. Các hình thái cư trú dồn dân Các hình thái cư trú này là kết quả của chính sách di dân và dồn dân của Mỹ-ngụy làm đảo lộn tất cả địa bàn cùng với hình thái cư trú cổ truyền của các dân tộc Lâm Đồng. Mỹ-ngụy có 2 phương thức để di dân và dồn dân: phương thức thứ nhất là chọn một làng dân tộc nằm trên một điểm chiến lược rồi sau đó dồn dân vùng phụ cận vào chung quanh biến thành một ấp chiến lược; phương thức thứ hai là chọn một điểm chiến lược nào đó không có người ở rồi với những phương tiện kỹ thuật hiện đại tạo một ấp chiến lược tiền đề để dồn dân. Kết quả của hai phương thức dồn dân này đã tạo nên hai hình thái cư trú: a. Hình thái cư trú dồn dân thuần nhất (cùng một dân tộc) Hình thái cư trú này thấy ở những ấp chiến lược tập trung người Chil trước kia sinh sống rải rác khắp vùng núi phía Bắc và Đông Bắc Lâm Đồng. Những người này được bốc bằng trực thăng từ những núi cao rừng rậm dồn xuống vùng đồng bằng để kiểm soát ở 2 huyện Đức Trọng và Đơn Dương. Với những phương tiện hiện đại cùng với sự dẫn dụ của các mục sư Tin lành, số người Chil này từ một lối sống còn rất thấp kém, được đưa vào lối sống của chủ nghĩa thực dân mới với ý đồ biến họ thành những công cụ chống lại cách mạng. Những làng tập trung như vậy bề ngoài thật hiện đại về mặt nhà ở cũng như về các phương tiện sản xuất như máy cày, nhà máy xay lúa v.v... Điển hình cho làng kiểu này là ấp Đạ Me của người Chil. Ấp Đạ Me thuộc xã N'thol Hạ huyện Đức Trọng. Ấp nằm trên một ngọn đồi chính giữa là nhà thờ Tin lành, chung quanh xoay tròn từng vòng tận chân đồi là nhà dân, các lối đi chính đều hướng vào trung tâm điểm là nhà thờ nói trên. Nhà ở trong ấp rất khang trang, có nhà bằng gỗ mái tôn nhưng cũng có nhà đúc bằng gạch lợp ngói, chung quanh lại có vườn có hàng rào không khác chi nhà ở của người Kinh. Bên trong nhà ở cũng vậy, cũng có bàn, có ghế, có tủ, đôi khi lại có những tiện nghi hiện đại khác. Dưới chân đồi sát cạnh làng có hồ lớn ngày xưa nuôi cá đồng thời cũng để cung cấp nước cho nhà máy xay. Phần lớn dân trong làng theo đạo Tin lành, sinh sống có vệ sinh, ăn mặc sạch sẽ ta có cảm tưởng đạo Tin lành là một loại "xúc tác" đã làm cho người Chil ở Đạ Me biến chất đi cho phù hợp với nếp sống mới. Nhưng trong thực tế đó chỉ là một lớp sơn bên ngoài dễ bị rạn nứt và những điều người dân thâu nhận đều chóng tàn, hời hợt vì không có một cơ sở kinh tế vững chắc. Hình thái cư trú dồn dân thuần nhất cũng thấy xuất hiện nơi người Kơho ở huyện Di Linh và cũng do phương thức dồn dân thứ nhất tạo nên nghĩa là dùng một điểm chiến lược làm trọng tâm để hốt dân các làng phụ cận dồn về. Theo phương cách này Mỹ-ngụy muốn biến một cách máy móc một công xã huyết tộc thành một công xã láng giềng nằm chung trong một ấp chiến lược. Trường hợp này xảy ra tại xã Đinh Trang Hòa thuộc huyện Di Linh. Xã Đinh Trang Hòa nằm phía Tây Nam huyện Di linh, sát lộ 20, cách huyện lỵ 16 km. Xã ở về một phía của mặt lộ (phía Nam) và hiện nay gồm có 5 thôn: 1, 2, 3, 4, 5 trong đó thôn 5 (gọi là Hòa Bắc) là vùng căn cứ địa cũ của Cách mạng và cách các thôn khác khoảng 20 km, còn các thôn 1, 2, 3, 4 ở sát với nhau ven lộ. Ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến 4 thôn đầu là 1, 2, 3, 4 vì 4 thôn này vốn là 2 ấp chiến lược cũ nằm sát nhau và đã có một quá trình lịch sử phát triển. Thôn 1 gồm có 5 bon: B'Sur, Hang Quýt, Hang Kao, Tok Lăn, Lò Còng. Những bon này đều mang tên bon cũ, bon cổ truyền ở cách nơi bây giờ chừng 3-4km về phía Nam lộ 20. Thôn 2 gồm có 8 bon: B'Lac, Đa Knàng, K'Long Kã, Kon Sịp, Kan Cha, Nao B'Lo, T'Li Sreju, A'Krông cũng đều mang tên cũ từ phía Nam lộ 20 chừng 7-8 km, bị Mỹ-ngụy dồn về đây từ năm 1962. Thôn 3 gồm 5 bon: Brui Kmé, B'Sungon, Poadam, Tôrne, Iraskmul cũng mang tên cũ nhưng từ phía Bắc và Nam lộ 20 đưa về. Thôn 4 gồm 5 bon: Trang Vát, Trang Bir, Kon Tờm, Kon Yòng, Srôndo tất cả cũng từ phía Bắc lộ 20 dồn về đây. Lịch sử dồn dân về đây xảy ra khá phức tạp. Thời Ngô Đình Diệm vùng này chia thành 2 xã: Đinh Trang Thượng và Đinh Trang Hạ, có lẽ vì lúc trước vùng này gọi là Ding T'rang (Ding là ông, T'rang là cây T'rang, một loại lau sậy thường mọc ở vùng sình lầy, thung lũng). Sau đó chúng dồn dân trong vùng này về 2 điểm, một điểm tại cây số 16 ven lộ cách huyện lỵ Di Linh để thành lập ấp chiến lược 16 gồm thôn 1, 2, 3 bây giờ và một điểm tại cây số 17 thành lập ấp 17, cũng nằm dọc theo quốc lộ 20 gồm thôn 4 hiện nay. Đến năm 1967 ấp 17 được đưa về kế ấp 16 dọc theo con đường đất vào To Klăn cũ nay trở thành thôn 4 của xã Đinh Trang Hòa. Như vậy hiện nay các thôn 1, 2, 3, 4 nằm trên các ngọn đồi nhỏ ven lộ 20, thôn 1, 2, 3 ở một bên con đường đất xẻ vào tận thôn 5 (Hòa Bắc) và thôn 4 ở phía bên kia, chung quanh là ruộng do 2 con suối tạo thành: suối Da Rno và Da Riam. Các bố trí nhà cửa trong thôn không giống nhau: trong các thôn 1, 3, 4 nhà ở được xây dọc theo con đường đất xẻ từ lộ 20 vào, không có một phương hướng nào nhất định, đặc biệt chỉ có thôn 2 nhà ở quy tụ trên một ngọn đồi xây mặt vào trung tâm vọng gác cao, quay tròn như thôn Đạ Me của người Chil mô tả ở phần trên. Về mặt tổ chức xã hội, vì bị dồn như thế nên những khái niệm cổ truyền của người dân mai một đi. Tuy họ vẫn còn nhắc tới bon làng xưa như còn phân biệt người của Tơ Klăn, Lò Còng, B'Sar v.v... Nhưng những quan hệ họ hàng, láng giềng đã thay đổi nhiều đồng thời các quan hệ xã hội cũng biến đổi sâu rộng. b. Hình thái dồn dân hỗn hợp (nhiều dân tộc) Hình thái cư trú này thường do phương thức dồn dân thứ hai tạo nên nghĩa là phương thức chọn một làng dân tộc cũ làm tựu điểm rồi đưa các làng của những dân tộc khác sống kế cận đó dồn về. Hình thái này thấy xuất hiện nhiều nhất ở hai huyện Đức Trọng và Đơn Dương. Trường hợp điển hình cho hình thái cư trú này ở Đơn Dương là thôn Suối Thông A xã Thạnh Mỹ, tập hợp người Chil, Raglai, Tring và Srê. Suối Thông A là một trong 7 thôn của xã Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, nằm sát lộ 21 cách ngã ba Fimnom 5km và cách thị xã Đà Lạt 30km ở phía Nam. Thôn được xây cất trên một ngọn đồi thấp, xưa là một ấp chiến lược của Mỹ-ngụy, thành lập từ năm 1965 cạnh một làng Srê cũ cách đó khoảng 800m hiện nay gọi là xóm Đ'Roòng cũng thuộc vào phạm vi hành chính của thôn. Thôn được chia ra 4 khu vực rõ rệt phù hợp với 3 dân tộc bị tập trung về đây:
Ngoài ra còn có xóm Đ'Roòng của người Srê gồm 21 hộ, 115 nhân khẩu cách đó khoảng 800m là xóm cũ vốn có từ trước. Lịch sử thành lập Suối Thông A là cả một quá trình của chính sách di dân và dồn dân của Mỹ-ngụy. Trước tiên là đối với người Chil. Những người này, khi xưa sống rải rác trên vùng núi phía Đông Bắc cao nguyên Lang Biang trong các khu vực như Liêng Bông, Bon Rơm, Da Blah, Xiếcmé cách nhau từ 1 đến 2 ngày đường. Vì điều kiện môi sinh của những vùng nay không còn phù hợp với lối canh tác phát rừng làm rẫy của người dân nên đến những năm 1955-1957 họ di cư xuống vùng Djơng Lô thuộc phía Nam thị xã Ninh Hòa, Nha Trang. Đến năm 1959-1960, họ bị ngụy quyền dồn về tập trung tại thị xã Diên Khánh (Khánh Hòa cũ) trong vòng 3 tháng, rồi sau đó bị đẩy lên vùng Phước Lương cách Diên Khánh 15km. Đến năm 1965, chiến tranh càng dữ dội, một lần nữa họ bị hốt lên xe nhà binh đem đổ xuống tại Suối Thông A ngày nay. Số phận người T'ring Suối Thông A hầu như gắn liền với số phận người Chil. Trước kia, người T'ring sinh sống ở làng Dakar cũ của họ thuộc Phú Khánh. Dakar nằm sát cạnh Djơng Lô (thuộc vùng Ninh Hòa), nên họ gặp gỡ người Chil tại đây vào những năm 1955-1957 để từ đó chia xẻ cùng chung một số phận bị hốt về Suối Thông A ngày nay. Còn người Raglai, trước kia sinh sống tại bon Ya Lạch cũ thuộc vùng Phú Khánh, đến khoảng năm 1965 bị dồn về Suối Thông A cùng với các dân tộc kể trên và sau ngày giải phóng 1975 họ đã trở về quê làng cũ. Trước 1965, Suối Thông A chỉ là một ngọn đồi thông, khi dồn dân về đây ngụy quyền dùng phương tiện kỹ thuật khai hoang ủi đất chia từng lô và phân phát cho dân vật liệu để xây cất nhà ở. Chúng ép dân đào chiến hào chung quanh làng, xây hàng rào kiên cố và xây cất 7 pháo đài phòng thủ ở những vị trí ven làng. Song song với việc phòng thủ này chúng còn đưa đạo Tin lành vào với dụng ý kết hợp các dân tộc lại, biến đổi xã hội cổ truyền của họ và truyền bá cho họ ý thức chống Cách mạng. Hiện nay tại Suối Thông A, ngoài xóm Đ'Roòng của người Srê theo Thiên chúa giáo và có nhà thờ riêng của họ, ngay trong phạm vi chính của thôn có 3 nhà thờ Tin lành cho một số dân nhỏ bé là 1.414 người. Những dữ kiện và con số trên cho chúng ta thấy rõ phần nào chính sách dồn dân, di dân của Mỹ-ngụy nhằm biến đổi xã hội cổ truyền của các dân tộc Lâm Đồng, đồng thời cũng cho ta một khái niệm thế nào là một ấp chiến lược ở vùng dân tộc Lâm Đồng. c. Hình thái cư trú mới sau giải phóng Đây là những xã ấp kinh tế mới thiết lập sau ngày giải phóng tại vùng căn cứ địa Cách mạng của người Mạ do nhu cầu phát triển xã hội và để đáp ứng chính sách định canh định cư đồng bào dân tộc. Trong hình thái cư trú này, các làng người Mạ khi xưa du canh du cư nằm rải rác trên núi cao rừng rậm để tránh sự tàn phá của bom đạn Mỹ được chính quyền ta kêu gọi tập trung lại để khai phá, canh tác một khu rừng nhất định với những phương tiện hiện đại nhằm nâng cao đời sống văn hoá, vật chất của đồng bào dân tộc. Đặc điểm của những làng định canh định cư này là một mặt các làng cũ vẫn còn giữ được những nét đặc thù của mình, đồng thời phát triển về văn hoá và kinh tế để bắt kịp đà phát triển chung của cả nước. Vùng người Mạ xã Đạ Tẻ là một ví dụ điển hình. Xã nằm phía Tây Nam huyện Bảo Lộc, gần con sông Đạ Huoai thuộc vùng Mạ Ngăn cũ (nhóm Mạ chính thống nhất). Xã được thiết lập trên một khoảng đất bằng, con lộ từ ngả ba "MaĐa Gui" ở cây số 143 rẽ vào phía Tây đến đây là chấm dứt và điểm tiếp giáp của con đường đất ở điểm này đã phân chia 3 thôn của xã ra hai bên; một bên là thôn 2, bên kia là thôn 3 và 1. Thôn 3 là thôn đã ở đây từ lâu có tên là "Lú Tôn" và gồm 7 bon. Thôn 1 và 2 mới dọn về khoảng tháng 2 năm 1977, thôn 1 tên là "Xi Nhên" gồm 10 bon nhưng hiện nay chỉ mới dời về 1 bon (bon B'Su) thể hiện qua một cái nhà sàn dài truyền thống 54m, thôn 2 là thôn "Hợp Vông" gồm 7 bon cũ. Mô hình thôn xóm của xã Đạ Tẻ khá đặc sắc vì nó cho ta thấy quá trình phát triển tự nhiên của làng xóm trong xã hội người Mạ. Thôn 3 phát triển hơn, gồm 3 nhà sàn dài bằng nhau (dài khoảng 20m) nằm theo một đường dọc, mặt hướng ra con đường đất đúng theo mô hình thôn xã cổ truyền được mô tả trong các tư liệu cũ trước đây. Thôn 2 nằm về phía bên kia đường đất, có một mô hình khác hẳn. Thôn gồm toàn nhà đất xây cất không theo một phương hướng nào nhất định và là nơi đặt trụ sở ủy ban nhân dân xã. Đấy có lẽ là mô hình thôn xóm phát triển nhất của xã Lộc Trung. Nó thể hiện một bước tiến từ đại gia đình sang gia đình hiện đại (gồm 1 vợ, 1 chồng và các con). Qua sự phân tích trên chúng ta thấy rõ là hình thái cư trú ở xã Đạ Tẻ tương đối phù hợp với đà phát triển nông thôn của các dân tộc, vừa đủ tập trung để định canh định cư vừa giữ được những nét đặc trưng văn hoá của đồng bào để họ không bị mất gốc mà vẫn có thể tiến lên lối sản xuất hiện đại hơn. II. CÁC LOẠI HÌNH NHÀ Ở Về nhà ở của đồng bào dân tộc Lâm Đồng chúng ta có thể phân loại ra thành 2 loại hình lớn: loại hình truyền thống và loại hình hiện đại. Trong loại hình thứ nhất chúng ta thấy có một quá trình tiến hoá rõ rệt từ nhà sàn dài đến nhà đất qua giai đoạn nhà sàn ngắn, tuy trong các loại hình này có những điểm chi tiết khác nhau do điều kiện môi sinh và do các đặc trưng văn hoá của từng dân tộc tạo nên. Còn về các loại hình nhà ở hiện đại, tuy chúng có khác nhau như là nhà sàn hay là nhà đất nhưng đó chỉ là những biểu hiện của sự dằng co giữa cái cũ và cái mới trong quá trình phát triển, còn về mặt cấu trúc cũng như về mặt kỹ thuật và vật liệu xây cất, đây là những nhà ở hiện đại đúng theo nghĩa của chúng. CÁC LOẠI HÌNH NHÀ Ở TRUYỀN THỐNG
Nhà sàn dài là loại hình nhà ở cổ nhất trong xã hội truyền thống của các dân tộc Lâm Đồng. Khi các nhà thám hiểm người Pháp đầu tiên đến vùng này như Henri Maitre, Patte, vào đầu thế kỷ thứ 20, họ vẫn thấy những nhà sàn dài từ 100 đến 120m. Những nhà dài như thế hiện nay ở vùng Lâm Đồng không còn nữa. Căn nhà sàn dài nhất mà chúng tôi có dịp quan sát là căn nhà dài của người Mạ ở bon B'Su, xã Đạ Tẻ, dài 54m, sàn cao 1,5m, có tất cả 8 cầu thang, 12 cửa ra vào, bên trong có 12 bếp lửa. Rất tiếc là nhà mới xây cất nên các gia đình chưa dọn về đầy đủ để chúng tôi có thể quan sát thêm cấu trúc bên trong và cách bố trí từng hộ gia đình. Tuy nhiên loại nhà sàn dài phổ biến nhất tại Lâm Đồng là nhà sàn của người Mạ và Kơho, Srê, dài khoảng từ 25 đến 35m, rộng từ 3 đến 3,5m cột sàn cao từ 1 đến 1,5m. Số cửa ra vào tùy thuộc vào các hộ gia đình trong nhà, có thể từ 3 đến 8 cửa, mỗi cửa đều có cầu thang lên xuống. Nhà sàn dài của người Mạ Lộc Bắc và người Kơho, Srê vùng Di Linh, đều có sàn hiên ở mỗi cửa ra vào và một sàn hiên khác rộng hơn ở một phía hông nhà. Nhà sàn dài tại Lộc Trung không có sàn hiên trước cửa ra vào nhưng sàn hiên ở bên hông rộng và phát triển hơn đồng thời phía sau có thêm những dãy nhà phụ. Nhà sàn dài thường có hai mái lợp bằng lá "rsôi", một loại lá mây rất phổ biến trong vùng Mạ, hay bằng lá tranh. Lá "rsôi" được ghép thành từng tấm lớn dài 4,5m khi dời nhà thì được dỡ ra và cuốn lại để mang theo. Vách và mặt sàn làm bằng lồ ô đập dập, kèo làm bằng tre, và cột sàn bằng gỗ. Kỹ thuật lắp ráp rất thô sơ, chủ yếu là sử dụng cột ngoãm rồi dùng dây mây để cột. Cấu trúc bên trong rất đơn giản. Cả căn nhà là một buồng dài không vách, giữa nhà là một dãy bếp lửa, có nhà có đến 14 bếp dùng làm nơi nấu nướng, sưởi ấm cho các gia đình nhỏ ngoại trừ bếp khách không dùng làm gì khác hơn là để tiếp khách. Dọc theo vách đối diện với cửa ra vào là hàng ché mà nhiều hay ít tùy theo mức độ giàu, nghèo theo bậc thang giá trị cổ truyền của xã hội. Có nhà có tới hàng trăm cái ché vừa cổ vừa mới, và niềm tự hào của một nhà giàu có trong xã hội xưa là có toàn ché cổ. Trên mái nhà phía bên này là nơi giắt vũ khí. Phía vách bên kia là nơi để củi và trên mái là chỗ giắt các công cụ sản xuất như rìu, chà gạt... Mỗi nhà đều có chỗ để tiếp khách chung cho cả nhà và thường trùng với chỗ ở của người có địa vị cao nhất. Đây có thể gọi là đầu nhà và cũng là nơi đặt bàn thờ (nao), là chỗ tôn nghiêm nhất trong nhà dài. Nói là bàn thờ nhưng cái "nao" xưa làm bằng ván gỗ có chạm trổ không còn nữa, giờ đây người ta chỉ còn nhận ra là chỗ thờ cúng nhờ những nhánh cây, bông lúa vắt trên mái đối diện với cửa ra vào. Những nhánh cây, bông lúa này là vết tích còn lại của những buổi lễ cúng thần đã qua và sẽ được mang theo mỗi khi dời nhà. Phía trên trần nhà, trên các bếp lửa khoảng 1 mét có treo những cái "giá" hoặc những cái "mẹt" tròn dùng để chứa các thức ăn cần hun khói hay để khô như thịt rừng, cá khô, men rượu, tỏi hành v.v.. Ngoài ra cũng dọc theo nhà, chúng ta còn thấy những tấm tre đan treo lửng, mỗi tấm chỉ dài độ vài mét treo lưng chừng nhà dùng làm nơi để chiếu, chăn mền, gùi, rìu và các vật dụng khác như bầu nước v.v.. Ngoài ra, bên cạnh chiếc nhà dài còn có nhà kho, chuồng gia súc và nhà sản phụ là những kiến trúc phụ không thể thiếu được của loại hình nhà dài. Nhà kho là nơi chứa lúa. Đó là một nhà sàn nhỏ, cột cao hơn nhà ở (cao trung bình là 2,5m) và cách đó khoảng 10m. So với nhà ở, tuy nhỏ hơn nhưng nhà kho được xây cất tương đối chắc chắn và kỹ lưỡng hơn. Nhiều khi cửa kho được chạm trổ bằng những mô típ kỷ hà chứng minh cho sự chú ý của con người với mục đích làm đẹp và chăm sóc nhà kho. Nhà kho thường được xây cất riêng rẽ từng nhà nhưng cũng có thể tập trung lại thành từng một khu riêng biệt. Ngược lại với nhà kho, chuồng gia súc được cất sơ sài hơn. Thường cũng là nhà sàn nhưng rất thấp và nhỏ đủ để cản gia súc không thoát được ra ngoài. Nhà sản phụ cũng là một nhà sàn nhỏ, rất thấp (khoảng 0,3m) dài và rộng từ 3 đến 4m dùng để biệt lập người phụ nữ đang kỳ sinh nở. Bên trong bố trí rất giản dị chỉ gồm có một bếp lửa để sản phụ sưởi ấm, kế bên là những vật dụng cần thiết cho người phụ nữ như chăn, mền, bầu nước v.v.. Đứng về mặt phát triển xã hội, nhà sàn ngắn là giai đoạn chuyển tiếp từ nhà sàn dài đến nhà nền đất, cho nên từ cấu trúc đến kỹ thuật và vật liệu xây cất đều giống như nhà dài. Cái khác là loại nhà này ngắn hơn nhiều, chỉ dài khoảng từ 4 đến 8m. Nhà cũng lợp 2 mái, cũng có sàn hiên, cầu thang v.v... Bên trong cũng bố trí như vậy, cũng bếp lửa, trên treo "giá", treo "nia", cũng gác lửng nhỏ dùng để xếp chăn, chiếu, nhưng phạm vi thu hẹp lại đủ để cho một cặp vợ chồng và 1-2 đứa con nhỏ.
Theo chúng tôi nghĩ hầu hết các nhà sàn ngắn cổ truyền ở Lâm Đồng đều có quá trình như vậy.
3. Nhà trệt (nhà nền đất) Nhà trệt là một bước phát triển rõ rệt so với 2 loại hình trên về mặt kỹ thuật lắp ráp cũng như về cách bố trí bên trong. Tuy vật liệu xây cất giống nhau như gỗ, tre, lá mây, tranh v.v.. nhưng nhiều nhà nền đất khác với nhà sàn bởi đầu hồi như kiểu mái nhà người Việt (4 mái). Về kỹ thuật xây cất và lắp ráp, tuy còn sử dụng cột ngoãm ở vài nơi, nhưng phần đông đã biết dùng mộng đẽo và cột cái để chống đỡ sườn nhà. Nhưng cái biến đổi nhiều nhất là cách bố trí bên trong. Nhiều nhà đã ngăn chia thành buồng có vách hẳn hoi và tuy bếp lửa vẫn còn để trong nhà nhưng bàn ghế và sạp ngủ bằng tre đã thấy xuất hiện. Theo chúng tôi, đây không phải vì nhu cầu sinh hoạt trong gia đình không thể diễn ra ngay trên nền đất dơ bẩn mà vì do ảnh hưởng bên ngoài trong quá trình tiếp xúc với người Việt hoặc người Chăm tạo nên. Cách bố trí bên trong chủ yếu theo 2 sơ đồ dưới đây.
Qua một đơn vị nhà dài vừa miêu tả như trên, chúng ta thấy rõ một quá trình biến đổi về nhà ở đang diễn ra tại vùng Mạ này. Chắc chắn đây là một bước quá độ từ nhà sàn dài đến nhà trệt ngắn, ở đó, nhà trệt ngắn đã được xác lập nhưng nhà sàn dài vẫn chưa mất hẳn vị trí của nó. NHÀ Ở HIỆN ĐẠI Chúng tôi dùng khái niện hiện đại ở đây chỉ là tương đối để đối chiếu lại với khái niệm cổ truyền hay truyền thống mà chúng tôi dùng, cùng với ý nghĩa tương đối trong phần trên. Nhà hiện đại đây không có nghĩa là những ngôi nhà nguy nga làm bằng bê tông cốt sắt đầy đủ tiện ghi hiện đại về mặt kiến trúc, kỹ thuật lắp ráp cũng như về mặt vật liệu xây cất. Trong phần này chúng tôi cũng muốn chứng minh rằng về mặt nhà ở quá trình tiến lên vẫn là từ nhà sàn đến nhà trệt và điều kiện môi sinh không có, hay rất ít ảnh hưởng đến loại hình nhà ở. Duy chỉ có ảnh hưởng bên ngoài là tác động nhiều về mặt kỹ thuật và vật liệu xây cất. Nhà ở hiện đại gồm nhà sàn và nhà trệt.
Nhà sàn hiện đại tồn tại khá nhiều tại vùng người Kơho, Srê ở Di Linh và Churu ở Đơn Dương. Đây là loại nhà sàn ngắn, dài từ 8 đến 12m, rộng từ 5 đến 6m, cột sàn cao khoảng 0,5m làm bằng gỗ đẽo vuông rất chắc chắn, đôi khi còn có trụ bằng gạch xây để củng cố thêm. Nhà lợp bằng tôn 4 mái, kỹ thuật lợp cũng khá tinh vi bằng đinh đầu tròn lớn, vách và mặt sàn bằng ván gỗ. Trước cửa ra vào là sàn hiên, mặt sàn cũng bằng ván, có thang để leo lên. Bước lên sàn hiên, là một hành lang chạy chung quanh nhà có lan can để vịn. Đôi khi hành lang chỉ có phân nửa nghĩa là chỉ có bên phía hông trái và sau lưng nhà. Kỹ thuật lắp ráp chủ yếu là cột đẽo có mộng, bắt thêm "bù loong" cho thêm chắc chắn. Bên trong nhà chia thành buồng có vách ngăn và cửa ra vào. Buồng bên trái khi ta đi vào là buồng cha mẹ, buồng bên phải là của gia đình cô con gái. Gian chính giữa là phòng khách có bếp lửa để tiếp khách, còn bếp để nấu nướng thì xây cất bên ngoài ở phía sau nhà. Phòng khách là nơi để bàn thờ "nao" chiêng, ché và trống. Bàn ghế trong phòng khách có nhưng còn ít. Trong buồng có giường và đôi khi có tủ. Nhà sàn người Churu tại Đơn Dương còn hiện đại hơn nhiều, tuy cũng một kiểu kiến trúc nhưng chung quanh nhà có hành lang và cột sàn thấp hơn bằng gạch xây.
Nhà trệt hiện đại không khác nhà sàn từ cấu trúc kiến tạo đến cách bố trí bên trong. Kỹ thu Một hiện tượng về nhà ở tại ấp Đạ Me xã Tutra I cho chúng ta thấy một quá trình chuyển sang nhà đất. Tại ấp này chỉ còn duy nhất một nhà sàn ngắn truyền thống. Theo chủ nhà cho biết đây là nhà ở của ông khi xưa. Nhưng nay ông chỉ dùng nó làm bếp, còn nhà ở chính của ông hiện nay là một nhà nền đất rất khang trang rộng rãi xây ở phía trước cách đó 5 mét. Ngày nay, tuy xã hội cổ truyền của các dân tộc ở Lâm Đồng bị xáo trộn sâu rộng. Nhưng, nhìn chung địa bàn cư trú của họ vẫn còn tập trung tương đối theo từng tộc người: Người Mạ ở phía Tây huyện Bảo Lộc, người Kơho, Srê ở phía Đông Nam huyện Di Linh và người Churu, Raglai ở phía Đông huyện Đơn Dương. Chỉ có vấn đề là một phần lớn các làng người Kơho, Srê, Chil và Churu đã bị dồn xuống đồng bằng đông dân cư nhưng lại ít đất đai canh tác. Vả lại số đất đai của các làng định canh định cư này nay đã bạc màu trong tình trạng nguồn phân bón ngày càng hiếm hoi nên đời sống của đồng bào hiện nay gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó ở phía Tây Bảo Lộc, nơi vùng Mạ, một vùng trước kia là căn cứ địa của Cách mạng ít bị xáo trộn nhất, đất đai lại còn quá thừa thãi. Với chính sách định canh định cư và phân bố hợp lý lại các vùng canh tác hiện nay, các vùng đất chưa khai thác và mầu mỡ này có thể trở thành những vùng kinh tế mới của đồng bào các dân tộc đang gặp khó khăn trong các trại tập trung cũ của Mỹ-ngụy để lại. Trong quá trình tiến hành định canh định cư, xây dựng vùng kinh tế mới, xây dựng nông thôn mới, cần thiết phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn những yếu tố văn hoá tốt đẹp vốn có của các dân tộc với yêu cầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và nền văn minh hiện đại. TRẦN CẨM |
|||||
Nội dung chính | Trang trước | Mục lục | Trang sau |