![]() |
||||||||
Trang trước | ||||||||
|
Công ty Công nghiệp đá xuất khẩu Công nghiệp khai thác khoáng sản Lâm Đồng đã có từ trước 1975, song chỉ mới khai thác một số khoáng sản thông thường. Từ năm 1986 lại đây, đã khai thác một số khoáng sản như vàng, thiếc, đá quý, bôxit, bentonit... nhưng chủ yếu là bằng thủ công, sản lượng hàng năm còn rất nhỏ bé. Là một tỉnh giàu tài nguyên khoáng sản nhưng công nghiệp khai thác chế biến khoáng sản còn nhỏ bé, phân tán. Hiện nay có 12 đơn vị của Tỉnh tham gia khai thác chế biến khoáng sản thiết bị và công nghệ còn lạc hậu. Sau đây xin giới thiệu một số khoáng sản quan trọng. Ở Lâm Đồng - Đà Lạt quặng bôxit có mặt trong lớp vỏ phong hóa bazan tuổi Neogen-đệ tứ. Sơ bộ thấy chất lượng quặng thuộc loại tương đối cao. Kết quả phân tích mẫu quặng ở một số cho thấy như sau: Al2O3 = 40-77% Trung bình 56% Si2O3 = 0,77-6,36% Trung bình 2,1% Fe2O3 = 18,7-27, Trung bình 23,8% TiO2 = 2,78-4,4% Trung bình 3,7% Qua các mẫu tuyển khoáng cho thấy, nếu thu hồi cỡ hạt lớn hơn 0,25mm bằng tuyển rửa đơn giản thì hàm lượng Al2O3 và môđun silic tăng cao lên, bảo đảm yều cầu của quặng loại A. Thành phần khoáng vật bôxit laterit qua kết quả phân tích Rơnghen nhiệt như sau: Gipxit 462-92,6%; Caolinit 2,62-17,0% Diasipo 0,6-1,33%; Inmenit 4,04-6,46% Bômit 1,5-2,7%; Hematit 6,0-36,33% Khoáng vật Gipxit chiếm chủ yếu nên dễ dàng hòa tan trong dây chuyền công nghệ luyện nhôm. Diện tích phân bố quặng bôxit Bảo Lộc - Di Linh rất lớn, trên 28.000 ha. Do vậy, vùng này là vùng có trữ lượng quặng khoảng trên 1000 triệu tấn, đứng hạng thứ 2 sau vùng Đắc Nông. Ở vùng Bảo Lộc, đã có 1 điểm khai thác, tuyển quặng bôxit là chính, quy mô nhỏ, sản lượng 5.000 tấn/năm, nhằm chế biến phèn chua. Trong thập kỷ 80, nhà nước Việt Nam đã có các thảo luận sơ bộ bước đầu với Hungari, Liên Xô trong khuôn khổ khi đang còn hội đồng tương trợ kinh tế về vấn đề khai thác chế biến quặng bôxit. Nhưng dự kiến này về sau bị dừng lại không phát triển được... Đối với Lâm Đồng khai thác chế biến bô xít là vấn đề rất lớn; thuận lợi là quặng có trữ lượng và chất lượng khá, nguồn khả năng trong lãnh thổ khá dồi dào, vùng tập trung quặng dễ khai thác, có điều kiện cung ứng lao động và nhu cầu sinh hoạt thuận lợi. Tuy vậy, một số diện tích vùng quặng hiện được trồng cà phê, dâu tằm, chè, nếu sau này khai thác phải được nghiên cứu xử lý sao cho có hiệu quả. Caolin cũng là một nguồn khoáng sản phong phú ở Lâm Đồng trữ lượng trên 520 triệu tấn. Caolin Lâm Đồng có cả 2 loại: Loại có nguồn gốc phong hóa và loại có nguồn gốc tái trầm tích. 1. Caolin phong hóa tập trung thành mỏ lớn ở Cam Ly, Đatanla và Trại Mát, Tây Hồ. Loại caolin này là sản phẩm phong hóa từ đá Granit, Granit Aplit, Granodiorit, Riolit và đá phiến kết tinh. Mặt cắt thường gặp trong caolin từ trên xuống dưới gồm: - Lớp thổ nhưỡng màu xám, xám nâu chứa nhiều mùn thực vật, cát, sỏi, sạn dày 0,1-0,5m. - Lớp caolin màu vàng nhạt, trắng xám dày 0,5-2m. - Lớp caolin trắng, trắng đục, còn thấy rõ tàn dư cấu tạo của đá mẹ dày 2,5m - Lớp đá gốc phong hóa chưa triệt để, còn gặp nhiều ổ đá tươi. - Đá Granit màu trắng. Loại caolin này đã được khai thác từ thập kỷ 60 để làm đồ sứ với 2 nhà máy: Nhà máy sứ Trại Mát và nhà máy sứ Vĩnh Tường (nay là sứ Lâm Đồng) dùng nguồn caolin Đatanla.Với chất lượng caolin 2 mỏ này đều thuộc loại chất lượng cao, cỡ hạt mịn, lượng hạt thu được qua rây 0,21mm lên đến 40-55%. Độ trắng caolin cao, lượng sắt thấp, độ chịu nhiệt cao - chất lượng thay đổi như sau: Al2O3= 15,42-31.1% Si2O3 = 50,5-6,63% Fe2O3 = 0,57-3,8% Ti2O3 = 0,00-0,3% MKn = 2,55-11,48 Tuy vậy, giữa 2 mỏ chất lượng có khác nhau chút ít: Caolin mỏ Trại Mát có độ chịu nhiệt cao và cỡ hạt thích hợp cho sản xuất sứ cách điện... Caolin mỏ Đatanla chất lượng thích hợp cho sứ dân dụng, sứ mỹ nghệ. Qua thăm dò cấp A, trữ lượng khá lớn. Mỏ Trại Mát có trữ lượng nửa triệu tấn và mỏ Đatanla có trữ lượng gần một triệu tấn. Trong thời gian qua, cả 2 nhà máy sứ đều sản xuất hàng năm từ 2-3 triệu sản phẩm. Gần đây, mở thêm sản xuất cao lanh lọc, bán cho các lò sứ Sông Bé. Đã có đề án nghiên cứu triển khai công nghệ sản xuất gạch chịu lửa, chất lượng khá tốt. Thiết bị của 2 nhà máy sứ hiện có đã hết tuổi sử dụng, quy trình công nghệ ở trình độ thập kỷ 60, nhiều năm qua chỉ sửa chữa chắp vá. Do vậy hướng sắp tới là phải tổ chức lại ngành caolin sứ, nghiên cứu thị trường, ngoài sản phẩm truyền thống cần thêm mặt hàng mới, thị trường mới như sứ vệ sinh, sứ mỹ nghệ, đưa ngành sứ lên giữ một vị trí quan trọng trong công nghiệp Lâm Đồng - Đà Lạt. 2. Nguồn Caolin có gốc tái trầm tích ở Đơn Dương, nhưng chưa được thăm dò, nhân dân Đơn Dương, có sử dụng một ít làm gạch ngói. Diện phân bố chất lượng, trữ lượng chưa đánh giá hết được. Cần triển khai thăm dò, đánh giá các mặt, để lựa chọn hướng khai thác sử dụng có hiệu quả. Diatomit và sét Bentonit được kiến tạo trong trầm tích sông hồ Neogen. ở Lâm Đồng trầm tích Neogen phân bố chủ yếu vùng Di Linh và Bảo Lộc, nên ở đây đã phát hiện nhiều mỏ Diatomit và Bentonit. Mỏ Diatomit đã phát hiện ở Đại Lào (Bảo Lộc) và Gia Lé (Di Linh). Tất cả các lớp Diatomit đều nằm trên trầm tích Neogen, thường xen kẽ với các lớp Bentonit. Có từ 2-4 Diatomit chiều dày mỗi lớp từ 1-4m. Ở Đại Lào, Diatomit lộ trên mặt, tập trung và có khối lượng đạt quy mô khai thác công nghiệp. Diatomit thường có màu trắng, trắng xám, xám xanh, đá rất nhẹ, xốp, độ rỗng lớn hút nước rất mạnh, có thể nổi trên mặt nước. Cỡ hạt từ nhỏ đến trung bình. Mặt vỡ phẳng. Đá phần trên phân lớp mỏng, phần lớn phân lớp dày. Vùng Đại Lào các lớp Diatomit nằm kề các lớp xét than, nên có nơi đá màu xám tro, xám đen, và chất lượng sét nhiều hơn. Loại tảo chủ yếu là Diatome. Mỏ Đại Lào, Đa Lé chứa 85-90% Diatomit. Trữ lượng Diatomit có khoảng hàng trăm ngàn m3 có chất lượng tốt. Do đó ít năm gần đây đã có một số cơ sở công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh khai thác số lượng ít để sản xuất bột Diatomit cung cấp cho các cơ sở khác. Chất lượng Diatomit Lâm Đồng có thể dùng sản xuất vật liệu cách nhiệt, bê tông nhẹ, làm chất hấp thụ lọc và gạn chất bẩn (trong dầu mỡ, đường ăn...) có thể dùng trong công nghiệp cao su, công nghiệp xi măng thủy lực nhất là xi măng trắng, sản xuất bột phụ gia thuốc diệt sâu. Do đá mềm nên được dùng trong kỹ thuật mài bóng, nhất là dùng xử lý trong môi trường chống ăn mòn axít và kiềm. Sét bentonit đã phát hiện thấy ở Tam Bố Dale, Di Linh. Triển vọng nhất ở Tam Bố trữ lượng hàng triệu tấn. Các lớp sét Bentonit xen kẽ với các lớp Diatomit, nằm mặt trên của mặt cắt trầm tích Neogen. Ở mỏ, thường có 2-5 lớp sét Bentonit, mỗi lớp dày 4-8m. Bentonit trong trầm tích Neogen thường có màu sáng, xám xanh, xám trắng, xám phớt vàng, vàng nhạt có đôi nơi xám đen. Khi ướt sét rất mịn, dẻo dính nhờn tay. Khi khô dòn dễ vỡ, vết vỡ vỏ chai, vỏ sò, mặt vỡ láng bóng. Thành phần theo cỡ hạt trong Bentonit Di Linh chứa sét 60-70%, bột 20-30%, cát 3-5%. Kết quả phân tích Rơnghen - nhiệt bentonit Di Linh cho thấy khoáng vật chủ yếu là: monmorilonit 60-70%. Thành phần hóa học sét Bentonit Di linh, nếu so sánh với Bentonit tiêu biểu, thì Bentonit Di Linh nghèo silic, giàu nhôm hơn, nên có thể đánh giá vào loại tốt. Qua nghiên cứu bước đầu, Bentonit Di Linh có nhiều lớp giàu Magiê (MgO) đã được dùng làm nguyên liệu chính để sản xuất dung dịch bùn khoan dầu khí. Qua dùng thử nghiệm, đã thấy có kết quả tốt. có thể tiến tới thay thế phải nhập trong công nghiệp dầu khí. Một số lớp khác thuộc loại giàu Canxi, natri có thể dùng làm chất tẩy màu trong công nghiệp dầu mỡ, công nghiệp thực phẩm và làm phụ gia trong phân bón tổng hợp. Ưu thế của Diatomit và Bentonit Lâm Đồng là chất lượng tốt, dễ khai thác, có thể cùng một mỏ cho 2 loại khoáng sản. Đường vận chuyển đến nơi sử dụng chủ yếu (Thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hoà, Vũng Tàu) tương đối gần. Hướng thời gian tới là trên cơ sở đã khai thác sử dụng bước đầu cần khẩn trương nghiên cứu công nghệ thích hợp đi đôi với giải quyết vốn và thiết bị, để sản xuất các mặt hàng cần thiết dùng cho nhiều ngành, từ công nghiệp dầu khí, công nghiệp thực phẩm, phân bón, vật liệu xây dựng... Các khảo sát địa chất vào các năm gần đây cho thấy ở Lâm Đồng có thiếc ở dạng Canxiterit trong các bãi bồi ven suối. Công tác thăm dò trong mấy năm đầu thập kỷ 80 đã kết luận Lâm Đồng chắc có thiếc khá phong phú trong các vành phân tán Canxiterit. Tiếp theo việc chính quyền tỉnh tổ chức và cho phép khai thác vàng sa khoáng, đã nhanh chóng bùng lên một phong trào rầm rộ tự phát khai thác quặng thiếc canxiterit, đi đôi với việc thu mua gom quặng, chở về thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó lần lượt ra đời một số lò luyện thiếc hồ quang của một số tổ chức và đơn vị trong tỉnh, đặt trên đất Đức Trọng, Bảo Lộc, Đà Lạt. Đến nay việc khai thác quặng thiếc thu mua chế biến xuất khẩu đã giao cho Công ty khoáng sản Lâm Đồng, nhưng việc khai thác tự phát vẫn diễn ra phức tạp ở các huyện và thành phố Đà Lạt. Tình hình trên cho thấy ở Lâm Đồng các vành phân tán Canxi Terit khá phong phú nhất là ở Đà Lạt, Lâm Hà, Di Linh. Việc thăm dò trữ lượng, chất lượng do các cơ quan chuyên trách đang được tiến hành, đặc biệt đã phát hiện nhiều mỏ thiếc gốc trữ lượng khá lớn. Về chất lượng: Quặng Canxi Terit Lâm Đồng có hàm lượng thiếc từ 50%-70%. Về trữ lượng quặng thiếc, chưa đánh giá được nhưng số lượng quặng khai thác trong năm 1989-1992 mỗi năm từ 500-1.000 tấn. Số thiếc tinh luyện năm 1992 đạt được hơn 450 tấn. Hướng khai thác chế biến thiếc sắp tới có thể là: Khẩn trương thăm dò đánh giá trữ lượng và chất lượng; chấn chỉnh việc đãi quặng, đưa vào tổ chức và sử dụng công nghệ tiên tiến để đạt tỉ lệ thu quặng cao và bảo vệ môi trường, cảnh quan; cải tiến công nghệ và thiết bị luyện thiếc tinh, để tăng tỷ lệ thiếc thành phẩm, độ tinh khiết đồng thời tích cực thu hồi các kim loại khác có ý nghĩa công nghệ chứa trong quặng. Vàng sa khoáng đã phát hiện phân bố rộng rãi nhiều nơi trong tỉnh bao gồm vàng gốc và vàng sa khoáng. Có nhiều biểu hiện cho thấy ở một số vùng, việc khai thác vàng sa khoáng kiểu hầm lò qui mô đáng kể đã có từ lâu. Việc khai thác vàng sa khoáng ở Tà Năng bắt đầu vào các năm 1985-1986, lúc đầu là tự phát, về sau đã được tổ chức chấn chỉnh, và nhà nước đứng ra thu mua. Đồng thời cũng đã triển khai việc điều tra thăm dò đánh giá các vành phân tán và các bãi sa khoáng có ý nghĩa kinh tế. Cũng đã triển khai tìm các mạch quặng gốc. Các đá quý ở Lâm Đồng có nguồn gốc liên quan với phun trào bazan. Đã phát hiện có các loại sau đây: Đá ngọc Opan - Cansedoon, có mặt ở phần thấp của mặt cắt phun trào bazan Pleixtoxen sớm. Bề dày lớp đá ngọc này từ 10-30cm. Loại này có ở nhiều nơi: Bảo Lộc, Di Linh, Đà Lạt. Đá có màu xanh cổ vịt, đỏ nâu, đen nhánh, vàng nhạt, mặt vỏ vỡ chai láng bóng ánh thủy tinh. Có thể chế tác thành đồ trang sức mỹ nghệ. Đá Téctit, chính là sản phẩm của sự phun trào bazan có phụt nổ. Nó là loại đá thủy tinh ở dạng từng viên, hình phần lớn thon dài, một đầu tròn, một đầu nhọn tạo ra trong quá trình phụt nổ cháy trong không khí. Vì vậy thông thường được nhiều người xem như là thiên thạch rơi xuống mặt đất. Đá có mầu đen sẫm, xanh lục sẫm, ánh và bóng khá đẹp nên được coi là ngọc. Được các nghệ nhân dùng làm đồ trang sức (nhẫn cườm, chuỗi hạt...) và làm các mảnh để khảm trên các đồ vật khác. ở Lâm Đồng, Téctit tìm thấy ở nhiều nơi, trên bề mặt bốc mòn của bazan Pleixtoxen. - Ngoài ra cũng đã phát hiện Olivin ở Đức Trọng, đá đỏ ở Di Linh. Than nâu ở Lâm Đồng có mặt trong trầm tích Neogen cùng với Diatomit và Bentonit. Đã phát hiện vùng than nâu Đại Lào, Bảo Lộc có trữ lượng công nghiệp của một mỏ địa phương. Mỏ có từ 2-4 lớp than xen kẽ dày từ 0,5-1,5m. Chất lượng than có nhiệt lượng trung bình, sơ bộ thấy có thể dùng để nung gạch ngói. Vì than xen kẹp với sét, nên phương án cần nghiên cứu là sử dụng sét làm gạch ngói và than dùng để nung. |
|||||||