Trang trước

Mục lục

Trang sau

 
 

 

 

 

   

1. Suốt mấy thế kỷ qua, Lâm Đồng có nhiều sự thay đổi về mặt địa giới hành chính.
Ngày 1-1-1899 toàn quyền P. Doumer cho thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng (Haut-Donnai) bao gồm địa phận của Tuyên Đức (Lâm Đồng) và quận Định Quán (thuộc tỉnh Đồng Nai). Năm 1909 tỉnh Đồng Nai Thượng bãi bỏ, được sáp nhập vào tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận.

Năm 1920 tỉnh Đồng Nai Thượng lại được tái lập gồm 3 quận: Djiring, B'lao, Dran, tỉnh lỵ đóng tại Djiring, đồng thời thành lập thị xã Đà Lạt, nơi nghỉ mát của người Pháp. Cũng trong năm đó Bảo Đại lập khu tự trị Lâm Viên (bao gồm cả Đà Lạt).

Năm 1941 tỉnh Lâm Viên được thành lập, Đà Lạt được chọn làm tỉnh lỵ. Ngày 23 tháng 8 năm 1945, nhân dân Lâm Viên khởi nghĩa giành chính quyền. Tháng 10 năm 1950 uỷ ban kháng chiến liên khu ủy sát nhập 2 tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng thành tỉnh Lâm Đồng; cũng trong năm đó Bảo Đại thành lập "Hoàng triều cương thổ" ở Tây Nguyên.

Năm 1958, Ngô Đình Diệm thành lập tỉnh Lâm Đồng gồm quận Di Linh, B'lao và thành phố tỉnh Tuyên Đức gồm thị xã Đà Lạt và 3 quận: Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương. Năm 1966 Đà Lạt được tách khỏi tỉnh Tuyên Đức, trực thuộc chính quyền Trung ương.

Năm 1975, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng tỉnh Thuận Lâm được thành lập, bao gồm 5 tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Đức, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy. Thành phố Đà Lạt trực thuộc Trung ương.

Đầu năm 1976 tỉnh Lâm Đồng (mới) được thành lập (sát nhập Lâm Đồng cũ với Tuyên Đức và Đà Lạt) bao gồm thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương, huyện Đơn Dương, huyện Đức Trọng, huyện Di Linh, huyện Bảo Lộc. Các huyện Lâm Hà, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên là những đơn vị hành chính cấp huyện mới được thành lập cuối thập kỷ 70 và đầu thập kỷ 80. Vì vậy việc nghiên cứu động thái dân cư Lâm Đồng có nhiều khó khăn, thiếu nhiều dữ kiện lịch sử quan trọng.

Trước năm 1900, dân cư của tỉnh Đồng Nai Thượng rất nhỏ, chủ yếu là các dân tộc K'ho, Mạ, Chu Ru, M'nông... Từ khi Pháp tập trung xây dựng Đà Lạt thành nơi nghỉ mát và bắt đầu khai thác tài nguyên, mở rộng đồn điền, thị trường sức lao động được mở rộng, thì người Kinh đến ngày càng nhiều. Năm 1923, Đà Lạt mới chỉ có 1.500 người.

Dân số tỉnh Đồng Nai Thượng năm 1936-1937 có 60.000 người trong đó dân số Đà Lạt gần 10.000 người, Di Linh, B'lao, Dran trên 50.000 người. Cách mạng Tháng Tám thành công nhiều người trở về quê cũ làm ăn, dân số Đà Lạt, Đồng Nai Thượng đặc biệt là cộng đồng người Kinh giảm đáng kể. Năm 1946 dân số Đà Lạt chỉ còn có 5.283 người, bằng 50% so với năm 1936.

9 năm kháng chiến (1945-1954) dân số Lâm Đồng biến động cơ học ít, chủ yếu là tăng dân số tự nhiên. Năm 1954 hòa bình lập lại, đất nước tạm chia làm 2 miền, một bộ phận nhỏ dân số Lâm Đồng tập kết ra Bắc nhưng dân cư miền Bắc vào Nam lại rất lớn, do đó dân số Lâm Đồng tăng lên đột biến.

Năm 1975, đất nước thống nhất sự biến động cơ học lại diễn ra đáng kể do cuộc vận động đi xây dựng KTM.

Nhìn lại lịch sử hơn 90 năm qua (1899-1990) qua 2 đợt tổng điều tra dân số năm 1979-1989, đều cho thấy ngoài những dân tộc bản địa thiểu số như K'ho, Mạ, Chu ru, M'nông... chủ yếu là người Kinh từ rất nhiều tỉnh của đất nước Việt Nam đến đây lập nghiệp, đặc biệt là các tỉnh: Hà Tây, Ninh Bình, Nam Hà, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định và thành phố Hà Nội...

2. Cơ cấu theo giới tính và độ tuổi

Cùng với sự gia tăng dân số thì cơ cấu giới tính của dân số cũng có nhiều thay đổi. Tỷ lệ nam - nữ biểu thị số lượng nam trên 100 nữ trong dân số, tỷ lệ này ở nước ta cũng như Lâm Đồng đều nhỏ hơn 100, nữ giới đông hơn nam giới. Năm 1979, tỷ lệ nam so với nữ ở tỉnh Lâm Đồng là 92,86% đến năm 1989 đã tăng lên 98,35%. Ở đây một mặt chịu ảnh hưởng của quá trình sinh, chết; sau chiến tranh tỷ lệ chết của nam thanh niên giảm xuống. Mặt khác, nó còn chịu tác động lớn của quá trình di chuyển, đặc biệt là quá trình di chuyển của dân cư nhiều tỉnh trong nước đến Lâm Đồng xây dựng vùng kinh tế mới với lực lượng nam thanh niên nhiều hơn nữ. Tỷ lệ nam nữ toàn quốc năm 1989 là 94,7%, ở Lâm Đồng tỷ lệ này đạt 98,3%.

Cơ cấu dân số theo giới tính cũng như sự khác nhau ở các độ tuổi, ở các nhóm tuổi trẻ, tỷ lệ nam cao hơn nữ từ 4-7% ở đây chủ yếu là do tác động của tỷ lệ sinh. Trong toàn quốc từ độ tuổi 17 trở lên tỷ lệ nam so với nữ giảm mạnh, nhưng ở Lâm Đồng đến độ tuổi 20 tỷ lệ nam so với nữ mới bắt đầu giảm xuống và độ tuổi càng tăng thì tỷ lệ nam so với nữ càng thấp. Điều này cho thấy tỷ lệ chết của nam cao hơn tỷ lệ chết của nữ. Đến các độ tuổi già thì thì tỷ lệ nam so với nữ càng thấp, chỉ còn 71 nam trên 100 nữ ở độ tuổi 80 trở lên; trong khi đó tỷ lệ này của cả nước chỉ có 42 nam trên 100 nữ. như vậy ở Lâm Đồng có tỷ lệ nam ở tuổi già cao hơn nhiều so với cả nước.

Phân bố dân cư theo nhóm tuổi ở Lâm Đồng cũng tuân theo quy định chung về nhân khẩu học, tức là độ tuổi càng tăng thì dân số càng giảm dần. Ở độ tuổi 0-4 tuổi chiếm 15,84% trong dân số của tỉnh, trong khi cả nước tỷ trọng này là 14,11%, mức độ sinh ở Lâm Đồng cao hơn so với cả nước. Từ độ tuổi 1-14 tuổi chủ yếu chỉ chịu tác động của yếu tố sinh và chết, tỷ trọng có giảm dần nhưng ở mức độ chậm. Từ độ tuổi 15 trở lên chủ yếu chịu sự tác động yếu tố di chuyền. Trong cả nước tỷ trọng của cả nhóm tuổi từ 15 trở lên giảm khá nhanh, nhưng ở Lâm Đồng mức độ giảm rất chậm cho đến độ tuổi 34; nguyên nhân là do tác động của tình hình di chuyển ở Lâm Đồng chủ yếu là di chuyển đến và tập trung nhiều ở độ tuổi này. Từ độ tuổi 35 trở lên đã bắt đầu giảm nhanh chỉ còn 0,9% ở độ tuổi 70-74; 0,05% ở độ tuổi 85 trở lên, ở các độ tuổi cao chịu sự tác động của mức độ chết lớn.

Từ các số liệu dân số theo độ tuổi có thể tính theo tỷ lệ sống phụ thuộc quy ước là trẻ em dưới 15 tuổi và người già từ 60 tuổi trở lên sống phụ thuộc vào những người ở độ tuổi 15-59, mặc dù trong thực tế không phải là tất cả mọi người ở tuổi lao động đều có việc làm và nguợc lại không phải tất cả mọi người ngoài độ tuổi lao động phải sống nhờ. Từ năm 1979 đến năm 1989, tỷ lệ sống phụ thuộc ở Lâm Đồng giảm rất nhanh: năm 1979 có 105 trẻ em và người già sống phụ thuộc vào 100 người có độ tuổi từ 15-59, thì năm 1989 tỷ lệ này chỉ còn 84/100; trong đó tỷ lệ sống phụ thuộc của trẻ em giảm nhiều từ 93/100 (năm 1979) còn 74/100 (năm 1989) chủ yếu là do tỷ lệ sinh giảm đi.

3. Dân số chia theo lãnh thổ

Dân số Lâm Đồng có sự gia tăng khá nhanh, từ 388.256 người (năm 1979) đã tăng lên 639.226 người (năm 1989) và đến cuối năm 1991 là 712.104 người. Sự phân bố theo các vùng lãnh thổ cũng có nhiều thay đổi. Năm 1979, Lâm Đồng có 01 thành phố và 06 huyện; đến nay là 09 huyện và 01 thành phố Đà Lạt, dân số phân bố theo các vùng không có sự đồng đều, đây là sự tất yếu và nó phụ thuộc rất nhiều yếu tố, thổ nhưỡng địa hình, khí hậu, tài nguyên... trình độ phát triển kinh tế xã hội. Qua kết quả 2 cuộc điều tra dân số năm 1979 và năm 1989 đã có thể làm sáng tỏ điều này.

Năm 1979, thành phố Đà Lạt có dân số là 91.937 người và là thành phố đông dân cư nhất tỉnh Lâm Đồng, chiếm gần 1/4 dân số của tỉnh, mật độ dân số là 220 người/km 2. Các huyện có dân số đông sau Đà Lạt là Đức Trọng với 82.469 người, chiếm 20% dân số toàn tỉnh. Huyện có dân số ít nhất là Lạc Dương với 14.676 người, chiếm 3,8 % dân số toàn tỉnh mật độ dân số chỉ có 8 người/km 2.

Đến năm 1989, thứ tự các huyện, thành phố theo số lượng dân số đã thay đổi. Huyện Bảo Lộc với điều kiện khí hậu, đất đai thuận lợi cho việc phát triển cây công nghiệp dài ngày và công nghiệp chế biến nông-lâm sản đã thu hút nhiều dân cư trong và ngoài tỉnh đến lập nghiệp; Từ vị trí thứ 3 sau Đà Lạt, Đức Trọng về số lượng dân số nay đã đứng ở hàng đầu trong tỉnh, dân số năm 1989 là 128.587 người, chiếm hơn 20% dân số toàn tỉnh, tốc độ tăng dân số trong thời kỳ 1979-1989 là 66%. Sau huyện Bảo Lộc là thành phố Đà Lạt với dân số 115.959 người, chiếm 18% dân số toàn tỉnh, tốc độ tăng dân số thời kỳ này là 26%. Chủ yếu tăng do biến động tự nhiên còn biến động cơ học có xu hướng chuyển đi nhiều hơn chuyển đến; Đà Lạt tuy là thành phố nhưng điều kiện phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn: nông nghiệp không ổn định, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển... nên dân từ các nơi khác đến lập nghiệp rất hạn chế, bên cạnh đó có một bộ phận dân cư Đà Lạt chuyển đi các huyện trong tỉnh và các tỉnh khác để lập nghiệp và có một số bộ phận nhỏ là di chuyển quốc tế. Huyện Đức Trọng và Đơn Dương qua 10 năm dân số gia tăng rất chậm, nguyên nhân là do sự phân chia lại địa giới hành chính, huyện Đơn Dương đã cắt bớt một số xã cho huyện Đức Trọng; còn huyện Đức Trọng lại tách thành 2 huyện Đức Trọng và Lâm Hà.

Huyện Đạ Huoai năm 1979 dân số chỉ có 18.361 người, chiếm 4,73% dân số toàn tỉnh, nay đã tách ra thành 3 huyện là Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Năm 1989 dân số 3 huyện này đã lên đến 82.471 người, bằng 4,5 lần so với năm 1979 chiếm 12,9% dân số toàn tỉnh. Sự gia tăng quá nhanh này có sự gia tăng tự nhiên, song tác động lớn vẫn là biến động cơ học, chủ yếu là sự chuyển dân của một số tỉnh như Cao Bằng, Hà Nam Ninh, Hà Sơn Bình, Bình Trị Thiên, Bình Định, Quảng Ngãi... Theo chủ trương, kế hoạch của nhà nước đi xây dựng KTM. Ngoài ra, ở các huyện này, bên cạnh số lượng dân cư được điều động theo kế hoạch có một bộ phận khá lớn là di dân tự do đến lập nghiệp ở đây.

Cùng với những thay đổi về địa giới hành chính và số lượng dân số ở các huyện, thành phố trong tỉnh thì qua 10 năm 1979-1989 cũng có những thay đổi trong việc đô thị hóa, các thị trấn dần dần được hình thành ở hầu hết các huyện, đến nay chỉ có huyện Lạc Dương là chưa có thị trấn, cá biệt có huyện có 2 thị trấn. Từ đó, cơ cấu dân số giữa thành thị và nông thôn cũng thay đổi theo hướng mở rộng khu vực thành thị và thu hẹp dần khu vực nông thôn năm 1979, dân số thành thị ở Lâm Đồng chiếm 25,94%, đến năm 1989 đã tăng lên chiếm 34,2% trong toàn tỉnh. Dĩ nhiên ở một số đơn vị sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị mức độ không cao lắm.

Dân số chia theo loại hộ

Trong tổng điều tra dân số năm 1989 đã xác định đơn vị điều tra là hộ và được phân biệt 2 loại hộ gồm hộ gia đình và hộ tập thể. Hộ gia đình là hộ gồm những người có quan hệ hôn nhân hoặc ruột thịt, hoặc nuôi dưỡng có quỹ thu chi chung. Hộ tập thể là do nhà nước hoặc cơ quan, xí nghiệp lập ra. Hộ này bao gồm những người sống xa gia đình hoặc sống độc thân, dân số thuộc hộ tập thể chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng dân số, tỷ trọng này của cả nước là 3,04%, còn ở Lâm Đồng là 1,62%, chủ yếu tập trung ở những vùng có nhiều cơ quan, xí nghiệp của nhà nước như thành phố Đà Lạt, dân số hộ tập thể chiếm 2,4% và huyện Bảo Lộc là 2,2%.

Hộ gia đình là hộ cơ bản của dân số, năm 1979 Lâm Đồng có 66.653 hộ gia đình với số người 366.760 người, bình quân mỗi hộ là 5,5 người. Năm 1989 số hộ đã tăng lên đến 123.055 hộ, nhưng số bình quân mỗi hộ đã giảm xuống còn 5,1 người, tuy nhiên so với toàn quốc thì số người bình quân mỗi hộ Lâm Đồng vẫn còn cao (toàn quốc là 4,8 người trên hộ). Giữa thành thị và nông thôn cũng có sự chênh lệnh nhiều về số người trong hộ: thành thị 5/hộ, nông thôn trên 5,1 người /hộ. Các loại hộ gia đình có từ 3-6 người/hộ chiếm 61,31% trong tổng số gia đình của tỉnh. Hộ có 7 người vẫn còn khá lớn (gần 10%) và đặc biệt là hộ từ 10 người trở lên cũng chiếm gần 5% (6.098 hộ), trong khi toàn quốc loại hộ này chỉ chiếm 3,36%. Các loại hộ đông người (từ 7 người trở lên) tập trung nhiều ở khu vực nông thôn, nhất là vùng dân tộc ít người, số hộ từ 7 người toàn tỉnh có 31.807 hộ, chiếm 25,86% tổng số hộ gia đình, thì khu vực nông thôn đã có 21,388 hộ, chiếm 67,24% trong tổng số hộ từ 7 người trở lên trong toàn tỉnh.

Đặc trưng dân số học của dân số Lâm Đồng qua 2 cuộc điều tra (1979-1989).

* Kết hôn

Kết hôn là đặc trưng phổ biến của dân số học trong cuộc tổng điều tra dân số năm 1989 vấn đề tình trạng hôn nhân đã được đặt ra nhằm tổng hợp dân số thành các nhóm: chưa vợ, chưa chồng, có vợ có chồng, ly hôn và ly thân.

Vào thời điểm điều tra ở Lâm Đồng có 34,03% dân số từ 15 tuổi trở lên chưa bao giờ kết hôn, trong khi đó ở lứa tuổi nói trên có đến 58,6% hiện đang có vợ hoặc có chồng. Lâm Đồng tuy là tỉnh miềm núi nhưng tỷ lệ mô tả về tình trạng hôn nhân ở mức trung bình so với cả nước (33,2% chưa kết hôn, 57,7% có vợ có chồng). Nếu so sánh với các tỉnh Tây Nguyên thì dân số từ 15 tuổi trở lên chưa bao giờ kết hôn ở Lâm Đồng có tỷ lệ cao hơn (Gia Lai - Kon Tum là 26,23%, Đắc Lắc là 29,75%); đó cũng là sự tiến bộ vế vấn đề hôn nhân ở Lâm Đồng.

Số phụ nữ ở Lâm Đồng hiện đang có chồng là 113.846 người, trong đó số nam giới hiện đang có vợ lại chỉ có 110.214 người; điều này có thể giải thích là do một phần hiện tượng đa thê vẫn còn tồn tại tuy không nhiều; mặt khác là do sự di chuyển của một số nam giới đã có vợ đi các tỉnh khác và ra nước ngoài.

Tình trạng góa chồng, ly hôn và ly thân của phụ nữ nước ta nói chung và Lâm Đồng nói riêng cũng lớn hơn nam giới khá nhiều. Đây là kết quả tất yếu của hiện tượng tuổi thọ trung bình của nữ cao hơn nam, mặt khác là việc kết hôn lại ở số đàn ông góa, ly hôn thường nhiều hơn đàn bà góa, ly hôn.

Tình trạng hôn nhân của nam và nữ có sự khác biệt khá lớn và có tính đặc trưng theo từng độ tuổi. Tỷ lệ đã từng kết hôn của nữ cao hơn nam trong độ tuổi từ 15-29 tuổi, từ 30 tuổi trở lên thì tỷ trọng phụ nữ không chồng cao hơn tỷ trọng không vợ của nam.

* Mức độ sinh

Để đánh giá mức độ sinh của phụ nữ từ 15-49 tuổi có thể dùng phương pháp mô tả quy mô gia đình sẽ cho thấy sự thay đổi về mức độ sinh theo tuổi của các bà mẹ. Bằng cách chia số sinh cho số phụ nữ của từng nhóm tuổi, ta có một số dãy các tỷ lệ sinh đặc trưng suốt thời kỳ sinh đẻ (15-49 tuổi) sẽ được tỷ lệ sinh tổng cộng. Qua kết quả điều tra năm 1989, tỷ lệ sinh tổng cộng của toàn quốc là gần 4 con đối với một phụ nữ. Lâm Đồng là một trong 16 tỉnh có tỷ lệ sinh tổng cộng cao nhất: bằng 120% so với toàn quốc, tức là gần 5 con đối với một phụ nữ. So với các tỉnh lân cận, thì 3 tỉnh Tây Nguyên đều nằm trong nhóm có tỷ lệ sinh cao nhất nước, còn các tỉnh miền Nam đều có tỷ lệ thấp so Lâm Đồng như: Đồng Nai nằm trong nhóm tỉ lệ sinh so toàn quốc bằng 110-119%, Sông Bé từ 100-109% và thành phố Hồ Chí Minh dưới 80% so toàn quốc là nhóm có tỷ sinh tổng cộng thấp nhất nước (Tỷ lệ sinh tổng cộng là 3 con đối với một phụ nữ)

Biểu trên cho thấy mức độ sinh ở Lâm Đồng đã giảm trong những năm gần đây và mức độ sinh ở nông thôn và ở các nhóm tuổi đều cao hơn thành thị khá nhiều.

* Mức độ chết

Trong điều tra dân số năm 1989 đã phỏng vấn về số con đã sinh, số con hiện còn sống và số con đã chết từng phụ nữ ở độ tuổi 15-49 tuổi; dựa vào đấy có thể tính toán được xác suất chết của dân số. Kết quả tính được cho thấy tuổi của các bà mẹ càng tăng thì tuổi trung bình của con họ càng lớn và số con chết có tỷ trọng càng cao. Ở độ tuổi người mẹ từ 15-29 tuổi thì tỷ lệ số con chết chiếm dưới 5% so số con đã sinh thì ở độ tuổi 30 trở lên tỷ lệ này tăng dần từ 6 đến hơn 9%. So sánh với toàn quốc thì ở Lâm Đồng tỷ lệ này cũng tương đương, điều này chứng tỏ Lâm Đồng đã có những tiến bộ đáng kể trong việc bảo vệ sức khỏe ban đầu của nhân dân, tuy vậy ở vùng nông thôn và vùng đồng bào dân tộc ít người mức độ chết vẫn còn khá cao ở thành thị, tỷ lệ số con chết trong tổng số con đã sinh là 4,92%, thì ở nông thôn là 8,94%; đối với dân tộc Kinh tỷ lệ số con chết là 5,77% thì đối với dân tộc ít người tỷ lệ này cao gấp 2 lần (12,57%).

So sánh mức độ chết với các tỉnh lân cận thì Lâm Đồng và Đắc Lắc là xấp xỉ nhau và thấp hơn Gia lai - Kontum hơn 20%, cao hơn Đồng Nai hơn 10% và cao hơn thành phố Hồ Chí Minh hơn 20% (thuộc nhóm tỉnh có mức độ chết thấp nhất nước).

* Tỷ lệ tăng tự nhiên

Qua phân tích mức độ sinh, chết ở trên đã cho thấy tình hình tăng tự nhiên của dân số ở Lâm Đồng. Mức độ sinh ở Lâm Đồng còn khá cao, thuộc nhóm tỉnh có mức độ cao nhất nước; trong khi đó thì mức độ chết đã phần nào được hạn chế và có tỷ lệ xấp xỉ so với toàn quốc. Như vậy, mức độ sinh cao nhưng mức độ chết hạn chế nên tỷ lệ tăng tự nhiên dân số của Lâm Đồng rất cao, kết quả điều tra năm 1989 tính toán được tỷ lệ tăng tự nhiên Lâm Đồng là 23,3%. Tỷ lệ này qua thời kỳ 10 năm giữa 2 cuộc điều tra đã giảm đáng kể, năm 1979 tỷ lệ tăng tự nhiên là 29,8%.

Tuy tỷ lệ tăng tự nhiên ở Lâm Đồng hàng năm đều có giảm xuống, nhưng với đặc điểm của một tỉnh miền núi, dân số ở nông thôn chiếm tỷ trọng lớn và dân tộc thiểu số nhiều nên việc phấn đấu hạ thấp tỷ lệ tăng dân số hết sức khó khăn. Có những vùng hiện nay tỷ lệ tăng tự nhiên còn ở mức 28-30%, thậm chí có nơi trên 30%.

* Di chuyển

Di chuyển là một đặc trưng đặc biệt của dân số, bởi vì trên thực tế mọi người dân đều đi lại hàng ngày và việc thay đổi nơi thường trú cũng diễn ra thường xuyên. Trong tổng điều tra dân số năm 1989 chỉ chú trọng đến di chuyển trong nước bằng cách thu nhập nơi ở thực tế cách đây 5 năm của dân số từ 5 tuổi trở lên. Như vậy, việc di chuyển được quan sát theo thời điểm và liên quan đến thời kỳ 1984-1989, vì vậy sự di chuyển nhiều lần không được tính mà chỉ dựa vào kết quả di chuyển lần cuối cùng.

Trong thời kỳ 1984 việc thực hiện phân bố lại dân số diễn ra trong cả nước, đối với Lâm Đồng là một trong những vùng đất rộng, thưa và có những điều kiện thuận lợi về khí hậu và tiềm năng phát triển kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, nên số người từ các tỉnh khác di chuyển đến Lâm Đồng khá lớn. Trong 5 năm, số người di chuyển đến lâm Đồng là 91.679 người. Trong khi số người từ Lâm Đồng chuyển đi chỉ có 10.817 người, như vậy gia tăng dân số ở Lâm Đồng thông qua biến động cơ học trong vòng 5 năm là 80.862 người. Để so sánh với các tỉnh có thể sử dụng chỉ tiêu tỷ tệ di chuyển thuần túy bằng cách lấy hiệu số giữa di chuyển đến và di chuyển đi tính trên 1.000 người không di chuyển. Qua tính toán, tỉ lệ di chuyển thuần túy của Lâm Đồng là 144,2% và là tỉnh có tỷ lệ cao thứ 2 trong cả nước sau Đắc Lắc (198,7). Luồng di chuyển đến Lâm Đồng chủ yếu từ các tỉnh Cao Bằng, Hà Tây, Sơn Tây, Ninh Bình, Bình Định, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, thành phố Hà Nội...

MỘT SỐ VẦN ĐỀ VỀ XÃ HỘI CỦA DÂN SỐ LÂM ĐỒNG

1. Dân tộc

Lâm Đồng là một tỉnh miền núi, có tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm khá lớn trong dân số của tỉnh, bao gồm 29 dân tộc khác nhau. Năm 1979 các dân tộc thiểu số chiếm 30,46%, năm 1989 giảm xuống còn 23,59%. Nếu so sánh với cả nước thì dân tộc thiểu số ở Lân Đồng gần bằng 2 lần của cả nước (Cả nước dân tộc ít người chiếm 12,9%) nhưng so sánh với các tỉnh Tây N guyên tỷ lệ này còn thấp hơn nhiều: Đắc Lắc có 29,55%, Gia Lai - Kontum có 49,34% dân tộc ít người trong tổng số dân số.

Trong các dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng, dân K'Ho là dân tộc gốc địa phương có tỷ lệ cao nhất, chiếm 12,98% trong dân số của tỉnh, tiếp đó là dân tộc Mạ chiếm 3,1%, Tày chiếm 1,03%...

Cơ cấu dân tộc từ năm 1979-1989 có nhiều thay đổi, trong đó người Kinh tăng tỷ trọng từ 69,54% lên 76,41%, chủ yếu là do sự di chuyển từ các tỉnh đến Lâm Đồng để xây dựng kinh tế mới, số lượng dân số vẫn tăng lên nhưng tỷ trọng các dân tộc ít người vẫn giảm xuống: K'ho giảm từ 16,4% xuống12,98% người Hoa giảm từ 3,08% xuống 1,75%.

2. Tình trạng biết đọc biết viết

Khái niệm biết đọc biết viết trong 2 cuộc điều tra dân số năm 1979 và 1989 có sự khác nhau. Trong cuộc điều tra dân số năm 1979, tất cả những người đã đi học và đang đi học được coi như đã biết đọc biết viết, vì vậy chưa loại trừ được những người dù có đến trường trong một thời gian ngắn hiện đang học hay đã thôi học cũng có thể không biết chữ, nên tổng số người biết đọc biết viết có thể cao hơn so với thực tế. Năm 1989 tình trạng biết đọc biết viết được coi độc lập với trình độ văn hóa. Sự khác biệt này không lớn nên có thể sử dụng số liệu qua 2 cuộc điều tra để đánh giá đúng tình trạng biết đọc biết viết của dân số.

Tình trạng không biết chữ của dân số ở Lâm Đồng vẫn còn khá nhiều, năm 1979 có 65.574 người, từ 6 tuổi trở lên không biết chữ tăng lên 81.880 người, tuy vậy tỷ lệ biết đọc biết viết trong vòng 10 năm giữa 2 cuộc điều tra cũng có tăng lên từ 79,43% lên 84,22%. Kết quả này là do tình hình giáo dục đã được cải thiện ở từng giai đoạn, nhưng với đặc điểm là tỉnh miền núi, nông thôn chiếm chủ yếu và dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn nên việc thu hẹp tỷ lệ không biết chữ còn nhiều khó khăn, trong năm 1989 người kinh biết chữ là 91,556% còn dân tộc thiểu số biết chữ chỉ có 49,14% so với cả nước tỷ lệ không biết chữ của dân số Lâm Đồng cao hơn gần 4% (năm 1989). Tuy nhiên nếu so với các tỉnh Tây Nguyên thì tỷ lệ người biết chữ ở Lâm Đồng còn khá hơn: năm 1989 ở Đắc Lắc tỷ lệ người biết chữ là 77,35%, Gia Lai-Kontum là 55,66%.

Nhìn chung tỷ lệ biết đọc biết viết trong cả nước và riêng Lâm Đồng có được nâng dần theo thời gian, những người 65 tuổi trở lên chỉ có 41,08 được nâng dần theo theo các thế hệ trẻ và khá ổn định ở độ tuổi từ 34 trở xuống với tỷ lệ biết đọc, biết viết đạt trên 90%. Giữa nam và nữ có sự khác nhau về tình trạng biết đọc biết viết và có xu hướng thu hẹp dần song còn chậm. Năm 1979 tỷ lệ biết đọc, biết viết của nam là 84,17%, của nữ là 75,14%, năm 1989 tỷ lệ của nam là 88,53% và của nữ 80,03%. Giữa thành thị và nông thôn cũng có sự khác biệt về tình trạng biết đọc, biết viết, ở thành thị tỷ lệ biết đọc, biết viết của dân số là 91,56% cao hơn nhiều so với ở nông thôn chỉ là 77,58% dân số biết đọc, biết viết.

Nguyên nhân tỷ lệ dân số biết đọc, biết viết của cả nước và của Lâm Đồng tăng liên tục là do các thế hệ trẻ có tỷ lệ biết đọc, biết viết cao lần lượt thay thế cho các thế hệ già và mặt khác việc đô thị hóa cũng được tăng dần.

3. Trình độ văn hóa

Để đánh giá trình độ văn hóa của dân cư qua 2 cuộc tổng điều tra dân số 1979-1989, do có sự khác nhau về phạm vi thu nhập thông tin theo độ tuổi nên có thể bị giới hạn nghiên cứu cho dân số từ 10 tuổi trở lên để thống nhất số liệu của 2 năm.

Trình độ văn hóa của dân cư từ 10 tuổi trở lên ở Lâm Đồng từ 1979-1989 được nâng lên rõ rệt, số người đã và đang đi học phổ thông năm 1979 là 200.795 người, chiếm tỷ trọng 83,12% tổng dân số. Đồng thời số người có trình độ cao đẳng, đại học cũng tăng lên rất nhanh từ 1,52% đến 2,00% cho thấy có sự tiến bộ trong công tác giáo dục, đào tạo trong giai đoạn 1979-1989. Nhưng mặt khác cũng cần thấy rõ là số người có trình độ cao đẳng và đại học trở lên như hiện nay là còn thấp so với dân số, so sánh với các tỉnh lân cận ở Lâm Đồng tỷ lệ có trình độ cao đẳng, đại học cao hơn các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên từ 0,5-1,6% nhưng so với thành phố Hồ Chí Minh còn thấp hơn 1,3%.

Trình độ văn hóa giữa nam và nữ có sự khác biệt khá lớn, tỷ lệ nam giới đã từng đến trường cao hơn nữ giới. Qua 2 cuộc tổng điều tra dân số năm 1979 và 1989 cho thấy sự cách biệt này đang được thu hẹp dần. Năm 1979, số người đã và đang học phổ thông ở nam giới là 79,92%, trong khi tỷ lệ này ở nữ giới chỉ là 69,82%, đến năm 1989 tỷ lệ này của nam giới là 83,12% và của nữ giới là 81%.

Tỉ lệ đến trường theo từng độ tuổi cũng có sự khác nhau, trẻ em từ 5-9 tuổi có tỷ lệ xấp xỉ nhau. Giữa nam và nữ đang đi học: nam là 60,4%, nữ là 60,49%. Đến độ tuổi từ 10-14 đã có sự chênh lệch, tỷ lệ đi học của nam là 75,69%, của nữ chỉ là 70,12%. Sự chênh lệch này càng thể hiện rõ hơn ở độ tuổi từ 15-19, nam có tỷ lệ đi học là 24,35%, nữ có tỷ lệ là 19,31%. Như vậy, hiện nay nam và nữ lúc nhỏ đều được đi học như nhau nhưng ở thời kỳ trước đây tình hình lại không như vậy nên các độ tuổi từ 10-19 tuổi đã có sự thay đổi đáng kể về tỷ trọng đi học của nam và nữ và điều này cũng cho thấy phụ nữ không được đi học nhiều như nam giới.

thành thị dân số từ 5 tuổi trở lên, hiện đang đến trường chiếm tỷ trọng này chỉ có 20,86%, sự chênh lệch này thể hiện rõ theo độ tuổi. Tuổi càng cao thì tỷ lệ đi học ở nông thôn càng thấp so với ở thành thị và ngay ở độ tuổi nhỏ từ 5-9 tuổi thì giữa thành thị và nông thôn cũng đã có sự chênh lệch về tỷ trọng đến trường: thành thị là 69,78% còn nông thôn chỉ có 56,59% cũng có nhóm tuổi nói trên trong lúc trẻ em dân Kinh có tỷ lệ đi học là 24,87% thì dân tộc thiểu số tỷ lệ này chỉ là 13,83%.

4. Trình độ chuyên môn kỹ thuật

Năm 1989 số người từ 15 tuổi trở lên ở Lâm Đồng có trình độ chuyên môn kỹ thuật là 33.622 người chiếm 8,8% tổng dân số, tỷ lệ này đạt xấp xỉ so với toàn quốc (8,9%). Trong đó công nhân kỹ thuật có bằng và không có bằng chiếm 3,67%, sau đó là số người có trình độ trung cấp chiếm 3,22% dân số, còn nhóm cao đẳng, đại học trở lên chiếm 2% dân số.

Trong khi nam giới số người có trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm 11,31% thì ở nữ giới tỷ lệ này chỉ là 6,44. Đặc biệt số công nhân kỹ thuật nam giới chiếm ưu thế với tỷ lệ 5,98% còn nữ giới chỉ chiếm 1,5%. Điều này cũng dễ hiểu bởi Lâm Đồng có nhiều ngành đòi hỏi công nhân kỹ thuật chủ yếu là nam giới như trong ngành xây dựng, cơ khí sửa chữa, công nghiệp khai thác, chế biến lâm sản... nữ có trình độ chuyên môn kỹ thuật chủ yếu là bậc trung cấp, chiếm 3,44% trong tổng số phụ nữ từ 15 tuổi trở lên.

Sự cách biệt giữ nam và nữ về trình độ chuyên môn kỹ thuật thể hiện rõ theo từng độ tuổi. Ở các nhóm tuổi già, tỷ lệ nữ có trình độ chuyên môn rất nhỏ so với nam giới. Tỷ trọng này trong độ tuổi từ 40-44 nam gấp 2,5 lần nữ, từ 45-49 gấp 4 lần, từ 50 tuổi trở lên thì tỷ trọng này của nữ chỉ bằng 1/10 của nam giới. Ở độ tuổi trẻ từ 30 tuổi trở xuống thì tỷ lệ này được thu hẹp dần.

Sự phân bố theo nhóm tuổi về trình độ chuyên môn cũng là một đặc điểm đáng quan tâm, tỷ trọng số người có chuyên môn ở nhóm tuổi từ 15-19 tương đối thấp (chiếm 0,92%) là do phần lớn đang được đào tạo, bước sang độ tuổi từ 25-44 số người có trình độ chuyên môn đã tương đối ổn định, chiếm 13-15 dân số ở độ tuổi này. Từ 45 tuổi trở lên tỷ lệ này giảm đi rõ rệt dưới 3%. Điều này có nghĩa chủ trương đa dạng hóa công tác đào tạo chuyên môn kỹ thuật đang phát huy tác dụng.

5. Hoạt động kinh tế

Một chỉ tiêu quan trọng của dân số là tình hình hoạt động thường xuyên của họ, trong tổng điều tra dân số năm 1989 đã thu thập các thông tin về hoạt động trong 12 tháng trước thời điểm điều tra và được phân bố thành nhóm "Dân số hoạt động kinh tế" và nhóm "Dân số không hoạt động kinh tế". Dân số hoạt động kinh tế bao gồm những người làm việc ổn định làm việc tạm thời và chưa có việc làm. Dân số không hoạt động kinh tế gồm những người đang đi học, nội trợ, mất khả năng lao động và các tình trạng khác.

Ở Lâm Đồng dân số từ 5 tuổi trở lên thuộc nhóm hoạt động kinh tế chiếm 80,61%, so với toàn quốc cao hơn 3,31% so với các tỉnh Tây Nguyên thì xấp xỉ với Đắc Lắc và thấp hơn Gia Lai - Kontum 3,75%.

Trong nhóm hoạt động kinh tế, phần lớn dân số làm việc 6 tháng trở lên trong năm (92,69%) và có 2,7% làm việc ổn định dưới 6 tháng. Như vậy có 94,76% dân số hoạt động kinh tế trong năm là có việc làm ổn định, chỉ có 1,1% dân số làm việc tạm thời và có 4,14% dân số chưa có việc làm. Trong khi cả nước có trên 5 % dân số chưa có việc làm, ở Đắc Lắc có 3,68% và Gia Lai - Kontum là 3,2%.

So sánh tình trạng có việc làm ở Lâm Đồng với các tỉnh và toàn quốc thì Lâm Đồng và Đắc Lắc là nhóm tỉnh có tỷ lệ người có việc làm cao thứ 2 (cao hơn cả nước 10%), còn Đồng Nai so cả nước chỉ bằng 95-99% và thành phố Hồ Chí Minh bằng 90% về tình trạng có việc làm của dân số.

Điều này cũng chứng tỏ ở khu vực thành thị số người thất nghiệp nhiều, còn ở nông thôn phần lớn dân số có việc làm. Lâm Đồng là tỉnh miền núi, phần lớn dân số sống ở nông thôn nên tỷ lệ thất nghiệp ít hơn những tỉnh đồng bằng có khu vực thành thị lớn. Riêng khu vực thành thị Lâm Đồng có tới 6,51% thất nghiệp, trong khi đó ở nông thôn chỉ có 1,5% thất nghiệp trong dân số từ 15 tuổi trở lên.

Cơ cấu dân số hoạt động kinh tế cũng khác nhau theo giới tính, nam giới tham gia trong nhóm hoạt động kinh tế với tỷ lệ cao hơn nữ giới (nam là 85,11% nữ là 76,40%). Điều này giải thích rõ một số phụ nữ không hoạt động kinh tế, tham gia trong nhóm (nội trợ) là công việc truyền thống của phụ nữ. Tỷ lệ từ 15 tuổi trở lên là công việc chính của nội trợ chiếm 7,88% dân số, nhưng tỷ lệ này ở nam giới chỉ có 0,22%.

Yếu tố độ tuổi cũng có tác động lớn đến hoạt động kinh tế của dân số. Ở độ tuổi từ 15-24 phần lớn mới rời ghế nhà trường nên việc tìm kiếm việc làm có nhiều khó khăn, do vậy tỷ lệ thất nghiệp chiếm tới 7,23%; ở các độ tuổi cao hơn thì công việc tương đối ổn định, tỷ lệ thất nghiệp giảm dần từ 1,95% ở độ tuổi 25-34 xuống 0,37% ở độ tuổi 45-54. Từ độ tuổi 55 trở lên, một phần đã bước vào tình trạng mất khả năng lao động, nên tỷ lệ dân số ở độ tuổi này tham gia hoạt động kinh tế cũng giảm xuống chỉ còn 36,2%. Như vậy tình hình hoạt động thường xuyên của dân số bị ảnh hưởng của độ tuổi, việc giải quyết việc làm cho thanh niên mới rời nghế nhà trường là một vấn đề hết sức quan trọng nhất là thanh niên ở thành thị hiện nay có tỷ lệ thất nghiệp khá lớn. Ở độ tuổi 15-24 có tới 14,14% dân số thành thị chưa có việc làm, trong khi đó ở nông thôn chỉ có 3,33% số ở độ tuổi này thất nghiệp.

6. Nghề nghiệp

Nghề nghiệp của dân số phần lớn phụ thuộc vào các điều kiện phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Lâm Đồng là một tỉnh nông nghiệp, vì vậy phần lớn dân số từ 13 tuổi trở lên có công việc chính là nông nghiệp, chiếm 77,28% dân số. Các ngành nghề phi nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ thấp như: Công nghiệp chiếm 7,0%, thương nghiệp chiếm 5,39%.

Đối với những nghề phi nông nghiệp có sự khác nhau rõ nét giữa nam và nữ về tỷ lệ làm việc. Nam giới thường đảm nhận các công việc nặng hay có yêu cầu kỹ thuật phức tạp như trong các nghề khai thác, cơ khí, điện-điện tử với tỷ trọng làm việc là 2,05%, trong khi đó phụ nữ làm việc ở các ngành này chỉ chiếm 0,09%. Tương tự, phần nam giới làm việc trong các ngành sản suất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến lâm sản, vận tải. Còn nữ giới, phần lớn làm công việc ít nặng nề như trong ngành dược và may mặc chiếm 5%, còn nam giới ở ngành này chỉ có 0,72%, hoặc trong nghề buôn bán, dịch vụ nữ là việc chiếm18%, còn nam giới chỉ 2,70%.

THAY LỜI KẾT

Lâm Đồng là một trong những tỉnh giàu tài nguyên của Việt Nam, có nhiều thế mạnh, đặc biệt có triển vọng lớn về việc phát triển kinh tế nông lâm nghiệp toàn diện, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản xuất khẩu; phát triển nhanh mạnh công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và du lịch dịch vụ...

Là một tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên, Lâm Đồng có thành phố Đà Lạt nổi tiếng, nguyên là vùng" Hoàng triều cương thổ", lại trải qua mấy chục năm chiến tranh, sự đầu tư cơ sở hạ tầng trong mấy chục thập kỷ qua chưa tương xứng với tài nguyên thiên nhiên, con người Lâm Đồng - Đà Lạt. Vì vậy kinh tế -xã hội Lâm Đồng chưa phát triển ngang tầm với cả nước và thời đại.

Thực hiện chủ chương đổi mới, mở cửa, gọi vốn đầu tư của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Trong những năm gầy đây kinh tế - xã hội ở Lâm Đồng đã có một bước phát triển mới và đang trở thành vùng "Đất lành chim đậu". Những khởi sắc đó đáng trân trọng và đầy triển vọng...

Là một tỉnh với tổng diện tích trên 1.000.000 ha, trong đó có hàng trăm ngàn ha đất đỏ bazan có khả năng phát triển trên 100.000 ha cây công nghiệp các loại, trữ lượng gỗ trên 42.000.000 m3 và hàng tỷ cây tre, nứa, lồ ô...; lại có thành phố Đà Lạt là một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng lớn của Việt Nam; với một vùng đất giàu tài nguyên với 25 loại khoáng sản, nhiều loại quý hiếm có trữ lượng lớn và hàm lượng cao như thiếc, vàng, đá quý..., với lực lượng lao động dồi dào, phần đông được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật... Lâm Đồng - Đà Lạt xứng đáng là thị trường đầy triển vọng cho các nhà doanh nghiệp trong và ngoài nước bỏ vốn đầu tư vì lợi íchvà cho sự thịnh vượng. 

Đà Lạt 19/8/1993
TRẦN SĨ THỨ

 

Thac Pongour

Thác Voi