Trang trước

Mục lục

Trang sau

 
 

 

 

 

   

Căn cứ vào đặc điểm tự nhiên, tiềm năng và lịch sử hình thành, phát triển, xuất phát từ tính chất kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội khác nhau có thể chia Lâm Đồng thành 4 vùng.

a. Vùng Đà Lạt - Lạc Dương

Bao gồm thành phố và huyện Lạc Dương. Thành phố Đà Lạt là tỉnh lỵ của Lâm Đồng, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội của Tỉnh, là một trong 8 trung tâm du lịch nghỉ dưỡng của cả nước. Lạc Dương là huyện miền núi phía Bắc, dân cư thưa thớt, kinh tế - xã hội phát triển còn thấp. Toàn vùng là địa bàn có diện tích 2.301,74km2, chiếm 21,65 % diện tích tự nhiên, trong đó thành phố Đà Lạt có diện tích 423,45km2, huyện Lạc Dương là 1.877,79 km2. Dân số của vùng (12/1990) là 139.559 người, chiếm 20,51% dân số toàn tỉnh. Trong đó thành phố Đà Lạt có 120.559 người, huyện Lạc Dương có 18.888 người.

Nui Langbian

Núi Lang Bian

Phía Bắc và Tây Bắc của vùng giáp với tỉnh Đắc Lắc, phía Đông Đông bắc giáp với tỉnh Ninh Thuận, phía Nam Đông Nam, Tây Nam giáp với huyện Đơn Dương, Đức Trọng và huyện Lâm Hà tỉnh Lâm Đồng. Thành phố Đà Lạt cách thành phố Hồ Chí Minh 300km về phía Nam, cách thị xã Phan Rang - Tháp Chàm 110km về phía Đông, cách thị xã Buôn Mê Thuột gần 200km về phía Tây Nam.

Thành phố Đà Lạt và một phần phía Đông của huyện Lạc Dương nằm trên cao nguyên Langbian "là bề mặt san bằng cổ được bảo tồn tốt nhất trên lãnh thổ Việt Nam". Chúng được tạo bởi phiến sét, bột và trầm tích phún trào, bị phân cách mạnh, độ dốc cao. Đây là vùng sơ nguyên địa hình mấp mô, lượn sóng và thấp dần theo hướng Đông Bắc, hướng Bắc, hướng Tây và hướng Nam. Độ cao trung bình 1.500m so với mặt nước biển, nơi cao nhất là núi Bà, Thượng đỉnh Langbian đến 2.162m. Ngoài ra còn có các ngọn núi cao Lắp Bê Bắc (1.782), Lắp Bê Nam (1.707) ở phía Bắc Hồ Than Thở...

Trên toàn vùng, đặc biệt là Đà Lạt, nhờ độ cao và thảm thực vật nên nhiệt độ ôn hòa, dịu mát nhiệt độ trung bình 18 độ C, thuộc loại khí hậu ôn đới. Lượng mưa trung bình ở Đà Lạt là 1.814mm, số ngày mưa trung bình 173.

Với độ dốc cao, lượng mưa trung bình khá, hàng năm các dòng chảy trên sơn nguyên, đã tạo nên nhiều thác sông suối. Từ lâu du khách và người dân xứ sở biết tới dòng thác bạc Prenn, Cam Ly, Ankrôet, Đatanla, Đạ Sa, các hồ nổi tiếng như hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, hồ Chiến Thắng, hồ Đa Nhim, hồ Suối Vàng, Vạn Kiếp, Mê Linh... những hồ này vừa có thể nuôi thả, khai thác thủy sản nước ngọt, vừa để kinh doanh du lịch-nghỉ dưỡng. Những dòng thác ở đây còn mở ra điều kiện để phát triển khả năng thủy điện. Hiện nay có hai nhà máy thủy điện hoạt động, đó là Đa Nhim (160.000km) và Suối Vàng (Ankrôet-3500kw), mang lại nguồn năng lượng quan trọng cho TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và những vùng dân cư khác...

Trong tổng số diện tích tự nhiên của toàn vùng (230.174ha) thì có 19.322 ha đất nông nghiệp (chiếm 8,4%), đất lâm nghiệp là 201.349 ha (chiếm 87,5%), còn lại là đất xây dựng cơ bản và đất khác.

Đất nông nghiệp phân bố trên hai khu vực, khu vực Đà Lạt là 12.226 ha, khu vực Lạc Dương là 7.100 ha. Đất nông nghiệp ở Đà Lạt phần lớn là đất đỏ Bazan và đất đỏ vàng, độ phì cao phù hợp với nhiều loại cây trồng, hiện nay đã được khai thác sử dụng là 3.623 ha (chiếm 29,5%). Trong đó cây lương thực hàng năm là 684 ha, cây rau, hoa, dược liệu 1.806 ha, cây cà phê 739 ha, cây ăn quả (hồng, bơ, mận, bom) 370 và các cây hàng năm khác 24 ha. Vùng chuyên canh cây rau thương phẩm cao cấp (Sú, cà rốt, xúp lơ, khoai tây...) đã hình thành từ lâu. Đây là thế mạnh về nông nghiệp đặc sản của vùng. Với truyền thống và kỹ thuật cao, nhân dân ở đây trồng rau quanh năm. Trước năm 1975, sản lượng hàng năm đạt bình quân 120.000 tấn/năm, gắn liền với thị trường tiêu thụ toàn Miền Nam sang Cămpuchia và một số nước khác trong khu vực. Sau ngày miền Nam giải phóng do thị trường tiêu thụ bị co hẹp, diện tích sản lượng rau giảm dần hiện nay đạt 35.000 - 40.000 tấn/năm. Một bộ phận diện tích đựợc chuyển sang trồng các loại cây công nghiệp (cà phê, chè) cây ăn trái (hồng, bom) và cây dược liệu (Atisô, sâm nam, canhkina, xuyên khung) và cây hoa (hồng, huệ, cúc, lay ơn, địa lan, phong lan, mimoza...).

Đất nông nghiệp ở huyện Lạc Dương phần lớn tập trung ở khu vực Đầm Ròn. Đây là loại đất phù sa cổ của miền sông K'rôngnô, được nhân dân khai khẩn canh tác lúa nước, lúa rẫy và ngô. Phần đất nông nghiệp còn lại không nhiều, tập trung ở Xã Lát và Đạ Sa, Đạ Chais, đã được khai thác sử dụng một bộ phận để sản xuất lương thực, trồng cây công nghiệp và cây ăn quả.

Rừng và đất rừng của toàn vùng khá lớn, trữ lượng còn hàng chục vạn m3 gỗ các loại, nhiều nhất là gỗ thông và hàng chục ngàn ha tre, nứa. Phát triển theo hướng kinh doanh tổng hợp nông lâm kết hợp, ngoài thế mạnh về nông nghiệp như đã nêu ở trên, vùng này có khả năng cung cấp gỗ lớn xuất khẩu, gỗ nguyên liệu giấy sợi, nhựa thông, tre nứa... chăn nuôi bò đàn.

Mạng lưới điện Đà Lạt đã phát triển gắn liền với mạng điện quốc gia thống nhất và đã vươn tới thị trấn Lạc Dương (xã Lát), bảo đảm cơ bản đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân trong vùng. Trên địa bàn thành phố Đà Lạt đã có một nhà máy thủy điện Suối Vàng (3500kW) và một số địa điểm có tiềm năng phát triển thủy điện, ước công suất có thể đạt 2500 kW như Tuyền Lâm 1300kW, Tà Nung 100kW, Quảng Hiệp 200kW.

Về khoáng sản tài nguyên trong vùng đáng kể là quặng thiếc ở Hòn Bồ, Đatanla, Cam Ly, Trại Mát, Tây Hồ, Cao Lin, Đá quý Trại Mát, Tà Nung. Nước khoáng có suối nước nóng Đạ Long.

Đà Lạt là thành phố du lịch - nghỉ dưỡng, là trung tâm chính trị, kinh tế văn hóa xã hội của tỉnh đã được phát hiện và đặt nền móng xây dựng cách đây gần 100 năm. Trong gần một thế kỷ, cơ sở vật chất kỹ thuật của thành phố Đà Lạt đã được xây dựng về cơ bản bao gồm trên 2.000 biệt thự, 1 trường đại học, Viện nghiên cứu hạt nhân, viện Pasteur, 3 dinh lớn, hệ thống cấp thoát nước đạt tiêu chuẩn tiên tiến, hệ thống điện giao thông đường bộ, sân bay Cam Ly, đường sắt Đà Lạt - Trại Mát, bệnh viện, trường học, nhà văn hóa, rạp chiếu bóng... và các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khác...

Bộ mặt của thành phố cùng với sự đa dạng, phong phú độc đáo của các công trình kiến trúc ở đây, gắn liền với cùng thời tiết khí hậu ôn đới mang lại cho nó vẻ hấp dẫn kỳ diệu.

Sau 18 năm giải phóng, đã và đang từng bước được khơi dậy và đang có dấu hiệu nhảy vọt. Bên cạnh cơ sở vật chất kỹ thuật, cấu trúc kinh tế - xã hội của thành phố đang có, đáng quý hơn là lòng ưu ái, phong cách lịch thiệp, tao nhã, tiềm năng trí tuệ của con người thành phố Đà Lạt, là sức mạnh, là nền tảng để thành phố tiếp tục phát triển đi lên.

Hướng phát triển chính của vùng là: Du lịch - nghỉ dưỡng; nông nghiệp đặc sản (rau, hoa, dược liệu, chăn nưôi ); bảo tồn rừng cảnh quan, rừng đầu nguồn; phát triển nghề thủ công mỹ nghệ, mở rộng dịch vụ thông tin, thể thao, văn hóa vận tải; tôn tạo thắng cảnh và các di tích văn hóa; xây dựng kết cấu hạ tầng... và bàn tay lao động khéo léo làm nghể thủ công mỹ nghệ.

Dinh II

Dinh II

B. Vùng Đơn Dương - Đức Trọng - Lâm Hà:

Tổng diện tích tự nhiên vùng là 272.790 ha chiếm 26,8% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh, trong đó đất nông nghiệp là 68.162 ha, đất trồng trọt là 39.000 ha, cây hàng năm là 25.000 ha, cây lâu năm 14.000 ha, đồng cỏ 24.900 ha, ao hồ nuôi cá 4.262 ha, đất nông nghiệp 167.620 ha, đất xây dựng cơ bản 28.000 ha, đất khác 12.000 ha. Dân số toàn vùng là 230.367, chiếm 33,95% dân số toàn tỉnh, bao gồm 25 dân tộc khác nhau chung sống, chủ yếu là người K'Ho, Mạ, Thái, Mường, Hoa, M'Nông...

Đây là vùng đất được kiến tạo trung gian bởi 3 cao nguyên bị bào mòn: Cao nguyên Langbian (Lâm Viên) Đà Lạt, cao nguyên Đran (Đơn Dương) - Liên Khương và cao nguyên Di Linh. Độ cao trung bình từ 900m-1.000m so với mặt nước biển. Địa hình thấp dần theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, tạo nên bậc thềm kéo dài từ Phú Sơn, Đại Đờn (Lâm Hà) phía Tây của vùng đến các xã Liên Hiệp, Hiệp Thạnh và thị trấn Tùng Nghĩa của huyện Đức Trọng. Đất ở đây phần lớn là bazan đỏ, đỏ vàng, độ phì cao phù hợp với nhiều lọai cây trồng. Khu vực Đran - Liên Khương phần lớn là đất đỏ huyền vũ (Basaltes), bên cạnh những chỗ phù sa cổ tích tụ thành từng lớp đất pha cát, pha sét và lớp lẫn đá cuội. Phía Đông của vùng giáp ranh với huyện Ninh Sơn của tỉnh Ninh Thuận được án ngữ bởi cao nguyên Đran - Liên Khương với một dãy núi chạy theo hướng Bắc - Nam có đỉnh Bi Đúp (2.287m), Yangbonm (1.650m), Parglo (1.831m). Phía Bắc và Tây Bắc của vùng là các xã dân tộc vùng sâu của huyện Lâm Hà giáp gianh với tỉnh Đắc Lắc. Địa hình ở đây mấp mô, nhiều núi cao chia cắt, độ dốc lớn, đi lại khó khăn. Quốc lộ 27, con đường chính nối liền thị xã Phan Rang - Tháp Chàm qua đèo Ngoạn Mục xuyên qua 3 huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà với tỉnh Đắc Lắc. Ở đây có hồ thủy điện lớn Đa Nhim, một số thác nổi tiếng như Pongour, Gougah trên sông Đa Nhim. Nhiệt độ trung bình của vùng là 20 độ C.

Đất nông nghiệp phần lớn là đất đỏ bazan, thích hợp với nhiều loại cây trồng. Đến nay vùng này có 24.340 ha cây lương thực.

Chăn nuôi bò sữa được phát triển từ sau 1975, đến nay toàn vùng đã có gần 2.000 bò sữa, trong đó doanh nghiệp quốc doanh là 1.800 con.

Rừng và đất rừng của vùng chiếm 61,9%, trữ lượng gỗ còn hàng chục vạn m3 và hàng triệu cây tre, nứa, lồ ô.

Trong lòng đất có quặng thiếc (ở huyện Lâm Hà), vàng sa khoáng, vàng gốc ở Nam Đức Trọng, Cao Lanh ở Đơn Dương.

Xuất phát từ tiềm năng thế mạnh và kỹ thuật canh tác truyền thống hướng phát triển chính của vùng là: Phát triển toàn diện sản xuất nông, lâm nghiệp, mở mang công nghiệp, chế biến để có nhiều sản phẩm xuất khẩu và nội tiêu. Tập trung thâm canh tăng năng suất, tăng vụ, tăng sản lượng các loại cây lương thực, thực phẩm, thâm canh và mở rộng các loại cây công nghiệp dài ngày gắn liền với công nghiệp chế biến. Phát triển chăn nuôi nhất là bò sữa. Đẩy mạnh lâm sinh, bảo vệ tái tạo tài nguyên rừng, sử dụng có hiệu quả đất trống đồi trọc, khai thác, sử dụng có hợp lý tổng hợp các nguồn lâm sản. Tiếp tục định canh định cư các vùng đồng bào dân tộc, ổn định cơ bản sản xuất, đời sống đồng bào các vùng kinh tế mới, phát triển nghề khai thác quặng, vàng, cao lanh, các nghề tiểu thủ công nghiệp. Tiếp tục xây dựng và phát huy có hiệu quả hệ thống thủy lợi Đạ Đờn, Tuyền Lâm, Quảng Hiệp, Liên Khương, Pró..., nâng cấp trục lộ giao thông 27 nối liền Ninh Thuận với Đắc Lắc, sân bay Liên Khương, giao thông nông thôn, mạng lưới điện, nước sinh hoạt...

Thac Prenn

Thác Prenn

c. Vùng Bảo Lộc - Di Linh:

Tổng diện tích tự nhiên là 334.307 ha, trong đó đất nông nghiệp là 71.500 ha, chiếm 20,84%, đất xây dựng cơ bản 39.983 ha, chiếm 10,16% đất khác là 11.824 ha, chiếm 3,53%, còn lại là 216.00 ha đất lâm nghiệp, chiếm 63,52% tổng diện tích tự nhiên. Dân số của vùng là 219.760 người chiếm 42,3% dân số toàn tỉnh.

Đây là miền đất nằm ở trung tâm của tỉnh Lâm Đồng. Đất phì nhiêu, phần lớn là đất đỏ bazan trên cao nguyên B'Lao - Di Linh, ở độ cao trung bình 800m và cao lên dần từ Tây sang Đông, đến Di Linh thì độ cao là 1.000m. Từ Bảo Lộc đến Di Linh bị chia cắt bởi những thung lũng sâu, sườn dốc thoai thoải. Cao nguyên này bề mặt khá bằng phẳng, dài, rộng tầng bazan tương đối dày, có một số ngọn núi với đỉnh cao như Tao Đung 1.971m, Tao Đra 1.473m...

Nhiệt độ trung bình trong năm ở đây là 21 độ C, tháng nóng nhất là 23 độ C, tháng lạnh nhất là 18 độ C, lượng mưa ở vùng này hàng năm vào loại cao nhất tỉnh, đạt 2.881mm, số ngày có mưa đạt 203 ngày trong năm. Vào mùa khô (từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau) trên cao nguyên này vẫn có một số trận mưa, nhất là dịp trước tết và sau tết Nguyên Đán. Một số đầm hồ nhân tạo như Đông Di Linh, Tây Di Linh, Nam Phương... tạo cho thời tiết thêm mát mẻ về mùa khô và phục vụ tưới các loại cây công nghiệp.

Nhờ tiềm năng đất đai, thời tiết khí hậu khá thuận lợi cho nhiều loại cây trồng, từ lâu nơi đây cũng là trọng điểm phát triển các loại cây công nghiệp chè, cà phê, dâu tằm của tỉnh. Trong lòng đất và các loại khoáng sản quý như Bô xít trữ lượng trên 1 tỷ tấn), than nâu Đại Lào, đá quý và hàng triệu m3 đá xây dựng, một số nơi có quặng thiếc. Trên địa bàn có gần chục nhà máy ươm tơ cơ khí và tự động công suất hành trăn tấn/năm. Tại đây đã mọc lên một nhà máy dệt lụa đầu tiên. Hệ thống thủy điện, nước đã xây dựng một bước quan trọng... Phát triển với quy mô lớn vùng nguyên liệu các sản phẩm nông, lâm tiêu dùng và xuất khẩu như chè, cà phê, ươm tơ, dệt lụa, may mặc tơ lụa, chế biến gỗ nhựa thông, bột giấy và khai thác chế biến bôxit, đá xây dựng, đá quý, quặng thiếc phi kim loại có Diatômit, Bentônit, than nâu, than bùn cao lanh... Chăn nuôi bò đàn, bò sữa, mở mang cơ sở du lịch. Cần thu hút nguồn vốn tập trung đầu tư xây dựng mới và nâng cấp kết cấu hạ tầng cơ sở phục vụ kinh tế - xã hội; điện, giao thông, nước, bệnh viện, trường học, cơ sở du lịch... Bảo Lộc sẽ trở thành một thành phố tương lai không xa.

d. Vùng Đạ Huoai - Đạ Tẻh - Cát Tiên:

Là vùng đất phía Nam, Tây Nam của tỉnh. Địa hình thấp dần từ phía Nam, Tây Nam Bảo Lộc xuống giáp sông Đồng Nai, địa hình chia cắt bởi các đồi, núi từ cao nguyên Bảo Lộc kéo xuống. Đồng thời cũng tạo ra một bậc thềm bằng phẳng ở độ cao từ 300-500m so với mặt nước biển. Ở trung tâm huyện Đạ Tẻh và dọc ngược theo triền sông Đồng Nai đến bến cầu (giáp ranh với Sông Bé). Bộ phận địa hình bằng phẳng chủ yếu do bồi tụ phù sa của sông Đồng Nai. Đây là địa hình mang tính chất chuyển tiếp giữa dạng địa hình cao nguyên và địa hình vùng đồng bằng.

Tổng diện tích tự nhiên của vùng là 141.800 ha, chiếm 13,9% diện tích toàn tỉnh, trong đó đất nông nghiệp là 14.000 ha, chiếm gần 10% tổng diện tích, đất lâm nghiệp là 98.000 ha, chiếm 70% diện tích, còn lại là đất xây dựng cơ bản và đất khác. Dân số vùng là 87.839 người (1990) chiếm 13,1% tổng dân số toàn tỉnh. Nhiệt độ trung bình của vùng hàng năm từ 22-24 độ C, nhiệt độ cao nhất 34-35 độ C, tổng nhiệt độ trung bình một năm đạt 8.000 độ C. Vùng này chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa Tây Nam, lượng mưa hàng năm cao, cường độ mưa lớn và dài ngày (3.500-3.600).

Đất nông nghiệp trong vùng chủ yếu là phù sa sông Đồng Nai và các sông lớn. Vùng trồng được các loại cây nhiệt đới, trong đó các cây trồng chính có lúa, ngô, dâu tằm, mía, điều, tiêu, đậu đỗ và các cây ăn trái và chăn nuôi heo, trâu, bò, tằm, gia cầm, cá... Sản lượng lương thực hàng năm đạt từ 35.000-40.000 tấn. Diện tích rừng và trữ lượng gỗ còn lớn, nhưng thuộc hệ thống rừng đầu nguồn của thủy điện Trị An. Trong rừng có nhiều loại chim thú quý hiếm, đặc biệt là tê giác, cá sấu, voi. Cơ sở vật chất kỹ thuật đã và đang được đầu tư mạnh. Hệ thống đường bộ được xây dựng, thông suốt từ thị trấn Madagui qua Đạ Tẻh tới Bến Cầu điểm cuối cùng của huyện Cát Tiên giáp với sông Đồng Nai thuộc tỉnh Sông Bé. Ngoài đường bộ, sông Đồng Nai cũng là hệ thống giao thông thủy thuận tiện. Hệ thống lưới quốc gia đang được xây dựng.

Công trình thủy nông Đạ Tẻh đã hoàn thành, có thể tưới được 3.000 ha lúa và màu ổn định và một số công trình thủy lợi nhỏ trong vùng đang được xây dựng, tu sửa để phát huy tác dụng.

Đây là vùng đất mới khai phá, kinh tế và xã hội mới mở mang và phát triển, trong đó dân cư bao gồm nhiều tỉnh thành trong cả nước đến sinh cơ lập nghiệp.

Hướng phát triển kinh tế - xã hội của vùng sắp tới là sản xuất lương thực, thực phẩm, kết hợp với trồng các loại cây công nghiệp dài ngày dâu tằm, điều, mía, cây đậu đỗ, cây ăn quả và trồng kinh doanh tổng hợp tài nguyên rừng. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có thể phát triển có hiệu quả là chế biến tơ tằm, gỗ, bột giấy, song mây, tăm nhang, vật liệu xây dựng...

Để khai thác có hiệu quả tiềm năng của vùng cần chú trọng đầu tư đồng bộ xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, thủy điện cải tạo đồng ruộng... và các phúc lợi xã hội khác ở nông thôn.

Nhu cầu gọi vốn đầu tư xây dựng đối với đối với các huyện phía Nam Lâm Đồng là rất lớn, một cánh cửa mở chờ đón các nhà doanh nghiệp trong và ngoài nước.