Trang trước Mục lục Trang sau  

CHƯƠNG V

KỸ THUẬT TRỒNG CHÈ VÀ QUẢN LÝ, CHĂM SÓC NƯƠNG CHÈ

I- KỸ THUẬT TRỒNG CHÈ

Kỹ thuật trồng chè bao gồm nhiều khâu như: trồng mới, chăm sóc quản lý đốn chè, thu hoạch chè v.v... Mỗi khâu kỹ thuật đều có những đặc điểm riêng biệt. Dưới đây là những điển chung cần chú ý:

- Trồng chè để thu hoạch búp và lá non làm nguyên liệu chế biến chè thương phẩm (trừ những vùng trồng chè lấy lá xanh để uống). Ngoài yếu tố giống và địa hình, mọi biện pháp kỹ thuật trồntg trọt được áp dụng trong quá trình sản xuất chè đều có ảnh hưởng rất lớn đến phẩm chất chè nguyên liệu, do đó có liên quan đến phẩm chất chè thành phẩm. Đó là một đặc điểm trong sản xuất chè khác với các cây trồng khác.

- Đất trồng chè thường ở vùng trung du và miền núi có độ dốc cao, địa hình phức tạp cho nên vấn đề cơ giời hóa và sử dụng những công cụ cải tiến trong canh tác thường gặp nhiều khó khăn. Song nghiên cứu cơ giới hóa trong sản xuất chè nhằm giảm bớt lao động là một vấn đề rất cần thiết, nhất là trong điều kiện sản xuất lớn. Mặt khác, chè thường trồng ở đất đồi núi có độ dốc cao nên phải chống xói mòn và rửa trôi đất. Biện pháp canh tác không hợp lý không chú ý tới vấn đề bảo vệ đất chống xói mòn, thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng của cây về sau. Biện pháp chống xói mòn, bảo vệ đất, phải là biện pháp canh tác tổng hợp có hệ thống, lâu dài và phải thấy trước.

- Chè là một cây trồng sống nhiều năm, đời sống kinh tế của nó vào khoảng 30 - 40 năm hoặc lâu hơn nữa. Do vậy, những biện pháp canh tác cơ bản ban đầu trong khâu trồng mới như: làm đất, xác định khoảng cách mật độ, xây dựng hệ thống đường đi lại vận chuyển, phương thức trồng... đều phải được chú ý toàn diện và đầy đủ ngay từ khi lập quy hoạch thiết kế, những biện pháp cơ bản này có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng của cây trồng và các biện pháp quản lý chăm sóc về sau.

* Kỹ thuật trồng chè bằng hạt

Có nhiều phương pháp trồng chè, hiện nay trồng bằng hạt là phương pháp phổ biến nhất. Tùy hoàn cảnh tự nhiên, trình độ và điều kiện canh tác ở mỗi nơi mà có thể trồng chè bằng hạt theo những phương pháp khác nhau: gieo hạt qua vườn ươm rồi bứng cây con ra trồng; gieo thẳng hạt ra ruộng sản xuất; hoặc gieo hạt vào giỏ, vào bầu đất làm sẵn để tiện chăm sóc quản lý cây con ở những nơi điều kiện tự nhiên khó khăn.

Trồng chè qua giai đoạn vườn ươm có những ưu điểm như: tiết kiệm được hạt giống, tiện lợi cho chăm sóc, quản lý cây con tạo điều kiện sản xuất được cây con tốt, khỏe và đồng đều, có thể đợi đất trồng chưa chuẩn bị xong hoặc dùng để trồng dặm vườn chè mới, bị mất khoảng hay vườn chè già cũ phục hồi. Song so với phương pháp gieo thẳng hạt ra ruộng sản xuất, thì phương pháp gieo hạt qua vườn ươm đòi hỏi kỹ thuật canh tác chăm bón cao, giá thành cao, công vận chuyển cây con lớn, sau khi bứng trồng ra ruộng trong giai đoạn đầu cần phải quản lý chăm sóc rất chu đáo mới đạt tỷ lệ sống cao, ít mất khoảng.

Phương pháp gieo thẳng hạt ra ruộng sản xuất có nhiều thuận lợi và ưu điểm: kỹ thuật gieo trồng dễ làm, ít tốn công, quản lý chăm sóc sau khi gieo cũng giản đơn, giá thành kinh tế thấp, ít tốn kém.

Hiện nay, trong kỹ thuật trồng chè mới phần lớn đều áp dụng phương pháp gieo thẳng hạt ra ruộng sản xuất.

Nội dung kỹ thuật trồng chè bằng phương pháp gieo thẳng hạt ra ruộng sản xuất như sau: 

1) Chọn đất và thiết kế khai hoang:

Cần lựa chọn những loại đất phù hợp với yêu cầu sinh lý của cây chè, chọn những đồi có độ dốc 8-10o là thích hợp; đồi dốc trên 30o nên dùng để trồng rừng.

Trước khi tiến hành thiết kế khai hoang phải xác định phạm vi ranh giới khu vực khai hoang, tránh không xâm phạm đến rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng gỗ quý hoặc tổn hại đến các nguồn tài nguyên khác của quốc gia (hầm mỏ, di tích lịch sử...) và phải có đầy đủ các tài liệu cơ bản như: quy hoạch sử dụng đất, phân loại rừng, độ dốc, tầng dày lớp đất canh tác, thảm thực vật, mức độ đá ngầm, hầm hố, u mối v.v...

Yêu cầu thiết kế khu khai hoang phải:

- Phù hợp với quy mô tổ chức sản xuất, cần chú ý đến những vấn đề quy hoạch thủy lợi, giao thông, đai rừng v.v... để tránh những bất hợp lý thường xảy ra. Cũng cần chú ý đến các mối liên hệ tương quan về dân sinh kinh tế.

- Đất không nằm trong diện tích quy hoạch dùng để sản xuất thì không được khai hoang.

 2) Thiết kế khu vực sản xuất:

a) Bố trí mặt bằng khu ruộng đồi:

Bố trí mặt bằng khu ruộng đồi là thể hiện việc bố trí tổng thể vị trí các công trình và mối liên hệ tương quan giữa chúng, nhằm thỏa mãn các yêu cầu của thâm canh, chuyên canh, sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa và yêu cầu quản lý đến từng đơn vị sản xuất đề ra. Vì vậy, khi bố trí phải xét và thể hiện thật đầy đủ các mặt quy hoạch của toàn khu: phương thức canh tác hiện nay và tương lai, hệ thống đai rừng phòng hộ, hàng rào bảo vệ, hệ thống công trình giữ ẩm, giữ nước hoặc thoát nước, giữ màu, giữ đất, chuồng trại chăn nuôi, hầm ủ phân và chứa phân... trên bản vẽ mặt bằng. Bố trí mặt bằng tổng thể phải thể hiện việc giải quyết đầy đủ các mối liên hệ và tương quan đó với phương án tối ưu. Phải vận dụng tối đa các điều kiện tự nhiên và công trình sẵn có để giảm vốn đầu tư và tăng hiệu quả sử dụng đất đai. Thiết kế từng đồi chè phải nằm trong thiết kế chung của toàn vùng. 

b) Thiết kế hàng chè và lô chè:

Thiết kế hàng chè (theo hướng cơ giới hóa bằng máy kéo nhỏ và công cụ cải tiến) nơi dốc dưới 6o (dốc cục bộ có thể lên tới 8o), làm hàng thẳng dài nhất, song song với bình độ chính. Với tốc độ 6o theo bình độ, làm gờ tầng hoặc rãnh rộng sau chuyển thành bậc thang hẹp hoặc làm ngay bậc thang hẹp. Hàng cụt xếp xen kẽ và tập trung thành nhóm số chẵn.

Để phù hợp với yêu cầu quản lý chăm sóc và thâm canh, diện tích lô chè thích hợp là 2 ha với chiều dài lô là 200m. 

c) Thiết kế mạng lưới giao thông trong nội bộ khu sản xuất:

Các loại đường trong nội bộ khu vực sản xuất gồm có:

+ Đường trục chính: nối liền giữa khu trung tâm với các cơ sở sản xuất cơ sở kinh tế xã hội khác. Nó chính là đường trục của nông trường hoặc là đường liên xã, liên thôn ở địa phương dùng để chuyên chở các loại sản phẩm xuất ra và vật tư hàng hóa nhập vào. Đường trục chính xuyên giữa khu chè, bề rộng mặt đường 5 - 6m, độ dốc mặt đường 5o, hai bên mép đường trồng cây, có hệ thống nước rãnh bên.

+ Đường liên đồi, liên lô: Nối đường trục chính với các đồi hoặc nối các đồi với nhau, nối liền các lô với nhau. Loại đường này dùng để chuyên chở các sản phẩm thu hoạch, phân, giống ra đồng. Bề rộng mặt đường 4 - 5m, độ dốc mặt đường 6o, độ nghiêng vào trong đồi 6o, mép ngoài trồng cây.

+ Đường liên đồi và đường quanh đồi, nối liền đường liên đồi lên đỉnh đồi. Cứ 30 - 50m theo đường dốc có một đường quanh đồi. Đường lên đồi thường là hình xoắn ốc, bế rộng mặt đường 3 - 4m, độ dốc mặt đường 8o, độ nghiêng vào trong đồi 5o, có mương thoát nước, có vòng xe quay ở ngã ba. Bình độ quanh đồi nghiêng vào trong đồi 6 - 7 độ.

+ Đường lô: ở liền lô sản xuất, cách nhau 200m, đảm bảo vận chuyển chăm sóc trong lô. Bề rộng mặt đường 2,5 - 3,0m.

+ Đường chăm sóc phụ, cách nhau 50 - 70m cắt ngang hoặc cắt chéo hàng chè (nơi có độ dốc trên 6o), mặt đường rộng 1,2 - 1,3m.

 d) Thiết kế đai rừng phòng hộ:

Đai rừng phòng hộ trên đồi nhằm làm giảm sức gió, hạn chế tác hại của gió bão đối với cây trồng, ngăn chặn sâu bệnh lan tràn, hạn chế lai giống hỗn tạp, giữ ẩm, chống xói mòn, chống sương muối, điều hòa khí hậu, bảo vệ các công trình mương, bờ đường, cung cấp gỗ củi, hoa quả và làm cây bóng mát. Cứ 200 - 500m bố trí một đai rừng chặn hướng gió chính, rộng 5 - 10m, kết cấu thoáng.

Ngoài các nội dung thiết kế trình bày trên đây, cứ 5 - 10 ha chè cần làm một lán trú mưa nắng, cạnh lán có bể chìm chứa nước, bảo đảm mỗi hecta chè có 1m3 nước để pha thuốc trừ sâu bệnh và trừ cỏ dại. Cứ 2 - 3 ha chè có một hố ủ phân hữu cơ.

 3) Làm đất và bón phân lót:

Việc làm đất trồng chè phải đạt yêu cầu sâu, sạch, ải, vùi lớp đất mặt có nhiều hạt cỏ xuống dưới, san ủi những dốc cục bộ.

Cày sâu lật đất 40 - 45cm, bừa san, rạch hàng sâu 15 - 20cm, rộng 20 - 25cm. Trường hợp không thể cày sâu được thì phải rạch hàng sâu 40 - 45cm.

Rạch hàng xong bón phân lót 20 - 30 tấn phân hữu cơ và 100 kg P2O5 cho 1 ha, trộn phân vào đất trồng.

Đất được cày bừa bón phân lót trước khi gieo hạt chè khoảng nửa năm là tốt nhất. Đất chuẩn bị xong thường trồng các cây bộ đậu, cây phân xanh để tăng thêm thu nhập (đậu, đỗ, lạc...) tăng thêm lượng phân xanh, đồng thời chống xói mòn do mưa lũ và cỏ dại phát triển. Trường hợp khai hoang làm đất không kịp, có thể làm chậm, song ít nhất cũng cần hoàn thành làm đất và bón phân lót trước khi gieo hạt chè một tháng.

 4) Kỹ thuật gieo hạt chè:

Trồng chè phải chú ý đến khu chuẩn bị hạt giống vì đặc điểm của hạt chè là dễ mất sức nảy mầm và khó bảo quản được lâu. Chỉ thu hoạch quả giống ở những cây chè trên 5 tuổi, sinh trưởng khỏe, có năng suất cao, phẩm chất tốt và ít sâu bệnh. Chất lượng hạt chè có ảnh hưởng lớn đến sức nảy mầm và tỷ lệ nảy mầm. Tiêu chuẩn hạt chè tốt là phải có khả năng nảy mầm trên 75%, hàm lượng nước trong hạt 25 - 38% đường kính hạt chè ? 12mm. Kết quả nghiên cứu của Makhaloblize (1969) cho thấy tiêu chuẩn hạt đã ảnh hưởng đến tỷ lệ nảy mầm như sau:

Bảng 13

Loại hạt

Đường kính hạt (mm)

Trọng lượng 1000 hạt (g)

Số hạt trong 1kg

Tỷ lệ nảy mầm %

Hạt theo tiêu chuẩn

Hạt không đúng tiêu chuẩn

Hạt lép (thải loại)

13,4

11,6

Rất nhỏ

1.384

843

745

722

1.186

1.342

85

73

63

 

 Trước khi gieo cần xử lý hạt để xúc tiến quá trình nảy mầm. Xử lý hạt trước khi gieo có khả năng rút ngắn thời gian nảy mầm, hạt nảy mầm đồng đều, cây khỏe mạnh. Cách xử lý hạt thường là ngâm hạt vào nước khoảng 12 - 24 giờ, sau đó sắp từng lớp hạt dày 7 - 10 cm, trên mỗi lớp hạt rải lên một lớp cát dày 5cm mỗi ngày tưới nước một lần để giữ độ ẩm thương xuyên, độ nhiệt thích hợp là 20 - 25oC, khi có khoảng 50% số hạt nứt nanh thì đem gieo.

Thời vụ gieo hạt chè chủ yếu phụ thuộc vào thời vụ quả chín. Thường gieo hạt vào đầu tháng 10 đến hết tháng 11. Gieo trong thời kỳ này phù hợp với đặc điểm sinh lý của hạt, tăng được tỷ lệ nảy mầm. Mặt khác thời kỳ này không có những trận mưa lớn làm lấp rãnh chè, do đó tạo điều kiện tốt cho hạt nảy mầm ra khỏi đất. Nhưng cũng trong thời này thường gặp điều kiện ngoại cảnh không thuận lợi như hạn và rét kéo dài cho nên cần chú ý chống hạn và giữ ẩm cho hạt chè. Vùng gió Lào, chấm dứt gieo đầu tháng 11.

Số lượng hạt gieo cho một hecta từ 200 - 250kg (tương đương với 400 - 500kg quả).

Khoảng cách và mật độ trồng chè tùy thuộc vào địa hình và độ dốc. Để thích hợp cho việc áp dụng các khâu cơ giới hóa trong quá trình chăm sóc quản lý cũng như thu hoạch, ở những đồi dốc dưới 20o thường trồng theo khoảng cách 1,75 x 0,50m, ở độ dốc trên 20o trồng với khoảng cách 1,50 x 0,40m.

Hạt chè được gieo thành từng cụm, mỗi cụm 5 - 6 hạt, gieo sâu 3 - 5cm. Gieo hạt xong lấp đất nhỏ lên hạt, giậm chặt cho hạt tiếp xúc hoàn toàn với đất, tủ rơm rạ hoặc các nguyên liệu phủ đất khác lên rãnh để chống mưa to xói hạt, giữ ấm và ẩm cho đất.

* Kỹ thuật trồng chè bằng cành

Trong sản xuất chè, ngoài phương pháp trồng chè bằng hạt ra còn có khả năng trồng chè bằng phương pháp vô tính, tức là dùng các cơ quan dinh dưỡng để gây thành cây con rồi đem trồng. Phương pháp vô tính có thể ứng dụng được đối với sản xuất chè là cắm cành (thân, lá, rễ...) áp cành, chia cây và ghép tiếp... trong thực tế phương pháp cắm cành được ứng dụng rộng rãi nhất.

Phương pháp trồng chè bằng cành có những ưu điểm nổi bật như sau:

- Diện tích trồng chè mới của nước ta đang được chú ý mở rộng. Một trong những khó khăn trước hết là vấn đề thiếu hạt giống, khả năng cung cấp hạt giống từ những nương chè trong nhân dân và các nông trường quốc doanh quá ít so với yêu cầu sản xuất. Trồng chè bằng cành có khả năng giải quyết nhu cầu về giống vì hệ số nhân giống bằng cành rất cao.

- Phương thức thụ phấn của chè chủ yếu là thụ phấn khác hoa, do đó hạt chè thường bị tạp giao, những đặc tính tốt của cây mẹ không giữ được. Trồng chè bằng cành khắc phục được nhược điểm đó.

 Bảng 14: Hệ số nhân giống chè bằng phương pháp vô tính

(Nguyễn Văn Niệm, 1978)

Loại chè

Số hom/bụi

Số hom/ha (vạn)

Trồng được (ha)

1 tuổi (không kể năm ở vườn giâm)

2 tuổi -

3 tuổi -

4 tuổi -

20

100

200

300

20

100

200

300

5

20 - 25

40 - 50

60 - 75

 Ghi chú: Mật độ trồng 1 vạn bụi/ha (giống chè PH1) 1 ha vườn lấy quả giống thu được 2.000kg quả trồng được 4 - 5 ha chè mới.

- Mặt khác do trồng chè bằng cành, qua quá trình chọn lọc sẽ tạo được một quần thể rất đồng đều ngoài sản xuất, tạo điều kiện thâm canh đạt năng suất cao và cho việc đưa cơ giới hóa vào các khâu kỹ thuật canh tác, quản lý chăm sóc cũng như thu hoạch.

Kết quả điều tra của bộ môn cây công nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội (1972) cho thấy năng suất trồng bằng cành và trồng bằng hạt sai khác nhau rất rõ. Tùy theo các loại giống khác nhau mà năng suất chè trồng bằng cành cao hơn trồng bằng hạt từ 33 - 45%.

Bảng 15: Năng suất của một số giống chè trồng bằng cành và bằng hạt (kg/ha, %) chè trồng năm 1961 trại Phú Hộ

Giống

Phương thức trồng

1967

1968

1969

1970

Tổng số 4 năm

%

Trung du

Shan Tham vè

Shan Gia vài

Hóc môn

Shan Nậm ngặt

Cành Hạt

 

Cành Hạt

 

Cành Hạt

 

Cành Hạt

 

Cành Hạt

- -

 

3.644 2.744

7.355 4.400

3.401 3.374

2.662 1.213

12.800 8.000

11.200 8000

12.800 8.000

9.600 9.000

11.200 8.000

12.016 10.768

15.056 10.704

13.136 10.276

13.436 10.544

12.400 5.920

15.953 12.135

19.688 13.662

16.650 11.650

19.671 12.516

14.824 10.807

41.169 30.903

49.588 35.110

49.941 34.326

46.108 35.434

41.086 28.740

133 100

141 100

145 100

130 100

145 100

 Tuy nhiên phương pháp trồng chè bằng cành cũng có những nhược điểm nhất định như kỹ thuật giâm cành và quản lý chăm sóc tỷ mỷ tốn nhiều công, giá thành sản xuất cây giống cao, khối lượng vận chuyển khi trồng lớn.

Điều kiện ngoại cảnh ảnh hưởng đến quá trình ra rễ và tỷ lệ sống của cành giâm đó là độ nhiệt, độ ẩm đất, không khí, ánh sáng, đất đai và độ thoáng khí trong đất. Quyết định cho tỷ lệ sống của chè trong vườn giâm là ban đầu hệ rễ của cành có được hình thành hay không, rễ có phát triển tốt hay không. Để cho mầm phát triển nhanh hơn hệ rễ trong thời kỳ ban đầu là không có lợi cho tỷ lệ sống của cành giâm. Theo kết quả nghiên cứu của Trung Quốc thì độ nhiệt không khí 25 - 30oC, độ nhiệt đất (ở độ sâu 5cm) 20 - 25oC là thích hợp nhất cho sự ra rễ và sự sinh trưởng của cành giâm.

Đất thích hợp cho sự ra rễ của cành giâm là đất đỏ, có cấu tượng tốt, độ pH 4,5 - 5,5, có khả năng giữ ẩm nhưng lại thoát nước tốt và thoáng khí.

Độ ẩm đất cần thiết là 70 - 80%, độ ẩm đất cao quá thường gây thối hom chè, độ ẩm đất thấp quá làm cho cành chè bị chết khô. Theo kết quả nghiên cứu của Trung Quốc thì tốt nhất là độ ẩm không khí bão hòa vì như vậy sự bốc hơi nước sẽ giảm đến mức thấp nhất, giữ được độ ẩm tối đa của đất, làm tăng sức trương của tế bào, tế bào phânc hia nhanh và sự ra rễ cũng nhanh.

Ánh sáng rất cần thiết đối với sự sinh trưởng và phát triển của chè giâm cành. Song nếu cường độ ánh sáng quá mạnh, ban đầu sẽ làm cho cường độ thoát hơi nước trong hom chè tăng lên, trong khi bản thân cành giâm chưa có khả năng cung cấp được nhiều nước cho cây, như vậy sẽ ảnh hưởng đến quá trình quang hợp, đến sự ra rễ và tỷ lệ sống của hom chè. Cho nên, việc làm giàn che thích hợp, khống chế được ánh sáng trong quá trình ở vườn ươm là một trong những biện pháp quan trọng đối với việc nhân giống chè bằng phương pháp giâm cành.

 1) Kỹ thuật sản xuất cây con bằng phương pháp giâm cành:

 a)Vườn sản xuất hom giống:

Vườn sản xuất hom giống phải trồng bằng cành của giống chọn lọc đã được xác nhận là giống có năng suất cao, phẩm chất tốt. Vườn giống trồng theo khoảng cách 1,75 x 0,60 x 2 cây. Sau khi không sản xuất hom giống tiến hành đốn theo quy trình của vườn chè sản xuất và chuyển sang nhiệm vụ kinh doanh búp.

Phân hữu cơ bón lót, lần đầu 30 tấn vào tháng 12 - 01; các năm sau: 2 năm bón một lần 20 tấn.

Phân thúc: 200 kg đạm sunfat + 200 kg supe lân + 200 kg Kali clorua/ha. Chè dưới 3 tuổi bón một năm 2 lần vào tháng 2 - 8.

Chè trên 3 tuổi bón một năm 4 lần vào các tháng 2 - 5 - 8 và 10.

Vườn sản xuất hom giống phải luôn luôn sạch cỏ và sạch sâu bệnh.

b) Vườn ươm:

+ Chọn giống và làm đất: chọn đất nơi gần nguồn nước tưới, gần diện tích sắp trồng, độ dốc không quá 5o, gần đường vận chuyển, đất đỏ hoặc vàng có cấu tượng tốt, độ pH từ 4,5 - 6, mực nước ngầm dưới 1m. Đất mới khai hoang cần cày ải trước 3 tháng, cày sâu 25 - 30cm, bừa nhỏ rồi lên luống theo hướng đông tây; mặt luống rộng 1,2m, cao 15 - 20cm, dài không quá 20m, rãnh luống rộng 60cm. Sau khi lên luống, đất trên mặt luống phải nhỏ, mịn, tơi xốp. Nếu đất đã bón phân hữu cơ phải phủ một lớp đất đỏ hoặc vàng dày 8cm.

Trong trường hợp dùng túi polietilen để giâm cành thì chỉ cần giẫy sạch cỏ, lên luống, xếp bầu và làm giàn.

+ Làm giàn che: tùy theo khả năng nguyên liệu của địa phương có thể làm giàn cao 1,20m hoặc 1,80m. Mặt giàn lợp bằng cỏ tế, tranh, lá lau, phên, nứa. Phải lợp kín cả mặt luống, rãnh luống và che kín xung quanh lô. Phên che chung quanh và rãnh luống làm thành từng tấm để tiện việc cất dỡ khi đi lại tưới nước, chăm sóc và điều chỉnh ánh sáng.

+ Chọn cành cắt hom: chọn cành có đường kính 4 - 6mm không bị sâu bệnh. Mỗi hom cắt một đoạn cành 3 - 4cm có 1 lá và 1 mầm nách dài không quá 5 cm, nếu mầm dài quá 5 cm thì bấm ngọn mầm. Vết cắt phía trên lá vát theo mặt lá và cành nách lá 0,5 cm, nếu lá to thì cắt bớt đi 1/3 hoặc 1/2 để giảm sự thoát hơi nước.

 

Hình 9: Hom chè

+ Cắm hom: hom cắt xong đem cắm ngay là tốt nhất.

Khoảng cách cắm hom: 10 x 6 cm (160 hom/m2), hom cắm sao cho lá xuôi theo chiều gió, mặt lá cách mặt đất 1cm, cắm xong nén chặt đất vào gốc hom và tưới nước ngay.

+ Cắm hom trực tiếp vào túi polietilen: túi polietilen có kích thước 12 x 18cm, phía đáy đục 4 lỗ. Đáy túi đựng một lớp đất mặt trộn với phân hữu cơ hoai mục, tỷ lệ phân 50%, phần trên là 8 cm đất đỏ hoặc vàng. Trước khi cắm hom tưới cho đất trong bầu có độ ẩm 80 - 85%, mỗi túi cắm 1 hoặc 2 hom. Xếp bầu vào luống, có điểm tựa để bầu đứng vững, các bầu xếp sát vào nhau.

+ Quản lý chăm sóc vườn ươm:

- Tưới nước: sau khi cắm hom từ 1 đến 15 ngày, mỗi ngày tưới 2 lần, tưới bằng bơm con gà, bảo đảm độ ẩm đất 70 - 80%.

Từ 15 - 30 ngày, tưới 2 ngày một lần (bơm con gà hoặc ô doa)

Từ 30 - 60 ngày, tưới 3 ngày một lần bằng ô doa

Từ 60 - 90 ngày, tưới 5 ngày một lần bằng ô doa

Từ 90 - 120 ngày, tưới 6 ngày một lần bằng ô doa

Từ 120 - 180 ngày, tưới 10 - 15 ngày 1 lần, tưới ngấm.

- Điều chỉnh ánh sáng:

Vụ đông xuân: thời gian 60 ngày kể từ sau khi cắm hom che cả rãnh luống, mở giàn khi ngày râm.

Từ 60 - 90 ngày, không che rãnh luống

Từ 90 - 150 ngày, tách giàn che 1/3

Từ 150 - 180 ngày, tách giàn che 1/2

Sau 180 ngày mở hẳn giàn che.

Vụ hè thu: Từ 1 - 30 ngày, che rãnh từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều.

Từ 30 - 60 ngày, che rãnh từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiếu

Từ 60 - 90 ngày, che rãnh từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều

Từ 90 - 120 ngày, không che rãnh, rút 1/3 giàn che

Từ 120 - 150 ngày, rút 1/2 giàn che

Sau 150 ngày, mở hẳn giàn che.

- Bón phân thúc: lượng phân bón thúc cho 1m2 vườn ươm quy định như sau:

Bảng 16

 

Đạm sunfat (gam)

Supe lân (gam)

Clorua kali (gam)

Sau cắm hom 2 tháng

Sau cắm hom 4 tháng

Sau cắm hom 6 tháng

9

14

18

4

6

8

7

10

14

 - Trừ sâu bệnh: sau khi giâm cành 3 tháng phun hỗn hợp vofatôc 0,2% + urê 2%, phun 1 lít/ 5m2, sau đó cách một tháng phun một lần. Nếu vườn ươm phát sinh bệnh thì phun bocđô 1: 100 phun 1 lít/ 5m2.

 2) Kỹ thuật trồng chè cành ra ruộng sản xuất:

 + Tiêu chuẩn cây con:

Cây cao hơn 20cm có 6 - 8 lá, đường kính thân cây đo cách gốc 5cm là 3 - 4mm, cây có 6 tháng tuổi trở lên. Nếu cây cao hơn 30cm phải bấm ngọn trước khi bứng trồng.

 + Thời vụ trồng:

Vụ đông xuân: từ tháng 12 đến hết tháng 2.

Vụ thu: từ hạ tuần tháng 8 đến hết tháng 9.

 + Bứng bầu và vận chuyển bầu:

Cây con đưa đi trồng phải có bầu đất, bó bầu bằng lá hoặc cho vào túi nhựa, bầu không được vỡ. Bầu phải xếp chặt vào hòm gỗ, sọt; dùng xe hoặc gánh đến nơi trồng. Gặp trời nắng phải che, không được để cây con héo.

 + Trồng cây con:

Chuẩn bị đất trồng như đối với chè trồng bằng hạt.

Trước khi trồng rạch hàng sâu 20 - 25cm, hoặc đào hố rộng 20cm, sâu 25cm bón lót 2,5 kg phân hữu cơ 1 hốc.

Chọn những ngày sau khi mưa, trời râm mát, đất có độ ẩm 80 - 85%, trồng 2 cây đủ tiêu chuẩn một hốc; lấp đất ngang vết cắt hom, nén đất chặt gốc. Nếu trồng bằng bầu polietilen, trước khi lấp đất phải xé bầu, để trên mặt hố tủ gốc. Trồng xong phải dùng rơm rạ hoặc cắt cây phân xanh tủ vào gốc và tưới nước cho cây con, mỗi hố 2 lít nước. Sau khi trồng, trong 1 - 3 tháng đầu cần tiến hành kiểm tra cây chết và trồng giặm kịp thời.

II. QUẢN LÝ, CHĂM SÓC NƯƠNG CHÈ

Sau khi gieo trồng xong, cần phải tiến hành quản lý và chăm sóc nương chè một cách toàn diện. Dựa vào đặc điểm sinh trưởng và đặc điểm canh tác khác nhau, chia công tác quản lý chăm sóc ra hai thời kỳ khác nhau: quản lý chăm sóc nương chè con và quản lý chăm sóc nương chè sản xuất (chè trong thời kỳ kinh doanh).

* Quản lý, chăm sóc nương chè con

Thời kỳ chè con (còn gọi là thời kỳ kiến thiết cơ bản) là thời kỳ sau khi chè được gieo trồng, qua chăm sóc, đốn tạo hình, bắt đầu bước vào thời kỳ thu hoạch. Trong điều kiện của ta, thời kỳ kiến thiết cơ bản vào khoảng 4 năm. Công tác quản lý chăm sóc nương chè con có tác dụng rất cơ bản nhằm làm cho cây mọc khỏe, mọc đồng đều, tạo cho cây có một bộ khung tán to, đặt cơ sở tốt cho sự sinh trưởng và phát triển của cây con trong cả thời kỳ sản xuất lâu dài về sau.

Quản lý chăm sóc nương chè còn bao gồm những công việc chính như sau:

 1) Giặm chè mất khoảng:

Đất trồng chè phần lớn là đất đồi dốc, khả năng tái sinh của cây rừng và cỏ dại rất lớn, mưa lấp hố, hạt nảy mầm kém v.v... đều có khả năng làm cho hạt không mọc được, hoặc làm cho một số cây con mọc lên bị lấn át, chết đi, gây ra hiện tượng mất khoảng. Chè là cây lâu năm, khoảng cách lớn, nếu bị mất khoảng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và công tác quản lý chăm sóc. Cho nên công việc trước hết trong quản lý chăm sóc nương chè con là phải tích cực phát hiện và kịp thời giặm chè mất khoảng ngay từ năm đầu sau khi gieo trồng. Giặm chè con có 2 cách: gieo giặm bằng hạt hoặc trồng giặm bằng cây con đã chuẩn bị trong vườn ươm từ trước. Quy định gieo vườn ươm dự trữ cho 1 hecta là 30 - 50m2.

 2) Xới xáo giữ ẩm và diệt trừ cỏ dại:

Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới của nước ta những vùng đất đồi mới khai phá, cỏ dại, cây rừng tái sinh phát triển rất nhanh chóng, do đó uy hiếp sinh trưởng của chè con rất lớn, công việc xới xáo diệt trừ cỏ dại cần được coi trọng. Tùy theo tình hình sinh trưởng và phát triển cỏ dại ở mỗi nơi, hàng năm cần tiến hành xới đất làm sạch cỏ 3 - 4 lần trên hàng. Riêng đối với chè 1 tuổi cần nhổ cỏ bằng tay trên cụm chè để bảo vệ được cây chè con, có thể dùng thuốc hóa học để trừ cỏ, phun 2 lần vào tháng 4 - 5 và tháng 7 - 8. Mỗi lần 6-8 kg đalapon + 2 kg 2,4D hoặc 6 kg simazin để diệt hạt cỏ mới nảy mầm. Mỗi hecta phun 800 - 1000 lít nước.

 3) Trồng xen:

Trong những năm đầu khi cây chè chưa giao tán, khoảng cách giữa 2 hàng chè khá rộng nên trồng xen một số cây công nghiệp ngắn ngày hoặc cây phân xanh. Trồng xen có những lợi ích chủ yếu như sau:

- Lợi dụng triệt để được đất đai trồng trọt, thực hiện phương châm "lấy ngắn nuôi dài".

- Chống được cỏ dại, bớt công làm cỏ.

- Phủ đất, chống được xói mòn nhất là đối với đất dốc. Trong một chừng mực nhất định tăng được độ ẩm và nước dự trữ cho cây trồng chính.

- Cải thiện được một phần kết cấu của đất, tăng nguồn chất xanh cho đất. Những cây trồng xen thuộc bộ đậu còn giúp tăng nguồn đạm cho đất. Những loại cây thường trồng xen trong nương chè hiện nay là cốt khí, đậu dự, cỏ stilô, lạc... Riêng đối với lạc có thể trồng giống lạc 3 tháng (2 vụ/năm), cần bón thêm phân chuồng hoai 2t + 400 kg phốt phát nội/ha. Lạc trồng hai hàng cách nhau 40cm, trên hàng gieo lạc với khoảng cách 45cm.

 4) Bón phân cho chè con:

Bón phân cho chè con nhằm đạt yêu cầu: Tăng nhanh lượng sinh trưởng của cây làm cơ sở cho việc hình thành tán cây, tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển tốt ngay từ đầu, tăng khả năng chống chịu với ngoại cảnh và sâu bệnh đối với cây.

Theo quy trình kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp, bón phân cho chè con (chè kiến thiết cơ bản) như sau:

 Bảng 17

Loại chè

Loại phân

Lượng phân cho 1ha

Số lần bón

Thời gian bón (tháng)

Phương pháp bón

Chè 1 tuổi

 

Chè đốn tạo hình lần 1 (2 tuổi)

Chè 2 - 3 tuổi

N

 

K2O Hữu cơ P2O5

K2O

30 kg

 

30 kg 15 - 20t 100 kg

60 kg 50 kg

1

 

 1

 1

 1

 

1

6 -7

 

11 -12

 

3 - 4

và 8 - 9

Trộn đều hai loại phân bón, sâu 6-8cm, cách gốc 20-30, lấp kín đất

Trộn đều bón vào rạch, cày sâu 15 cm, cách gốc 20 - 30cm

Trộn đều hai loại phân, bón lẫn kali, lần đầu (tháng 3 - 4)

 5) Đốn tạo hình chè con:

Đốn tạo hình chè con là một biện pháp kỹ thuật quan trọng trong thời kỳ quản lý chăm sóc nương chè con. Mục đích chủ yếu là tạo cho cây chè có bộ khung tán rộng, nhiều cành, có một hình thù cân đối làm cơ sở cho cây chè phát triển vững chắc về sau:

Tùy từng điều kiện cụ thể, việc xác định tiêu chuẩn đốn chè con ở mỗi nước có khác nhau. Người ta có thể căn cứ vào tuổi cây, khả năng sinh trưởng của cây về chiều cao cũng như về độ lớn của thân để làm tiêu chuẩn đốn.

 

 

Hình 10: Đốn tạo hình chè con

Ở Liên Xô thường bắt đầu đốn tạo hình lần thứ nhất khi cây chè 2 - 3 tuổi, chiều cao cây 50 - 60 cm, đường kính thân 1cm và trên cây đã có 2 - 3 cành cấp 1. Quy trình của Bộ Nông nghiệp quy định mức đốn tạo hình cho chè con như sau:

Lần 1: khi cây chè 2 tuổi, đốn cách mặt đất 12 - 15 cm

Lần 2: khi cây chè 3 tuổi, đốn cách mặt đất 30 - 35 cm

Lần 3: khi cây chè 4 tuổi, đốn cách mặt đất 40 - 45cm

Song song với quá trình đốn, cần tiến hành hái tạo hình. Đốn hợp lý, hái tạo hình tốt và quản lý chăm sóc tốt, qua 3 lần đốn, cây chè chính thức bước vào thời kỳ kinh doanh.

* Quản lý, chăm sóc chè sản xuất

Nương chè sản xuất tức là chỉ thời kỳ cây chè sau khi kết thúc đốn tạo hình và bắt đầu bước vào thời kỳ thu hoạch búp. Thời kỳ sản xuất của chè rất dài: 30 - 40 năm hoặc lâu hơn nữa. Tất cả các biện pháp kỹ thuật chăm sóc và quản lý đều có ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của cây, do đó có quan hệ trực tiếp đến năng suất và phẩm chất chè.

Nội dung chủ yếu của công tác quản lý và chăm sóc nương chè sản xuất gồm có:

 1) Trừ cỏ xới xáo và tủ gốc cho chè:

Cũng như thời kỳ cây con, công việc diệt trừ cỏ dại trong thời kỳ này phải được coi trọng và phải được tiến hành triệt để, nhất là khi hàng chè chưa giao tán.

Thành phần cỏ dại trên nương chè rất phức tạp và nhiều loại, các loại cỏ thường gặp như Cyperus tenuiculmis, Digitaria ascendens, Paspalum conjugatum ipomoeaspp scopariadulcis.

Mỗi loại cỏ lại có những đặc tính sinh học khác nhau do đó việc phòng trừ khá phức tạp.

Việc diệt trừ cỏ dại cho chè có thể tiến hành bằng biện pháp cơ giới hoặc hóa học. Biện pháp cơ giới (xới cỏ, phay đất) có tác dụng vừa diệt được cỏ dại vừa làm tơi đất cho chè.

Trong vụ đông xuân cần xới sạch cỏ, cày giữa hàng chè hoặc phay sâu 10cm, lấp phân hữu cơ và cành lá già sau khi đốn. Vụ hè thu: đào gốc cây dại luổng hoặc xới cỏ gốc giữa hàng bừa 3 - 4 lần hoặc phay sâu 5cm. Biện pháp trừ cỏ bằng thuốc hóa học hiện nay đang được ứng dụng bước đầu trong một số nước trồng chè trên thế giới, ở Liên Xô, dùng 10 kg simazin và 15 kg dalapon hòa trong 1000 lít nước để phun trừ cỏ cho 1 ha chè sản xuất. Ngoài dalapon một số nước còn dùng paraquat để trừ cỏ cho chè, đó là một loại thuốc trừ cỏ bằng tiếp xúc, có tác động rất nhanh. Trong những năm gần đây, chúng ta đang tiến hành khảo nghiệm các loại thuốc hóa học trừ cỏ cho chè, hoặc là phòng trừ cỏ bằng hóa học kết hợp với cơ giới. Loại thuốc và liều lượng dùng để trừ cỏ cho chè đã nêu ở phần trên (quản lý chăm sóc chè con).

 2) Bón phân cho chè:

Bón phân cho chè trong thời kỳ sản xuất có ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng, sản lượng và phẩm chất của chè.

Xây dựng một quy trình bón phân hợp lý cho chè cần phải căn cứ vào điều kiện đất đai cũng như điều kiện ngoại cảnh và đặc điểm sinh lý của cây.

Cơ sở khoa học của việc bón phân cho chè gồm những điểm chính như sau:

- Cây chè có khả năng liên tục hút dinh dưỡng trong chu kỳ phát dục hàng năm cũng như trong chu kỳ phát dục cả đời sống của nó. Mặc dù trong điều kiện của ta, về mùa đông cây chè tạm ngừng sinh trưởng, nhưng vẫn yêu cầu lượng dinh dưỡng tối thiểu, do đó việc cung cấp dinh dưỡng cho cây cần đầy đủ và thường xuyên trong năm.

- Quá trình sinh trưởng dinh dưỡng và sinh trưởng sinh thực của cây chè không có giới hạn rõ ràng và là một quá trình mâu thuẫn thống nhất. Vì vậy, cần phải bón phân hợp lý để khống chế quá trình sinh thực cho chè hái búp và khống chế quá trình sinh trưởng dinh dưỡng cho chè thu hoạch giống.

- Khả năng thích ứng với điều kiện dinh dưỡng của cây chè rất rộng rãi. Nó có thể sống ở nơi đất rừng màu mỡ mới khai phá song cũng có thể sống ở những nơi đất nghèo dinh dưỡng và vẫn cho năng suất nhất định. Do đặc điểm đó, muốn nâng cao năng suất chè cần phải bón phân đầu đủ.

- Đối tượng thu hoạch chè là búp và lá non. Mỗi năm thu hoạch từ 5 - 10t/ha, vì thế, lượng dinh dưỡng trong đất mất đi khá nhiều, nếu không bổ sung kịp cho đất thì cây trồng sẽ sinh trưởng kém và cho năng suất thấp.

- Theo Eden (1958) trong búp chè non có 4,5% N; 1,5% P2O5 và 1,2 - 2,5% K2O. Những kết quả nghiên cứu của Jolemuanu cho thấy nhu cầu dinh dưỡng khoáng của cây chè rất lớn (xem bảng 18 và 19).

 Bảng 18: Hàm lượng một số nguyên tố khoáng trong chè ở một số nơi (% chất tro)

Loại

CaO

MgO

K2O

P2O5

Chè chế biến ở Xrilanca

Chè chế biến ở Trung Quốc

Chè chế biến ở Trakvi (Liên Xô)

Lá chè tươi Gruzia (Liên Xô)

Lá chanh

Lá cam quýt

7,8

8,9

8,1

9,7

63,0

66,1

7,2

6,0

7,7

8,7

5,7

4,3

31,7

30,3

30,6

38,9

15,0

11,6

13,5

13,7

14,5

19,0

 Bảng 19: Hàm lượng N trong chè nguyên liệu (% chất khô)

Nhóm chè

Dạng đạm

Protein N x 6,25

Tổng số

Hòa tan

Ấn Độ

Trung Quốc

Gruzia

4,42

4,52

5,08

1,82

1,55

2,66

27,6

28,25

35,50

 Theo tài liệu của Trung Quốc nếu thu hoạch 7,5 tấn búp/ha, cần phải cung cấp N: 37,5 kg, P2O5: 75kg và K2O: 112 - 150 kg.

Ngoài ra cần chú ý rằng: hàng năm trọng lượng cành lá đốn cũng xấp xỉ bằng trọng lượng búp và lá non đã thu hoạch và theo Daraxêli thì lượng đạm bị rửa trôi thường bằng 1/3 tổng lượng đạm bón vào đất.

Từ những dẫn liệu trên đây, cho thấy rằng cây chè có những đặc điểm dinh dưỡng khác với một số cây trồng khác, nhu cầu về dinh dưỡng khoáng của cây chè rất lớn. Vì vậy, cần xét từng điều kiện cụ thể để xây dựng chế độ bón phân hợp lý cho chè.

 a) Sử dụng phân đạm cho chè:

Trong cây, hàm lượng đạm tập trung nhiều nhất ở các bộ phận non như búp và lá non, đạm có ảnh hưởng rõ rệt đến sinh trưởng của cây và có ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất. Thiếu đạm cây sinh trưởng kém, lá nhỏ, búp nhỏ và búp bị mù nhiều, do đó năng suất thấp. Yêu cầu về đạm thay đổi tùy theo loại đất tuổi của cây và năng suất của vườn chè. Tài liệu của trại thí nghiệm chè Phú Hộ - Vĩnh Phú cho thấy bón đạm đầy đủ, sản lượng búp chè tăng 2 - 2,5 lần so với đối chứng không bón. Theo M.L Bziava (1973) liều lượng đạm tăng, sản lượng búp sẽ tăng, song để đạt được năng suất 10t/ha bón 200 kg N/ha cho hiệu quả kinh tế cao nhất.

Về phẩm chất, nhiều tài liệu ở nước ngoài như Nhật Bản, Ấn Độ, Xrilanca... đều cho rằng bón đạm không hợp lý, bón quá nhiều hoặc bón đơn độc đều làm giảm chất lượng chè (đặc biệt là đối với nguyên liệu dùng để chế biến chè đen). Những công trình nghiên cứu của Liên Xô cho thấy liều lượng đạm 300kg/ha thì hàm lượng tanin, cafein và vật chất hòa tan trong búp chè đều cao, có lợi cho phẩm chất, song nếu vượt quá giới hạn trên thì phẩm chất chè giảm thấp. Khi bón nhiều đạm hàm lượng protein ở trong lá tăng lên. Protein kết họp với tanin thành các hợp chất không tan vì thế lượng tanin trong chè bị giảm đi. Mặt khác khi bón nhiều đạm, hàm lượng ancaloit trong chè tăng lên làm cho chè có vị đắng.

Những kết quả chuẩn đoán dinh dưỡng trong lá chè của Liên Xô cho thấy: ở cây chè thiếu đạm, hàm lượng đạm trong lá là 2,2 - 2,4%, trong búp là 3 - 3,5%. Cây chè đủ dinh dưỡng hàm lượng đạm tương ứng là: 2,9 - 3,4% và 4,7 - 5,0%.

Trong điều kiện của ta, liều lượng và thời kỳ bón đạm được quy định như sau (theo quy trình của Bộ Nông nghiệp 1975).

 Bảng 20

Loại chè

Liều lượng N/ha (kg)

Số lần bón

Thời gian bón

Năng suất búp dưới 6 tấn/ha

Năng suất búp 6t - 10t/ha

Năng suất búp 10t/ha

80 - 120

120 - 160

160 - 200

3 - 5

3 - 5 

4 - 6

Từ tháng 1 đến tháng 9

Từ tháng 1 đến tháng 9

Từ tháng 1 đến tháng 10

 Ghi chú: Bón sâu 6 - 8 cm theo tán chè vào lúc đất có độ ẩm 70 - 80%, lấp đất kín.

b) Sử dụng phân lân cho chè:

Theo các tài liệu nghiên cứu của Liên Xô, bón lân có ảnh hưởng tăng năng suất và phẩm chất búp chè rõ rệt. J. Đimitrôva (1965) cho rằng hiệu quả của phân lân được nâng lên một cách rõ rệt trên đất đã được bón N, K. Ngược lại hiệu quả của phân lân thấp không những do lân bị cố định trong đất mà còn do đất thiếu N, K. Một đặc điểm cần chú ý là hiệu quả về sau của lân kéo tới 20 - 25 năm. Trên đất đỏ (Liên Xô) hiệu quả về sau của lân thường cao hơn những năm bón trực tiếp. Theo nghiên cứu của F. H. Urusatze thì hiệu quả trực tiếp của 3 năm bón lân với liều lượng 120 - 960kg/ha trên nền N, K là tăng sản lượng búp 5 -30% so với đối chứng bón N, K. Song hiệu quả tăng sản bình quân trong 21 năm về sau là 60 - 78%.

Những nghiên cứu của Cuaxanop (1954) T.C. Mgaloblisvili (1966) đều khẳng định bón phân lân trên nền N,K làm tăng hàm lượng catechin trong búp chè, có lợi cho phẩm chất.

Ở nước ta, việc nghiên cứu hiệu quả của phân lân đối với năng suất và phẩm chất búp mới tiến hành chưa được bao lâu. Song kết quả sơ bộ rút ra từ thí nghiệm 10 năm bón phân N,P,K cho chè tại trại thí nghiệm chè Phú Hộ cho thấy: trên cơ sở bón 100 kgN/ha, bón thêm 50kg P2O5 qua từng năm không có sự chênh lệch gì đáng kể về năng suất, nhưng từ năm thứ 7 trở đi bội thu tăng dần một cách rõ rệt và để chúng qua 10 năm thì supe lân tỏ ra có hiệu lực chắc chắn và đáng tin cậy. Bình quân 10 năm 1kg P2O5 đã làm tăng được 3,5kg búp chè.

Kết quả phân tích lá chè và đất trồng chè ở Liên Xô cho thấy: ở cây chè thiếu lân, hàm lượng lân (P2O5) trong lá là 0,27 - 0,28%, trong búp là 0,5 - 0,75%. Cây chè đủ dinh dưỡng hàm lượng lân tương ứng là 0,33 - 0,39% và 0,82 - 0,86%. nếu trong đất hàm lượng P2O5 là 30 - 32mg/100g đất, là thiếu nhiều lân.

Theo quy trình của Bộ Nông nghiệp: đối với chè đang kinh doanh thì 3 năm bón phân lân một lần vào tháng 11 - 12 với liều lượng 100kg P2O5/ha. 

c) Sử dụng phân kali cho chè:

Trên những nương chè mới trồng, phân kali không có hiệu quả vì trên những loại đất mới khai phá hàm lượng K2O trong đất đủ cho yêu cầu sinh trưởng phát triển của cây (20 - 25mg K2O/100G đất) ở những nơi thường xuyên bón N, K với liều lượng cao trong nhiều năm, đất trở nên thiếu kali thì hiệu quả việc bón K2O rất rõ rệt, theo số liệu của G.S. Goziaxivili (1949) bón K2O trên đất đỏ với liều lượng 80 - 320kg/ha có thể tăng sản 28 - 55% so với đối chứng bón N,P. Những nghiên cứu của A.D. Makharobitze (1948) cho thấy phẩm chất nguyên liệu trong các công thức bón phân khác nhau được xếp theo thứ tự sau: P, K, N và không bón. Những kết quả nghiên cứu của Liên Xô cho thấy: hàm lượng kali trong lá dưới 0,5%, dấu hiệu thiếu kali biểu hiện rõ, trên 1% thì cây sinh trưởng bình thường. Hàm lượng K2O 15mg/100g đất là thiếu kali, trên 15mg/100g đất, cây sinh trưởng bình thường.

Kết quả sử dụng phân kali cho những nương chè sản xuất ở ta rất rõ rệt. Kali có ảnh hưởng tốt đến sinh trưởng và sản lượng búp.

Tùy theo năng suất, lượng kali bón cho chè kinh doanh được quy định cụ thể như sau:

Loại đạt năng suất búp tươi dưới 6t/ha, bón 40 - 60 kg K2O/ha

Loại đạt năng suất búp tươi từ 6 - 10t/ha, bón 60 - 80 kg K2O/ha

Loại đạt năng suất búp tươi trên 10t/ha, bón 80 - 100 kg K2O/ha

Phân kali bón làm hai lần vào tháng 1 và tháng 7.

Vấn đề bón phối hợp N, P, K cho cây chè tùy thuộc vào điều kiện canh tác ở mỗi nước và năng suất cụ thể của nương chè. Ví dụ quy trình kỹ thuật bón N, P, K cho chè kinh doanh ở Liên Xô được quy định như sau:

 Bảng 21

Loại phân và mức bón (kg/ha)

Năng suất búp tươi (kg/ha)

1.500 - 2.500

2.500 - 3.000

3.500 - 7.000

7.000

N

P2O5

K2O

250

300

350

400

150 kg/ha (đất đỏ) 100 kg/ha (đất pojon)

200 kg/ha cách 1 năm bón 1 lần

 Tỷ lệ bón hỗn hợp phân khoáng cho chè ở Xrilanca là: 64%N, 21% P2O5, 15% K2O (J.Lamb, C.B. Portsmouth và J.L. Tolhorat 1955).

Việt Nam, việc nghiên cứu về phân bón cho chè mới bắt đầu trong những năm gần đây, vì vậy xác định tỷ lệ phối hợp N, P, K để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất còn đang là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu giải quyết.

 d) Sử dụng phân hữu cơ cho chè:

Bón phân hữu cơ cho chè ngoài việc cung cấp thức ăn cho cây, còn có tác dụng cải thiện tính chất vật lý, hóa học, sinh vật học và chế độ nước trong đất. Nguồn phân hữu cơ gồm có phân chuồng, phân trấp, phân xanh và các nguyên liệu ép xanh (dùng cành lá sau khi đốn vùi vào giữa hai hàng chè).

Người ta rất coi trọng hiệu quả về sau của việc bón phân hữu cơ cho chè. Kết quả nghiên cứu của N.L.Bziava (1973) cho thấy trung bình 16 năm, phân chuồng làm tăng sản lượng búp 18%, phân xanh 16% và phân trấp 9%.

Theo quy trình hiện nay đối với chè kinh doanh 3 năm, bón phân hữu cơ một lần với liều lượng 25t/ha.

 e) Một số nguyên tố vi lượng:

Sử dụng các nguyên tố vi lượng (bo, đồng, mangan, molipđen, kẽm, coban và iôt) vào việc trồng trọt (xử lý các hạt trước khi gieo) và bón vào đất, phun lên lá, có thể tác động mạnh vào các quá trình sinh lý của cây trồng khác nhau, do đó có thể làm tăng năng suất và phẩm chất chè.

Những công trình nghiên cứu của Acnôn (1954), Evan (1956), Grin (1954), Nalia (1951), Nason (1953), Nicôla (1957), Staccây (1955), MacEuroi và Nason (1954) và những người khác, đều xác nhận là những nguyên tố tham gia vào thành phần nhiếu loại men và là chất hoạt hóa của nhiều loại men ấy. Nhiều nguyên tố vi lượng có ảnh hưởng tốt tới quang hợp: Mn, Cu, B, Co và Mo đẩy mạnh sự tổng hợp diệp lục trong lá và phân giải diệp lục trong tối. B và các nguyên tố khác tăng cường sự tổng hợp Gluxit, làm cho sự tổng hợp và vận chuyển xacaro và các gluxit khác thuận lợi hơn (Scônich 1955). Mn, Zn, Cu, Mo và trong nhiều trường hợp cả B làm tăng độ hô hấp và tốc độ của quá trình ôxi hóa khử.

Phân vi lượng hiện nay đang bắt đầu được sử dụng rộng rãi trong thực tế nông nghiệp và được coi là một khả năng tiềm tàng góp phần đẩy mạnh sự phát triển của ngành trồng trọt và chăn nuôi. Song việc nghiên cứu và sử dụng phân vi lượng cho chè còn rấtỚit. Ở Xrilanca đã nghiên cứu và sử dụng kẽm sunfat hoặc axit kẽm để phun lên lá, hoặc bón borat phối hợp với N, P, K cho chè ở những nơi xác định có hiện tượng thiếu kẽm và bo. Kết quả nghiên cứu của Tranturia (1973) cho thấy bón N, P, K phối hợp với 5 kg Zn và 5 kg B, cho 1 ha, làm tăng phẩm chất của chè nguyên liệu... Ở Việt Nam bước đầu đang nghiên cứu ảnh hưởng của một số nguyên tố vi lượng như Zn, B, Mo, Mn, Cu, đối với sự sinh trưởng và phát dục của chè, hoặc dùng H3BO4 (0,02%) phun phối hợp với urê (2%) và vôfatôc (0,2%) để trừ sâu và thúc sinh trưởng cho chè càng cho kết quả tốt.

 3) Kỹ thuật đốn chè:

Đốn chè trong thời kỳ sản xuất (chè kinh doanh) là một khâu kỹ thuật đặc biệt so với một số cây trồng khác. Đốn chè có ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng và phẩm chất.

 a) Tác dụng:

Loại trừ các cấp cành già, yếu không có khả năng phát sinh và nuôi dưỡng những cành búp mới.

- Tạo tán to, tăng mật độ cành và mật độ búp trên tán tạo cơ sở tốt cho sản lượng.

- Ở những nương chè sản lượng búp bắt đầu giảm thấp do số cành cơ bản đã già cỗi, đốn chè nhằm thay thế một phần hoặc toàn bộ khung tán cũ để tăng cường sức sống cho cây.

- Làm cho cây chè có độ cao thích hợp dễ hái thủ công cũng như thu hoạch bằng phương pháp cơ giới.

 b) Cơ sở lý luận của kỹ thuật đốn chè:

- Theo lý luận về giai đoạn phát dục các vị trí cành trên cây chè có trình độ phát dục rất khác nhau. Cành phía trên hoặc phía trên ngọn của một cành thường có trình độ phát dục già, chóng ra hoa kết quả và khả năng sinh trưởng dinh dưỡng yếu, năng lực sản xuất búp kém. Sau một thời gian sinh trưởng nhất định, những phần cành có tuổi phát dục già ấy cần được đốn đi để các mầm ở phía dưới phát triển. Vì những mầm này được phát sinh trên các cành có trình độ phát dục non nên có sức sống khỏe, sinh trưởng mạnh.

- Trong quá trình sinh trưởng các cành ở phía trên mặt tán thường có ưu thế sinh trưởng ngọn, kìm hãm sự phát triển của các cành phía dưới. Do đó đốn chè để phá vỡ hiện tượng ưu thế ngọn, tạo điều kiện cho các mầm và các cành phía dưới phát sinh phát triển.

- Theo nghiên cứu của nhiều tác giả giữa bộ phận trên mặt đất và dưới mặt đất của cây chè có sự phát triển cân bằng giữa hai bộ phận đó, tạo điều kiện cho bộ phận trên mặt đất phát triển. Vì vậy đốn càng đau thì búp non mới phát sinh, sinh trưởng càng mạnh. Mặt khác cây chè ở miền bắc nước ta trải qua mùa đông gặp điều kiện khô rét, nếu để số lượng lá trên cây quá nhiều làm cho quá trình thoát hơi nước mạnh, cây chè mất cân bằng về chế độ nước. Cho nên, đốn chè nhằm giữ lại một số lượng lá trên cây thích hợp, tạo điều kiện cân bằng sinh trưởng cho cây.

c. Các loại hình đốn

+ Đốn phớt: là cách đốn được tiến hành mỗi năm một lần và đốn cao hơn mức đốn hàng năm 3 - 5cm. Mục đích của đốn phớt là loại trừ các cành nhỏ, cành tăm hương trên tán để xúc tiến sự nảy sinh và phát triển của các búp mới. Có thể đốn thủ công bằng dao, kéo hoặc đốn bằng máy... Đốn phớt có thể tạo mặt tán theo mặt bằng, theo chiều nghiêng của sườn dốc hoặc hình mâm xôi. Trong sản xuất, thường tạo tán theo mặt hàng để tiện thao tác trong việc quản lý, chăm sóc và thu hoạch.

+ Đốn lửng: sau một số năm đốn phớt liên tục, cây chè có chiều cao quá tầm hái, mật độ cành trên mặt tán quá dày cành và búp nhỏ, năng suất giảm thì đốn lửng, vết đốn cách mặt đất 60 - 65cm. Trong trường hợp cây chè vẫn cho năng suất khá nhưng do cây cao quá khó hái cũng đốn lửng cách mặt đất 70 - 75cm. Dùng dao hoặc kéo để đốn, tạo mặt tán chè bằng.

+ Đốn đau: những cây chè được đốn lửng nhiều lần, cành nhiều mấu, cây phát triển kém, năng suất giảm rõ rệt thì đốn đau cách mặt đất 40 - 45cm nhằm thay thế một phần lớn bộ khung tán của cây.

Dùng dao sắc để đốn, vết đốn phải thẳng và sát vào phía trong.

+ Đốn trẻ lại: Những cây chè già, cằn cỗi đã qua đốn đau nhiều lần, thân cây bị sâu bệnh phá hại, năng suất giảm nghiêm trọng, thì đốn trẻ lại cách mặt đất 10 - 15cm, nhằm thay thế hoàn toàn bộ khung tán cũ của cây, kéo dài thêm nhiệm kỳ kinh tế. Yêu cầu kỹ thuật của đốn trẻ lại là vết đốn phải nhẵn, tránh gây giập nát và làm tổn thương đến phần gốc của cây.

 d) Thời vụ đốn:

Tất cả các loại hình đốn đều tiến hành vào giữa tháng 12 đến hết tháng giêng là thời kỳ cây chè tạm ngừng sinh trưởng. Nơi thường bị sương muối cần đốn muộn sau những đợt sương muối nặng. Nói chung đốn dau cần đốn trước, đốn phớt tiến hành sau. Trước khi đốn và sau khi đốn cần phải cung cấp dinh dưỡng cho cây, đặc biệt là cần bón đầy đủ phân chuồng trước khi đốn đau.

  Trang trước Mục lục Trang sau