Trang trước   || MỤC LỤC||   Trang sau

 
         

SỰ THIÊN CƯ QUI MÔ LỚN CỦA NGƯỜI KINH

Người Kinh là dân tộc thiên cư đến lãnh thổ Lâm Đồng Quá trình thiên cư này diễn ra rất muộn, nhưng cường độ rất cao và nhiều đợt, gắn liền với các biến động lớn về chính trị trên toàn cõi Việt Nam.

Từ nửa thế kỷ XV về trước, vùng Lâm Đồng nằm trong địa phận nước Nam Bàn (theo phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn), bao gồm phần lớn Tây Nguyên ngày nay. Năm 147 l , sau khi đánh Chiêm Thành, Lê Thánh Tông phong vua nước Nam Bàn là Nam Bàn Vương. Từ năm 1558, Nguyễn Hoàng vào lập nghiệp phía nam chúa Nguyễn mới coi Tây Nguyên là một phiên quốc, cứ  ba năm cống nộp một lần. Suốt thời triều Nguyễn, lãnh thổ Lâm Đồng là thuộc quốc và đến năm 1867 (Đinh Mão) vẫn chưa có sự khai khẩn lớn ở Tây Nguyên. ý định dùng Tây Nguyên làm chỗ dựa chống giặc nảy ra sau khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) năm l 862. Chủ trương này được giao cho Nguyễn Thông, một quan chức nổi tiếng của triều Nguyễn đang đánh giặc Pháp ở Bình Thuận tiến hành,  buớc đầu là khảo sát sơ bộ vùng thượng lưu sông La Ngà vào năm 1867. Đến năm 1869, Nguyễn Thông gửi tờ trình ?khai sơn quốc nghị'', kiến nghị khai khẩn vùng Tây Nguyên làm căn cứ kháng chiến lâu dài. Năm 1870 triều Nguyễn đặt Nha Doanh Điền ở An Khê tỉnh Bình Định ngày nay để lo việc này. Nhưng trên thực tế, lãnh thổ Lâm Đồng cũng chưa có hoạt động khai khẩn gì lớn (có lẽ vì chưa phải là địa bàn ưu thế nhất, phần nữa là quá gần vùng ba tỉnh Pháp đã chiếm).

Đợt di chuyển lớn thứ nhất người Kinh bắt đầu khi Toàn quyền Pháp có chủ trương thành lập tỉnh Đồng Nai thượng, xây dựng Đà Lạt làm nơi nghỉ mát ( 1899). Luồng di cư lớn này nhằm có đủ lao động để mở mang đường sá (ô tô Phan Rang-Đà Lạt), xây dựng cơ sở hạ tầng diện nước, công sở nhà nước, chợ, bưu điện: bệnh viện, trường học... Lao động người Kinh còn cần để khai khẩn các đồn điền trồng chè, rau hoa phục vụ tại chỗ và bán ra bên ngoài. Có thể nói chính nhu cầu khai khẩn nhiều mặt, một vùng đất mới, là động lực chính thúc đẩy công cuộc di dân này. Nó được tiến hành từ đầu thế kỷ đến trước năm 1945. Nổi bật trong đợt di dân này: là di chuyển một số nhóm lớn người Nghệ Tĩnh, Hà Đông vào do nhà nước tổ chức. Còn lại chủ yếu là người lao động miền trung vào kiếm việc làm, lúc đầu là thời vụ, sau là định cư lập nghiệp lâu dài. Ngoài ra trong thành phần dân cư có một số ít là công chức nhà nước, và đến các năm 1940 trở về sau là các hộ giàu có, lên đặt cơ sở nghỉ dưỡng ở đây. Đến năm 1945 người Kinh Lâm Đồng mới tập trung nhiều ở vùng Đà Lạt- Đờ-răng (Đơn Dương). Một ít ở Bảo Lộc, Di Linh ven quốc lộ 20, số nhỏ ở ven quốc lộ 18 đi Đắc Lắc (La Bá, Phú Sơn)... hoặc từng cụm nhỏ trên đường Di Linh- Kin Đa v.v... Từ năm 1945- 1954 sự di dân đến Lâm Đồng bị hạn chế.

Đợt di dân người Kinh lớn thứ hai là trong giai đoạn 1954- 1975. Trong giai đoạn này một đợt di dân ồ ạt đã diễn ra trong năm đầu, chủ yếu là người Bắc ở các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa... và một ít ở Cao Bằng Lạng Sơn... Phần lớn trong họ là giáo dân, gia đình quân nhân được chính quyền Việt Nam cộng hòa tổ chức di dân tập thể. Họ đến ở những địa bàn được chuẩn bị trước, và hình thành nên những vùng tập trung người Kinh mới, như Thanh Bình (Đức Trọng), Kim Phát (Bảo Lộc) và vùng người dân tộc miền núi phía Bắc ở Đức Trọng (Nam Sơn, Tùng Nghĩa) . Đợt di dân người Bắc đến đây chấm dứt vì ranh giới vĩ tuyến l 7 . Các năm tiếp theo, là sự di dân tự do, chủ yếu là người ven biển miền trung từ Quảng Trị trở vào. Số đông là người 4 tỉnh Nam Ngãi Bình Phú. Một số trong họ là lánh nạn, một số khác mưu cầu một cuộc sống bảo đảm hơn. Thời kỳ này nhu cầu phát triển mới tăng vọt so với 9 năm 1945-1954. Các mặt phát triển mạnh là khai thác gỗ cơ giới qui mô lớn, khai hoang mở vùng mới trồng chè, cà phê đi đôi với mở đường, xây dựng cơ sở nghỉ dưỡng, các trường của quân độl và tôn giáo v.v... Nhu cầu đó đã thu hút rất mạnh lao động khắp miền. Nam, tạo ra một cuộc di cư tự do nhưng sôi động và liên tục, đã góp phần 'thay đổi to lớn để lại nhiều kết quả tích cực lẫn tiêu cực trên lãnh thổ này.

Đợt di dân người Kinh lớn thứ ba là từ năm 1975 đến nay.

Động lực chính của cuộc di dân này là chiến lược điều chỉnh lao động miền Bắc, miền Trung, mở rộng phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Trong một số năm đầu là cuộc di dân lớn, trật tự có tổ chức. Nguồn dân đến Lâm Đồng chủ yếu là Hà Nội, định cư tập trung vào huyện Lâm . Người Hà Đông, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế vào các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai. Người Hà Nam, Nam Định vào vùng Đinh Trang Thượng, Đinh Trang Hòa huyện Di Linh. Đồng thời có sự điều chỉnh dân cư cũ trong nội bộ tỉnh, như dãn dân Đà Lạt vào vùng kinh tế mới Tà In - Tà Nhiên (Đức Trọng), Tân Châu (Di Linh)...

Sau đợt này, việc di dân có tổ chức giảm đi, chỉ còn các đợt nhỏ lẻ tẻ theo qui hoạch kế hoạch. Thay vào đó gần chục năm lại đây là phong trào di dân tự do, chủ yếu là người miền núi phía Bắc vào Lâm Đồng ở xen kẹp với các cộng đồng có trước, hoặc tách ra đi sâu đến các đất mới chưa có người ở. So với hoàn cảnh và điều kiện di dân có tổ chức, các hộ di cư tự do gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, so với chỗ cũ, điều kiện sinh sống lâu dài ở Lâm Đồng có thể vẫn khá hơn đối với nhiều hộ di cư tự do. Chính đấy là một sức hút tự nhiên làm cho di dân tự do vẫn tiếp tục diễn ra, lúc sôi động, lúc âm ỉ.

Sự thiên cư quy mô lớn của người Kinh đã diễn ra từ đầu thế kỷ XX đến nay, đưa số lượng người kinh vượt hẳn tổng số dân tộc bản địa. Và nó cũng đã đảo lộn có khi rất lớn đối với địa vực cư dân người bản địa. Nhìn chung, người dân tộc bản địa chuyển vào vùng sâu và xa hơn. ờ những nơi này, đến nay, những cơ sở hạ tầng tối thiểu cũng đã được hình thành để đảm bảo cái cần thiết nhất cho sinh hoạt và sản xuất.

Trên lãnh thổ Lâm Đồng, đang diễn ra một cuộc chung sống chưa từng có trong lịch sử giữa người dân tộc bản địa và người Kinh theo tình anh em nhằm cùng nhau khai thác, xây dựng lãnh thổ này thành một địa phương giàu mạnh, cuộc sống hạnh phúc lâu dài.

 

 

Trang trước   || MỤC LỤC ||   Trang sau