![]() |
||||||||||||||
Trang chủ | Trang trước | Mục lục | Trang sau | |||||||||||
Ký Có lẽ không thành phố nào trên thế giới lại nhiều tên như Đà Lạt : “Tiểu Paris”, “Thành Phố Hoa Anh Đào”, “Thành Phố Buồn”, “Thành Phố Mộng Mơ”,… Nhưng nhiều tên như vậy cũng có nghĩa là người ta chưa hẳn bằng lòng với cái tên nào. Tôi nhớ có lần lên Đà Lạt, nhà thơ ý Nhi nói : “Rất nhiều bài thơ viết về Đà Lạt nhưng chưa có bài nào xứng với nó cả”. Gần đây nhà thơ Trinh Đường cùng với Hội Văn Nghệ Lâm Đồng có tuyển chọn trên 100 bài thơ của nhiều tác giả đã viết về Đà Lạt từ xưa đến nay, đọc lên lại càng thấy ý Nhi nói quả không sai. Nhiều nhạc sĩ, họa sĩ, cũng có nhận xét tương tự trong lĩnh vực của họ. Thì ra Đà Lạt vẫn là cái gì đó mờ ảo, cần được tìm hiểu kỹ hơn. Phải chăng với ý nghĩ đó, người ta ví Đà Lạt như một cô gái đẹp ? Trong những năm bao cấp khó khăn nhà văn Đỗ Chu phát biểu : “Đà Lạt là cô gái đẹp, nghèo, nhưng không lam lũ”. Đà Lạt lạ lắm, buồn người ta cũng tìm đến, vui người ta cũng tìm đến. Đà Lạt dưới con mắt vãng lai không giống trong mắt người dân cư trú nơi đây. Trước khi chọn Đà Lạt làm nơi định cư, tôi đã đi bộ gần như khắp nước mất 30 năm. Mỗi thành phố tôi dừng chân một vài… tháng. Đến Sài Gòn, trong khi chờ mua được vé tàu hỏa ra Bắc, tôi tranh thủ lên Đà Lạt theo lời mời của một người bạn. Hóa ra Đà Lạt không giống bất cứ một thành phố nào ở Việt Nam mà tôi đã qua. Ngày đó vé tàu khó mua, phải chờ mấy ngày, chứ không tôi đã “bỏ sót” Đà Lạt, và chẳng bao giờ biết đến nó. Tôi định lần đó về Hà Nội rồi là không đi đâu nữa. Thì cũng đến như Sài Gòn là cùng chứ gì ? Thành phố nào ở Việt Nam chả vậy, cũng cứ na ná như nhau cả. Tôi đã lầm. Mà đâu phải mình tôi nghĩ thế. Trở lại Sài Gòn tôi háo hức kể với bạn bè. Thì ra có người ở Sài Gòn cả mấy chục năm cũng chưa hề đặt chân lên Đà Lạt. Họ nói bận quá, lại trái đường, mà cũng chẳng có việc gì để phải lên trên ấy ! Nghe tôi, họ cũng thử một chuyến. Về, họ tìm ngay đến tôi : “Thế mới biết mình chủ quan thật”. Họ mừng rỡ vì đến bây giờ mới “khám phá” ra Đà Lạt. Một thành phố có phong cách riêng nhưng không có giọng nói riêng. Nó lãng mạn một cách lịch sự, thật thà mà không quê kệch. Hình như mỏi chân đi khắp chốn người ta mới dừng chân nơi đây, chứ không phải quẩn quanh trong rừng thông. Người Đà Lạt sợ nói to, hay mỉm cười, nhất là phụ nữ. Người phụ nữ đầu tiên tôi tiếp xúc ở Đà Lạt là bà bán trái cây ở chợ lầu. Tay cầm trái dâu tây chín mọng mà lòng thấy lo lo. Không biết nên trả giá bao nhiêu, vì ở Sài Gòn thấy người lạ có khi họ nói thách gấp năm, gấp mười là thường, mà sáng sớm sờ vào hàng người ta mà không trả lấy một giá đi sao được. Bà giục tôi ăn thử, tôi lại càng sợ “Cứ ăn đi !” bà tươi cười, “không mua cũng được”. Thì ra ở chợ người ta nói giá nào bán giá ấy, không phải mặc cả. Cạnh tôi một du khách khác cũng mua ký dâu tây nhưng không tin vào cân của bà, nên đặt sang cân của quầy rau nhà nước cạnh đó. Kim đồng hồ trên cân chỉ ký mốt ! Bà hỏi người khách “Vậy tôi có phải bớt lại một lạng không ?” vì nếu thiếu một lạng chắc chắn bà phải bù. Lại có chuyện thế này : Một cậu học trò vô tình nhận ra chiếc quần Jeans của cậu bị mất khi phơi, nay trong đống quần áo của bà bán đồ cũ. Bà bán hàng vui lòng trả lại cho cậu quần, nhưng nhất định không nói tên người bán. Sau đó bà nhắc nhẹ kẻ đã bán quần cho bà, mà cũng không đòi lại số tiền đã bỏ ra mua trước đó. Tôi tò mò ra chợ tìm bà thì được biết bà đã đi tu rồi, ở một chùa cách Đà Lạt những 30km. Khi ồn ào người ta thường nói : “Cứ như là cái chợ”. Nhưng chợ Đà Lạt đâu có ồn, không tin bạn đến xem. Đứng cách chợ mấy chục bước chân thôi, bạn có cảm giác người ta đang nói thầm. Cả du khách cũng vậy, họ nói nhỏ lại vì sợ lạc lõng. Họ cũng mời bạn mua ngọt ngào, nhưng không ép. Ra khỏi chợ, anh bạn nhà thơ cùng đi với tôi ứng tác luôn : Nghe em nói cái gì cũng phải Nếu sẵn tiền mua cả chợ về chơi. Vào chợ Đà Lạt còn thú vị nữa là không có kẻ cắp. Một du khách nước ngoài nói với tôi : “Vòng quanh Việt Nam, chỉ ở đây là tôi không bị mất cắp !”. Lời nói đó là của một bạn Thụy Điển. Nếu bạn đã đến chợ Đà Lạt năm ngoái thì năm nay vẫn nên trở lại, vì mới khánh thành khu B của chợ. Không khí chợ là không khí gia đình, bạn có đồng ý với tôi không ? Từ ngày phát triển kinh tế thị trường, Đà Lạt đón nhận nhiều người đến tạm trú làm ăn nên cũng có phần xô bồ, tiếng xe máy cũng “vui hơn”. Đừng bảo tôi thiên vị nhé, những vụ lộn xộn thường phần nhiều do khách vãng lai gây nên. Bạn cứ hỏi công an mà xem. Nói chung ta có thể yên tâm tản bộ trên những con đường rừng vắng vẻ mà không phải nơm nớp như ở thành phố khác, cho dù bạn đẹp và nhiều tiền trong túi. Đi sâu vào rừng, đến những vườn cà phê, hồng (ăn trái) bạn sẽ có nhiều cuộc tiếp xúc thú vị nữa. Một lão nông, chắc là trình độ văn hóa cũng không cao lắm, nhưng do sống với đất, với rừng mà có những ý kiến chí lý. Ông ta nói với tôi : “Anh có biết không cái đất này nó yêu mến cây hồng. Nhưng hồng trồng năm cây cũng phải dành phần cho chim một cây, đừng nghĩ ăn cả”. Gần mộ của nữ sĩ Tương Phố ta thấy một căn nhà gỗ đơn sơ trên ngọn đồi thông. Hỏi ra mới biết đó là nhà của cháu nội nhà thơ. Anh làm nương rẫy, sống một mình. Tôi hỏi ở thế này có buồn không ? Hình như anh không để ý hay không có khái niệm về sự cô đơn. Họ sợ cái ồn ào náo nhiệt của Sài Gòn. Ai lại có cô lấy chồng dưới ấy nhớ quá phải mò về. Tới chân dốc Prenn đã thấy lòng nao nao. Vì thời tiết lạnh, tối đến những người già ở Đà Lạt ít ra ngoài, họ ngồi bên lò sưởi với ly cà phê nóng, nhiều khi ngồi im lặng bên nhau để nghĩ ngợi sự đời, không nhất thiết phải nói. Ngay ở trong rạp hát cũng vậy, nếu trình diễn hay họ im lặng, mà dở họ cũng không la ó. Từ xưa, nhiều đoàn Sài Gòn đã biết rút kinh nghiệm, nếu buổi diễn kết thúc khán giả đứng lên vỗ tay kéo dài thì tối mai tiếp tục, bằng không thì nên cuốn gói sớm. Vốn là đất của nhà vua và là nơi nghỉ dưỡng của tầng lớp thượng lưu nên người Đà Lạt có thể nghèo về vật chất nhưng giàu văn hóa trong giao tiếp. Những từ “cám ơn”, “xin lỗi” ở cửa miệng trẻ em mẫu giáo là thường, trong khi ở vùng khác, đôi khi người lớn còn ngượng ngập. Khi hòa vào thiên nhiên con người cũng trở nên bình đẳng hơn. Cụ Bếp, một người chuyên nấu ăn cho cựu hoàng đế Bảo Đại kể : Ông Bảo Đại thích săn bắn và săn rất giỏi. Một hôm trời mưa to gió lớn, gia nhân ngồi trong dinh sưởi ấm, uống rượu và chơi cờ, Bảo Đại khệ nệ vác con nai trúng đạn về, máu con vật ướt đẫm vạt áo. Đầu bếp, gia nhân xả thịt nướng ăn, mặc nhà vua mệt quá chui vào chăn ngủ. Một dạo người ta định thành lập “Hội những người yêu Đà Lạt” và mời cựu hoàng đế là hội viên số 1 kể cũng không phải không có lý. Lại có người nói, ngay cả một số người vốn hung hãn, đầu gấu ở nơi khác, ấy mà về Đà Lạt, cũng dịu đi, trở thành hiền lành. Thời gian đầu định cư ở Đà Lạt ta có cảm giác như bắt đầu cuộc đời tu hành. Qua giai đoạn đó thì tĩnh tâm, ở lại được, không qua giai đoạn đó thì xuống Sài Gòn hay đi vùng khác. “Hiền nhân nhại sơn, chỉ nhân nhại hải”. Nơi đây sàng lọc tính cách và cũng làm thay đổi tính cách. Có phải ăn trái cây, rau tươi nhiều, khí hậu lạnh chăng ? Tôi nghĩ, những người mới đến lập nghiệp ban đầu hầu hết gốc Huế và Hà Nội, cứ xem cách nói năng, đi đứng, nấu nướng thì rõ. à, bạn đã ăn cỗ Đà Lạt bao giờ chưa nhỉ ? Cỗ Đà Lạt mới đúng là cỗ, vừa nhiều món, vừa ngon. Bạn cứ đến ngay lầu I khu B của chợ mới mà ăn, khỏi phải vào những restaurant sang trọng. Những mệ Huế tóc bạc đã sinh ra những đầu bếp nổi tiếng đang phục vụ trong các nhà hàng. Hàng ăn ở chợ cũng sạch lắm, mỗi hàng một góc như ngồi ở nhà vậy. Khí hậu Đà Lạt khiến người ta ăn rất ngon và ngủ rất kỹ. Nhiều du khách mới đến hoảng quá, hay là mình mắc “bệnh ngủ” ? Lên Đà Lạt mà nói chuyện làm ăn thì quả là lạc lõng. Thiên nhiên đẹp, trong sạch sẽ giúp bạn tĩnh tâm lại, bạn sẽ được sống với chính bạn, vì lâu nay mải làm ăn, đôi khi bạn đã bỏ quên bạn. Có anh sinh viên đại học Đà Lạt nhớ lại mối tình của mình : Thương lắm những chiều mưa giăng Con dốc ướt tóc ai hoàng hậu Rối chân trời ngơ ngẩn hoàng hôn… (Đào Đức Tuấn) Cũng chiều mưa ấy, với người già lại khác : Đà Lạt ơi chiều mưa lũng sâu Lòng khe con suối đục tuôn ngầu Về đâu chiếc lá khô mùa cũ Em bỏ về đâu thuở mất nhau (Trương Xuân Huy) Đà Lạt bên ngoài thì giống nhau, Đà Lạt trong lòng người lại khác nhau. Phải chăng vì thế mà nó mang nhiều tên ? Mặc, Đà Lạt vẫn chỉ mỉm cười, mỉm cười mời mọc khích lệ, mỉm cười thách đố với tôi và với bạn. |
||||||||||||||
Trang chủ | Trang trước | Mục lục | Trang sau |