Trang chủ Trang trước Mục lục Trang sau    
   

Khi đề cập đến con người Đà Lạt, nhiều nhà nghiên cứu dân tộc học cho rằng: Thật ra không có người Đà Lạt đơn thuần mà đó là sự hội tụ tinh hoa của con người từ mọi miền đất nước, là tổng hòa khí chất của không chỉ các tộc dân bản xứ và 3 miền Bắc, Trung, Nam Việt Nam mà còn có cả Trung Hoa và Tây Âu.  

Ngược dòng lịch sử và nhận diện con người Đà Lạt hôm nay chúng ta có thể bắt gặp điều đó. Trong bản thân họ luôn có sự trộn lẫn vẻ tế nhị, thanh lịch của người miềõn Bắc; nét trầm mặc, suy tư, cần cù lao động của người miền Trung ; vẻ thật thà, đôn hậu trọng lễ nghĩa của người miền Nam, cũng như cách giao tiếp khéo léo của người Hoa và lối ăn bận lịch sự của người Âu Tây.(*)  

Cho tới bây giờ cũng chưa ai lý giải được 3 tộc nguời Lạch, Chil, Srê có mặt tại Đà Lạt tự lúc nào mà chỉ ước đoán rằng họ xuất hiện trên thành phố cao nguyên này cách đây 4, 5 thế kỷ vào, thời kỳ hưng thịnh nhất của vương quốc chăm Pa. Sự phát hiện một số di chỉ đá mài quanh đèo Prenn gần đây cho thấy từ rất xa xưa Đà Lạt đã có người ở, nhưng những người này có quan hệ gì với người Lạch, Chil, Srê hay với người Kinh thì còn phải chờ các công trình nghiên cứu khoa học đầy đủ mới xác định được.  

Dẫu rằng mỗi tộc người có một phong tục, ngôn ngữ, tập quán và tự chọn cho mình một địa bàn cư trú khác nhau, nhưng những gì còn tồn tại cho đến ngày nay, đã góp phần khẳng định người Đà Lạt có một tính cách rất riêng, khó nhầm lẫn với người các địa phương khác. Nếu 3 tộc người anh em Lạch, Chil, Srê chọn phía Tây Nam và Tây Bắc của thành phố để tụ cư, thì phần lớn người Đà Lạt gốc Bắc lại chọn các quả đồi và thung lũng quanh các khu ngoại ô thành phố như ấp: Hà Đông, Nghệ Tĩnh, Du Sinh để làm ăn, người Thừa Thiên - Huế chọn lòng chảo quanh ấp ánh Sáng (gần hồ Xuân Hương) để cư ngụ; người Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định thì chọn những vùng đất màu mỡ ở vùng ven thành phố như Xuân Trường, Xuân Thọ; người Hoa lấy khu Hòa Bình, đường Phan Đình Phùng để sinh sống; người Âu chọn các quả đồi xinh đẹp nằm rải rác trong thành phố để làm  điểm an cư, xây dựng các biệt thự làm cho thành phố thêm đa dạng, phong phú.  

Ngày nay, từ Đà Lạt theo con đường dốc quanh co gần 20km về hướng Tây Nam chúng ta sẽ gặp ngay bà con Srê, Chil, Lạch với cuộc sống chuyên canh lúa nước, trồng cà phê và hoa màu thuộc xã Tà Nung có diện tích 55,91km2 với 1.953 người dân, trong đó 2/3  là người Chil (587 người), Lạch (347 người) và Srê (290 người). Nếu đi về hướng Tây Bắc của thành phố chúng ta sẽ đặt chân đến Đankia (huyện Lạc Dương) và cũng sẽ bắt gặp được những buôn của người Lạch, người Chil tại đây.  

NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ BẢN ĐỊA Ở ĐÀ LẠT

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tên gọi của thành phố Đà Lạt được bắt nguồn từ tên gọi một vùng đất của một dân tộc người thiểu số cư ngụ lâu đời trên vùng cao nguyên xinh đẹp này. “Đạ” là nước, còn “Lạch” là dân tộc Lạch. “Đạ Lạch” là nước của người Lạch. Sau đó bị biến âm và được Việt hóa thành “Đà Lạt”.  

Ông Cunhac - viên công sứ đầu tiên của thành phố cũng thừa nhận như vậy khi trả lời phỏng vấn của Baudrit về tên gọi Đà Lạt. Cunhac nói : “à la place du lac coulait le petit ruisseau de la tribu des Lat et qu’on appelait “Da Lat” (Da au Dak : eau en mọ). Xin tạm dịch : “ở hồ nước mà dòng suối nhỏ của bộ tộc Lạch chảy qua người ta gọi là Đà Lạt. Theo tiếng Thượng, Da hay Dak nghĩa là nước” (*).  

Thật vậy, trên địa bàn Đà Lạt ngày nay các già làng người dân tộc thiểu số có thể chỉ cho chúng ta dấu vết các buôn làng cũ của tổ tiên người Lạch ở khắp nơi: Bon Đơng (quả đồi trường Cao đẳng Sư phạm), Rhàng Bon Yô (Học viện lục quân), Klir Towach (ấp Hồng Lạc), Đa Gut (Bệnh viện Lâm Đồng, ấp Mỹ Lộc), Rhang Pang M’Ly (thác Cam Ly), Mang Ling (Sân bay Cam Ly).  

Thực tế, thủa xa xưa, người Lạch thường chọn các khu rừng thưa, gần nguồn nước để cư trú. Về phía Bắc Đà Lạt họ ở dọc dãy Lang Bian, sông Đạ Đờng (hồ Đan Kia). Ở phía Đông có con suối Đạ Sa là ranh giới của các buôn người Lạch và người Chil với những tên đất, tên người ngày nay khó mà nhầm lẫn: Đông Tiêng Liêng, Rhàng Groi, Par Smếch, Yô Mang (xã Đạ Sa, huyện Lạc Dương). Về phía Tây, người Lạch cư ngụ dọc các hợp lưu của suối Đa Muyt. Theo lời kể của một số già làng người dân tộc bản địa thì sở dĩ người Lạch phải trú ngụ ở khắp nơi như vậy là vì: ngoài tập quán sống du canh, du cư còn do những năm tháng xa xưa bệnh dịch rất hay xuất hiện, hoành hành. Đó là chưa kể đến những sự thù hận, lấn chiếm đất đai xảy ra tranh chấp, tàn sát vô cớ giữa các tộc người với nhau. Ví dụ: Chỉ vì bệnh dịch làm chết hàng trăm người ở Bon Nơr vào một ngày nọ mà bà con người Lạch lo sợ quá phải dời buôn đi trong đêm tối và già làng quyết định phải đổi tên của họ tộc mình thành Chil (Chil Mup, Chil Tiêng Kla). Hoặc cuộc tranh chấp đất đai ở Bon Ding xảy ra đổ máu khủng khiếp nên làng Lơm M’Biêng đã phải bỏ hẳn vùng đất Bon Ding (Thung lũng Tình yêu ngày nay) để “tản cư” xuống tận Đơn Dương. Hay có tộc họ vì nợ nần phải bán đất mà đi như Bon Mho Prềnn đã phải giã từ vùng đất Prenn quen thuộc để tìm nơi định cư mới. Cuối cùng, theo thời gian, phần lớn các buôn làng người Lạch dồn về phía Tây Nam thành phố cùng với các tộc người anh em khác sống quần cư kéo dài từ Tà Nung xuống tận Lâm Hà, Đức Trọng.  

xã Tà Nung ngày nay có thể bắt gặp 3 tộc người Lạch, Chil, Srê sống quây quần bên nhau. Một số già làng ở đây cho biết: Người Srê là tộc dân sống lâu đời nhất của vùng đất này. Lúc trước, nơi đây có tên là  Bon Tr’Nũn. Người Srê sống du cư luân khoảnh trên một vùng đồi núi nhất định. Họ biết làm ruộng nước và lúa rẫy nên cuộc sống có phần “no cái bụng” hơn các tộc người anh em khác.  

Sau đó, một số bà con người Chil từ Đạ M’Rông vì cuộc sống du canh du cư quá khó khăn, đói khổ, nên mới kéo đến R’Hàng Đang phía Tây Bắc xã Tà Nung xin già làng Bon Tr’Nũn giúp đỡ và cho phép họ được làm rẫy tại đây. Đó là vào khoảng năm 1934. Một thời gian sau, vào khoảng năm 1955, số người Chil này mới chuyển dần xuống cư trú tại vùng đất trung tâm Tr’Nũn. Sau 10 năm làm ăn sinh sống, đến năm 1965, họ kéo nhau về Đinh Văn, Lâm Hà. Cuối năm 1965, tại Tr’Nũn xảy ra một vụ hỏa hoạn khiến cả làng khánh kiệt, đói kém, trong lúc đó chính quyền Sài Gòn lại tiến hành chiến dịch “tảo thanh” “giành đất” nên nhiều hộ đồng bào dân tộc Chil buộc phải bỏ làng ra vùng thác Cam Ly cư ngụ gồm nhiều họ tộc khác nhau.  

Sau năm 1975, nhiều hộ đồng bào người Chil đã tìm về quê cũ. Tr’Nũn lúc bấy giờ trở thành xã Tà Nung - một xã dân tộc ít người của thành phố Đà Lạt. Tháng 10.1987, người Lạch ở Manline cũng được đưa vào khu vực Tà Nung 2 để hình thành vùng quy hoạch dân tộc ít người của Ban kinh tế mới định canh định cư. Đến năm 1982, bà con người Lạch lại chuyển đến Tà Nung 1 hoà nhập với cộng đồng người Srê, Chil để trồng lúa nước, cây cà phê.  

Người Lạch lúc đầu chỉ biết trồng lúa nước ở những khu vực sình lầy ven suối có nguồn nước thiên nhiên dồi dào. Nhưng sau đó, họ bắt chước người Chu Ru và người Kinh làm ruộng bậc thang, “dẫn thủy nhập điền” để làm ruộng ở những vùng cao hơn và trồng lúa rẫy. Song, do chưa có kinh nghiệm trong việc chăm sóc, bón phân nên năng suất hãy còn thấp. Mỗi năm bà con chỉ sản xuất được 1 vụ, làm rẫy bắp là chủ yếu, nên thường hay bị đói kém vào mùa giáp hạt.  

Người Lạch giỏi chăn nuôi ngựa và sử dụng nó làm phương tiện đi lại, chuyên chở để trao đổi hàng hóa. Vào thời kỳ thịnh vượng, mỗi gia đình nuôi được từ 5 đến 10 con. Bên cạnh đó, họ còn chăn nuôi thêm trâu, heo, gà, dê, chó và sau này có thêm cả bò. Nhưng tập quán của họ là thả rong gia súc, đặc biệt trâu là con vật được bà con thường dùng trong các nghi lễ cưới hỏi và cúng tế thần linh.  

Trong lịch sử phát triển của các dân tộc trên cao nguyên Lang Bian, phải nói rằng người Lạch biết buôn bán khá sớm. Từ xa xưa họ đã xây dựng được những “hiu chung” (thương trạm) để trao đổi hàng hóa ở Lạch Đừng (Đầm Ròn, huyện Lắc) ở Lang Kanh (Láng Tranh) với người Chil, Mnông…  

Các già làng kể lại rằng, từ thời vương quốc Chăm tan rã, người Lạch đã biết tổ chức thành từng nhóm hai ba chục người gùi các đặc sản của rừng cao nguyên như: gạc nai, ngà voi, ngo dầu, mây, và đem cả trâu, ngựa … xuống tận Phan Rang để đổi lấy muối và sắt để làm dao, rựa, xà gạc vào mỗi dịp nông nhàn. Bà con thường dùng trâu để định giá. Mỗi con trâu đổi lấy 30  thanh sắt. Một gùi gạo đổi lấy một chén muối.  

Đến đầu thế kỷ 20, người Lạch còn biết cho nợ đối với khách hàng quen, tìm mối, trả thù lao và luôn giữ chữ tín. Trước và sau mỗi chuyến buôn đường dài như vậy, bà con thường hay cúng Yàng và dùng quẻ bói toán để nhờ thần thánh phù hộ cho chuyến đi thu được nhiều lợi nhuận. Do vậy,  người Lạch được các dân tộc khác như : Chil, Srê, Chu Ru … khen là : “những đứa con lanh lợi” của Yàng. Bên cạnh đó, người Lạch còn biết đan lát các loại gùi mây, nong nia, chiếu, mũ, túi đựng thức ăn để mang đi trao đổi. Trước đây, nghề đan chiếu cói được phụ nữ người Lạch rất coi trọng và truyền từ đời này sang đời khác. Những cô gái Lạch khéo tay dệt chiếu rất được trai buôn trọng vọng. Cứ sau mỗi vụ lúa, những người phụ nữ Lạch lại đi nhổ cói ở các vùng đầm lầy đem về phơi khô, chuốt vót rồi đem ngâm nước, phơi lại. Họ vào rừng tìm cây duếch làm thuốc nhuộm. Sau đó dệt thành những chiếc chiếu với hoa văn khá độc đáo. Bêlbang (loại chiếu dùng để quấn người chết), cũng như chiếu dùng cho người sống của bà con người Lạch được bà con các dân tộc anh em khen ngợi vì không bị gãy, mềm mại và có hoa văn sắc sảo, xinh đẹp . Song, thật đáng tiếc hiện nay nghề thủ công này không còn nữa hoặc chỉ tồn tại rất ít trong một số gia đình ở các vùng sâu, vùng xa của tỉnh.  

Không chỉ biết buôn bán và đan lát giỏi hơn các dân tộc bản địa khác, trong quá khứ người Lạch còn biết đặt bẫy để săn bắt thú rừng như: heo, mang, nai, thỏ… Họ cũng làm được các loại bẫy: che raơh (bẫy sập), dier sat (bẫy đập), dier ah (bẫy chặt), dier xkơ (bẫy thòng lọng), dier xetap (bẫy nút). Ngoài ra, họ còn biết bắn cung, bắn ná, phóng lao để săn các loài mãnh thú.  

Một buổi đi săn của Lạch thường có khá đông người và diễn ra khá sinh động bao gồm những tay thợ săn thiện xạ với một bầy chó. Họ chia thành hai nhóm: một nhóm mai phục các khu vực dự kiến con thú sẽ tháo chạy; nhóm còn lại có nhiệm vụ dùng dao nhọn, cung nỏ và chó la hét để uy hiếp khiến thú rừng phải dồn vào một góc nhằm dễ bề bắn hạ. Mặt khác, người Lạch còn biết đào hầm đặt chông để bắn các loài thú rừng lớn như: min, cọp, gấu, nai. Sau mỗi chuyến đi săn đầu con thú bao giờ cũng được giành cho người chỉ huy. Các chủ bầy chó và những người thợ săn đâm nhát lao đầu tiên cũng được chia phần hơn để thể hiện sự công bằng và kính trọng. Người Lạch cũng biết đánh cá ở các sông suối bằng phương tiện thô sơ như: pàn (đó), kơtikô (đâm lao), cacharka (rổ xúc), du (vó) và suốt cá bằng vỏ cây độc đem đập cho dập rồi thả xuống đầu nguồn nước. Việc tìm rau, bẻ măng, chuối rừng, hái nấm để dùng trong các bữa ăn thường được giao cho phụ nữ và trẻ em. Hàng ngày, người Lạch thường chuẩn bị 3 bữa trước cho một ngày. Trước đây, khi chưa có nồi đồng, nồi gang, họ dùng ống nứa để nấu, canh là một món rau nấu với tấm bỏ thêm ớt không có gia vị. Phần lớn món ăn còn lại đều được nấu khô để ăn bốc. Thịt cá được kho, luộc hoặc nấu với cây chuối non. Nước uống được lấy từ các con suối đem về bằng các trái bầu. Rượu cần (tơ rnơm) chế biến từ gạo, bắp hoặc sắn trộn với men  là một loại cây rừng rồi cho vào ché.  

*  

Y phục của người Lạch rất đơn sơ! đàn ông đóng khố, phụ nữ quấn váy ngắn. Vào mùa rét, họ dùng vỏ cây rừng ngâm cho hết nhựa, gấp đôi lại khoét cổ, làm thêm tay áo cũng bằng vỏ cây rồi dùng dây mây khâu lại mặc cho đỡ lạnh. Với chiếc khố dài chừng 1,5m, rộng 20cm, người đàn ông Lạch quấn vòng quanh bụng để cho 2 đầu khố che phía trước và sau mông. Phụ nữ chỉ mặc váy quấn quanh người một vòng rồi giắt cạp. Trang  sức của bộ tộc Lạch gồm vòng cổ, vòng tay, cườm và căng tai. Tuy nhiên, bộ tộc Lạch là tộc người bỏ tục “cà răng căng tai” sớm nhất trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng.  

Đối với người Lạch, việc dời làng đi nơi khác là một việc vô cùng hệ trọng. Muốn quyết định phải được hội đồng già làng cho ý kiến. Việc cất nhà cũng vậy, muốn chọn địa điểm người Lạch dùng 7 hạt gạo, 7 hòn than đặt xuống đất rồi lấy chén đậy lại và để bên cạnh một chén nước đầy. Sau một đêm, nếu thấy chén nước vơi đi hay mất 1 hạt gạo, 1 hòn than thì cho là vùng đất ấy có… “ma” không thể làm nhà được! Có dòng họ dùng lá porlăn đậy 4 chén đầy, qua một đêm nếu thấy vơi thì cũng phải bỏ đi. Khi làm nhà ở một vùng đất chẳng may rơi vào buôn khác, việc đầu tiên là phải đến thương lượng đền trâu, ché cho chủ đất cũ, sau đó mới làm lễ cúng Yàng để được đấng tối cao thừa nhận mình là chủ sở hữu mới. Nhà ở của người Lạch có 2 loại: người giàu có cất nhà sàn, người nghèo làm nhà sạp, mái lợp tranh. Họ cũng tin rằng khi vào rừng lấy gỗ về làm nhà, nếu gặp  con mang, con vượn kêu lên mấy tiếng thì phải lập tức bỏ đi, bằng không sẽ gặp tai họa.

 

Trước đây, ở người Lạch còn có tập tục làm một căn nhà dài để cả đại gia đình gồm ông bà, cha mẹ, con cháu cùng ở, nhưng không có vách ngăn. Tuy nhiên, mỗi hộ (con cái đã cưới vợ) có một bếp riêng. Con trai chưa vợ được ngủ ở ngay giữa nhà đối diện với cửa ra vào. Mỗi lần có khách quý đến chơi cũng được bố trí ngủ tại đây. Việc ăn uống của khách do các hộ cùng góp cơm, thức ăn cho hộ có khách. Lúc ngủ, họ nằm xoay đầu vào vách và đưa hai chân gần bếp lửa để sưởi ấm. Cha mẹ khi già yếu ở chung với con út. Nếu con cháu ngày một đông thì cứ việc cơi nới thêm. Muốn tách ra làm nhà riêng phải làm ngay bên cạnh nhà của cha mẹ. Ngày xưa là vậy, song hôm nay ở nhiều dòng họ tập tục này đã bỏ đi, con cái khi có gia đình được quyền làm nhà riêng. Sau khi chuẩn bị đầy đủ vật liệu sẽ được cả làng xúm lại giúp lo việc cất nhà.

 Theo nhiều nhà nghiên cứu thì dòng họ ở người Lạch xuất hiện rất muộn bởi lẽ trong các truyền thuyết, lịch sử, ông bà tổ tiên, những anh hùng của người Lạch được con cháu nhắc đến với những cái tên không có họ. Theo lời kể của các già làng người Lạch thì dòng họ trùng với tên gọi của các buôn như: Bon Yô, Đa Gut, Lơm M’Biêng. Trước đây, các họ tộc thường sống chung dưới một nhà sàn dài hàng chục mét. Nhưng sau đó, những căn nhà sàn như vậy không còn duy trì nữa mà các hộ ra ở riêng theo từng nóc nhà nên ở các buôn không còn mang tính chất huyết thống một dòng họ như trước.

 Mặc dù người Lạch theo chế độ mẫu hệ song chủ họ (pômpol) được bầu chọn phải là một người đàn ông có tài ăn nói, hiểu biết, thông thạo về cách làm ăn, giỏi kể chuyện cổ tích và là chồng của một người đàn bà có uy tín trong họ tộc. Tương tự như vậy, chủ buôn (kwang bon) cũng là một người đàn ông có tài hùng biện, thông thạo lịch sử, phong tục, luật tục của bộ tộc, được bà con các bộ tộc trong buôn bầu ra để làm nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo công việc chung. Chủ buôn được bà con giao cho trọng trách quyết định việc chọn đất, dời làng, hòa giải, xử kiện, ghi nhớ ranh giới của buôn nhằm ra lệnh cho con cháu, trai tráng trong buôn phải gìn giữ, bảo vệ khi bị xâm chiếm. Do không có chữ viết nên chủ buôn đối với dân tộc Lạch còn được xem như là một người có tài nhớ tất cả các phong tục, tập quán cũng như luật tục của bộ tộc và chỉ đạo cả buôn phải thực thi, cư dân trong buôn phải luôn có ý thức tự giác chấp hành ý kiến của chủ họ, chủ buôn tuân thủ các luật tục dù khắt khe đến mấy. Tuy nhiên, họ có quyền được bầy tỏ ý kiến và tham gia người đứng đầu họ, đầu buôn, đầu làng. Hình phạt nặng nề nhất đối với người Lạch là bị đuổi ra khỏi buôn làng. Do vậy họ luôn có ý thức tôn trọng các phong tục, tập quán của bộ tộc.  

*  

Trong hôn nhân, theo quy định chung, anh em cùng dòng họ không được lấy nhau (tính theo họ mẹ) và không được lấy chồng hoặc vợ của các dòng họ thù địch hoặc là người bị tình nghi là… “ma lai” !. Chính vì vậy, có một thời gian dài, ở người Lạch đã xảy ra việc cấm kết hôn giữa các dòng họ như: Liêng Hót không được lấy Đa Gút, Liêng Jăng không được lấy Krajănh, Đa Gút không được lấy Panting,… Mãi đến những năm sau này luật tục khắt khe này mới dần được xóa bỏ. 

Chế độ một vợ một chồng đối với dân tộc Lạch được xác lập rất rõ ràng và bền chặt. Tục “nối dây” cho tới nay vẫn còn tồn tại. Trường hợp vợ hoặc chồng chết, sau một năm, người sống mới được quyền “đi thêm bước nữa”, nhưng tốt nhất lấy vợ, lấy chồng thì chọn con cô, con cậu. Người phạm tội ngoại tình thường bị cả làng lên án và bị xử phạt rất nặng: từ 2 đến 3 con trâu kèm theo từ 5 đến 7 ché rượu. Vợ chồng muốn ly hôn phải được hội đồng già làng đồng ý và chỉ được cho phép khi một trong hai người thiếu trách nhiệm với gia đình con cái hay phạm tội ngoại tình. Người gây ra việc đổ vỡ hạnh phúc gia đình phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người kia. Nếu không thực hiện, mọi tai họa xảy ra cho buôn làng trong năm ấy người này phải gánh chịu mọi hậu quả.  

Việc cưới xin ở người Lạch khá giản đơn: Mặc dù việc tìm hiểu và đi tới hôn nhân là do người con trai chủ động, song do theo luật tục “mẫu hệ” nên nhà gái phải đứng ra lo liệu toàn bộ để “bắt chồng” cho con. Trước hết họ nhà gái cùng đi với 3 hoặc 4 người ngoài họ, trong đó có một người ăn nói giỏi làm “ông mai” đến nhà trai để dạm hỏi. Nếu bị từ chối phải nhiều lần đến thuyết phục cho tới khi nào đồng ý. Sau đó phải làm lễ ra mắt họ hàng nhà trai. Khác với tục lệ cưới xin của người Kinh là trong những lần như vậy đều có sự hiện diện của cô dâu lẫn chú rể để lắng nghe cả hai gia đình bàn bạc. Sau khi được sự thoả thuận của hai bên, một đám cưới nhỏ sẽ diễn ra để tiễn chú rể về ở nhà gái gọi là lễ pô jâng (nhấc chân). Sau hai năm chăn gối vui vẻ bên nhau, có khi con cái đã ra đời thì mới làm đám cưới (tam lir) và người Lạch thường khấn nguyện :  

“Hôm nay cho con trai con gái cùng chung sống

Như trâu thấy nhà để về chuồng  

Hãy ăn ở đến già  

Hãy làm lụng cùng nhau

Sống đến bạc đầu

Tâm tình không chán  

Đừng lang thang như con bướm với hoa  

Sống cho đến khi lưng còng  

Đi làm biết chỗ để về  

Đi rẫy biết nơi mình ở  

Đi rừng vẫn nhớ nhà”  

*  

Tang chế đối với bộ tộc Lạch cho tới nay vẫn còn giữ quan niệm “trả người chết về với rừng”. Khi một gia đình có tang thì bà con trong buôn tụ tập lại mổ trâu, uống rượu, đánh chiêng theo nhịp điệu buồn bã bi ai. Tang gia khóc và kể lể công đức người vừa qua đời theo một nhịp điệu của bài văn vần để bày tỏ nỗi tiếc thương của mình và cầm lục lạc rung theo nhịp kể của từng người. Chủ nhà sẽ nhờ bà con vào rừng chặt một cây lớn khoét ruột để làm quan tài và trang trí lên đó những hình hoa văn đơn giản. Việc khâm liệm người quá cố được dùng bằng một chiếc chiếu (bêlbang) có hoa văn đẹp. Người chết được cúng cơm suốt 3 ngày tại nhà. Khi đi đưa an táng, họ được chia tài sản để mang theo. Lúc đem chôn người ta còn cúng thêm 1 con gà sống, làm cho nó chết dần để hồn người chết nhập vào đó, khỏi quay về gây phiền nhiễu cho buôn làng. Sau 7 ngày, tang gia lại quay về với công việc của mình và không bao giờ quay lại mồ người chết để viếng thăm. Trước đây, ở người Lạch còn có tục lệ : sau một thời gian chôn cất, họ làm lễ bơ thi (bỏ mã) để cải táng người chết đem chôn vào mộ chung với dòng họ, nhưng ngày nay ít thấy.  

Mặc dù tang lễ của người Lạch được tổ chức như vậy, song quan hệ gia đình giữa ông bà, cha mẹ, con cái và tổ tiên luôn tỏ ra rất tình nghĩa và có nề nếp :  

“Con trâu chết còn cặp sừng  

Cha mẹ chết còn con cái  

Sau anh là em  

Sau cậu là cháu

Và ngay sau các con là dấu vết của ông bà”  

*  

Đối với họ, người phụ nữ giữ một vai trò quan trọng  trong cuộc sống đời thường lẫn thế giới tâm linh. Bằng chứng là các vị thần quan trọng được người Lạch tôn vinh đều là nữ thần: Thần đất đai (Yang Teh), thần lúa (Yang Kuê),… Người mẹ trong gia đình luôn được kính trọng vì ngoài việc cùng với chồng lao động sản xuất, họ còn phải chăm sóc con cái, giã gạo, lấy củi, lấy nước, thức khuya, dậy sớm để lo bữa ăn cho cả nhà.  

Do cuộc sống khốn khó lại phải luôn đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt nên người Lạch cũng tự tìm cho mình những đấng siêu nhiên để an ủi, giúp đỡ và bảo vệ để họ vượt qua mọi thử thách, khó khăn. Người Lạch cho rằng: ốm đau , bệnh tật, tai nạn, chiến tranh đều do các Yàng và Chạ (ma quỷ) gây ra nên phải tổ chức các lễ nghi cúng tế long trọng để cầu thần linh về giúp đỡ. Cao nhất là thần Ndu - đấng sáng tạo ra muôn loài. Tiếp đến là thần núi Lang Bian, thần sông, thần nước, thần nhà, thần ghè… Để giao tiếp với các đấng siêu nhiên này cần phải có thầy phù thủy (pôgru), thầy cúng (pôjâu) là những người thường đứng ra lo việc cúng tế cho cả buôn làng và chữa bệnh cho dân trong buôn bằng thuốc và bằng pháp thuật. Họ còn cho rằng các pôgru, pôjâu là những người có khả năng phát hiện ra cả …“ma lai”! Thực ra đây chính là một hủ tục lạc hậu đã gây ra bao cái chết oan uổng, đau thương cho buôn làng.  

Ngày nay, một số nơi vẫn còn duy trì các tục lệ kiêng cử như: luôn giữ lửa trong bếp, khi nấu ăn không được nói chuyện, sản phụ kiêng thịt tươi, củi không chụm đằng ngọn trước, không dùng củi gần nhà vì đó là củi bẩn; trong suốt thời gian thu hoạch lúa, người nhà không được tắm giặt, không ăn thịt nai, không ăn thịt lươn hoặc nòng nọc vì sợ ăn thịt nai, nai sẽ ăn lúa, lúa giận bỏ đi sợ ăn lươn vì luơn trơn tuột mất lúa hoặc lúa bị teo lại khi nấu !  

Để cầu xin thần lúa phù hộ giúp đỡ, lúc gieo lúa , người Lạch thường cúng một con gà và một ché rượu. Khi lúa trổ bông thì giết heo, dê và làm lễ cúng lớn hơn. Đến lúc đạp lúa lại mổ một con gà cắm trên đồng cho đến khi đạp xong. Trong thời gian đó, họ còn làm thêm heo gà và rượu cần mời bà con đến ăn uống ca hát đến ngày hôm sau mới đạp lúa và mang lúa về.  

Sau khi thu hoạch xong mùa màng, cả buôn làng lại tổ chức lễ đâm trâu (sa rơpu) để cúng tế, tạ ơn thần linh. Buổi lễ này thường được tổ chức ở dưới chân núi Lang Bian. Ngoài con vật hiến sinh còn có một chiếc rìu và 3 chén nước. Lễ được tổ chức trên một trảng cỏ bằng phẳng, trước đó người ta cho dựng cây nêu với màu sắc sặc sỡ, cột chặt con trâu vào cọc và cho mời các chủ buôn làng khác đến dự. Khi tế lễ thì dàn chiêng được huy động và người nhảy múa ca hát xung quanh. Những thanh niên khỏe mạnh với cây lao sắc nhọn trong tay sẽ thay nhau đâm vào con trâu cho đến khi chết. Máu trâu được bôi vào trán mọi người để cầu phúc. Thịt trâu được xẻ ra nướng trên lửa than hồng và ăn tại chỗ. Số còn lại được chia đều cho từng gia đình trong buôn. Nhằm đảm bảo sự đóng góp công bằng cho việc tế lễ thần linh, các gia đình người Lạch trong buôn làng mỗi năm sẽ  thay phiên nhau hiến một con trâu để tế lễ.  

Có lẽ xuất phát từ trình độ kỹ thuật nông nghiệp lạc hậu, cộng vào đó là tục cúng tế quá nhiều và lãng phí như vậy, nên hàng năm nhiều gia đình người Lạch  thường bị thiếu đói trong mùa giáp hạt từ 3 đến 4 tháng.  

*  

Cũng như các bộ tộc khác ở Lâm Đồng, người Lạch không có văn tự nên mọi ghi chép văn hóa phải thông qua con đường truyền miệng. “Ghe gen nau tam tor” (có nhiều truyện trong tai) hay “Tôr git nau gau” (cái tai biết cách ngôn) là những câu cửa miệng của người Lạch dùng để khen tặng những người tài giỏi của bộ tộc và đây cũng là nếp sống chung của họ. Các câu chuyện cổ tích, các luật tục, gia phả dòng họ và cả các sự kiện lịch sử quan trọng đều được người Lạch kể lại bằng thể loại văn vần.  

Những câu chuyện truyền miệng của người Lạch  thường đưa ra cách giải thích về sự hình thành nên muôn loài, nguồn gốc của các dân tộc, sự khác biệt giữa con người, động vật và cả các luật tục kiêng cử.  

Cũng như các dân tộc Tây Nguyên khác như: M’Nông, Êđê, Mạ, người Lạch cũng có cả  một pho truyền thuyết để lý giải về sự tận diệt của con người  và sự tái tạo lại loài người của tạo hoá. Mặt khác, họ cũng đưa ra cách giải thích về sự đặt tên các ngọn núi con sông, sự hợp nhất của các bộ tộc Lạch, Chil, Srê thành  dân tộc K’ho trên cao nguyên Lang Bian.  

Nếu như năm 1940, chỉ có 800 người Lạch thì đến năm 1993 đã tăng lên 2.700 người, tập trung đông nhất ở xã Lát (Lạc Dương) với 2.411 người trong 387 hộ. Số còn lại rải rác ở Đà Lạt, Lâm Hà, Đức Trọng, Đơn Dương…  

Cùng với sự phát triển chung của cư dân Đà Lạt, nhiều nơi đồng bào Lạch đã bỏ được những hủ tục lạc hậu, luật tục khắt khe, ràng buộc con người một cách vô lý. Song bên cạnh đó, điều đáng lo ngại là một số sinh hoạt văn hóa của dân tộc đang ngày bị mai một theo cơ chế thị trường. Đây cũng là một vấn đề cần được quan tâm giúp đỡ để khôi phục và phát triển những truyền thống văn hoá quý báu của đồng bào các dân tộc ở Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung.  

NGƯỜI ĐÀ LẠT GỐC MIỀN BẮC

Theo con số thống kê chưa đầy đủ, người Đà Lạt gốc Bắc trên thành phố cao nguyên hiện nay chiếm khoảng 50% số dân toàn Đà Lạt. Điều đó cũng phù hợp với tiến trình phát triển của lịch sử xây dựng thành phố. Để xây dựng Đà Lạt thành một thành phố nghỉ dưỡng, ngày 6.1.1916, Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ đã quyết định biến Đà Lạt thành tỉnh lỵ của tỉnh Lang Bian và cho cấp tốc  xây dựng các cơ sở hạ tầng như: khách sạn Lang Bian (1916); nhà máy điện (1919); ngăn dòng suối Lạch để tạo nên thắng cảnh Hồ Lớn (Grand Lac) (1919); làm đường xe lửa răng cưa lên Đà Lạt (1920); xây một số trường tiểu học, ngân khố, bưu điện… để thu hút người dân khắp mọi miền đất nước về Đà Lạt cư ngụ nhằm góp phần xây dựng thành phố. Năm 1923, dự án thiết kế đô thị của kiến trúc sư Hébrard được thông qua với quy hoạch phát triển dân cư Đà Lạt về phía Tây Bắc và Đông Bắc của Hồ Lớn đã đánh dấu một bước phát triển của cư dân Đà Lạt .  

Cho tới bây giờ nhiều người vẫn còn nhớ những năm 1931-1932 đã có hàng chục hộ miền Bắc tìm đến Đà Lạt làm ăn sinh sống tại trại chăn nuôi bò của người Pháp tại Đankia.  

Nhằm thực hiện ý định của toàn quyền Đông Pháp, ông Trần Văn Lý, quản đạo Đà Lạt lúc bấy giờ, đã thống nhất với các ông Hoàng Trọng Phu, Lê Văn Định và một vài viên chức khác di dân ở Bắc kỳ vào thành phố. Đầu tiên, vào năm 1938, có 33 người thuộc các làng: Ngọc Hà, Quảng Bá, Nghi Tàm, Xuân Tảo, Tây Tựu và Vạn Phúc (thuộc tỉnh Hà Đông cũ) được di cư vào Đà Lạt để trồng rau và lập nên ấp Hà Đông.  

Trong suốt 4 năm (từ 1939 đến 1942), do thiếu công nhân để xây dựng và khai hoang nên nhiều chủ vườn ở Đà Lạt đã phải ra tận các tỉnh miền Bắc như: Nam Định, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh… tuyển thêm lao động. Số người này phần lớn đã quyết định ở lại Đà Lạt làm ăn khi hết hạn hợp đồng.  

Đến năm 1940, ông Phạm Khắc Hoè quản đạo Lâm viên lúc bấy giờ (người Nghệ Tĩnh), sau mấy lần đến thăm ấp Hà Đông, nhận thấy bà con làm ăn được nên mới về quê bàn với ông Nguyễn Thái Hiến đưa một số gia đình trong dòng họ, thân quen của mình từ Nghệ Tĩnh vào Đà Lạt lập nghiệp. Việc chuyển cư này được tiến hành nhiều đợt, chính ông Phạm Khắc Hoè đã bố trí, giúp đỡ cho họ ổn định cuộc sống và xây dựng nên ấp Nghệ Tĩnh vào năm 1940 với diện tích 36ha. Lúc đầu, bà con Nghệ Tĩnh vào Đà Lạt ban ngày phải đi làm thuê, chiều về vỡ đất khai hoang trồng rau. Chỉ sau vài năm, họ đã có trong tay một cơ ngơi rộng lớn và bắt đầu chuyển hẳn qua nghề làm vườn, chuyên trồng cây atisô và dâu tây để cung cấp cho người Pháp và các chợ.  

Trong tập hồi ký Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, ông Phạm Khắc Hoè nhớ lại: “Từ ấp Nghệ Tĩnh, tôi qua thăm ấp Hà Đông. ởỷ đây các loại rau và hoa phong phú và tốt đẹp hơn ấp Nghệ Tĩnh, nhưng người thì dè dặt hơn nhiều” (*).  

Từ năm 1954 trở đi, nhiều trại định cư của bà con Thiên Chúa giáo từ các nơi như: Hà Nội, Hà Đông, Bắc Ninh, Hà Nam Ninh, Thái Bình được xây dựng tại Đà Lạt. Thế là xuất hiện các ấp: Du Sinh, Thánh Mẫu, Đa Minh, Đa Thiện…  

Nhiều người cao tuổi kể lại rằng: Tháng 11.1954, nhờ quen biết với linh mục Bửu Dưỡng, hơn 30 hộ dân các vùng Hà Đông, Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam Ninh đã được đưa vào Đà Lạt lập trại định cư Du Sinh, đến năm 1960 mới được gọi là ấp. Bà con sống bằng nhiều ngành nghề khác nhau như: công chức, làm thuê, buôn bán, làm vườn.  

Cuối tháng 3, đầu tháng 4.1955 được sự giúp đỡ của linh mục Mạnh Trọng Bích, khoảng 400 bà con Thiên Chúa giáo của làng Nghi Yên, Cầu Khống thuộc huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh mới di cư vào Đà Lạt. Ngày 22.5.1955, bà con đến nơi và lập ra trại định cư Thánh Mẫu. Cũng vào thời điểm đó, hơn 3.000 giáo dân ở Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội, Thái Bình, Bắc Ninh được linh mục Đỗ Ngọc Bích đưa vào quả đồi thông gần trại Du Sinh lập nên trại định cư Đa Minh. Đến năm 1957, vì trại định cư giải tán, cuộc sống quá khó khăn một số gia đình (khoảng 2.000 người) đã tản mát xuống Đồng Nai và một số nơi khác. Số còn lại quyết tâm bám trụ và sau đó trở thành một bộ phận cư dân của khóm Nam Thiên bây giờ.  

Năm 1957, khoảng 600 giáo dân của làng Phát Diệm được linh mục Mai Đức Thạc đưa vào vùng Cầu Đất lập nghiệp. Lúc đầu họ nhận vào làm sở trà Cầu Đất, nhưng sau đó vì đời sống quá vất vả nên đã có 60 hộ lần lượt bỏ đi nơi khác, chỉ còn không quá 20 hộ ở lại.  

Nói đến những người dân Đà Lạt gốc Bắc còn phải kể đến bà con ở ấp Tùng Lâm, Kim Thạch, đa số là người Hà Đông, Hà Nội được các linh mục đưa đến đây để sinh cơ lập nghiệp.  

Từ năm 1957 đến năm 1975, số dân miền Bắc đến Đà Lạt nhập cư không đáng kể, chỉ từ sau năm 1975 đến nay mới thực sự đông đúc do Đà Lạt tiếp nhận một số bà con từ các tỉnh phía Bắc vào làm ăn sinh sống, công tác trong các cơ quan ban ngành của tỉnh và thành phố. Bên cạnh đó, số bà con đi xây dựng vùng kinh tế mới Lâm Hà chuyển lên Đà Lạt và nhận nơi đây làm quê hương thứ hai của mình.  

Thực tế cho thấy rằng người Đà Lạt gốc Bắc có ảnh hưởng lớn đến phong cách người Đà Lạt vì họ chiếm số lượng khá đông và trong họ có cả một truyền thống văn hiến lâu đời, lễ nghi, phong tục, tập quán truyền thống. Chính điều đó đã góp phần tạo nên sự phong phú về văn hóa cho cư dân Đà Lạt. Phải thừa nhận rằng người Đà Lạt xưa nay có được phong cách tế nhị, thanh lịch, nhẹ nhàng, tiếng nói giàu âm sắc là nhờ ảnh hưởng khá lớn của người gốc Bắc nói chung và người Hà Nội - thủ đô của một đất nước vốn có 4.000 năm văn hiến nói riêng.  

Bên cạnh đó, tính cần cù, chịu khó của người Nghệ Tĩnh cũng đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Đà Lạt, vì hơn ai hết, do xuất phát từ một vùng quê nghèo khó, bỏng rát gió Lào, khi đặt chân đến Đà Lạt, những người con Nghệ Tĩnh đã quyết tâm cố gắng làm ăn, tạo ra một ấp Nghệ Tĩnh giàu có và khẳng định được chỗ đứng trong cộng đồng cư dân Đà Lạt như hôm nay.  

NGƯỜI ĐÀ LẠT GỐC THỪA THIÊN - HUẾ 

Trong những năm 1930, vì nạn sưu cao thuế nặng, cũng như sự o ép, hà khắc của chế độ phong kiến và tình trạng đất đai cằn cỗi, những đoàn người Thừa Thiên - Huế đầu tiên đã tìm vào Đà Lạt để kiếm kế sinh nhai. Sau đó, họ về lại quê nhà đùm túm vợ con và rủ thêm người thân thích lên vùng đất tốt tươi, thiên nhiên ưu đãi con người này để sinh cơ lập nghiệp. Họ tập trung cư ngụ quanh khu vực trung tâm thành phố và dọc theo Hồ Lớn để trồng rau và buôn bán, rồi sau đó hình thành ấp ánh Sáng vào năm 1952. Một trong những người sáng lập là ông Cao Minh Hiệu,  thị trưởng của Đà Lạt, và cái tên ấp ánh Sáng là do ông đặt ra từ phong trào ánh Sáng của nhóm Tự lực văn đoàn.  

Nhiều cụ già kể lại: Vào năm 1930, nơi đây chỉ có từ 5 đến 6 gia đình người làng Kế Môn, Phước Yên vào sinh sống với những căn chòi tranh vách lá đơn sơ. Ba anh em ông Cao Quang Kỳ, Cao Quang Chướng và Cao Xá là những bậc tiền bối đã có công “khai sơn phá thạch” vỡ hoang vùng đất này. Sau đó, hàng chục hộ gia đình từ Thừa Thiên - Huế thấy việc sinh sống ở đây có nhiều thuận lợi và dễ dàng nên mới kéo nhau về đây làm ăn ngày một đông đảo.  

Năm 1946, do chiến tranh, nhiều gia đình bà con Thừa Thiên - Huế ở ấp ánh Sáng nói riêng và dân Đà Lạt nói chung phải tản cư đi nơi khác. Cuối năm 1947, họ mới dần dà hồi cư về nơi cũ. Đến năm 1952, khi thành lập và đặt tên chính thức là ấp ánh Sáng, lúc bấy giờ cũng chỉ mới có 36 nóc nhà của 36 gia đình được xây dựng trên một lô đất bằng phẳng ven sườn đồi theo hình chữ A mái ngói, vách gỗ rộng 7,5m, dài 12m, chia thành hai dãy cách nhau một lối đi, mỗi nhà cách nhau 4m tạo thành một khu phố nhỏ xinh xắn. Đến năm 1953 thì dòng điện được chính thức đưa về cho bà con ấp ánh Sáng sử dụng.  

Mấy năm sau, do những biến cố chính trị, nhiều người dân Thừa Thiên - Huế quá lo lắng trước cảnh chiến tranh ác liệt ở quê nhà nên kẻ trước người sau, kéo nhau vào Đà Lạt và họ  đều tập trung về ấp ánh Sáng làm cho ấp này phát triển lên tới hàng trăm hộ. Năm 1955-1956, một số hộ ở ấp ánh Sáng bị giải toả để làm chợ mới rủ nhau về Thái Phiên, xin cấp đất làm vườn. Một số khác lên ở dọc khu Hoà Bình để buôn bán. Người Thừa Thiên - Huế vào Đà Lạt mang theo cả phong tục và tập quán cưới hỏi, ma chay, đình đám, hội hè, cách ăn mặc chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi lễ nghi cung đình của triều đình Huế vào thành phố cao nguyên. Người Thừa Thiên - Huế thường làm nhà thờ họ, tế tự, giỗ chạp theo chu kỳ nhằm thắt chặt mối tình tương thân tương ái giữa không chỉ những người đồng hương trên quê mới mà còn gắn bó với bà con dòng họ chốn quê nhà.  

Họ thường rất kỹ tính trong mọi việc, từ cung cách làm ăn đến sinh hoạt hàng ngày. Chiếc áo dài, chiếc nón bài thơ xứ Huế cũng từ đó có điều kiện du nhập và trở thành phong cách của nữ sinh Đà Lạt .

 Chúng ta hãy lắng nghe Khánh Giang mô tả nữ sinh Đà Lạt vào những năm 1950 : “Về nữ sinh, cái áo muôn thuở của các cô là cái áo len màu đen. Vào những buổi tan học, nhìn các cô đua nhau rẽ khắp nẻo đường, phất phơi tà áo dài trắng nổi bật với chiếc áo len đen và chiến nón bài thơ xinh xinh xứ Huế !…” (*)  

Riêng cách trang phục của con người Đà Lạt vào thời điểm bấy giờ, đã được Khánh Giang nhận xét:  

“… Từ những người phu xe, những chị buôn gánh bán bưng, những người lao động đến các cậu học sinh, các công chức, tất cả đều phục sức rất đặc biệt theo từng mức sống. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy một người bán đậu hủ với gánh hàng nhỏ bé nhưng vẫn tươm tất trong chiếc áo dài trắng thanh cảnh khoác bên ngoài một chiếc áo len đến bộ “com lê” mà bạn rất “sợ” khi phải mặc ở Sài Gòn và đã giấu kỹ trong đáy tủ, sẽ rất phù hợp khi ở Đà Lạt . Cái nhu cầu chưng diện đã thành thói quen trong giới trung lưu và thượng lưu…”  

NGƯỜI ĐÀ LẠT GỐC QUẢNG NAM, QUẢNG NGÃI, BÌNH ĐỊNH, PHÚ YÊN

Ngược dòng lịch sử, chúng ta sẽ thấy những người dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đến Đà Lạt khá sớm. Họ có mặt từ những năm 1920 khi người Pháp tuyển mộ phu làm đường quốc lộ 1, 11, 20 và làm đường xe lửa Tháp Chàm - Đà Lạt. Tuy nhiên, kể từ khi sở trà Cầu Đất được thành lập (năm 1927) thì những người dân gốc Nam, Ngãi, Bình, Phú… mới thực sự di dân vào Đà Lạt ồ ạt và đông nhất. Phần lớn trong số họ đến đây để làm thuê cho các chủ đồn điền người Pháp và tranh thủ khai hoang lập vườn trồng rau. Dân Nam, Ngãi, Bình, Phú tập trung đông nhất ở Trại Hầm, Tân Lạc, Xuân Thọ, Trại Mát, Xuân Trường. Năm 1929, làng Trường Xuân được thành lập. Từ năm 1936 đến năm 1940, làn sóng người dân Nam, Ngãi, Bình, Phú nhập cư vào thành phố ngày một đông do điều kiện làm ăn ở quê nhà quá vất vả, khó khăn. Họ rủ nhau vào Đà Lạt lập nghiệp và tập trung khá đông ở các khu như Nam Hồ, Nguyễn Siêu… sinh sống bằng nghề làm vườn. Sau năm 1954, những người dân ở Quảng Nam, Quảng Ngãi kéo vào Đà Lạt ngày một đông hơn. Nguyên nhân là do các vùng quê hẻo lánh bị dịch “tảo thanh”, càn quyét buộc phải “tản cư” nên thất nghiệp. Trong số đó có một số cán bộ cách mạng do bị lộ hoặc do yêu cầu công tác để tránh sự khủng bố của chế độ Sài Gòn nên phải tìm đường vào Đà Lạt  để làm thuê và hoạt động cách mạng. Họ mang theo cả gia đình, vợ con vào thành phố lập nghiệp và ở rải rác khắp nơi trong Đà Lạt từ các đường: Cao Bá Quát, Đinh Công Tráng, Bạch Đằng, Cao Thắng, Nguyễn Siêu đến Cầu Đất, Xuân Thọ, Sào Nam, Thái Phiên, Đa Lợi, Xuân Thành, Trại Mát, Đa Thiện..  

Khác với người Bắc và người Huế, người Nam, Ngãi, Bình, Phú vào Đà Lạt không nhận được một ân huệ, chiếu cố nào của chính quyền lúc bấy giờ mà họ phải tự lực cánh sinh, xây dựng cuộc sống trên quê hương mới. Vì vậy, họ sống rất thực tế, không chú ý lắm đến hình thức và do xuất thân từ một vùng đất có tinh thần thượng võ nên nhóm người này giàu ý chí, nghị lực và cá tính rõ ràng. Hay nói đúng hơn là người Nam, Ngãi, Bình, Phú nhập cư vào Đà Lạt mang theo cả truyền thống bất khuất, kiên cường và nhiệt tình cách mạng. Từ đó, họ đã góp phần tạo nên phong trào cách mạng hào hùng của người Đà Lạt suốt mấy chục năm qua và hình thành nên phong cách “Biết nâng hoa nhưng cũng biết tát quân thù”(*) của người dân Đà thành.  

NGƯỜI ĐÀ LẠT GỐC HOA

Người Hoa đến Đà Lạt cũng khá sớm từ những năm đầu thế kỷ XX. Thế nhưng, mãi đến năm 1935, số lượng người Hoa đến Đà Lạt để làm ăn và định cư mới thật sự rõ nét và đông đảo: 333 người. Những năm sau đó, số lượng tuy có tăng nhưng không đáng kể: năm 1944: 360 người, năm 1952 tăng lên 752 người. Phần lớn trong số họ làm ăn trong các nghề như buôn bán, lao công, giúp việc nhà. Đến năm 1993, Đà Lạt có 2.385 người Hoa thuộc các tỉnh Quảng Đông, Hải Nam, Phúc Kiến, Triều Châu và Sơn Đông đến Đà Lạt sinh cơ lập nghiệp. Bà con sống tập trung ở các phường 1, 2 và xã Xuân Trường. Số còn lại rải rác từ phường 3 đến phường 11. Họ sinh sống chủ yếu bằng các nghề buôn bán, dịch vụ và các ngành tiểu thủ công nghiệp. Chính họ cũng đã góp phần tạo cho người Đà Lạt  đặc tính khéo léo trong kinh doanh, đồng thời góp phần xây dựng thành phố ngày càng phát triển.  

NGƯỜI PHÁP Ở ĐÀ LẠT 

Có thể nói, trong quá trình phát triển của thành phố, người Đà Lạt chịu ảnh hưởng không ít tính cách của người Pháp bởi lẽ họ là những người đầu tiên khai sinh thành phố. Lịch sử vẫn còn ghi lại: Sau chuyến thám hiểm của Bác sĩ Alexandre Yersin và những người Pháp đầu tiên đặt chân lên cao nguyên Lang Bian vào tháng 6/1893, đến năm 1898, ông Missigbrott quyết định ở lại lập một khu vườn rau cải và chăn nuôi gia súc ở Đankia. Tiếp theo, cùng với dự án xây dựng Đà Lạt  thành một trung tâm nghỉ dưỡng của toàn quyền Đông Dương, các viên chức, binh sĩ cùng gia đình họ đã lên Đà Lạt định cư nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ cho các công sở, trường học.  

Bên cạnh đó còn có những người Pháp đến khai phá và xây dựng các nông trại ở Cam Ly, Đankia, sở trà Cầu Đất. Trong những năm đầu xây dựng thành phố, số người Pháp nhập cư vào Đà Lạt  tăng lên không ngừng: nếu năm 1935 chỉ có 470 người Pháp thì đến năm 1940 đã tăng lên 750 người; năm 1944 tăng lên 1.130 người và 1.118 học sinh Pháp; năm 1952: 1.217 người. Nhưng sau đó vì lý do khách quan, số người Pháp chọn Đà Lạt làm quê hương thứ hai từng bước giảm dần chỉ còn 608 người trong năm 1955.  

Trước năm 1945, phần lớn người Pháp đến Đà Lạt sống trong các biệt thự ở phía Nam suối Cam Ly, Hồ Lớn và cư xá Decoux (gần trường trung học Trần Hưng Đạo cũ). Sau đó, họ xây dựng hàng trăm biệt thự dọc đường Trần Hưng Đạo ngày nay và rải rác quanh viện Pasteur Đà Lạt. Người Pháp sống ở Đà Lạt có quê quán từ Paris, Normandie, Corse, Alsace, Lorraine đến Gascogne… Chính họ không những mang đến cho thành phố những giống hoa quyến rũ của quê hương họ mà còn tạo cho bộ mặt Đà Lạt mang dáng dấp của một thành phố Châu Âu thu nhỏ với những biệt thự xinh đẹp thấp thoáng trong hoa trong lá, thì thầm với ngàn thông; những mái nhà thờ với tháp chuông cao vút và bên trên có con gà Gô-loa như những nhà thờ ở Pháp quốc. Họ còn để lại một dấu ấn khó phai mờ trong phong cách người Đà Lạt: không bảo thủ, cố chấp, văn minh và lịch sự. Hãy nghe Khánh Giang mô tả về người Đà Lạt vào những năm cuối 1950 :“ít khi bạn gặp một người mặc áo chemise trần hở cổ, nếu không thắt một chiếc cà vạt thì cũng choàng một “phu la” nỉ, ngoài khoác áo “vét tông”. Đặc biệt là một lối trang phục đầy màu sắc tươi trẻ của giới sinh viên, học sinh. Nếu có dịp ghé vào một trường trung học Pháp vào mùa lạnh, bạn sẽ có cảm tưởng mình hiện đang ở một trường trung học bên Âu, Mỹ. Những chiếc áo “canadienne” bằng da, áo “pullover” đủ màu, đủ kiểu, những chiếc “vét tông” nỉ carô tuy những mốt nhập cảng từ phương Tây nhưng nhờ áp dụng nhằm nơi, nhằm lúc nên không có vẻ lố lăng mà lại tô điểm thêm màu sắc trẻ trung ưa nhìn” (*).  

Từ năm 1952, các trường trung học, tiểu học dạy theo chương trình Việt được thành lập, vai trò người Pháp dần dần bớt quan trọng trong các lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội, song đến những năm 1960, các trường trung học, tiểu học dạy theo chương trình Pháp vẫn tồn tại và tiếp tục mở rộng, thu hút một số lượng lớn học sinh không chỉ của Đà Lạt mà còn của Nam bộ và miền Trung lên theo học. Điều đó đã cho thấy, trong một thời gian khá dài, văn hóa Pháp không chỉ thấm sâu vào tiềm thức của các thế hệ học sinh, sinh viên, trí thức mà còn lan rộng ra các tầng lớp nhân dân trong thành phố, góp phần quan trọng trong việc hình thành phong cách con người Đà Lạt.  

Tóm lại, ngoài những đặc điểm chung của người Việt Nam, do đặc điểm của địa hình thiên nhiên quanh năm mát mẻ, ôn hoà và cộng đồng dân cư thành phố bao gồm dân tứ xứ tha phương cầu thực tìm mảnh đất xinh đẹp, màu mỡ này để sinh cơ lập nghiệp, người Đà Lạt còn chịu ảnh hưởng khá sâu đậm những tinh hoa của nền văn hoá Pháp và chính điều này đã góp phần hình thành nên phong cách riêng của con người Đà Lạt  khó lẫn lộn với nơi khác đó là: hiền hoà, trầm mặc, thanh lịch, mến khách, cần cù, bất khuất. Người Đà Lạt vốn từ mọi miền đất nước đổ về hội tụ nên họ rất coi trọng đồng hương, người cùng cảnh ngộ và rất coi trọng tình làng, nghĩa xóm, cũng như tận tình giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Thiếu nữ Đà Lạt không thích chạy theo “mốt” mới, luôn ăn mặc kín đáo và duyên dáng. Người Đà Lạt có đầu óc rộng mở, không bảo thủ, sẵn sàng tiếp nhận nền văn minh phương Tây một cách có chọn lọc và biết loại trừ những biểu hiện sống tha hoá, lai căng, dẫm đạp lên truyền thống .

  Trang chủ Trang trước Mục lục Trang sau