![]() |
||||||||||||||
Trang chủ | Trang trước | Mục lục | Trang sau | |||||||||||
Từ sau ngày giải phóng, phong trào “ta về ta tắm ao ta” được phổ biến, nhân dân khắp nước đều thiên về dùng các cây thuốc hiện có ở Việt Nam để thay thế dần dần các Âu dược. Ở miền Nam nếu du khách đi khắp các tỉnh đều thấy đường nào cũng có các xe nước mát “sâm lạnh Actisô”, đó là những thứ giải khát vừa được mọi người ưa chuộng vừa rẻ tiền. Các xe bán nước giải khát này vô tình quảng cáo cho cây Actisô, nhưng cũng vô tình làm cho Actisô mất bớt giá trị vì phần lớn các xe nước giải khát này dùng rễ tranh nấu với mía Lau, lá Mã đề… mà chẳng có chút Actisô nào cả nên kém phần hữu hiệu so với khi dùng Actisô thực sự. Vậy Actisô là cây như thế nào ? Có những chất gì trong thành phần hoá học ? Có công dụng trị liệu và bổ dưỡng thật sự làm sao ? Xin các bạn hãy ghé lại Đà Lạt tham quan và tìm hiểu, vì Actisô là cây dược liệu đặc sản của Lâm Đồng. Tên gọi của cây Actisô: Actisô là một cây di thực nên tên gọi của nó là do phiên âm từ tên nước ngoài (Pháp: Artichaut, Anh: Artichoke). Về tên khoa học của nó bằng tiếng La tinh là: Cynara scolymus, L, thuốc họ Cúc Asteraceae (Compositae). Các loại Actisô mọc dại trong rừng có tên khoa học là Cynara cardunculus, thường gặp ở Tây Ban Nha. ở Việt Nam không hề thấy cây này. Hình dạng cây và cách trồng : Cây Actisô cao 1-2m, trên thân và lá có lông tơ trắng. Lá to, dài 0,9-1,2m, rộng 35-50cm, mặt dưới có lông trắng nhiều hơn mặt trên. Lá mọc cách, phiến lá bị khía sâu. Hoa tụ hình đầu màu tím nhạt, thường to bằng 2 bàn tay bụm lại. Lá bắc ngoài của hoa-tự dày và nhọn. Thường người ta thu hoạch hoa từ khi còn búp. Cây được di thực bởi người Pháp, đem trồng ở nước ta tại các vùng có khí hậu lạnh như Sa-pa, Tam Đảo, và nhất là ở Đà Lạt. Riêng ở Đà Lạt việc trồng Actisô được thích hợp và thành công nhất vì có năng suất cao. Ở nước ngoài người ta trồng bằng cách gieo hạt vào tháng 10-11, bứng ra trồng vào tháng 1-2 khi cây có từ 4-5 lá thật. ở nước ta thường trồng bằng những chồi con mọc từ cây mẹ được tách ra. ở nước ngoài người ta chăm bón, tưới nước đầy đủ để cây có thể sinh trưởng đến 2 năm hoặc 4-5 năm hầu thu hoạch được nhiều lá và nhiều hoa hơn cho có năng suất. Ở Đà Lạt thường từ khi trồng đến khi thu hoạch hoa và đào luôn gốc là khoảng 1 năm để giải phóng đất mà trồng vụ khác. Đất trồng Actisô phải cao ráo, thoát nước, đã cày bừa kỹ và lên thành luống, trồng cách nhau 50-80 cm. Muốn trồng cho có năng suất, phải bón lót chủ yếu bằng phân chuồng khoảng 9-10 tấn/hecta; ở Đà Lạt người ta thường dùng thêm phân xác mắm. Cây Actisô ít bị sâu bệnh nhưng lại đòi hỏi sự chăm sóc kỹ lưỡng, phải thường xuyên tưới nước cho ẩm đất khi nắng, phải chống úng khi mưa, phải làm cỏ khi cây còn nhỏ, phải bón thúc, tưới phân và vun gốc khi cây đang sinh trưởng. Thu hái và chế biến: Trồng Actisô rất có lợi vì tất cả các phần của cây, rễ, lá, thân, hoa đều được tận dụng, không bỏ một thứ gì, kể cả những lá bị héo úa. Trung bình mỗi cây Actisô được trên dưới 1.000đ. Người ta thường dùng những chồi và cọng lá non hầm với xương bò hoặc thịt heo để làm xúp. Các hoa tự còn tươi được luộc lấy nước để uống. Phần gốc nạc của lá bắc và đế hoa ăn được; người ta thường chấm với nước “sauce” hoặc với muối tiêu có nặn chanh ăn rất ngon. Lá có thể thu hoạch quanh năm, hễ lá già bắt đầu héo úa thì người ta cắt đem phơi hay sấy khô, thường thường người ta hái lá và lúc cây sắp hoặc đang ra hoa, rọc bỏ sống lá rồi đem sấy hoặc phơi khô. Rễ và thân thái mỏng 1-2mm rồi đem phơi khô trông giống như những lát sắn mì. Hoa tự cũng được xắt mỏng rồi phơi khô dùng để nấu nước uống. Giá bán của các loại này từ đắt tới rẻ theo thứ tự là hoa, rễ, thân và lá. Nước sắc của hoa, rễ và thân vừa thơm vừa dịu ngọt, rất dễ uống. Lá rẻ tiền nhất, nước sắc thì rất đắng, khó uống, nhưng lại tốt nhất trong việc chữa bệnh. Từ trước tới nay có nhiều loại thuốc được chế tạo từ Actisô như Chophytol, Artichol, Hepachaut, Hepatonic, Actisamin, viên Actisô … và Cynaraphytol do Xí nghiệp liên hiệp dược phẩm Lâm Đồng bào chế bằng cách trích tinh các hoạt chất trong lá tươi, có phẩm chất không thua gì thuốc Chophytol của Pháp mà cả thế giới đã quen dùng. Hiện nay, ngoài những thứ kể trên bán do các hiệu thuốc Âu dược, còn thấy bán ngoài thị trường những sản phẩm lấy từ Actisô như cao lỏng, cao mềm Actisô, kẹo ngậm Actisô, trà Actisô … và nhất là thân, rễ, lá Actisô phơi khô. Thành phần hoá học : Hiện nay chưa xác định được hết các hoạt chất trong cây Actisô. Mới chỉ xác định trong lá Actisô có chất Cynarin. Vị đắng, có phản ứng Axit (có công thức hoá học Axit 1-4 dicafein quilic). Ngoài ra còn thấy Inulin, Inulinaza, Tanin và các muối kim loại Kali, Canxi, Magiê, Natri… mà trong đó tỷ lệ Kali là cao nhất. Công dụng : Trong dân gian thường dùng tược non của Actisô để hầm xúp, dùng phần nạc của gốc lá bắc và đế hoa để ăn. Trong lĩnh vực y học, Actisô được dùng để chữa bệnh. * Theo kinh nghiệm dân gian, người ta dùng Actisô ở trạng thái thiên nhiên để chữa bệnh như sau: - Lá Actisô giã nát hòa với dấm để chữa bệnh ngoài da như lang ben, hắc lào… - Vào năm 1578, nhà thảo mộc học A.Mizauld khuyên những người bí tiểu tiện nên dùng Actisô nấu nước mà uống. - Nữ hoàng Catherine de Médicis mắc chứng bệnh ăn khó tiêu được chữa khỏi nhờ dùng Actisô trong bữa ăn. - Ông La Framboisière, Ngự y của Louis XV có ghi: “Actisô làm cho máu huyết lưu thông, kích thích sự chiến đấu về mặt ái tình”. - Trong cuốn Le livre des plantes médicinales, Bác sĩ P.Fournier chỉ dẫn cách chữa bệnh cúm và cảm sốt như sau: Lấy 45g rễ cây Actisô đun với 1 lít nước cho sôi trong vòng 15 phút, để nguội, thêm vào một ít đường, chia ra uống mỗi ngày 3 lần trước bữa ăn 15-20 phút. - Trong cuốn Votre santé par les plantes, Honoré Bourdelon chỉ dẫn cách trị bệnh vàng da như sau: Lấy 40g lá Actisô tươi đun với nước cho thâùt nhừ, uống mỗi ngày độ 3 muỗng cà phê trước bữa ăn. - Trong cuốn Plantes de guérison, Bác sĩ Aurenche có nói: “Muốn cho gan và mật làm việc điều hoà, nên dùng trước bữa ăn 0,5 lít nước sắc Actisô, sẽ thấy khoan khoái khoẻ mạnh”. - Về bệnh phong thấp, đau mình mẩy, Bác sĩ Aurenche bày nên lấy lá Actisô giã nhuyễn vắt lấy nước cốt hoà với rượu chát phân lượng ngang nhau. Mỗi ngày uống 5-6 muỗng canh cách xa bữa ăn. - Người Việt Nam thường dùng thân, rễ, lá, hoa Actisô nấu nước uống để cho lợi tiểu, trị táo bón và nổi mày đay. * Theo tác dụng dược lý thì người ta thấy: - Sau khi uống hoặc tiêm Actisô, lượng cholesterin và urê trong máu hạ thấp, trái lại thấy lượng nước tiểu và urê trong nước tiểu tăng lên. - Sau khi dùng Actisô khoảng vài giờ, người ta nhận thấy lượng mật bài tiết tăng thêm gấp 3-4 lần. Do đó người ta thường dùng Actisô làm thuốc sắc, thuốc nước, thuốc tiêm, thuốc viên, cao lỏng, cao mềm… để cho lợi mật, thông tiểu; chữa các bệnh vàng da, mẫn ngứa do viêm gan, suy gan; chữa các bệnh viêm thận cấp và mãn tính, sưng khớp xương… ngoài ra còn làm giảm urê huyết, hạ sốt và nhuận tràng nhẹ. Cây Actisô được di thực vào Đà Lạt đã lâu năm và rất thích nghi với đất đai cùng khí hậu ở đây. Cây Actisô là một cây dược liệu độc quyền ở Đà Lạt - Lâm Đồng vì các nơi khác không trồng được. Nhờ có Actisô mà Xí nghiệp Liên hiệp dược phẩm Lâm Đồng đã sản xuất ra nhiều mặt hàng có giá trị như cao mềm Actisô, Cynaraphytol… là những mặt hàng đặc biệt của riêng tỉnh Lâm Đồng phục vụ cho đồng bào cả nước trong việc trị bệnh; và sản xuất cao lá tươi Actisô, trích Cynarin để xuất khẩu sang Pháp, đem lại ngoại tệ cho tỉnh nhà. Ngoài những mối lợi đem lại trong việc sản xuất và bán dược phẩm, các mặt hàng Actisô như cao, thân - lá- hoa Actisô phơi khô rất thu hút các khách du lịch, không một du khách nào ghé qua Đà Lạt mà không mua ít nhiều Actisô để đem về làm quà biếu cho thân nhân để gọi là món quà đặc sản của Đà Lạt. Để đáp ứng với nhu cầu trên, chúng tôi thiết nghĩ Lâm Đồng nên đầu tư thêm phân bón và bán hàng đối lưu cho nông dân để khuyến khích nhà vườn Đà Lạt khuếch trương canh tác Actisô. Đà Lạt, 1988 |
||||||||||||||
Trang chủ | Trang trước | Mục lục | Trang sau |