![]() |
||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Trang chủ | Trang trước | Mục lục | Trang sau | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Gió là sự chuyển động của không khí. Chế độ gió phản ánh rất rõ điều kiện hoàn lưu và bản chất thời tiết từng mùa, từng địa phương. Gió được đặc trưng bởi hướng và tốc độ. Hai đặc trưng này luôn luôn thay đổi theo mùa và phụ thuộc nhiều vào điều kiện địa hình. Cũng như nhiệt, mưa, nắng, gió đóng vai trò quan trọng trong đời sống và sản xuất. Gió có tác dụng làm cho không khí lưu thông, điều chỉnh nhiệt độ môi trường. Gió góp phần làm sạch môi trường, xua tan những làn khói công nghiệp, bụi, khí thải… Từ xa xưa, Hải Thượng Lãn Ông đã bàn nhiều về tác dụng của gió trong cuốn Y tông tâm lĩnh. Theo ông gió là nguyên nhân gây nên nhiều dịch bệnh cho người, súc vật và cây trồng. Thực tế đã chứng minh điều đó một cách rất rõ. Về mùa đông, khi những đợt gió Đông - Bắc tràn về, tỷ lệ bệnh đường hô hấp tăng lên. Gió mùa Đông - Bắc gây nhiều tai biến cho bệnh tim mạch, bệnh lao và làm cho cơ thể bình thường mất nhiệt dễ cảm lạnh. Về mùa hè xuất hiện gió khô nóng với nhiệt độ cao, độ ẩm thấp làm cho cơ thể mệt mỏi, suy nhược do mất nước vì mồ hôi ra quá nhiều. Gặp các đợt gió khô nóng, lượng bốc thoát hơi nước của cây trồng quá lớn làm cho lá cây bị héo rũ. Nếu gió khô nóng kéo dài nhiều ngày, lá cây có thể bị cháy, khô và năng suất mùa màng thường bị giảm sút. Gió mạnh, đặc biệt là gió bão, gió lốc làm sụp đổ hàng loạt nhà cửa, công trình, cây cối gây nên những tổn thất nặng nề về người và tài sản. Đà Lạt ở vào vĩ độ thấp lại xa biển nên chúng ta chưa từng được chứng kiến những cảnh tàn phá khốc liệt do bão gây nên, nhưng ảnh hưởng gián tiếp của các cơn bão ngày 17.10.1983, 7.11.1988 cũng như những đợt gió mạnh kéo dài liên tục nhiều ngày đã mang lại những thiệt hại và những khó khăn nhất định trong đời sống và sản xuất của chúng ta. Bởi vậy, tìm hiểu quy luật gió ở Đà Lạt - vùng cao trên 1.500m - là một việc rất cần thiết. Mặc dù điều kiện địa hình tác động không ít đến hướng gió, song gió ở Đà Lạt vẫn giữ được 2 hướng chính và tiêu biểu: mùa khô thịnh hành gió Đông - Bắc và mùa mưa gió Đông - Nam lại chiếm ưu thế. Qua theo dõi, ta thấy rằng: Từ tháng 10, gió Đông - Bắc ảnh hưởng đến thời tiết Đà Lạt. Thường gió này hoạt động mạnh vào các tháng 11, 12 và với 1 tần suất 45-65%. Sang tháng 2, tần suất gió Đông - Bắc giảm chỉ còn đạt 26% và tháng 3, 4 gió Đông lại chiếm ưu thế hơn so với gió Đông - Bắc, song tần suất không vượt quá 20%. Từ tháng 5 đến tháng 9 là thời kỳ hoạt động của trường gió Tây. Gió Tây hoạt động mạnh nhất vào tháng 8 với tần suất 68%. Hoạt động xen kẽ với trường gió Tây là gió Tây - Nam, Tây - Bắc với tần suất 10-15%. Do ảnh hưởng của độ cao địa hình nên tốc độ gió ở Đà Lạt tương đối lớn, trung bình năm 2,2m/giây. Căn cứ vào tốc độ gió trung bình tháng và tần suất lặng gió, ta có thể phân gió ở Đà Lạt làm 3 thời kỳ: - Thời kỳ lặng gió: tháng 3 và 4, tốc độ gió trung bình tháng 1,2 - 1,3m/giây, tần suất lặng gió trên 50%. - Thời kỳ gió nhẹ: tháng 1, 2, 5, 9, và 10, tốc độ trung bình 1,5 - 2,1m/giây, tần suất lặng gió 35-45%. - Thời kỳ gió mạnh: tháng 6, 7, 8 và 11, 12, tốc độ trung bình trên 2,5m/giây, tần suất lặng gió 15-30%. Như vậy, thời kỳ gió mạnh ở Đà Lạt được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một do trường gió Tây hoạt động mạnh kết hợp với các nhiễu động nhiệt đới ở biển Đông xảy ra vào các tháng 6, 7, 8. Tốc độ gió mạnh nhất ở giai đoạn này đã quan sát được là 23m/giây.
Bước vào tháng 11 và 12, khi gió mùa Đông - Bắc tràn về mạnh ở phía Bắc nước ta thì ở Đà Lạt lại xuất hiện giai đoạn gió mạnh thứ hai trong năm. Gió mùa Đông - Bắc thường ảnh hưởng đến các tỉnh phía Nam, nhưng do Đà Lạt ở trên độ cao 1.500m nên ảnh hưởng của trường gió này khá rõ nét. Vào các tháng 11, 12, tốc độ gió trung bình ở đây lên đến 3-3,5m/giây. Tốc độ gió mạnh nhất 20m/giây. Gió mạnh xảy ra từng đợt liên tục. Mỗi đợt kéo dài vài ba ngày, có khi đến 5, 6 ngày. Như vậy hướng gió cũng như cường độ hoạt động của nó thay đổi theo thời gian và sự thay đổi này luôn luôn kéo theo sự thay đổi bản chất thời tiết từng mùa, từng thời kỳ. Tiêu biểu cho mùa khô - mùa ít mưa là trường gió Đông - Bắc. Nhưng trong nửa đầu mùa khô, khi trường gió này hoạt động mạnh thì bầu trời Đà Lạt nhiều mây, có mưa nhỏ và nền nhiệt độ hạ thấp. Gió mạnh kéo dài nhiều ngày kết hợp với nhiệt độ thấp làm cho cơ thể bị mất nhiệt và chúng ta luôn luôn cảm thấy rét buốt. Đây là thời kỳ tỷ lệ bệnh đường hô hấp tăng nhanh, nhất là ở trẻ em. Nửa cuối mùa khô, khi cường độ cũng như tần suất gió Đông - Bắc giảm, bầu trời Đà Lạt trở nên quang mây, ban ngày nắng ấm và khô ráo. Về đêm, do bức xạ nhiệt mạnh nên biên độ ngày đêm khá lớn đạt 12-140C. Vào tháng 5, trường gió Tây bắt đầu hoạt động báo hiệu một mùa mưa ẩm kéo dài. Tháng 6, 7, 8 gió Tây hoạt động mạnh và thịnh hành kết hợp với các nhiễu động nhiệt đới đã mang lại cho Đà Lạt những ngày u ám, những đợt mưa dầm kéo dài, những trận mưa vừa đến mưa to. Gió mạnh kết hợp với mưa làm cho rau, hoa màu dập nát, quả cây bị rụng. Ngoài ra, cũng cần kể đến những đợt gió mạnh do bão đổ bộ vào vùng biển Thuận Hải, Phú Khánh vào các tháng 9, 10 và đầu tháng 11. Tuy những đợt gió bão xảy ra không thường xuyên hàng năm, song với gió mạnh cấp 6, 7 (12-16m/giây), gió giật cấp 8 đến cấp 9 (19-23m/giây) thổi liên tục trong nhiều giờ cùng với mưa to đã mang lại những thiệt hại lớn cho đời sống và sản xuất của thành phố. Ví dụ như cơn bão ngày 17.10.1983 đổ bộ vào Thuận Hải, cơn bão ngày 7.11.1988 đổ bộ vào Nha Trang. Tóm lại, tuy ở xa biển, không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão song do độ cao địa hình, nên ở Đà Lạt vẫn có những thời kỳ, những đợt có gió mạnh xảy ra. Hướng thịnh hành của gió mạnh là Đông - Bắc, Tây và cả Tây -Bắc (khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới). Bởi vậy, khi xây dựng các công trình nhà cửa, bố trí các rừng cây lưu niên, cần chú ý đến hướng và tốc độ gió mạnh nhất. Ngoài ra cần nắm vững quy luật hoạt động của các trường gió cũng như các thời kỳ gió mạnh để chủ động hơn nữa trong việc phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ cho người và gia súc, cũng như chủ động bảo vệ các công trình xây dựng, điện cao thế, điện thoại, nhà cửa nhằm hạn chế bớt thiệt hại trong mùa gió bão. Đà Lạt, 1993 |
||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Trang chủ | Trang trước | Mục lục | Trang sau |