| Trang trước  | Mục lục | Trang sau |

ằm trên độ cao từ 700m - 1.500m so với mặt biển, Lâm Đồng có ưu thế để phát triển các bộ môn TDTT đặc thù của vùng núi.

Ngay từ khi mới thành lập, Đà Lạt với ưu thế khí hậu của mình và là một khu du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng nên người Pháp đã đưa lên đây một số môn đua ngựa, săn bắn, đua thuyền trên hồ Xuân Hương (CLB đua thuyền này   dành cho người Pháp là các tầng lớp giàu có, quan lại triều đình nhà Nguyễn... tồn tại cho đến năm 1954 và sau đó ít lâu). Khoảng năm 1930, khi vua Bảo Đại từ Pháp về nước, đã cho làm tại Đà Lạt một sân Golf (gọi là sân Cù), 18 lỗ đầu tiên ở Việt Nam và của Đông Nam Á... Năm 1992 Công ty DRI (gồm tập đoàn DA NAO-HONG KONG và Công ty Du lịch Lâm Đồng đã cải tạo lại thành sân Golf 18 lỗ khá hiện đại.

Thi đấu cờ tướng
Ảnh : Văn Thương

Những năm 1960 ở Đà Lạt đã bắt đầu phát triển các môn võ thuật, những năm qua Đà Lạt - Lâm Đồng tiếp tục mở rộng hơn, có mặt đầy đủ các môn như: Võ cổ truyền, Aikido, Judo, Karaté, Teakwondo, Vovinam (Việt võ đạo), và gần đây còn có thêm môn Pencaksilat. Võ thuật là bộ môn được giới trẻ rất ưa chuộng đặc biệt là trong giới sinh viên, học sinh vì nhằm để tự vệ, nâng cao sức khỏe... Những năm gần đây, võ thuật Lâm Đồng thường chiếm vị trí khá cao trong các kỳ thi đấu quốc gia.

Bảo Lộc là một thị xã phát triển nhanh phong trào TDTT. Thị xã được coi là mô hình điểm khá tốt về việc xã hội hóa TDTT, với gần 10 hội thể thao quần chúng: Hội Võ thuật, Hội Cầu lông, Hội Quần vợt, Hội Bóng bàn, Hội Bóng rổ... quy tụ khoảng 1.500 hội viên tập luyện thể thao thường xuyên. Các hội thể thao quần chúng đã góp phần phát triển thể thao trên địa bàn, và so với trong tỉnh ngay cả Đà Lạt, Bảo Lộc chiếm ưu thế hơn về Quần vợt, Cầu lông, Điền kinh. Đặc biệt ở môn Bóng rổ, từ phong trào, Hội Bóng rổ thị xã đã hình thành một đội bóng thi đấu ở giải hạng nhì trong nhiều năm. Mùa giải hạng nhì năm 2000 đội Bóng rổ Bảo Lộc xếp hạng 3, được ủy ban TDTT đặc cách lên thi đấu ở giải hạng nhất quốc gia.

Một bộ môn thể thao khá phổ biến và phong trào phát triển khá mạnh trong tỉnh là môn Bóng đá. Nhiều huyện như: Di Linh, Đức Trọng... có 50 đội bóng tranh giải cấp huyện hàng năm. Đội Bóng đá nông dân N'Thol Hạ - Đức Trọng đã vào vòng chung kết giải nông dân toàn quốc tại Nghệ An năm 1998 và đoạt được Huy chương đồng (sau khi vượt qua vòng loại khu vực 12 đội bóng của 12 tỉnh, thành). Đội tuyển Bóng đá Lâm Đồng được thành lập năm 1979, lúc đầu thi đấu ở hạng A2, năm 1983 lên hạng A1 và trong suốt 14 năm liền là đội bóng duy nhất của khu vực miền núi, Tây Nguyên trụ vững ở hạng đội mạnh. Thành tích cao nhất của bóng đá Lâm Đồng là xếp hạng 3 mùa giải vô địch quốc gia năm 1997.

Giải bóng rổ vô địch toàn quốc tại Bảo Lộc 4/2000
Ảnh : VT

Theo thống kê năm 1999, toàn tỉnh hiện nay có khoảng 123.500 người tập luyện thể thao thường xuyên, chiếm tỷ lệ 12% trên tổng số dân của tỉnh, toàn tỉnh hiện có 2.100 hộ gia đình thể thao. Phong trào TDTT phát triển khá mạnh trong khối CNVC, sinh viên, học sinh, nông dân, lực lượng vũ trang.

Điều bất cập hiện nay là cơ sở vật chất cho TDTT trong tỉnh còn quá thiếu thốn. Trong 11 huyện, thị, thành của tỉnh, rất ít huyện có một hệ thống cơ sở vật chất sân bãi được hoàn chỉnh (Sân vận động, nhà thi đấu...). Ngay tại Bảo Lộc, sân vận động chính hiện nay chỉ là một bãi đất, chưa có chỗ ngồi cho khán giả. Thị xã chưa có một nhà thi đấu có mái che hoàn chỉnh cho nên nhiều giải thể thao quốc gia tổ chức tại đây phải thi đấu ngoài trời và phụ thuộc rất lớn vào yếu tố thời tiết. Tại Đà Lạt, với ưu thế khí hậu của mình, mát mẻ quanh năm, nhiệt độ ban ngày ít khi nào lên quá 25oC nên khá lý tưởng cho tập luyện, thi đấu, nhất là mùa hè, thế nhưng các giải quốc gia không thể thi đấu tại đây vì chưa có nhà thi đấu. Nhà thi đấu hiện nay của Đà Lạt được xây dựng vào những năm 1962-1963 nay đã lạc hậu vì không có chỗ ngồi cho khán giả, trần thấp, không có giàn đèn. Nhà thi đấu này lâu nay chỉ dùng để thi đấu một vài giải cấp tỉnh và làm nhà tập cho đội bóng đá Lâm Đồng. Cơ sở thể thao lớn nhất Đà Lạt hiện nay là sân vận động với sức chứa từ 10.000-12.000 người.

Trong những năm sắp đến, bên cạnh việc quy hoạch sắp xếp lại các Trung tâm Thể thao cấp huyện và cơ sở, ngành TDTT Lâm Đồng sẽ ưu tiên phát triển các môn thể thao là thế mạnh và các môn thể thao đặc thù miền núi, củng  cố lại Đội tuyển Bóng đá Lâm Đồng để phấn đấu lên hạng chuyên nghiệp, duy trì Đội bóng Rổ Bảo Lộc ở hạng nhất, có kế hoạch bồi dưỡng, tuyển chọn các lớp năng khiếu ở các bộ môn như: Bóng đá, Bóng rổ, Cờ vua, Võ thuật, Điền kinh...; đồng thời, chú ý phát triển các bộ môn khác nhằm tạo nền tảng cho lâu dài.

Lớp võ cổ truyền. Ảnh: Văn Thương

Một hướng khác là thể thao Lâm Đồng sẽ kết hợp với du lịch để khai thác các thế mạnh khí hậu, cảnh quan, môi trường như các bộ môn: Leo núi, Dù lượn, Đi xuồng, Vượt thác, Đua ngựa trên sườn núi... Về cơ sở vật chất, tại Bảo Lộc, tỉnh đang chủ trương cải tạo xây dựng lại sân vận động thị xã, làm một nhà thi đấu có mái che với trang thiết bị bên trong đầy đủ như: Thảm thi đấu, giàn đèn... để có thể tổ chức thi đấu các giải quốc gia. Tại Đà Lạt, một nhà thi đấu hiện đại đang được thiết kế. Sân vận động Đà Lạt sẽ được xây dựng mới phù hợp với quy hoạch cùng với việc hình thành một khu liên hợp thể thao gồm: Nhà nghỉ cho VĐV, bể bơi nước nóng, khu thi đấu đa môn... Cái khó chính hiện nay là vốn, do đó phải đầu tư từng bước theo thứ tự ưu tiên. Ngoài ra, thực hiện chủ trương xã hội hóa, kêu gọi mọi người dân, mọi nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư vào lĩnh vực TDTT.

Trong tương lai Lâm Đồng nói chung, Đà Lạt, Bảo Lộc nói riêng sẽ còn phát triển mạnh mẽ về TDTT. Riêng Đà Lạt, một khi xã hội phát triển, nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí ngày càng tăng cao, du khách trên mọi miền đất nước đổ về đây thì đầu tư vào TDTT là một lĩnh vực hấp dẫn, hứa hẹn nhiều triển vọng. 

TRẦN KỲ BA

Q. Giám đốc Sở Thể dục - Thể thao Lâm Đồng

| Trang trước  | Mục lục | Trang sau |

Sở khoa học, công nghệ & môi trường Lâm Đồng
Số 02 Hoàng Văn Thụ Đà Lạt; ĐT: 820352; Email: skcmld@hcm.vnn.vn