| Trang trước  | Mục lục | Trang sau |

ỉnh Lâm Đồng có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, trong đó có nhiều cây con dùng làm thuốc để chữa bệnh. Toàn tỉnh hiện có 881 loài cây thuốc thuộc 176 họ thực vật và 43 động vật làm thuốc. Những họ thực vật có nhiều cây làm thuốc là họ cúc (Asteraceae) 62 loài, họ đậu (Fabaceae) 40 loài, họ thầu dầu (Euphorbiaceae) 39 loài, họ cà phê (Rubiaceae) 29 loài, họ hoa môi (Laminaceae) 23 loài, họ cà (Solanaceae) 22 loài...

Một số cây thuốc quan trọng là đảng sâm (Codo-nopsis Javanica), lười ươi (Scaphium lychro phonum), thiên niên kiện (Homalomena occulla), vàng đắng (Coscinium fenestratum), cẩu tích (Cibotium barometz), hoàng liên ô rô (Mahonia nepalensis), thổ phụ linh

Vườn dược liệu
Ảnh : Diệu Hiền

 (Smilaxglabra), bổ cốt toái (Drynaria forturei). Các loại cây có tinh dầu như bạc hà (Mentha Arvensis), màng tang (Litsea cubera), sả (Symbopogon nardur)...

Một số dược liệu rất phù hợp với đất đai khí hậu của Lâm Đồng như Actiso (Cynara Scolymus L), Canh ki na (Cinchona Sp), thông đỏ (Taxus chinensis (Pilg) rehd), nấm linh chi (Ganoderma lucidum), lan gấm (Anoechilus Rox burglihayata).

Các cây thuốc nước ngoài được di thực nghiên cứu trồng tại Lâm Đồng như: bạch chỉ (Angelia dahurica), bạch truật (Atractylodes macrocephala Koiz.), ba gạc hoa đỏ (Rauvolfia serpentina (h)), dương địa hoàng (Digitalis purpurea L.) dương cam cúc (Matricaria chamomill L.), cà úc (Solanum lacimiatum Ait.), địa hoàng (Rehmania glutinosa Gaertn), hà thủ ô đỏ (Polygonum multiflorum Thumb.), huyền sâm (Scrophularia ningpoensis), hoàng bá (Phellodendron amurense Rupr.), tục đoạn (Dipsacus aspes Wall), vân mộc hương (Sausurea Lappa Clarke), xuyên khung (Ligusticum Wallichii French.), tam thất (Panaxpseudo ginseng Wall.)...

Một số cây thuốc ở các tỉnh khác được đưa về trồng tại Lâm Đồng như hồi (Illicum verum Hook), quế (Cinna-momum Sp), sâm ngọc linh (Panax Vietnamensis Ha et Grushv.)...

Các cây thuốc được phân bố tại các địa phương trong tỉnh như: Đà Lạt, Lạc Dương: 471 loài; Bảo Lộc, Bảo Lâm: 455 loài; Đức Trọng, Lâm Hà: 439 loài; Di Linh: 372 loài; Đơn Dương: 366 loài; Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên: 315 loài.

Cây thuốc mọc tự nhiên chiếm 75%, cây trồng 25%; trong đó, cây thuốc làm cảnh 63 loại, cây thuốc thuộc cây ăn quả 4 loài, cây thuốc làm rau ăn 61 loài...

Các cây thuốc có công dụng chính theo nhóm chữa bệnh bao gồm: chữa cảm sốt, chữa lỵ, chữa giun sán, chữa ho hen, chữa đau dạ 

dày, chữa cao huyết áp, chữa bệnh tim, chữa bệnh tai mũi họng, chữa về bộ máy tiêu hóa, chữa phong thấp, chữa bệnh ngoài da, chữa bệnh gan mật, chữa mất ngủ, thuốc bồi dưỡng cơ thể...

Tại tỉnh Lâm Đồng, các động vật dùng làm thuốc có 43 loài. Trong đó, động vật sống trên cạn 37 loài, động vật sống dưới nước 6 loài, động vật hoang dã 38 loài, động vật nuôi 5 loài. Xếp theo nhóm chữa bệnh: các loại động vật dùng để chữa bệnh đau nhức 7 loài, chữa ho sốt 5 loài, chống tụ máu 2 loài, chữa hen suyễn 3 loài, bồi dưỡng cơ thể 12 loài, dùng ngoài 6 loài...

Canhkina đã chế biến

Các loại dược liệu có tại Lâm Đồng đã được nghiên cứu ứng dụng chữa bệnh tại các phòng chẩn trị y học cổ truyền, các bệnh viện và được các xí nghiệp dược phẩm sản xuất để lưu hành trên thị trường trong nước và ngoài nước.

Từ cây atisô dùng lá tươi nấu cao trong điều kiện áp suất giảm, nhiệt độ thấp để sản xuất ra cao mềm chế thành viên chophitol, cynaphitol, hoàn atisô, ống uống chữa các bệnh về gan mật, hạ cholesterol trong máu... Từ bông, thân, rễ atisô khô, sản xuất ra các loại trà uống thanh nhiệt, mát gan, an thần... Từ vỏ cây canhkina, dùng làm thuốc bổ đắng... Từ củ vân mộc hương, vỏ vàng đắng, sản xuất thành viên chữa bệnh đường ruột. Từ các loạùi tinh dầu, sản xuất ra các loại dầu xoa dùng ngoài chữa cảm sốt, xoa bóp trị các loại sâu bọ cắn... Các loại cây thuốc được di thực từ Trung Quốc đem trồng tại Đà Lạt đa số là thuốc đầu vị dùng trong các bài thuốc cổ truyền y học dân tộc...

So sánh với cả nước, Lâm Đồng là một tỉnh có nguồn dược liệu phong phú đa dạng, không những có các cây thuốc ở vùng nhiệt đới mà còn có cây thuốc ở vùng ôn đới. Đất đai Lâm Đồng rộng, thích hợp với nhiều loại cây thuốc do đó có thể tổ chức trồng trọt, chế biến tại chỗ. Tuy nhiên cần có kế hoạch khoanh vùng bảo vệ, tổ chức khai thác, thu mua hợp lý để cây thuốc tự nhiên được phát triển.

Bước sang thế kỷ XXI, hy vọng được nhiều nhà khoa học, nhà kinh tế trong nước và ngoài nước đầu tư hợp tác nghiên cứu, khai thác, trồng trọt, chế biến, tiêu thụ những cây thuốc có tại Lâm Đồng, nhằm biến vùng dược liệu phong phú này thành tiềm năng, hiện thực sản xuất được nhiều mặt hàng thuốc phòng và chữa bệnh để phục vụ cho nhân dân và xuất khẩu. 

DS. NGUYỄN THỌ BIÊN

Phó Giám đốc Sở  Y Tế  Lâm Đồng

| Trang trước  | Mục lục | Trang sau |

Sở khoa học, công nghệ & môi trường Lâm Đồng
Số 02 Hoàng Văn Thụ Đà Lạt; ĐT: 820352; Email: skcmld@hcm.vnn.vn