| Trang trước | Mục lục | Trang sau | |
|||
Năm 1986, diện tích gieo trồng của huyện Đạ Tẻh có khoảng 7.000 ha, năm 1996 tăng lên trên 10.000 ha, và hiện nay con số này là 11.400 ha. Trong đó, diện tích trồng lúa đạt 7.030 ha. Như vậy, diện tích gieo trồng của Đạ Tẻh đã đạt đến con số bình quân 1,2 ha/hộ. Trong những năm gần đây, nhờ phát triển hệ thống thuỷ lợi
nên diện tích lúa 3vụ của Đạ Tẻh đã được nâng lên một cách đáng kể. Tính đến nay, Đạ Tẻh có 1.550 ha lúa 3 vụ và 2.730 ha lúa 2 vụ. Cây lúa ở Đạ Tẻh chiếm giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong nền nông nghiệp của địa phương. Năng suất cây lúa đã tăng từ 15 tạ/ha năm 1986 lên 32,6 tạ/ha hiện nay. Tổng sản lượng lương thực quy thóc của huyện đạt 16.000 tấn/năm, sản lượng lương thực bình quân đầu người đạt trên 500 kg/năm. Đến năm 2000, tổng sản lượng lương thực đạt 25.000 tấn, bình quân lương thực đầu người 576 kg/năm. Các công trình thuỷ lợi ở đây, đặc biệt là hồ Đạ Tẻh (chính thức đưa vào sử dụng 1996) đã giúp cho cây lúa nước Đạ Tẻh phát triển và đã hình thành vùng chuyên canh lúa tương đối lớn. Từ nhiều năm qua, Đạ Tẻh chủ trương phát triển cây lúa theo hướng tập trung thâm canh cây lúa nước, đảm bảo an ninh lương thực cho địa bàn; đồng thời đẩy mạnh các nghiên cứu cơ bản về đất - phân, tích cực chuyển giao KHKT (trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề giống) và chú ý đến công nghệ sau thu hoạch. Về nghiên cứu cơ bản, thời gian gần đây, huyện đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu đất - phân thành phố HCM
tiến hành điều tra, đánh giá tài nguyên đất trên địa bàn huyện và đã đề xuất hướng sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên này. Về công tác chuyển giao KHKT, huyện đã đặc biệt quan tâm đến việc chuyển giao kỹ thuật thâm canh và chọn lọc những giống lúa tốt, cho năng suất cao, phù hợp với sinh thái của địa bàn, phù hợp với thị trường tiêu thụ, có khả năng kháng bệnh. Huyện cũng đã trích một phần kinh phí giao nhiệm vụ cho Phòng NN&PTNT phối hợp với Bộ môn Cây lương thực thuộc Viện KHNN miền Nam, Trường Đại học nông lâm T.P HCM, Viện lúa Ô Môn đưa nhiều giống lúa mới đã được Nhà nước cho phép khu vực hóa vào sản xuất thử tại địa bàn Đạ Tẻh. Kết quả là từ 1996 đến nay, Đạ Tẻh đã chọn được nhiều giống lúa mới đã qua khảo nghiệm để đưa vào trồng đại trà như VNĐ 95-20, VNĐ 95-19, OMCS 96, OMCS 98? (giống lúa nước thuần); TN 15 (giống lúa lai); LC 88-66, LC 88-67, LC 90-11, LC 90-12, LC 90-5 (lúa cạn). Hiện nay, Phòng NN&PTNT Đạ Tẻh đang phối hợp Sở NN&PTNT tỉnh và C.ty Giống cây trồng miền Nam tổ chức thực hiện một chương trình sản xuất lúa giống trong nhân dân với mục đích là cung cấp các loại giống tốt, giảm giá thành và đáp ứng nhu cầu về giống lúa cho nhân dân trong vùng. Việc sản xuất giống lúa này tuân thủ theo một quy trình nghiêm ngặt riêng.
Đáng chú ý là việc sử dụng giống nguyên chủng hoặc siêu nguyên chủng có sự theo dõi chặt chẽ về di truyền giống và sau thu hoạch. Đến nay, việc sử dụng các giống lúa mới qua chọn lọc ở Đạ Tẻh là khá phổ biến, diện tích chiếm khoảng 70% trong cơ cấu diện tích sử dụng các giống lúa. Việc sản xuất lúa giống, khảo nghiệm các giống lúa mới, đẩy mạnh công nghệ làm đất, nghiên cứu các loại phân bón phù hợp... nhằm mục đích đến năm 2005, năng suất bình quân của cây lúa Đạ Tẻh đạt 40-50 tạ/ha, tổng sản lượng lương thực đạt từ 28-30 ngàn tấn. Chương trình phòng trừ dịch hại tổng hợp trên cây lúa (gọi tắt là IPM) trong những năm gần đây đã giúp khá nhiều trong việc phát triển vùng lúa Đạ Tẻh. Theo số liệu của Phòng NN&PTNT, đã có trên 30 lớp IPM được tổ chức với trên 900 hộ nông dân tham gia, đã thành lập được 8 câu lạc bộ IPM, trong đó có 5 câu lạc bộ do tổ chức FAO tài trợ, thu hút khoảng 230 hội viên tham gia. Các câu lạc bộ này đã có nhiều hoạt động giúp nhau thực hiện những nội dung tập huấn, hình thành các mô hình hợp tác mới ở nông thôn, giúp nhau về vốn, về lúa giống... Các hộ nông dân ở Đạ Tẻh tính toán: Nếu không áp dụng IPM trên đồng ruộng thì mỗi ha lúa chỉ lãi 1 triệu đồng hoặc thấp hơn; còn nếu áp dụng IPM thì khoản tiền lãi sẽ lên đến 1.158.000 đồng/ha. Phát triển cây lúa là thế mạnh của huyện Đạ Tẻh. Nhưng để phá thế độc canh, trong những năm gần đây, huyện đã đưa vào sản xuất nông nghiệp nhiều loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao; trong đó, đáng chú ý là cây dâu tằm và cây tiêu. Hiện nay, toàn huyện có đến 332 ha dâu tằm và gần 100 ha cây tiêu. Việc phát triển cây lúa nói riêng và các loại cây trồng trong nông nghiệp nói chung ở Đạ Tẻh nhờ một phần rất lớn vào hệ thống thuỷ lợi. Trong các công trình này, đáng chú ý nhất là công trình thuỷ lợi hồ Đạ Tẻh. Hồ Đạ Tẻh có diện tích lưu vực 198 km2, dung tích mặt nước hữu ích là 19,19 triệu m3 với các công trình đầu mối, tràn xả lũ, hệ thống kênh chính, kênh cấp 1 và cấp 2 có chiều dài 18.116 m. Công trình có tổng trị giá gần 89 tỷ đồng này phục vụ tưới cho 2.300 ha đất nông nghiệp, trong đó chủ yếu là diện tích cây lúa. Chắc chắn trong tương lai, với việc xác định đúng hướng về phát triển KT-XH địa phương, vùng chuyên canh lúa sẽ tiếp tục đóng vai trò không nhỏ trong nền kinh tế và sẽ tiếp tục có những đóng góp hết sức quan trọng cho sự phát triển chung của huyện nhà, cũng như đảm bảo an ninh lương thực của địa phương Lâm Đồng. HOÀNG HIỂN Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh |
|||
| Trang trước | Mục lục | Trang sau | |
|||
Sở khoa học, công nghệ & môi trường Lâm
Đồng Số 02 Hoàng Văn Thụ Đà Lạt; ĐT: 820352; Email: skcmld@hcm.vnn.vn |