| Trang trước  | Mục lục | Trang sau |

heo tiêu chí mới (trang trại phải có diện tích trên 5 ha), đến ngày 1/7/2000, theo thống kê của phòng thống kê huyện, Lâm Hà có 213 trang trại (211 trang trại trồng cây lâu năm, 1 trang trại trồng cây lâm nghiệp và 1 trang trại nuôi trồng thủy sản). Các trang trại đang sử dụng 1275,3 ha đất nông nghiệp, 15 ha đất lâm nghiệp và 2 ha mặt nước; sử dụng 474 lao động của chủ trang trại, lao động thuê ngoài thường xuyên 331 người, thuê theo thời vụ 597 người. Tổng số vốn của 213 trang trại này được thống kê khoảng

50.207 triệu đồng, thu nhập hàng năm 11.463 triệu. Thống kê này cho thấy trang trại ở Lâm Hà chủ yếu là trang trại trồng cây công nghiệp dài ngày (cà phê, chè) hầu hết các trang trại không tổ chức chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các địa phương có nhiều trang trại là các xã Mê Linh, Hoài Đức và thị trấn Nam Ban, 2 xã không có kinh tế trang trại là Gia Lâm và Liêng Srôn.

Với tiềm năng đất đai, khí hậu..., Lâm Hà rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, cho kinh tế trang trại tiếp tục phát triển. Để thúc đẩy kinh tế trang trại, nhất là kinh tế trang trại gia đình phát triển nhanh, từ năm 1997 Huyện ủy và UBND huyện Lâm Hà đã đề ra các giải pháp trước mắt và lâu dài như sau: 

- Tiếp tục khuyến khích kinh tế hộ gia đình phát triển vì đây là tiền đề của kinh tế trang trại. Tạo điều kiện cho kinh tế trang trại phát triển, đồng thời công nhận kinh tế trang trại là một loại hình kinh tế trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với trình độ quản lý và kinh doanh hiện nay. 

- Đẩy nhanh tiến độ chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nông nghiệp - nông thôn.

 - Khuyến khích các mô hình trang trại nông lâm kết hợp, coi đây là mô hình quan trọng nhằm phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Hàng năm tổ chức hội nghị các trang trại làm ăn có hiệu quả để rút kinh nghiệm và nhân rộng. 

- Khuyến khích đảng viên làm kinh tế trang trại trên cơ sở hợp lý và chính đáng. Biểu dương các trang trại làm giàu chính đáng và có các hoạt động xã hội tốt, chấp hành pháp luật của Nhà nước, giải quyết tốt việc làm, hỗ trợ các gia đình nghèo, đói ở địa phương.

Thác Voi Lâm Hà

- Động viên và có chính sách khuyến khích các chủ trang trại liên kết hợp tác, tham gia xây dựng các hợp tác xã kiểu mới, tham gia liên kết kinh tế với các đơn vị kinh tế Nhà nước, kinh tế hợp tác. Thường xuyên cung cấp thông tin giá cả và thị trường trong, ngoài nước cho các chủ trang trại. 

- Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chỉ cấp giấy chứng nhận trong phạm vi hạn điền, phần vượt mức hạn điền giao cho chủ trang trại sử dụng nhưng với mức thuế có hệ số cao hơn mức thuế ở địa phương. 

- Có chính sách cho vay hỗ trợ vốn để kinh tế trang trại phát triển với lãi suất hợp lý từ nguồn vốn trung và dài hạn. Tạo điều kiện thuận lợi để nông dân chuyển đổi đất cho liền vùng để làm kinh tế trang trại. 

- Có chính sách hợp lý, hợp pháp khuyến khích hợp tác lao động, thuê mướn lao động. Lao động thường xuyên các chủ trang trại phải ký hợp đồng lao động và thực hiện các chế độ bảo hiểm như quy định của Luật Lao động. Đối với lao động theo thời vụ thì tùy vào thời điểm, tình hình địa phương để quy định mức thỏa thuận ngày công bảo đảm đời sống cho lao động làm thuê. 

Xác định kinh tế trang trại là động lực phát triển kinh tế nông nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động dư thừa ở nông thôn, các giải pháp này hiện nay đang được thực hiện đồng bộ và nhất quán ở Lâm Hà. 

TRẦN THANH PHƯƠNG

Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà

| Trang trước  | Mục lục | Trang sau |

Sở khoa học, công nghệ & môi trường Lâm Đồng
Số 02 Hoàng Văn Thụ Đà Lạt; ĐT: 820352; Email: skcmld@hcm.vnn.vn