| Trang trước  | Mục lục | Trang sau |

hắc đến cây rau ở Lâm Đồng, người ta thường nghĩ ngay đến Đà Lạt. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ở một số huyện khác xung quanh vùng chuyên canh rau Đà Lạt là Đức Trọng, Lạc Dương và Đơn Dương, loại cây trồng này đã "bén rễ" và dần trở thành một thế mạnh của địa phương. Và với riêng Đơn Dương, cây rau thương phẩm đã vươn lên có chỗ đứng vững chắc trong biểu đồ cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện.

Nếu năm 1992 diện tích cây rau của Đơn Dương chỉ có 760 ha, thì nay con số này đã tăng gần 10 lần - 7.510 ha (diện tích gieo trồng cả năm), đạt sản lượng từ 160.000 - 165.000 tấn/năm. Diện tích rau ở Đơn Dương tập trung ở thị trấn Thạnh Mỹ và các xã Ka Đô, Lạc Xuân, Lạc Lâm... Đây là những địa phương có sông Đa Nhim đi qua nên việc canh tác rau được chủ động nhờ nguồn nước tưới.

Nghề trồng rau ở Đơn Dương đã có từ lâu đời, dưới tác động của cơ chế thị trường, người nông dân đã biết kết hợp giữa kinh nghiệm truyền thống với khoa học kỹ thuật hiện đại trong canh tác, tạo nên sự đa dạng về chủng loại và phẩm cấp nên sản phẩm của họ làm ra có khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường khác nhau. Một thuận lợi nữa là,   địa bàn huyện Đơn Dương tương đối thuận lợi về mặt giao thông nên việc vận chuyển sản

Chăm sóc vụ hè thu ở xã Lạc Lâm - Đơn Dương

phẩm nông nghiệp nói chung và vận chuyển rau nói riêng không mấy khó khăn so với một số địa phương khác. Bên cạnh đó, có khá nhiều điểm thu mua nên người nông dân khi tiêu thụ rau không phải vận chuyển quá xa làm ảnh hưởng chất lượng của sản phẩm. Hiện nay, có trên 70 điểm thu mua sản phẩm rau các loại với khả năng thu mua rất lớn (chiếm khoảng 90% sản lượng toàn huyện), và toàn bộ các điểm thu mua này đều là của tư thương. Các tư thương thu mua rau ở Đơn Dương có cách làm khá linh hoạt: ứng trước nguồn vật tư cho nông dân với những tỷ lệ nhất định (có khi lên đến 100% giá trị vật tư) để khi đến mùa vụ thì thu mua sản phẩm theo giá cả thỏa thuận. Những tư thương này thường là các chủ vựa rau, họ thu mua tại chỗ rồi gửi thẳng đến nơi tiêu thụ nên tình trạng ép giá ít xảy ra. Còn về khó khăn, cũng giống như số phận của những người trồng rau trong tỉnh và trong cả nước, người trồng rau tại Đơn Dương vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào giá cả thị trường. Thêm vào đó, tuy nông dân Đơn Dương khá nhạy bén về giá cả nhưng điều kiện tiếp nhận thông tin của họ còn nhiều hạn chế nên sản phẩm rau Đơn Dương khó cạnh tranh vượt trội so với một số vùng khác. Nói cách khác, có một bộ phận không nhỏ nông dân Đơn Dương vì thiếu thông tin nên việc sản xuất mang tính may rủi nhiều hơn là chủ động. Ngoài ra, điều kiện chế biến rau của Lâm Đồng đã khó, điều kiện của Đơn Dương càng khó nên rau khi bị khủng hoảng thừa thì chỉ còn cách huỷ bỏ để làm phân.

Đối với vùng chuyên canh rau, người nông dân trong một năm không trồng tỉa duy nhất một loại rau mà sử dụng nhiều chủng loại khác nhau qua các vụ để hạn chế mức độ sâu bệnh hại cây trồng. Tuy nhiên, trong một vụ (một lứa rau) thì họ hầu như chỉ trồng duy nhất một loại rau. Tức là hình thức xen canh hầu như không được áp dụng. Sản phẩm rau của Đơn Dương chủ yếu là bán sản phẩm tươi chứ ít thông qua công nghệ chế biến. Hiện trên địa bàn huyện chỉ có 2 công ty nước ngoài có khả năng chế biến sản phẩm rau (chủ yếu xuất khẩu) là C.ty Thực phẩm Á Châu và C.ty   TNHH Đài Loan. Ngoài ra, cây rau Đơn Dương còn được một số cơ sở chế biến

khác đứng chân trên địa bàn huyện Đức Trọng và thành phố Đà Lạt lưu tâm đến. Tuy vậy, những cơ sở này chỉ tiêu thụ một phần rất nhỏ trong tổng sản lượng rau của Đơn Dương. Điều dễ nhận thấy là các cơ sở này chỉ thu mua rau một cách có chọn lọc, hoặc họ thuê đất của nông dân để trồng rau theo công nghệ của riêng mình. Vấn đề giống cây trồng cũng là điều đang gây bức xúc cho người nông dân ở đây. Trên thị trường hiện nay, các loại giống cây trồng nói chung và giống rau nói riêng rất đa dạng và không kém phần phức tạp. Trong khi đó, công tác quản lý của cơ quan hữu trách vẫn còn những bất cập. Mặc dầu Sở NN&PTT đã có quy chế quản lý giống cây trồng nhưng trong thực tế thì việc triển khai thực hiện vẫn còn những khúc mắc (vì chưa ban hành danh mục các loại cây giống được phép đưa vào sản xuất) nên hầu như người nông dân tự lựa chọn các loại giống theo cảm tính của mình. Tại Đơn Dương hiện có khoảng 23 cơ sở ươm giống rau và 63 hộ cung cấp giống rau cho nông dân. Đây là những địa chỉ để nhà vườn tìm đến, nhưng trong thực tế thì những chủ hộ ươm giống và mua bán giống rau này không nhận được sự hướng dẫn về kỹ thuật cũng như không nhận được sự khuyến cáo có tính chất khoa học. Còn các công ty cung ứng giống rau khi cung cấp giống cho nông dân ở Đơn Dương hầu như không thông qua cơ quan hữu trách trước khi đưa giống xuống các đại lý. Điều này gây khó khăn không ít cho các cơ quan chuyên môn trong việc quản lý giống về chất lượng, khả năng thích nghi? theo những quy định hiện hành.

Huyện Đơn Dương đưa ra định hướng về phát triển cây rau: Nắm bắt thông tin thị trường; tìm hiểu thời vụ, chủng loại ở các địa phương khác để có kế hoạch sản xuất các loại rau đặc sản đáp ứng được nhu cầu của thị trường, không trùng lặp, hạn chế tình trạng ế thừa. Nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng sản xuất rau an toàn. Phối hợp với các cơ sở chế biến rau để nâng cao giá trị hàng hóa. Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn và giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm rau an toàn nói riêng và sản phẩm rau nói chung.

Cây rau trong những năm gần đây đã thực sự là thế mạnh của huyện Đơn Dương. Nhiều hộ trồng rau ở địa phương này đã giàu lên nhờ cây rau. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều vùng rau khác trong tỉnh và trong cả nước, không ít nhà vườn ở Đơn Dương phải khốn đốn vì cây rau do giá cả thất thường. Với sự cạnh tranh gay gắt của thị trường hiện nay thì nhà vườn ở Đơn Dương nói riêng và cả tỉnh nói chung không thể độc diễn trên ruộng rau của mình được. 

THÁI ƠN

Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương

| Trang trước  | Mục lục | Trang sau |

Sở khoa học, công nghệ & môi trường Lâm Đồng
Số 02 Hoàng Văn Thụ Đà Lạt; ĐT: 820352; Email: skcmld@hcm.vnn.vn