| Trang trước  | Mục lục | Trang sau |

ây chè hiện diện trên đất B'Lao (Bảo Lộc) từ những năm 30 của thế kỷ 20. Năm 1994, huyện Bảo Lâm tách ra từ huyện Bảo Lộc cũ, từ đó trở thành vùng nguyên liệu chè lớn nhất tỉnh Lâm Đồng. Qua hơn 2/3 thế kỷ thăng trầm, cây chè vẫn là cây "sống đời" đối với nông dân Bảo Lâm. 

NHỮNG TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN CÂY CHÈ

Trung tâm huyện lỵ (thị trấn Lộc Thắng) Bảo Lâm cách thành phố Đà Lạt chừng 125km về hướng Bắc. Từ đây đi Bảo Lộc chỉ 25km; đi thành phố Hồ Chí Minh khoảng 200km. Khí hậu Bảo Lâm là khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới với độ ẩm không khí trên 80%; nhiệt độ trung bình từ 21oC-22oC; lượng mưa hàng năm từ 2.500 mm đến 3.000 mm... Đó là những điều kiện thuận lợi để mở rộng và phát triển vùng nguyên liệu chè. Với tổng diện

Thị trấn Lộc Thắng (Bảo Lâm)

tích tự nhiên 145.710 ha; đất nông nghiệp 43.942 ha, chiếm 31,1%, gồm 33.673 ha đất nông nghiệp đã sử dụng, 10.269 ha đất có khả năng nông nghiệp. Các nhà khoa học đã xác định ngoài hai nhóm đất chiếm tỷ lệ rất nhỏ là nhóm đất phù sa sông suối (trồng dâu, cây lương thực, thực phẩm, cây ăn quả) và nhóm đất dốc tụ dưới chân sườn đồi (trồng cây màu), hầu hết diện tích đất Bảo Lâm là nhóm đất Feralit nâu vàng và nâu đỏ trên các loại đá bazan, đa-xít và phiến thạch, rất thích hợp với cây công nghiệp dài ngày đặc biệt là cây chè. Hơn nữa, Bảo Lâm có tiềm năng lao động rất lớn gồm 42.267 người, trong đó 38.870 lao động nông nghiệp, chiếm gần 92%, gồm dân tộc bản địa, dân di cư , dân kinh tế ... Nhìn chung, người dân Bảo Lâm có tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, giàu kinh nghiệm, truyền thống, đồng thời tiếp cận nhanh nhạy khoa học - kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp. Với tiềm năng đất đai, khí hậu và con người như vậy, nhưng đến thời điểm năm 2000, diện tích cây chè Bảo Lâm chưa đến 9.000 ha, phần lớn là diện tích giống chè già cỗi, sản lượng mới hơn 38,7 ngàn tấn, nên đối với người nông dân vẫn chưa bứt ra hẳn tình trạng cố hữu: "lực bất tòng tâm"! 

NHƯNG CHƯA KHAI THÁC HẾT

Năm năm trở lại đây, diện tích chè Bảo Lâm biến động trên dưới 10 ngàn ha với sản lượng dưới 40 ngàn tấn/năm. Năm 1994 đến năm 1997, sản lượng chè tăng nhanh, từ 14.250 tấn đến 39.559 tấn, nhưng đến năm 1998, diện tích và sản lượng lại đột ngột thu hẹp vì giá thị trường chưa phù hợp với khả năng lao động bỏ ra. Nông dân thay thế cây chè bằng cách mở rộng diện tích cà phê. Hai năm trở lại đây, cây chè chỉ phát triển những bước dè dặt, không đáng kể (thay thế, trồng mới giống chè cành khoảng 200 ha). Trong khi đó, còn hơn 10 ngàn ha đất nông nghiệp chưa được đánh thức; và chỉ cần trồng mới từ 800-900 ha chè/năm (gồm diện tích thay thế và diện tích trồng trên đất mới) thì đến năm 2010, sản lượng chè Bảo Lâm sẽ đạt 105 ngàn tấn, chiếm khoảng 1/4 sản phẩm chè dự kiến xuất khẩu trong cả nước...

Như vậy, vùng đất Bảo Lâm đang còn những khả năng tiềm tàng chưa khai thác hết để nâng thế đứng bền vững của cây chè. ở đây có thể đúc kết từ "4 cái thiếu": thiếu vốn đầu tư, thiếu kỹ thuật canh tác, thiếu hệ thống thủy lợi và thiếu thị trường tiêu thụ. Thực tế hàng năm ở Bảo Lâm, các chương trình dự án điểm, dự án định

Trà giống Đài Loan ở Lộc An (Bảo Lâm). Ảnh : VTB

canh, định cư; ngân hàngnông nghiệp qua chương trình phục vụ người nghèo, tín dụng... đã đầu tư hàng tỷ đồng, nhưng chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu vốn rất lớn của nông dân. Bởi 1 ha chè cành thời gian trồng mới và chăm sóc sau 4 năm mới thu hoạch, tổng chi phí lên đến 50 triệu đồng. Vả lại, cây chè hàng năm phải hái lá từ 25 lứa đến 30 lứa, nên rất cần nước tưới, giữ độ ẩm, song, "hạ tầng thủy lợi" ở Bảo Lâm năng lực tưới tiêu còn hạn chế. Chẳng hạn: hồ Tân Rai công suất thiết kế 140 ha, trước đây xây dựng để cung cấp nước cho sản xuất cây lương thực, nay nông dân dùng máy bơm nước tưới chè và cà phê. Còn hồ Lộc An, công suất thiết kế 240 ha, chỉ tưới được 200 ha cây công nghiệp; đập dâng Lộc Lâm chủ yếu dùng phát điện công suất 160 KW. Nông dân tự xây dựng 100 ha ao hồ (công trình thủy lợi nhỏ) cũng mới dừng lại ở năng lực tưới tiêu chừng 100 ha. Chưa kể giao thông đi lại vào mùa mưa còn cách trở. Nhiều xã vùng sâu, vùng xa như Lộc Tân, Lộc Bắc, Lộc Bảo cách xa nhà máy hơn 30 km, ảnh hưởng lớn đến việc vận chuyển nguyên liệu chè búp tươi và vật tư phục vụ cho sản xuất.

Trở lại diện tích chè Bảo Lâm, hiện tại phần lớn là diện tích chè già cỗi (trồng bằng hạt), năng suất từ 40-45 tạ/ha. Ngược lại, các giống chè đạt năng suất và chất lượng cao, rất hợp thổ nhưỡng Bảo Lâm như TB14, PH1, Shan chính quy; hoặc các giống chè nhập nội như Ô-long, Yabukita, năng suất từ 65-84 tạ/1 ha, nhưng nông dân không những "đói vốn" mà còn thiếu nhiều thông tin khoa học kỹ thuật canh tác để phát triển đại trà. Thêm vào đó, với khoảng 50-60% sản phẩm chè búp tươi "gắn" với nhà máy chế biến; còn lại nông dân tự xoay xở đầu ra bấp bênh, khiến cho họ chưa thực sự mạnh dạn tìm kiếm vốn vay bên ngoài để thay thế, mở rộng các loại giống chè cành...

Những năm qua, nhờ những hành lang pháp lý thông thoáng trên lĩnh vực đầu tư, đặc biệt là đầu tư trong nước, trên địa bàn Bảo Lâm có 14 doanh nghiệp Nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn và doanh nghiệp tư nhân thì có 5 đơn vị đầu tư trên lĩnh vực sản xuất, chế biến chè trên phạm vi diện tích khoảng 1.700 ha. Dù đã nhiều lần thay thế thiết bị công nghệ, nhưng nhìn chung vẫn còn lạc hậu so với công nghệ tiên tiến trên thế giới từ 20 đến 30 năm; năng lực chế biến giới hạn mỗi nhà máy từ 8 tấn đến 40 tấn búp tươi mỗi ngày. Mặt khác, việc chế biến chè thủ công với cả chục cơ sở hiện có, công suất mỗi xưởng từ 2 đến 4 tấn tươi/ngày mà thời gian hoạt động chỉ dao động từ 150 đến 200 ngày trong năm. Ngoài ra, Bảo Lâm đã xây dựng, củng cố 1 hợp tác xã nông nghiệp, 341 trang trại và 124 tổ hợp tác, chi hội làm vườn... mà cuộc tìm kiếm thị trường tiêu thụ nguyên liệu chè ổn định ở khu vực kinh tế này đang ở giai đoạn thử sức vô cùng nghiệt ngã, gian nan. Do vậy, nhìn tổng thể mà nói, cây chè Bảo Lâm vẫn mất cân đối nghiêm trọng giữa tiềm năng, năng lực sản xuất và năng lực chế biến tại chỗ, nên chưa tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển một cách tương xứng hơn.

ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH VÙNG NGUYÊN LIỆU CHÈ TRONG 10 NĂM TỚI

Định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010 đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ 6, có đoạn: "Phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trọng tâm là phát triển vùng nguyên liệu gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến và sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông

  lâm sản". Theo đó, mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu chè Bảo Lâm 10 năm tới phải theo hướng tập trung chuyên môn hóa, tiến hành đồng thời việc cải tạo, trồng mới giống chè cành. Hàng năm, huyện sẽ trích kinh phí tỷ lệ 2% tổng thu ngân sách  cho mục tiêu này và đề nghị Sở NN-PTNT Lâm Đồng hỗ trợ từ 1 đến 2 triệu chè cành giống/năm. Gấp rút cắm mốc xác định ranh giới nông - lâm, làm cơ sở tạo ra hướng phát triển chiến lược, tiến đến một nền nông nghiệp bền vững, trong đó sản phẩm chè đích thực là hàng hóa có giá trị nội tiêu và xuất khẩu ổn định lâu dài.

Về phía huyện Bảo Lâm, sẽ tranh thủ, phát huy mọi nguồn vốn bên trong và bên ngoài; xây dựng từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông, thủy lợi (thủy lợi gồm những hồ chứa nước vừa và nhỏ), tạo thuận tiện cho sản xuất và lưu thông hàng hóa. Muốn vậy,  việc điều hành vĩ mô của Nhà nước cũng phải thay đổi,  những cơ chế chính sách mới về quỹ bảo hiểm nông nghiệp, khuyến nông đều phải coi trọng; điều tiết hợp lý thuế sử dụng đất nông nghiệp, cùng các chính sách khác về miền núi - dân tộc, xã hội -nông thôn, vay vốn rộng rãi đến nông dân, đầu tư vốn dài hạn cho các doanh nghiệp Nhà nước... từ đó thiết lập nên môi trường sản xuất - tiêu thụ sản phẩm chè vận hành đồng bộ, đi lên...

Với những định hướng đó, huyện Bảo Lâm sẵn lòng chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đây khai thác thế mạnh cây chè đang còn tiềm tàng;  làm giàu cho nhà đầu tư và đóng góp cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở Lâm Đồng.

PHẠM QUANG TƯỜNG

Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm

| Trang trước  | Mục lục | Trang sau |

Sở khoa học, công nghệ & môi trường Lâm Đồng
Số 02 Hoàng Văn Thụ Đà Lạt; ĐT: 820352; Email: skcmld@hcm.vnn.vn