| Trang trước | Mục lục | Trang sau | |
|||
Từ tiềm năng thế mạnh, Đảng bộ Đạ Huoai xác định cơ cấu kinh tế chung thời kỳ 1986-2005 là: nông - lâm - công nghiệp - dịch vụ. Được thực tiễn kiểm định, cơ cấu kinh tế ấy đã, đang hình thành rõ nét và phát huy
tác dụng.
Nhìn tổng thể về thế mạnh nông nghiệp của huyện, ngoài cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả các loại: sầu riêng, mít tố nữ, chôm chôm... có một vị trí quan trọng trong cơ cấu cây trồng, với diện tích 1.460 ha, chiếm tỉ trọng 17% diện tích gieo trồng, được phân bố tập trung chủ yếu dọc theo Quốc lộ 20 thuộc địa bàn thị trấn Đạm Ri, xã Hà Lâm và xã Đạm Ri. Không phải trong thời gian gần đây, khi nền kinh tế hàng hóa mở thì cây ăn trái ở Đạ Huoai mới phát triển, mà ngay từ trước 1945 người Pháp đã nhận ra ưu thế về cây ăn trái Đạ Huoai và đã lập đồn điền như: đồn điền Anh Tú, vườn cây Nam Nhi với chất lượng trái cây mang đậm hương vị đặc trưng của tiểu vùng khí hậu mà chỉ Đạ Huoai mới có. Với diện tích cho thu hoạch gần 800 ha, sản lượng trái cây Đạ Huoai hàng năm bán ra thị trường xấp xỉ 7.000 tấn. Dù giá cả tăng, giảm theo quy luật cung cầu của thị trường, song một điều có thể khẳng định là: đã giải quyết việc làm cho một lực lượng lao động đáng kể, thu nhập của người nông dân trồng cây ăn trái tương đối ổn định, và chiếm tỉ trọng đáng kể về giá trị sản xuất (43,13%) trong cơ cấu ngành. Vì vậy, hàng năm diện tích cây ăn trái của Đạ Huoai vẫn tiếp tục tăng trưởng. Và chủ trương chung của huyện là tập trung đầu tư thâm canh diện tích cây ăn trái các loại hiện có nhằm nâng cao năng suất và chất lượng thương phẩm, mở rộng diện tích trên các vùng đất thích hợp, phấn đấu đến năm 2005 toàn huyện có 1.700 ha, trở thành thế mạnh thứ 2 trong sản xuất nông nghiệp, sau cây điều. Tuy nhiên, cây ăn trái ở Đạ Huoai đã và đang đối mặt với những khó khăn nhất định. Những năm qua, người trồng cây chưa chú trọng đến công tác cải tạo đất và mạnh dạn thay giống mới để vừa tăng năng suất, sản lượng, vừa tăng chất lượng trái cây đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Về tiêu thụ sản phẩm, lâu nay chủ yếu
bán cho khách vãng lai qua lại trên Quốc lộ 20,thông qua các quán của từng chủ vườn hoặc hộ buôn bán nhỏ được dựng vội bên lề đường khi vào vụ thu hoạch. Chỉ có một khối lượng nhỏ cây ăn trái vượt qua đèo Bảo Lộc đến thị trường Đức Trọng, Lâm Hà và Đà Lạt... Cách tiêu thụ thụ động này đã gây không ít phiền hà và thiệt thòi đối với người sản xuất và khách hàng. Để biến các tiềm năng về cây ăn trái trở thành thế mạnh thứ hai trong sản xuất nông nghiệp của huyện, đảm bảo thu nhập, đời sống cho bà con nông dân trồng cây ăn trái, cần thực hiện các giải pháp cơ bản như nâng cao năng suất, chất lượng trái cây và chủ động tìm kiếm tạo ra và mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định gắn với tiềm năng du lịch sinh thái của Đạ Huoai nói riêng và của Lâm Đồng nói chung. Để thực hiện hướng đi này, cần phải: Một là, vận động thành lập các hợp tác xã hoặc tổ hợp tác chuyên về cây ăn trái gắn với các Hội làm vườn để đảm nhận dịch vụ đầu vào: vật tư, giống, phân bón, phòng chống sâu bệnh, kinh nghiệm, kỹ thuật làm vườn... và đầu ra là thu mua, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Về lâu dài, nghiên cứu để kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến trái cây tại huyện. Hai là, khuyến khích nông dân mạnh dạn đầu tư thâm canh và cải tạo giống để nâng cao năng suất và chất lượng trái cây với phương châm cải tạo từng bước, tiến tới thay thế hoàn toàn giống mới đủ tiêu chuẩn, đối với diện tích mở rộng trồng 100% giống mới. Mặt khác, giữ lại và nhân các giống cây có chất lượng cao đã thích nghi với khí hậu và thời tiết Đạ Huoai. Ba là, kêu gọi các cá nhân và tổ chức khoa học kỹ thuật hợp tác nghiên cứu và đầu tư đổi mới từng loại cây ăn trái phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của vùng. Khuyến khích thành lập các trang trại sản xuất nông - lâm kết hợp theo mô hình vườn đồi, vườn rừng. Mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như tác động cho cây ra hoa kết trái theo ý muốn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tạo ra sản phẩm trái cây đa dạng bốn mùa phục vụ cho nhu cầu của khách hàng nói chung và khách du lịch nói riêng. Bốn là, gắn việc phát triển vùng cây ăn trái với dịch vụ du lịch miệt vườn, du lịch sinh thái huyện. Đạ Huoai có ưu thế là nằm ở giữa tuyến đường du lịch Đà Lạt - thành phố Hồ Chí Minh, nếu xây dựng được các khu du lịch hấp dẫn thì chắc chắn Đạ Huoai sẽ là điểm dừng chân lý tưởng trong lộ trình của khách, vừa tham qua
thắng cảnh, vừa thưởng ngoạn hương vị ngọt ngào của trái cây sau một chặng đường dài là điều vô cùng thú vị đối với du khách và đem lại lợi ích cho các nhà vườn trồng cây ăn trái, tạo thêm cơ hội phát triển vô cùng quý giá đối với một huyện đang nghèo như Đạ Huoai.
Có thể nói, thực hiện được những vấn đề trên là điều không dễ dàng chút nào, nếu không muốn nói là cần phải vượt qua nhiều khó khăn thách thức. Quan trọng nhất là cần có một chủ trương, quyết sách đủ mạnh, có cơ chế thoáng
và có quyết tâm cao của mọi cấp, mọi ngành cho đến từng người dân thì mới có thể thực hiện được. Chúng tôi tin chắc rằng, không xa nữa Đạ Hoai sẽ thực hiện được ước mơ của mình, vì sự đồng tình của nhân dân, sự giúp
đỡ của cấp trên và những điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tìm đến. PHAN THANH LAI Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai |
|||
| Trang trước | Mục lục | Trang sau | |
|||
Sở khoa học, công nghệ & môi trường Lâm
Đồng Số 02 Hoàng Văn Thụ Đà Lạt; ĐT: 820352; Email: skcmld@hcm.vnn.vn |