| Trang trước | Mục lục | Trang sau | |
|||||
Toàn ngành công nghiệp Lâm Đồng hiện có 20 doanh nghiệp quốc doanh, 49 doanh nghiệp tư nhân, trách nhiệm hữu hạn, và hơn 6.000 cơ sở sản xuất theo Nghị định 66/HĐBT, hàng năm tạo ra giá trị sản lượng hơn 900 tỉ đồng
(GCĐ 1994). Có nhiều nguyên nhân làm cho ngành công nghiệp Lâm Đồng các năm qua chưa phát triển đúng mức, như: Vùng nguyên liệu đang phát triển chưa đảm bảo yêu cầu tập trung, có năng suất, chất lượng cao và ổn định; thiếu mối quan hệ gắn bó giữa nông nghiệp và công nghiệp; thiết bị, công nghệ chậm đổi mới. Công tác điều tra cơ bản thiếu vững chắc, chưa tập trung đầu tư xây dựng các dự án khai thác, chế biến khả thi. Sức mua tại chỗ thấp, xa trung tâm tiêu thụ, xa cảng biển, phát triển thị trường khó khăn, hạ tầng cơ sở chậm phát triển, nhất là giao thông. Cơ chế chính sách về đầu tư, về vốn và lãi suất chưa thật hấp dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Thiếu nguồn nhân lực có chất lượng, nhất là chuyên gia quản lý, chuyên gia kỹ thuật, nghệ nhân, công nhân bậc cao. Chưa quy hoạch được mạng lưới công nghiệp chi tiết trên địa bàn. Để phát huy những thành tựu, công trình đã được đầu tư trong thời gian qua, tranh thủ những thời cơ vận hội mới, từ nay đến 2010, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Lâm Đồng cần tập trung khai
thác tối đa lợi thế so sánh để sản xuất các sản phẩm, hàng hóa có tính cạnh tranh cao, phát triển các ngành sản xuất phù hợp với điều kiện đặc thù, hướng đến thị trường trong nước và xuất khẩu. Cần nghiên cứu để liên kết với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ để phân công sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào một số công trình có quy mô khá như khai thác, chế biến bauxít, kaolin, bột giấy và giấy; chú trọng đầu tư chế biến nông, lâm sản quy mô vừa và nhỏ ở các ngành hàng cà phê, chè, dâu tằm tơ, điều, rau, quả, thực phẩm. Phát triển thủy điện nhỏ và vừa từ 200 KW đến 40 MW ở những vùng xa, có nguồn nước; mở rộng hơn nữa mạng lưới cơ khí phục vụ nông nghiệp và nông thôn. Tạo điều kiện mở mang các làng nghề thủ công, kinh tế hợp tác trong ngành, đồng thời coi trọng phát triển kinh tế hộ gia đình trong bảo quản, sơ chế nông sản, làm hàng gia công. Phấn đấu nâng tỉ trọng ngành công nghiệp chiếm khoảng 25% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Sau đây là một số hướng và lĩnh vực đầu tư công nghiệp có triển vọng thực hiện từ nay đến 2010: 1. Đầu tư sản xuất bột giấy và giấy in các loại - chủ yếu in báo, qui mô 50-100 ngàn tấn/năm. 2. Đầu tư chế biến cà phê rang, xay hoặc cà phê hòa tan tại các huyện Bảo Lộc, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh; công suất mỗi nhà máy 10.000 tấn/năm.
3. Đầu tư chế biến chè tại Bảo Lâm, Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà; nâng tổng công suất chế biến từ 16.000 tấn hiện nay lên 30.000 tấn/năm, kết hợp đầu tư cải tạo giống. 4. Đầu tư chế biến rau tại Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng; tổng công suất chế biến 50.000 tấn/năm, kết hợp chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, giống mới. 5. Đầu tư chế biến kaolin nguyên liệu công suất 50-100 ngàn tấn/năm. 6. Đầu tư sản xuất oxít nhôm từ bauxít tại Di Linh quy mô 10.000 tấn/năm. 7. Đầu tư nhà máy thủy điện vừa, nhỏ tại Đa Dâng - Lâm Hà (16 MW), Lộc Thành - Bảo Lâm (20 MW), Quảng Hiệp - Đức Trọng (500 KW)... 8. Đầu tư các xí nghiệp sản xuất gạch, ngói qui mô 10-20 triệu viên/năm tại Đạ Tẻh, Đơn Dương, Đức Trọng, Bảo Lộc... 9. Đầu tư nhà máy may - thêu xuất khẩu 500.000 sản phẩm/năm tại Bảo Lộc. 10. Đầu tư nhà máy gia công giày da xuất khẩu 1 triệu đôi/năm tại Bảo Lộc. 11. Đầu tư nhà máy chuội vải lụa 2 triệu mét/năm, nhuộm 1,5 triệu mét/năm, in hoa 1,5 triệu mét/năm tại Bảo Lộc. 12. Đầu tư thiết bị dệt kim 1,5 triệu mét vải tơ tằm/năm tại Bảo Lộc. 13. Đầu tư nhà máy kéo sợi Spulsilk 150 tấn sợi/năm tại Bảo Lộc. 14. Đầu tư nhà máy sản xuất sứ cách điện trung, cao thế 3000 tấn/năm tại Đức Trọng. Những hướng đầu tư trên có cơ sở từ nhu cầu phát triển thị trường các năm tới, dựa trên lợi thế chủ yếu về nguồn nguyên liệu sẵn có, lực lượng lao động, các nguồn đất đai đã được quy hoạch trong các cụm công nghiệp tại địa phương. Trân trọng giới thiệu để các nhà đầu tư quan tâm trao đổi, xúc tiến dự án..
NGUYỄN VĂN KHIÊM Giám đốc Sở Công nghiệp Lâm Đồng |
|||||
| Trang trước | Mục lục | Trang sau | |
|||||
Sở khoa học, công nghệ & môi trường Lâm
Đồng Số 02 Hoàng Văn Thụ Đà Lạt; ĐT: 820352; Email: skcmld@hcm.vnn.vn |