| Trang trước | Mục lục | Trang sau | |
|
Trong điều kiện hiện nay còn nhiều khó khăn, nhất là cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa ổn định do biến động của thị trường và công tác quy hoạch chưa làm tốt, chính sách và biện pháp phát triển kinh tế, nhất là phát triển nông nghiệp, chưa thông thoáng, chưa đồng bộ... song ở Lâm Đồng đã có tới 74,3% trang trại có quy mô thu nhập 1 năm từ 30 đến 50 triệu đồng, 22,4% trang trại có quy mô thu nhập từ trên 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng và khoảng 3% trang trại có thu nhập trên 100 triệu đến trên 200 triệu đồng với tỷ suất hàng hóa bình quân của các trang trại đạt 97% cao hơn mức bình quân chung toàn quốc (86,74%). Có thể nói, ở Lâm Đồng, tất cả các huyện, thị, thành đều có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế trang trại, dù là nơi có nhiều đất canh tác như Di Linh, Bảo Lâm, Lâm Hà hoặc là nơi ít đất canh tác như ở Đức Trọng, Đơn Dương, thậm chí rất ít đất canh tác như ở Đà Lạt. Vấn đề cơ bản để đảm bảo trang trại phát triển bền vững và có hiệu quả là phải chọn được cơ cấu cây - con phù hợp với từng vùng sinh thái và đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường; được đầu tư đồng bộ và đúng mức; đặc biệt chủ trang trại vừa phải có quyết tâm, lòng say mê, vừa phải có hiểu biết về kỹ thuật và quản lý. Sự phát triển nhanh và có hiệu quả của kinh tế trang trại đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển tương đối nhanh và bền vững của nền kinh tế Lâm Đồng, đặc biệt là trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn Lâm Đồng. Tuy chỉ chiếm 3,06% số hộ làm nông nghiệp với diện tích chỉ bằng 7,84% diện tích nông nghiệp toàn tỉnh nhưng giá trị thu nhập của các trang trại ở Lâm Đồng đã chiếm tới 13,8% giá trị GDP của toàn ngành nông nghiệp với 99% sản phẩm dành cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Nói chung, hiệu quả sản xuất kinh doanh trên 1 ha đất canh tác của các trang trại cao gấp 1,76 lần so với kinh tế hộ và các hình thức tổ chức sản xuất khác trong nông nghiệp, góp phần khai thác có hiệu quả nhiều vùng đất trống, đồi núi trọc, vùng sâu, vùng xa, góp phần hình thành nhanh và vững chắc các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây đặc sản tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp chế biến phát triển. Kinh tế trang trại phát triển cũng tạo điều kiện huy động nguồn lực sẵn có trong dân, trước hết là vốn đầu tư cho phát triển sản xuất. Ước tính đã có gần 700 tỷ đồng đầu tư cho trang trại, trong đó gần 93% là nguồn vốn trong dân, chỉ có 7,4% là nguồn vốn tín dụng của ngân hàng. Trang trại phát triển cũng đã tạo thêm nhiều việc làm, góp phần giải quyết lao động thiếu việc làm ở cả thành thị và nông thôn từng bước nâng cao dân trí và cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhiều cộng đồng dân cư, nhất là vùng đồng bào đân tộc, vùng kinh tế mới. Hàng năm, các trang trại ở Lâm Đồng đã giải quyết được trên 10.200 lao động thường xuyên, gồm 8.640 lao động trong gia đình và 1.584 lao động kỹ thuật bên ngoài với mức lương bình quân 500 - 700 ngàn đồng/tháng; ngoài ra còn thuê thêm l,2 - l,5 triệu ngày công thời vụ với giá trị ngày công từ 20- 30 ngàn đồng. Có thể nói, trang trại phát triển đã góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ văn hóa và tay nghề cho bà con nông dân, từng bước rút ngắn khoảng cách về thu nhập và trình độ nhận thức giữa nông thôn và thành phố. Hơn thế, mô hình trang trại đã tự khẳng định là hình thức tổ chức sản xuất và quản lý rất quan trọng, có thể coi là bước đột phá để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở Lâm Đồng.
Lâm Đồng đang tập trung củng cố và phát triển trang trại mạnh hơn nữa theo hướng : Tăng cường đầu tư vốn, tiến bộ kỹ thuật, trình độ quản lý để hơn 5.000 hộ gia đình đã có đủ quy mô về mặt diện tích canh tác nhưng chưa đạt tiêu chuẩn về thu nhập của trang trại thực sự trở thành trang trại có giá trị và tỷ suất hàng hóa cao, quy mô phù hợp, cơ cấu cây con hợp lý. Khuyến khích các tổ chức và cá nhân nhận giao hoặc thuê các diện tích đất trống, đồi núi trọc để lập các trang trại, ưu tiên cho các trang trại trồng và kinh doanh rừng nguyên liệu, kết hợp kinh doanh rừng với kinh doanh du lịch. Tổ chức sắp xếp lại vùng nguyên liệu cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả và rau hoa theo hướng lấy trang trại gia đình làm đơn vị sản xuất kinh doanh tự chủ, đồng thời phát triển kinh tế quốc doanh, kinh tế hợp tác làm dịch vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến và hoạt động thương mại để hỗ trợ trang trại gia đình, trang trại của hộ nông trường viên, hộ xã viên hợp tác xã phát triển hiệu quả và bền vững. Bên cạnh chính sách mà Trung ương đã ban hành, Lâm Đồng cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể, hỗ trợ tích cực để trang trại phát triển như quy hoạch quỹ đất sẽ dành cho trang trại, hỗ trợ vốn cho các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nhất là đường, điện, thủy lợi, quy hoạch ổn định các cụm dân cư, hạn chế tối đa các tranh chấp đất đai đối với các trang trại... NGUYỄN VĂN MÃO |
|
| Trang trước | Mục lục | Trang sau | |
|
Sở khoa học, công nghệ & môi trường Lâm
Đồng Số 02 Hoàng Văn Thụ Đà Lạt; ĐT: 820352; Email: skcmld@hcm.vnn.vn |