| Trang trước  | Mục lục | Trang sau |

ô thị hoá là quá trình mở rộng các điểm dân cư đô thị và phổ cập lối sống thành thị trên lãnh thổ. Quá trình đô thị hóa tiến triển phức tạp, lâu dài và chịu tác động bởi nhiều nhân tố, theo các quy luật khách quan riêng. Những quy luật cơ bản của đô thị hóa gồm: quy luật có tính giai đoạn; quy luật các thành phố lớn tăng trưởng trước và quy luật đô thị hóa và phát triển kinh tế thúc đẩy lẫn nhau. Đô thị hóa còn là quá trình chuyển hóa văn minh đô thị và hoạt động công nghiệp từ đô thị ra nông thôn, tạo điều kiện để tạo việc làm và thu nhập cho các khu vực dân cư nông thôn, cải thiện điều kiện hạ tầng, thúc đẩy quá trình đô thị hóa nông thôn. Đô thị hóa tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế và tạo ra các cơ hội đầu tư.

Từ năm 1986, sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI và Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ IV, công cuộc đổi mới đã tạo ra những tiền đề quan trọng cho việc phát triển các đô thị tại Lâm Đồng. Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 01-4-1999 của Lâm Đồng, dân số tại các đô thị (khu vực thành thị) đã có 385.199 người chiếm 38,7% trên tổng dân số toàn tỉnh (996.219 người). Cơ cấu dân số giữa thành thị và nông thôn đã thay đổi theo hướng mở rộng khu vực thành thị, và thu hẹp khu vực nông thôn. Mạng lưới đô thị của tỉnh đã phát triển mở rộng với 13 đô thị, trong đó có 1 thành phố loại 2 (Đà Lạt), 1 thị xã (Bảo Lộc - đô thị loại 4) và 8 đô thị là thị trấn huyện lỵ và 3 thị trấn có ý nghĩa như là các "trung tâm dân cư". Dưới nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, phải khẳng định kinh tế khu vực các đô thị đã có mức tăng trưởng đáng kể, thu ngân sách từ đô thị chiếm tỉ trọng khá lớn. Mức thu nhập tính theo đầu người tại các đô thị lớn trong tỉnh trên 400USD/năm. Trong các đô thị, kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội bước đầu đã được cải thiện, bộ mặt kiến trúc, đường phố đã có những thay đổi rõ nét, nhiều công trình, đường phố mới đã được xây dựng theo quy hoạch, nhất là tại thành phố Đà Lạt và thị xã Bảo Lộc, đưa khối lượng đầu tư xây dựng mỗi năm tăng gấp nhiều lần so với các năm trước.

Công tác quản lý đô thị trong những năm gần đây đã có những chuyển biến tích cực, nhận thức về đô thị và quản lý đô thị trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước đã từng bước nâng cao. Pháp luật và quy hoạch đô thị đã trở thành công cụ quan trọng để phục vụ công tác quản lý và phát triển đô thị. Việc phát triển các đô thị từ hình thức riêng lẻ, manh mún, tự phát đang được chuyển dần sang hình thức xây dựng tập trung và theo dự án bước đầu đã thu được một số kết quả khả quan, đặc biệt là các chương trình phát triển nhà ở tại thành phố Đà Lạt và thị xã Bảo Lộc. Nhiều biện pháp cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực của bộ máy quản lý đô thị đã góp phần lập lại trật tự kỷ cương trong quản lý Nhà nước. Những tồn tại lịch sử về nhà, đất trong đô thị đã và đang được giải quyết. Giá trị đất của các đô thị đã bước đầu được khai thác và sử dụng, tạo nguồn lực để phát triển đô thị.

Sau gần 15 năm đổi mới, các đô thị ở Lâm Đồng đã có những bước phát triển khá quan trọng và đây là tiền đề để thúc đẩy quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa thì phải xây dựng hoàn chỉnh; ổn định hệ thống các đô thị trong tỉnh (các đô thị và các khu dân cư nông thôn) có cơ sở kinh tế - xã hội vững chắc, kết cấu hạ tầng hiện đại, môi trường đô thị trong sạch, được phân bố và phát triển hợp lý trên toàn địa bàn tỉnh, bảo đảm cho mỗi đô thị theo vị trí, chức năng của mình phát triển ổn định, cân bằng, bền vững và lâu dài. Phát triển và phân bố hợp lý các đô thị trên toàn địa bàn, kết hợp chặt chẽ quá trình đô thị hóa nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Trên địa bàn tỉnh, cần dành nguồn lực thích đáng cho việc đầu tư nâng cấp phát triển các đô thị nhỏ (thị trấn, thị tứ) để giữ được vai trò đầu tàu hoặc làm nhiệm vụ trung tâm tăng trưởng cấp huyện, của một xã, hay của một cụm xã làm điểm tựa thúc đẩy quá trình đô thị hóa. Và từ nay đến năm 2020, việc xây dựng - cải tạo cũng như việc hình thành mới các đô thị của tỉnh phải theo sát được các định hướng, các chỉ tiêu phát triển về qui hoạch tổng thể các đô thị Việt Nam, định hướng về cấp thoát nước các đô thị mà Chính Phủ đã ban hành.

Tóm lại, các đô thị là trung tâm văn hóa, đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư và là biểu tượng của truyền thống dân tộc. Nhu cầu đầu tư xây dựng là rất lớn, việc xây dựng mới, cải tạo phải phù hợp với quy hoạch, quy chế quản lý đô thị, giữ gìn được vẻ đẹp hài hòa của các đô thị cao nguyên và bảo vệ được môi trường cảnh quan. Đồng thời, luôn coi trọng phát triển kinh tế hiện đại, xây dựng nền kiến trúc đô thị mới với mục tiêu là phục vụ cho con người và toàn xã hội, tạo nên bộ mặt và hình ảnh đô thị đặc sắc văn minh. Tiếp tục đánh giá, phân loại, xếp hạng và công nhận các công trình di tích lịch sử, các di sản văn hóa, các công trình kiến trúc có giá trị và tiếp tục có các chính sách để bảo vệ, tôn tạo, nâng cấp và khai thác sử dụng có hiệu quả. Trong xây dựng mới, phải gắn bó hữu cơ với thiên nhiên và khung cảnh kiến trúc văn hóa truyền thống tạo nên vẻ đẹp hài hòa của tổng thể và cảnh quan đô thị. Từng bước cần có biện pháp khuyến khích sự đóng góp trí tuệ của các kiến trúc sư tài năng, nâng cao dân trí và sự tham gia tích cực của toàn dân vì nền văn hóa kiến trúc mới, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đô thị hóa nhằm phát triển mạng lưới đô thị hoàn chỉnh phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh, đồng thời mở ra những cơ hội đầu tư lớn mạnh về mọi phương diện cho các thành phần kinh tế và các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Sự tham gia vào các cơ hội đầu tư này chính là động lực thúc đẩy tiến trình đô thị hóa của tỉnh nhằm hình thành phát triển và ổn định các đô thị.

LÊ TỨ

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng

| Trang trước  | Mục lục | Trang sau |

Sở khoa học, công nghệ & môi trường Lâm Đồng
Số 02 Hoàng Văn Thụ Đà Lạt; ĐT: 820352; Email: skcmld@hcm.vnn.vn