| Trang trước  | Mục lục | Trang sau |

à một thành phố trẻ trên cao nguyên mát lạnh của vùng đất Nam Tây Nguyên, một chốn đi về làm ấm lòng lữ khách phương xa mỗi lúc dừng chân và một "tiểu Paris" của người Việt Nam..., Đà Lạt đã trở thành điểm hẹn của biết bao du khách trong niềm suy nghĩ mến thương! Nhưng để in đậm dáng dấp của thành phố Đà Lạt trong tâm cảm mỗi người, thường chỉ làm ai đó chợt nhớ đến những ngôi nhà kiểu phố lô nhô, cao thấp, bên cạnh những con đường dốc sương giăng mỗi sớm mai; hoặc thầm khen kiến trúc những ngôi biệt thự, dinh thự kiểu Pháp xưa, in bóng hình trên nền dáng núi Langbian xa xa, hay thấp thoáng trong những tán rừng thông xanh giữa lòng thành phố...

Thiền viện Trúc Lâm

  Từ sau bước chân đầu tiên của bác sĩ Yersin đến vùng đất hoang sơ của người Lạt - vào ngày 21/6/1893, lần lượt những đồ án quy hoạch Đà Lạt được ra đời, phê duyệt và thực thi, góp phần làm nên bộ mặt cảnh quan đô thị của thành phố này theo dòng thời gian và lịch sử. Khái niệm "thành phố trong rừng" hay "rừng trong thành phố" - là một thực thể sáng tạo độc đáo về quy hoạch kiến trúc đô thị gắn với cảnh quan thiên nhiên rất hiện đại và mang bản sắc riêng của Đà Lạt.

Cần nhắc lại ý tưởng "chuỗi hồ sinh học" của KTS. Hébrad trong đồ án quy hoạch đầu tiên được duyệt (năm 1923), cho phép ta liên tưởng đến hình ảnh một dòng sông giữa lòng thành phố, với những chiếc thuyền con xinh xắn 

Một góc thành phố Đà Lạt

đưa khách du lịch tham quan cảnh phố. Rồi đây, Đà Lạt sẽ có thêm quảng trường, hoa viên rộng lớn, với tầm nhìn thoáng rộng, như KTS. Lagisquet đã phác họa trong đồ án quy hoạch (năm 1943) khi bố trí công trình sân Golf - hay còn gọi "Đồi Cù" - bên cạnh hồ Xuân Hương thơ mộng, tạo nên một tầm nhìn hướng về đỉnh núi Langbian... Đây là những khái niệm rất mới về giải pháp tổ chức không gian và tạo cảnh quan kiến trúc đô thị theo phong cách châu Âu, đối với các đồ án quy hoạch ở Việt Nam thời bấy giờ, mà ngày nay cần được các nhà chuyên môn chắt chiu và kế thừa.

Điểm xuyết bộ mặt tổng thể kiến trúc Đà Lạt của thời kỳ 1943-1954, càng nhận rõ diện mạo đặc trưng của kiến trúc kiểu "Pháp - Đông Dương" qua những ngôi nhà ở biệt thự của người Pháp, các Dinh thự (I, II, III), Khách sạn Palace, Nhà ga xe lửa, Trường Cao đẳng Sư phạm, Cục Bản đồ, Viện Pasteur và một vài công trình tôn giáo khác... Nhưng cũng rất hài hòa và duyên dáng với sự chuyển tiếp của phong cách kiến trúc "hậu hiện đại" trong những năm 1954-1975, qua những nhà ở biệt thự kiểu mới của công chức người Việt, những công trình công cộng (như: Chợ mới, Lò nguyên tử, Trường Đại học, Ngân hàng...).

Dinh Bảo Đại ở Đà Lạt
NH : HHN

Khách sạn Palace -  Đà Lạt

 

Đà Lạt bước vào giai đoạn hòa bình sau đại thắng kỳ tích của dân tộc (tháng 4/1975). Cả nước tuy còn bao nỗi khó khăn, đói nghèo, trong thời kỳ nền kinh tế kế hoạch tập trung 1975-1986, nhưng Đà Lạt vẫn có những kiến trúc tiêu biểu như: Nghĩa trang liệt sĩ; Nhà máy nước Suối Vàng; Nhà Thiếu nhi; Khách sạn Công Đoàn; Hội trường Tỉnh ủy (cũ)... trong số hàng ngàn mét vuông xây dựng phục vụ nhiệm vụ chính trị và dân sinh. Sang thời kỳ đổi mới và kinh tế thị trường 1986-2000, đã có những cuộc bứt phá đầy khích lệ về giải pháp kiến trúc đối với nhiều nhà ở của tư nhân; qua một số Khách sạn Golf, Khách sạn Empress; Thiền viện Trúc Lâm; các Ngân hàng, công sở, Khu Tỉnh ủy (mới)... Càng không thể quên những khu vực công trình đã tạo nên bộ mặt cảnh quan mới phục vụ du lịch như: Thung lũng Tình yêu; hồ Tuyền Lâm; sân Gofl; Công viên hoa; hồ Xuân Hương và thác Prenn (ngày nay)...

Vào thời khắc chuyển giao giữa 2 thiên niên kỷ, sự ôn lại và tổng kết thành tựu nào cũng cần thiết. Khi Đà Lạt đã là đô thị loại 2, càng cần có những ý tưởng mới, lãng mạn hơn về quy hoạch và kiến trúc, khẳng định được tính chất tiên tiến, hiện đại của thời kỳ hội nhập và phát triển, trong giải pháp điều chỉnh lại đồ án quy hoạch tổng thể thành phố và vùng phụ cận (của KTS. Vũ Kim Long và các cộng sự) đã được Chính phủ phê duyệt năm 1994. Đó là việc làm thiết thực, cấp bách, và có trách nhiệm của những ai yêu mến Đà Lạt - trước thềm thế kỷ XXI.

KTS. TRẦN ĐỨC LỘC

| Trang trước  | Mục lục | Trang sau |

Sở khoa học, công nghệ & môi trường Lâm Đồng
Số 02 Hoàng Văn Thụ Đà Lạt; ĐT: 820352; Email: skcmld@hcm.vnn.vn