Trang trước || Mục lục || Trang sau |
|
TỪ
NHỮNG NẺO ĐƯỜNG LÊN XỨ HOA ĐÀO |
|
...
Trong tâm trạng bổi hồi bồi hồi, những người khách mới đặt chân
lên đất Đà Lạt lần đầu tiên nhanh chóng xích lại gần nhau, làm
quen nhau trong làn hương thơm thoang thoảng của chè Bảo Lộc, cà
phê Buôn Mê Thuột.
Tôi,
người Hà Nội, tôi nói tôi từ Hà Nội vào. Bạn, người thành
phố Hồ Chí Minh, bạn bảo bạn từ thành phố Hồ Chí Minh ra. Còn
bạn gái, bạn lại kể bạn từ thành phố Nha Trang lên... Thì ra tiếng
Việt diễn đạt như vậy thật là phong phú linh hoạt mà cũng thật
là chính xác. Bởi lẽ từ Hà Nội đến với Đà Lạt là từ ngoài
bắc vào. Từ thành phố Hồ Chí Minh đến Đà Lạt là từ trong nam
ra. Còn từ Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết ... lên Đà Lạt là một
thành phố bình sơn, trên một bề mặt có độ cao 1.500m so với mực
nước biển, thuộc khối núi và cao nguyên Nam Trung Bộ,
một trong những khối nền móng lớn tạo dựng nên lãnh thổ
nước ta, tồn tại cách đây hàng nghìn triệu năm.
Trong
buổi hội ngộ đầu tiên chưa ai muốn và chắc chắn cũng là cũng
chưa ai có thể, phát biểu một cảm tưởng chung về "xứ hoa
đào" vì đều sợ mang tiếng là vội vã và cảm tính. Tuy nhiên
vẫn có một ý kiến được nhiều người tỏ ý tán đồng, đó là
không thể đặt Đà Lạt tách rời khỏi một cụm các thành phố khác
ở miền Nam, ít ra là các thành phố lớn như Nha Trang, thành phố
Hồ Chí Minh. Khó có thể tưởng tượng ra một người khách du lịch
nước ngoài nào đó lại chỉ có nguyện vọng đáp máy bay đến
thẳng Đà Lạt, để rồi lại từ đó quay trở về ngay nước họ cũng
bằng máy bay! Nếu quá bị hấp dẫn bởi thành phố đã được mệnh
danh là "Paris nhỏ" mà bạn có ý định sử dụng một phương
tiện giao thông nhanh nhất để mau tới Đà Lạt bỏ qua những con
đường vượt núi, băng đèo đầy kỳ thú của xứ sở Tây Nguyên
thì quả là một điều đáng tiếc đối với một khách du lịch !
Là
trái tim của khối núi và cao nguyên Nam Trung Bộ hùng vĩ, từ biển
Đông nhìn vào Đà Lạt như một bức tường thành vĩ đại, thu hút
về đây tất cả những tuyến đường giao thông huyết mạch của toàn
vùng. Điểm hội tụ này cũng là nơi xuất phát của những tuyến
đường thông thương với các tỉnh, các thành phố của miền Nam.
Đà
Lạt nằm trên tầng cao nhất của hệ thống cao nguyên xếp tầng, rất
đặc trưng cho vùng Tây Nguyên. Nhìn trên một mặt cắt địa hình
thì thấy rất rõ hình dạng những nấc thang khổng lồ, chênh nhau
chừng 500m. Hiện tượng này không hề thấy lặp lại ở bất kỳ
khu vực núi nào trên lãnh thổ nước ta. Hình thế đó khiến cho
từ mọi ngả đường đi lên Đà Lạt đều có cảm giác như trên
một chiếc thang trời. Nấc thang cuối cùng đưa du khách đặt chân
lên Đà Lạt bao giờ cũng được cảm nhận một cách rõ ràng bằng
tất cả các giác quan trong cơ thể.
Trong
những con đường dẫn tới Đà Lạt thì dài nhất và có lẽ cũng
đông vui nhất, là con đường xuất phát từ thành phố Hồ Chí
Minh, với độ dài chừng 300 km. Theo tuyến đường này, ô tô chạy
qua đoạn đầu tiên trên quốc lộ số một chừng 67 km, qua hàng loạt
các thị trấn đông vui, sầm uất như Biên Hoà, Hố Nai, Trảng Bôm,
Dầu Giây v.v... với những mặt hàng công nghệ đa dạng của Sài Gòn,
xen với những sản phẩm nông nghiệp phong phú của vùng ven thành
phố và các lâm sản đặc sắc của vùng rừng núi Tây Nguyên. Toàn
bộ đoạn đường trên nằm dưới độ cao 100 m so với mực nước
biển. Chốc chốc lại bắt gặp những rừng cao su thẳng tắp với sức
sống mãnh liệt, dòng nhựa căng tràn, nối đuôi nhau lao vun vút
về phía sau xe, để lại cho người ngồi trên xe bao nhiêu cảm xúc
buồn vui lẫn lộn. Cao su miền Đông Nam Bộ đã từ lâu nổi tiếng
trên thị trường quốc tế và hiện nay cao su vẫn đang là một mặt
hàng xuất khẩu quan trọng làm giàu cho miền Nam, cho đất nước.
Trên từng gốc cao su của miền Đông Nam Bộ cũng đã từng xảy ra
bao nhiêu sự kiện lịch sử đau thương và oanh liệt...
Xe
đang chạy trên đoạn đường nhựa bóng loáng, bằng phẳng, êm
ru, bỗng tốc độ giảm dần, xe hơi có vẻ đu đưa rồi rẽ quặt
sang trái, bỏ quốc lộ 1 bắt vào đường 20, đi theo hướng đông
bắc. Từ đây đường có dạng hơi lượn sóng, gây cảm giác hơi
bồng bềnh như được ru trong nôi. Như vậy là xe đã đưa các bạn
chuyển sang bậc thứ hai của chiếc thang trời một cách nhẹ nhàng,
êm ái, trên độ cao dao động 100-200 m thuộc vùng gò đồi miền
Đông Nam Bộ.
Thông
thương với Đà Lạt, quốc lộ 20 là con đường quan trọng nhất.
Về phía Tây từ Buôn Mê Thuột đến theo đường 21, chạy tới
Đức Trọng rồi bắt vào đường 20, lên Đà Lạt. Về phía đông
từ Phan Thiết lên, theo đường 12 qua Gia Bắc, đến Di Linh rồi cũng
sẽ rẽ sang đường để lên Đà Lạt.
Người
dẫn đường thông báo du khách đã cách xa thành phố Hồ Chí
Minh 157 km, xe giảm tốc độ một cách rõ rệt. Tiếng máy gầm gừ
to hơn. Ngồi trên xe cảm nhận rõ ràng xe đang leo dốc. Sau chừng
gần ba mươi phút xe chinh phục một cái dốc dài khoảng 19-20 km.
Tiếng người hướng dẫn vang lên: "Đây là thị trấn Bảo Lộc",
nơi từ lâu nổi tiếng bởi thứ chè B'lao thơm ngon, tinh khiết. Vâng,
Bảo Lộc còn gọi là B'lao. Những người sành uống trà trao đổi
với nhau rằng chè B'lao ủ nóng lâu mới ngấm và chính nước hai
mới cho đủ vị chan chát, ngòn gnọt của tinh chè và hương chè
mới đủ đượm, đủ nồng. Mấy ông người miền Nam lại bảo rằng
trà B'lao nổi tiếng là trà đen, uống với đường viên theo
"gu tây", chứ trà xanh thì vẫn chưa sánh nổi với chè
Thái. Song, về năng suất sản lượng thì không vùng chè nào cao
như chè Bảo Lộc.
Từ
đỉnh đèo Bảo Lộc trở đi con đường 20 chạy trên mặt bằng của
một cao nguyên đất đỏ bazan, đưa du khách lên độ cao xấp xỉ
1.000 m trên mực nước biển. Ngay từ những bài tập đọc đầu tiên
về địa lý Tổ quốc người ta đã chủ trương khắc sâu cho trẻ
em những kiến thức về một vùng cao nguyên đất đỏ của Nam Trung
Bộ có tầm quan trọng cực kỳ to lớn về mặt tài nguyên thiên nhiên
của đất nước. Người ta nhấn mạnh ba cao nguyên lớn, coi như những
bề mặt điển hình tạo nên cái hình tượng "cao nguyên xếp
tầng". Đó là cao nguyên Đắc Lắc ở độ cao 400-500 m, cao
nguyên Di Linh ở độ cao 900-1.000 m và cao nhất là cao nguyên Lâm
Viên (Lang Biang) ở độ cao trên dưới 1.500 m. Đèo Bảo Lộc là cửa
ngõ của cao nguyên Di Linh, một loại cao nguyên bóc mòn, phần lớn
diện tích được phủ bởi đất đỏ bazan. Có lên đây thì khái
niệm về một cao nguyên mới được minh họa một cách chính xác.
Rõ ràng bề mặt cao nguyên Di Linh có dáng dấp của một đồng bằng
trên cao, có bề mặt bằng phẳng, bị chia cắt yếu và phân biệt với
các khu vực xung quanh bởi các sườn rất dốc. Có lên đây mới
biết đầy đủ, chính xác về đất đỏ bazan. Đất đồi núi của
nước ta hình thành trong điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa.
Trong thành phần đất còn giữ lại nhiều oxyt sắt, oxyt nhôm thì
đất ở đâu mà chẳng có màu trong thang từ vàng đến đỏ nâu.
Nhưng cái màu đỏ của đất hình thành trên đá bazan là một màu
đỏ của đất hình thành trên đá bazan là một màu đỏ nâu sẫm
rất đặc biệt, đến nỗi không thể lẫn lộn với bất kỳ loại
đất đỏ nào khác ở xung quanh. Ở CÁC KHU VỰC MIỀN NÚI KHÁC TRÊN
đất nước ta lác đác cũng có gặp loại đất đỏ này như ở Tây
Nguyên, ở Phủ Quỳ, Vĩnh Linh..., song tập trung nhất vẫn là ở các
cao nguyên Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Thứ đất đỏ bazan này
rất tơi xốp, giàu phì liệu cho năng suất cây trồng cao, đặc biệt
thích ứng với các loài cây công nghiệp nhiệt đới dài ngày như
cà phê, cao su, ca cao, hồ tiêu... Dọc tuyến đường dù xe chạy
nhanh tới 60-80 km/giờ, ta cũng vẫn kịp nhận ra những "bãi mía,
nương dâu" bạt ngàn tưởng như vô tận. Các trái cây của
đồng đất bazan bán la liệt trên các chợ ven đường, hương vị
đậm đà, đặc sắc khó quên.
Vì
ấn tượng quá sâu sắc với rừng thông Đà Lạt nên vừa thoáng
trông thấy một cánh rừng thông, một du khách nào đó đã đứng
nhổm dậy, reo to "A! đến Đà Lạt rồi!". Xin thưa: Đây
chưa phải là Đà Lạt ! Xe tạm dừng bánh, mời bạn nghỉ chân, bạn
hãy ngắt một nhánh thông, ép vào sổ nhật ký hành trình, mang lên
Đà Lạt, chúng ta sẽ có dịp so sánh xem thông Đà Lạt có gì khác
biệt?
Qua
thị trấn Di Linh sầm uất, thay da đổi thịt hàng ngày, nhà máy,
cửa hiệu mọc lên mỗi ngày một nhiều, mang tính cửa ngõ, trung
chuyển giữa miền Đồng bằng Nam Bộ phì nhiêu và vùng núi cao
nguyên, Tây Nguyên hùng vĩ và giàu đẹp, xe lăn bánh với tốc
độ lớn trên tuyến đường nhựa láng bóng dài chừng 70 km nữa.
Tuyến đường này gây ấn tượng sâu sắc cho những ai mới đặt
chân lên đất Tây Nguyên lần đầu. Không thể tìm ra trong khu vực
núi Đông Bắc, Tây Bắc hoặc Trường Sơn bắc một con đường bằng
phẳng cho phép ô tô phóng với tốc độ nhanh đến thế. Các tác
giả cuốn sách này đã có một kỷ niệm "khủng khiếp" không
thể nào quên về đoạn đường nhựa trên cao nguyên Di Linh. Đó
là vào một buổi trưa trời mưa lất phất, con đường nhựa từ Bảo
Lộc lên Đà Lạt láng bóng như gương. Chúng tôi lên Đà Lạt bằng
hai chiếc xe con, một xe von-ga màu đen và một xe Mat-cơ-vit màu
trắng. Cả hai người lái xe đều là thanh niên, có tay lái vào
loại cứng. Trên mặt cao nguyên Di Linh họ đã cho chúng tôi thưởng
thức cái cảm giác bay bay trên đường nhựa, gió lùa qua ô cửa
kính mát rượi làm cho ai nấy đều cảm thấy tỉnh táo, nhẹ nhõm
và phấn chấn trước cảnh trời đất bao la, thiên nhiên kỳ diệu.
Bỗng rẹt một cái, người chúng tôi xô nghiêng, chiếc xe Mat-cơ-vit
đi trước trượt ngang sang vệ đường, rồi vằn vèo, chới với như
người đi trên thảm rêu trơn. Anh lái xe tái mặt nhưng rồi lấy
lại bình tĩnh cho xe đi tiếp, tất nhiên là thận trọng hơn.
Được chừng 500 mét nữa, bỗng xe phanh khựng lại, quay
tít ba vòng, hai bánh bên trái bám mặt đường còn hai bánh
bên phải chơi vơi trên không như biểu diễn xiếc. May như thế nào
đó sau ba vòng quay cả bốn bánh đều chạm được xuống đất và
xe tắt máy. Tốp đi sau không hiểu sao há hốc miệng, trố mắt nhìn
cái cảnh đồng đội đã đi đến bờ của "thế giới bên
kia". Ai nấy đều hú vía. Lúc này anh lái xe trẻ trung, vui tính
hoàn toàn mất bình tĩnh, xin cho xe nghỉ lại, mai đi tiếp. Mấy bác
lái xe khách đã đứng tuổi dừng xe, giải thích, động viên anh
bạn đồng nghiệp trẻ: "Mấy chú ngoài đó chưa quen, đường
ở đây bằng và láng lắm, xe "giỏ" (lốp) mòn không đi
mau được".
Quả
là con đường trên cao mà bằng phẳng lạ. Nếu như không có những
cánh rừng gần xa che chắn tầm mắt thì những du khách từ các tỉnh
đồng bằng lên sẽ có lúc quên khuấy đi là xe đang chạy trên
khu vực miền núi.
Và
rồi tấm biển chỉ đường với ký hiệu lên dốc, vòng vèo liên tục
xuất hiện. Ô tô dừng bánh trên đoạn đường mà cây rừng hai bên
đường giao tán, tạo bóng rợp ngay cả lúc giữa trưa mùa hè nắng
chói chang. Đây là điểm cuối đoạn đường trên cao nguyên Di
Linh, hành khách nghỉ ngơi ít phút. Bên đường có các quán dịch
vụ sạch sẽ, lịch sự. Đó đây ơi ới tiếng cười chào khách
mua chè Bảo Lộc, cà phê Buôn Mê Thuột, actisô Đà Lạt...
Xe
tiếp tục leo dốc, lên bậc cuối cùng của chiếc thang trời khổng
lồ, tới bề mặt cao nguyên Lâm Viên, vào thành phố Đà Lạt. Nếu bạn không khỏe lắm thì sau một tuyến đường dài gần 300 km, cơ thể đã thấm mệt. Xe leo dốc theo những khúc uốn vòng vèo liên tục, nhiều khi các đoạn đường như chồng lên nhau ở những độ cao khác nhau, hướng chung là đi lên nhưng thỉnh thoảng cũng lao xuống những đoạn dốc nhỏ, có lúc làm cho người thoáng lâng lâng cái cảm giác hẫng, hụt, mất trọng lượng, có thể tới hơi nôn nao... Nhưng trong bạn đã có một sức mạnh mới làm cho tầm thần phấn chấn; đó là sự náo nức sắp được thấy Đà Lạt, được đặt chân lên thành phố "Paris nhỏ" ! Mặt khác lên đến độ cao này không khí loãng hơn một chút, áp suất không khí giảm xuống một chút khiến cho máu lưu thông dễ dàng, người bình thường sẽ cảm thấy khỏe khoắn hẳn ra. Thêm vào đó mùi dầu thơm tê-rê-ben-tin từ nhựa thông bay ra, theo cơ quan hô hấp vào cơ thể, thấm vào từng đường gân, thớ thịt khiến cho ta cảm thấy nhẹ nhõm, sảng khoái, làm tiêu tan hiện tượng chóng mặt hoặc nhức đầu. |
|