Trang trước | Mục lục | Trang sau | ||
Hiện nay bệnh khô cành chè đang phát sinh ở nhiều xí nghiệp chè các tỉnh phía Bắc làm ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của các xí nghiệp. Để giúp các xí nghiệp ngăn chặn bệnh hại này, chúng tôi xin giới thiêu biện pháp phòng trừ đã được áp dụng ở 2 nông trường chè Vạn Thắng và Sông Cầu từ năm 1991 mà cho tới nay chưa thấy bệnh xuất hiện trở lại.
1. Triệu chứng của bệnh: Những nương chè bị bệnh này, thời kỳ đầu lá chè mất đi độ bóng, lá hơi cụp xuống, dần dần chuyển sang màu xanh nhạt, mất nước nghiêm trọng và cuối cùng bộ lá chuyển sang màu nâu và khô nhưng vẫn lưu lại trên cây chè. Trên cành xuất hiện những vết bệnh lõm xuống (nhiều nơi gọi là loét cành chè). Nhiều vết sẹo liền lại với nhau tạo nên một vết màu nâu đen, rất cứng làm tắc mạch dần, gặp hạn cành chè sẽ bị chết khô từ phía trên vết sẹo này. Khi cành chè bị khô dùng dao con cắt thấy không có lỗ, phần gỗ biến nâu - tức là bị bệnh khô cành. Những cành không bị hại vẫn sinh trưởng bình thường: Nếu toàn bộ số cành bị bệnh, cây chè sẽ chết. 2. Nguyên nhân gây bệnh: Bệnh khô cành chè do nấm Physalospora neglecta Petch giai đoạn Imperfecta: Macrophoma Theicola Petch gây ra. Thí nghiệm nuôi cấy nấm bệnh trên môi trường PDA cho thấy: Ban đầu sợi nấm mọc thưa, mầu trắng, dần dần biến thành mầu tro, sau 2 tuần chuyển sang màu đen và xuất hiện hình dĩa. Các Pyenidia có kích thước 0,1-1,2 mm, cao 0,2-3,1 mm và không đính bào tử. Nấm sinh trưởng thích hợp ở nhiệt độ 28-34oC. 3. Điều kiện phát sinh bệnh: Bệnh phát sinh chủ yếu ở vùng chè thấp dưới 500 m. Bệnh thường phát sinh vào mùa hạ, nhiệt độ cao, không khí khô; mùa đông bệnh giảm. Bệnh nhiễm đối với cả cành non và cành già. Khi bị nhiễm bệnh, cành non phát bệnh nhanh (sau 3 ngày có thể phát bệnh), còn cành già phát bệnh chậm (từ 14 đến 30 ngày). 4. Biện pháp phòng trừ: Qua 2 lần tiến hành phòng trừ (ở Nông trường Vạn Thắng năm 1991 và Nông trường Sông Cầu) cho thấy biện pháp phòng trừ đã được nghiên cứu đem lại kết quả tốt. Đến nay ở những nương chè này không thấy bệnh xuất hiện trở lại. Biện pháp này được tiến hành như sau: - Khi thấy bệnh khô cành xuất hiện trên nương chè, dùng dao hoặc kéo cắt hết những cành bị bệnh từ phía dưới các vết loét. Nếu nương chè bị nặng, tiến hành đốn toàn bộ diện tích (vết đốn phía dưới các vết loét), thu dọn toàn bộ cành cắt hoặc đốn đem đốt không cho nguồn bệnh phát triển. - Mùa hè khi gặp khô hạn, ở nơi có điều kiện cần tưới nước cho nương chè. - Bón giảm lượng đạm, tăng lân vi sinh và kali cho chè. - Sau khi cắt hoặc đốn, dùng thuốc Benlat (của Mỹ hoặc Nhật) pha 0,2% và phun 500 lít cho một hecta.
PTS. NGUYỄN VĂN HÙNG Biên tập: Đặng Ngọc Bảo |
||||
Trang trước | Mục lục | Trang sau |