Trang trước Mục lục Trang sau  

Để nâng cao hiệu suất và phẩm chất chè, công tác bảo vệ thức vật là một khâu trọng yếu. Với việc nghiên cứu biện pháp phòng trừ tổng hợp: Xác định thời điểm gây hại, ngưỡng gây hại, liều lượng phun thuốc hữu ích... những kết quả này là những căn cứ khoa học cần được triển khai áp dụng vào sản xuất.  

      I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Sâu hại chè ở Việt Nam có rất nhiều loài, nhưng những loài hại chủ yếu hiện nay là: Rầy xanh, nhện đỏ nâu, bọ cánh tơ, bọ xít muỗi... về bệnh, có bệnh chấm xám, bệnh chết loang, bệnh thối búp... Việc nghiên cứu phòng trừ các đối tượng này đã được tiến hành từ những năm 1970. Nhưng cho đến nay, chúng ngày càng phát triển tăng về mật độ và số lượng cá thể. Do sử dụng các loại thuốc trừ sâu với lượng chưa đúng, đã gây nên sự phá vỡ cân bằng sinh thái của sâu bệnh chè. Một số đối tượng nổi lên thành dịch trong vòng 3 năm trở lại đây: Nhện đỏ tươi (Brepacpus californicus banks), hại cuống lá, làm thâm đen thân, rụng hàng loạt lá chè như ở Xí nghiệp chè Sông Lô, Tuyên Quang, Phú Hộ..., Nhện hồng (Eryophyes theae watt), hại trên lá chừa giống PH1 ở Xí nghiệp chè Phú Hộ, Phú Thọ, Vân Hùng... và mới đây năm 1994 rệp phẩy và rệp sáp bông sơ trắng xuất hiện và phá mạnh trên giống 777.

Để hạn chế mức độ gây hại của sâu bệnh, giữ sâu hại dưới ngưỡng gây hại kinh tế, đồng thời nhằm duy trì và bảo vệ quần thể ký sinh thiên địch tự nhiên, chúng tôi tiến hành đề tài "Nghiên cứu biện pháp phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại chè" với 4 định hướng:

- Nghiên cứu nắm vững qui luật phát sinh, gây hại của từng đối tượng sâu bệnh hại.

- Nghiên cứu sử dụng ngưỡng phòng trừ: Trước hết đối với rầy xanh, nhện đỏ nâu và bọ cánh tơ.

- Thử nghiệm biện pháp canh tác, giống, hái, trồng xen cây bóng mát, phân bón...

- Xác định liều lượng phun thuốc hóa học hợp lý và hạn chế đến mứu tối thiểu sự gây hại đối với các loài thiên địch trên chè.

II. PHƯƠNG PHÁP

- Chọn điểm điều tra theo phương pháp 5 điểm chéo góc.

+ Đối với rầy xanh, thiên địch: Dùng khay có đầu: 25 cm, chỉ tiêu: con/khay.

+ Đối với nhện đỏ: Mỗi điểm ngắt 10-20 lá bánh tẻ, dùng kính lúp đếm số nhện trên lá, chỉ tiêu: Con/lá.

+ Bọ cánh tơ: Mỗi điểm ngắt 10-20 búp chè, dùng kính lúp đếm số bọ cánh tơ trên búp, chỉ tiêu: Con/búp.

+ Bọ xít muỗi: Mỗi điểm ngắt 10-20 búp chè, tính tỷ lệ búp bị hại, chỉ tiêu: Tỷ lệ hại (%).

+ Bệnh chấm xám: Mỗi điểm ngắt 10-20 lá bánh tẻ, tính tỷ lệ búp bị bệnh, chỉ tiêu: Tỷ lệ lá bệnh (%).

- Các thí nghiệm khảo nghiệm thuốc được bố trí theo khối ngẫu nhiên, 3 lần nhắc lại, diện tích ô: 100 m2. Số liệu được xử lý theo công thức HENDERSON- TILLTON.

III. KẾT QUẢ

1. Qui luật phát sinh gây hại của sâu bệnh trong năm:

Qua 3 năm nghiên cứu cho thấy:

- Trong năm rầy xanh phát sinh gây hại nặng nhất vào thời điểm tháng 3-5, đa số các vùng chè bị cháy rầy ở thời điểm cuối tháng 4 đầu tháng 5. Một đỉnh cao gây hại thứ hai nhưng mức độ thấp hơn là tháng 10-11. Trong các giống đang trồng hiện nay, giống PH1 bị hại nặng nhất , tiếp đến là giống Trung du và 777. Song song với rầy xanh, nhện đỏ nâu cũng phát sinh sớm từ tháng 3, nhưng đỉnh cao gây hại của chúng là tháng 4-6. Giống bị hại nặng là giống PH1, Trung du.

- Bọ cánh tơ gây hại muộn, mức độ gây hại nặng nhất là khoảng tháng 6-7. Giống Trung du và 777 bị hại nặng nhất.

- Đối với bọ xít muỗi và bệnh chấm xám trên chè, chúng gây mạnh vào tháng 8-9 và đặc biệt nặng trên 2 giống 777 và 1A.

2. Ngưỡng mật độ kinh tế cần phòng trừ đối với 1 số sâu hại:

Để áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp (IPM) trên chè ngoài việc nắm vững qui luật phát sinh gây hại của từng đối tượng sâu bệnh hại, cần phải xác định được ngưỡng mật độ kinh tế cần phòng của từng đối tượng.

Bảng 1: MỐI LIÊN HỆ GIỮA MẬT ĐỘ VÀ TRIỆU CHỨNG GÂY HẠI CỦA RẦY XANH

Mật độ (con/khay)

Tỷ lệ búp bị hại (%)

Triệu chứng hại trên búp chè

Dưới 2

Dưới 10

Búp xanh bóng, hầu như không có biểu hiện hại

3-4

20-30

Búp xanh bình thường, lác đác có búp chè bị hại

5-10

40-80

Búp xanh hơi vàng, đa số búp chè bị hại

11-15

90-100

Lá chè xanh vàng, thô cứng, cong hình thuyền và búp chè cằn lại

16-25

100

Búp cằn thô cứng, mép lá non chuyển nâu, chè bị cháy khi trời nắng nóng.

 Từ bảng 1 cho thấy cần phải phun thuốc trừ rầy xanh khi mật độ điều tra vượt quá 5 con/khay.  

Bảng 2: MỐI LIÊN HỆ GIỮA MẬT ĐỘ VÀ TRIỆU CHỨNG GÂY HẠI CỦA NHỆN ĐỎ

Mật độ (con/lá)

Tỷ lệ lá bị hại (%)

Triệu chứng hại trên lá chè

2-3

10

Từng ổ riêng lẻ trên đồi chè, toàn lô chè vẫn xanh bình thường

4-5

20-30

Đa số lá có màu xanh bình thường, lác đác có lá chuyển thành hơi vàng đỏ.

6-10

40-70

Từng đám chè bị biến đỏ, xác nhện rải rác khắp mặt lá.

11-20

80-100

Khắp đồi chè bị nhện hại, lá chè biến màu đồng đỏ.

21-50

100

Lá chè biến màu đỏ thẫm, cháy nhện trên toàn diện tích

Từ bảng 2 cho thấy để phun thuốc trừ nhện đỏ kịp thời, tránh nhện gây hại quá nặng mới phun thuốc, cần thiết phải phun thuốc khi mật độ ngưỡng điều tra vượt quá 5 con/lá.  

Bảng 3: MỐI LIÊN HỆ GIỮA MẬT ĐỘ VÀ TRIỆU CHỨNG GÂY HẠI CỦA BỌ CÁNH TƠ

Mật độ (con/búp)

Tỷ lệ búp bị hại (%)

Triệu chứng hại trên búp chè

0,5

20

Búp xanh bóng láng, thỉnh thoảng có lá có 2 đường song song mờ.

1-2

20-40

Búp nhìn hơi thô, biểu hiện rõ triệu chứng ở 20% búp.

3-5

50-100

Búp hơi thô cứng, sần sùi, nhiều lá nổi rõ 2 đường song song.

6-10

100

Búp xanh vàng, thô cứng, sần sùi, 2 đường song song sần lên màu nâu.

10-20

 

Búp cằn biến vàng, thô cứng, mặt dưới lá chừa chuyển màu nâu, cháy bọ cánh tơ trên toàn diện tích

Đối với bọ cánh tơ từ bảng 3 cho thấy rằng, cần phải phun thuốc trừ khi mật độ điều tra 1-2 con/búp.

3. Ảnh hưởng của cây bóng mát đến biến động số lượng sâu bệnh hại và thiên địch trên chè

Biện pháp canh tác là một trong những biện pháp quan trọng của IPM trên chè bao gồm: Bón phân đủ và cân đối, hái búp đúng kỹ thuật, trồng xen cây bóng mát trên đồi chè. Kết quả điều tra theo dõi về ảnh hưởng của cây bóng mát đến biến động số lượng sâu hại và thiên địch trên chè được ghi nhận ở bảng 4.  

Bảng 4

Điều kiện canh tác

Rầy xanh (con/khay)

Nhện đỏ (con/lá)

Bọ cánh tơ (con/búp)

Bọ xít muỗi TLH (%)

Bệnh chấm xám TLB (%)

Thiên địch

 

 

 

 

 

Mật độ

Số loài

Có cây che bóng

3,44

1,05

2,84

57,91

10,02

0,26

6,37

Không có cây che bóng

4,48

2,31

4,04

11,54

28,22

0,23

5,53

Việc trồng cây bóng mát trên các đồi chè thâm canh có tác dụng làm giảm mật độ của rầy xanh, nhện đỏ nâu, bọ cánh tơ và bệnh chấm xám trên chè, đồng thời còn làm tăng mật độ và thành phần của các loài sâu có ích. Nhưng bên cạnh đó cây bóng mát đã làm tăng sự phá hại của bọ xít muỗi, do vậy cần phải chú ý mật độ trồng và cần phải thường xuyên phát tỉa cành.

4. Ảnh hưởng của thuốc hóa học đối với thiên địch trên chè

Để tiến tới chọn lọc một bộ thuốc trừ sâu phun cho chè, việc khảo sát ảnh hưởng của thuốc đối với các loài thiên địch là việc cần thiết và đã thu được một số kết quả như ở bảng 5.  

Bảng 5: ẢNH HƯỞNG CỦA THUỐC HÓA HỌC ĐỐI VỚI MỘT SỐ LOÀI THIÊN ĐỊCH TRÊN CHÈ  (bình quân sau 14 ngày phun)

Tên thuốc

Lượng dùng (gai/ha)

Nhện mình đen đuôi nhọn

Mình đen chấm nâu

Mình đen chấm xám

Nhện đen nhỏ

Nhện lớn ăn thịt

Bò rùa ăn thịt

TREBON 10EC

75

1,84

26,61

69,75

18,53

27,50

46,20

PADAN 95SP

500

9,36

56,25

74,67

59,28

63,35

33,32

SHERPA 25EC

85

56,25

87,50

100,0

100,0

70,82

100,0

Qua bảng 5 cho thấy: Thuốc Sherpa là loại thuốc rất nguy hại đối với các loài thiên địch trên chè, có nhiều loài bị tiêu diệt hoàn toàn sau phun thuốc 14 ngày. Điều đó phần nào giải thích sự bùng nổ mật độ sâu hại sau khi phun thuốc Sherpa. Thuốc Padan cũng có ảnh hưởng khá rõ đối với nhện mình đen chân xám và các loài nhện lớn ăn thịt. Riêng thuốc Trebon 10EC ảnh hưởng không đáng kể đối với các loài thiên địch (hiệu lực của nó thấp nhất trong 3 loại thuốc đang dùng phổ biến hiện nay trên chè).

Từ những kết quả nghiên cứu trên, năm 1995, chúng tôi tiến hành chỉ đạo thử "Phòng trừ tổng hợp sâu bệnh" trên 2 lô thuộc Nông trường thực nghiệm chè Phú Hộ (bảng 6).  

Bảng 6: SO SÁNH CÁC CÁCH PHUN THUỐC KHÁC NHAU

Cách phun thuốc

Số lần phun

Lượng thuốc phun (lít)

Sản lượng búp tươi (kg)

Giá thành sản lượng (đ)

Chênh lệch (đ)

Lô I

Phun theo ngưỡng điều tra

8

4,0

1655

1.986.000

+ 356.400 đ

Lô II

Phun định kỳ 15 ngày/lần

12

5,8

1358

1.629.000

 

Qua thử nghiệm cho thấy: Nếu phun theo ngưỡng mật độ kinh tế cần phòng trừ sẽ giảm được số lần phun thuốc, giảm lượng thuốc phun và tăng năng suất rõ rệt búp chè tươi.

*

Từ những kết quả nghiên cứu nêu trên, chúng ta có thể thấy rằng qui luật phát sinh gây hại của những đối tượng chủ yếu: Rầy xanh và nhện đỏ thường phát sinh sớm vào tháng 3, gây hại vào tháng 4-5 và tháng 10-11. Giống bị hại nặng là PH1 và Trung du. Bọ cánh tơ gây hại vào tháng 6-7, giống mẫn cảm là giống 777 và Trung du. Bọ xít muỗi và bệnh chấm xám, gây hại nặng vào tháng 8-9, nhất là trên 2 giống 777 và 1A.

Trong công tác phòng trừ tổng hợp chúng ta cần lưu ý một số điểm sau:

+ Ngưỡng mật độ cần áp dụng:

- Rầy xanh: Cần tiến hành phun thuốc khi mật độ rầy điều tra vượt quá 5 con/khay.

- Nhện đỏ: Phải phun thuốc khi mật độ nhện điều tra vượt quá 5 con/lá.

- Bọ cánh tơ: Cần phải phun thuốc khi mật độ điều tra: 1-2 con/búp.

+ Trồng cây bóng mát trên các đồi chè có tác dụng làm giảm mật độ của rầy xanh, nhện đỏ, bọ cánh tơ và bệnh chấm xám, đồng thời cũng làm tăng mật độ và thành phần các loài thiên địch có ích. Tuy vậy cần chú ý mật độ trồng để giảm sự phá hại của bọ xít muỗi và một số đối tượng sâu hại khác.

+ Để đảm bảo an toàn cho các loài thiên địch, giữ vệ sinh môi trường và ít độc hại cho người sử dụng, cần loại bỏ việc dùng thuốc Sherpa phun cho chè và nên sử dụng thuốc Trebon 10EC. 

LÊ THỊ NHUNG

NGUYỄN THÁI THẮNG

Viện nghiên cứu chè

Biên tập: Nguyễn Công Mai

  Trang trước Mục lục Trang sau