Trang trước Mục lục Trang sau  

Giống chè 1A có ưu điểm cho năng suất cao, chất lượng cao, sức sinh trưởng mạnh nhưng có nhược điểm là thời gian sinh trưởng nhanh, hóa gỗ chóng nên mau mù xòe. Việc nghiên cứu "kỹ thuật" hái chè 1A cho thấy hái theo chu kỳ 4 ngày 1 lứa và có bón phân đạm và hữu cơ thì cho hiệu quả kinh tế cao nhất. Tuy nhiên cần nghiên cứu chế độ phun thuốc trừ sâu để không gây độc hại cho người sử dụng.

1. ĐẶC ĐIỂM GIỐNG CHÈ 1A

Giống chè 1A là giống chè được bình tuyển chọn lọc trên nương chè Manipur theo tiêu chuẩn: Loại hình có màu lá xanh vàng, phát triển khỏe, sinh trưởng tốt. Năm 1971 được giám định và năm 1985 được Hội đồng khoa học kỹ thuật của Bộ nông nghiệp cho phép sản suất thử. Năng suất của chè 1A tăng 34% so với giống Trung du. Giống chè 1A có ưu điểm:

- Năng suất cao, trong sản xuất đại trà đạt 7-8 tấn/ha (thường bằng 90% giống PH1).

- Chất lượng cao. Các chỉ tiêu tanin, hòa tan, catesin đều cao, đặc biệt hàm lượng đường cao đạt 16,3mg/g chất khô (PH1 chỉ có 10,3mg/g chất khô). Ngay cả búp tươi cũng có mùi thơm dễ chịu.

- Sức sinh trưởng mạnh, chè 4 tuổi hàm lượng sinh khối cao. Xấp xỉ PH1, rễ nhiều, tán to.

Từ năm 1990 đến năm 1995 giống 1A đã được Viện tiếp tục nghiên cứu khắc phục nhược điểm về khả năng nhân giống yếu nên đến nay cơ bản đã khắc phục được.

Tuy nhiên giống 1A có nhược điểm là thời gian sinh trưởng nhanh, hóa gỗ chóng nên búp mau mù xòe làm chè khô, mặt hàng nhiều bồm. Để khắc phục nhược điểm này chúng tôi đã tiến hành thí nghiệm theo phương pháp hái sớm so với chu kỳ bình thường và có đối chứng.

2. CÔNG THỨC THÍ NGHIỆM

- Hái theo qui trình 6 ngày 1 lứa để làm đối chứng.

- Hái non: 4 ngày 1 lứa.

Vì hái sớm nên cây muốn phát triển tốt cần bón phân, chúng tôi sử dụng bón phân theo 2 cách:

- Bón phân hóa học theo sản xuất

- Bón phân hóa học cộng thêm phân hữu cơ 30 tấn/ha.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

a. Sản lượng búp trên nền phân hóa học với 2 cách hái nêu trên (bảng 1)

                          Bảng 1                                                          Đơn vị: kg

Năm

4 ngày 1 lứa

6 ngày 1 lứa

1994

30,81

41,94

1995

117,5

134,5

Cộng

148,31

176,4

  (Năm 1994 chỉ hái 6 tháng cuối năm).

Kết quả trên bảng 1 cho thấy hái non sản lượng bằng 85% sản lượng hái theo đối chứng.

b. Sản lượng búp trên nền phân hóa học thêm 30 tấn phân hữu cơ/ha

Sản lượng năm 1995: 4 ngày hái 1 lứa đạt 136,7 kg, 6 ngày hái 1 lứa đạt 153,4 kg. Như vậy sản lượng hái theo qui trình 4 ngày/lứa bằng: 89%- hái 6 ngày 1 lứa.

c. Trọng lượng búp

 Hái 4 ngày 1 lứa 0,82g/búp; Hái 6 ngày 1 lứa 0,92g/búp.

d. Phẩm cấp búp tươi

Phẩm cấp và giá trị sản phẩm chè theo qui trình hái 4 ngày 1 lứa từ tháng 3 đến tháng 10/1995 được trình bày trong bảng 2.

Bảng 2  

Loại

%

Khối lượng (kg)

Đơn giá (đ)

Thành tiền (đ)

A

70

82,25

2.000

164.500

B

25

29,37

1.700

49.929

C

5

5,87

1.300

7.631

 

 

 

S = 222.060

Phẩm cấp và giá trị sản phẩm chè hái 6 ngày/ 1 lứa được trình bày ở bảng 3

Bảng 3  

Loại

%

Khối lượng (kg)

Đơn giá (đ)

Thành tiền (đ)

A

3

4,30

2.000

8.060

B

30

40,35

1.700

68.595

C

62

83,39

1.300

108.407

Diatomit

5

6,72

800

5.360

 

 

 

S = 190.422

Qua bảng 2 và 3 ta thấy hái non 4 ngày 1 lứa cho giá trị kinh tế cao hơn 6 ngày 1 lứa.

Định mức hái non: 15 kg/công, hái già: 25 kg/công. Trên 1 ha hái non lãi hơn hái già trên 1 triệu đồng. Chất lượng chè thành phẩm hái non còn cao hơn nữa.

đ. Vấn đề bón phân hữu cơ

So sánh giữa bón phân hóa học và bón phân hóa học cộng với 30 tấn phân hữu cơ ta thấy trên cơ sở bón phân hóa học, bón thêm phân hữu cơ tăng được sản lượng 11%, trừ tiền chi phí phân bón và công, 1 ha còn tăng thu được 2 triệu đồng.

4. KẾT LUẬN

Đối với chè 1A vì mau xòe nên để đạt được hiệu quả kinh tế cao cần:

- 4 ngày hái 1 lứa

- Cần bón thêm phân hữu cơ

Tuy nhiên chúng ta cần nghiên cứu chế độ phun thuốc trừ sâu để tránh được ảnh hưởng độc hại của thuốc trừ sâu trong chè.

NGUYỄN VĂN NIỆM
NGUYỄN THỊ BÌNH  
Viện nghiên cứu chè

Biên tập: Nghiêm Phú Ninh

  Trang trước Mục lục Trang sau