CHƯƠNG 4

CYMBIDIUM ĐÀ LẠT - TIỀM NĂNG VÀ TRIỂN VỌNG

ối với đồng bào dân tộc ít người tại Đà Lạt lan Cymbidium cũng khá quen thuộc, "Toòng Plăng" có nghĩa là "Lan sả" là một từ chung để chỉ nhóm lan này. Từ lâu, người dân tộc Lạch, Mạ ở Đà Lạt đã biết trồng lan quanh nhà. Việc tìm kiếm lan rừng để đổi chác, mua bán đã trở thành một trong những cách kiếm sống của họ từ khi người Pháp và người Kinh đến Đà Lạt ngày càng đông. Những người Kinh có nguồn gốc ở vùng quanh Hà Nội trước khi đến Đà Lạt đã có kinh nghiệm trồng các giống lan Cymbidium như Trầm Mộng, Mặc Lan, Đại Kiều, Tiểu Kiều. Từ đó việc sưu tầm lan rừng bắt đầu phổ biến dần và phát triển mãi cho đến ngày nay.

Nằm trong bước phát triển âm thầm đó, cuối những năm 50 một số giống lan lai đã di nhập vào Đà Lạt để thỏa mãn nhu cầu về giống mới và thị hiếu của một số người chơi lan giàu có. Trong quá trình nuôi trồng lan lai, giới chơi lan đã tích lũy dần những kinh nghiệm trong việc xác định các yếu tố giá thể, giàn che, cách tưới nước, bón phân, phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương. Những cây lai đó đã phát triển rất tốt, cho hoa đều đặn hàng năm. Từ đó một phương pháp nuôi trồng "Lan ngoại" đã hình thành và được phổ biến dần, nhưng cũng chỉ dừng lại trong phạm vi hẹp của những người trồng lan tiêu khiển.

Từ những kết quả thực tiễn trên đây, người ta bắt đầu tìm cách lý giải mọi quan hệ giữa khí hậu Đà Lạt và các đặc điểm sinh lý của lan Cymbidium. Cho dù những kết quả điều tra về điều kiện tự nhiên của Đà Lạt còn quá ít ỏi, cạnh đó những hiểu biết về Cymbidium cũng chưa thật cặn kẽ, nhưng căn cứ vào sự phát triển của loài hoa này trên thế giới và tại Đà Lạt những năm qua, chúng ta có thể rút ra được một số kết luận hữu ích cho công tác nghiên cứu và phát triển sản xuất. Qua nghiên cứu tài liệu của các tác giả nước ngoài về lan Cymbidium, chúng tôi xác định được trong số những loài lan Cymbidium tự nhiên đã từng được thế giới dùng làm vật liệu ban đầu để lai tạo thì tại Đà Lạt hiện có 10 loài. Điều này chứng tỏ rằng nguồn gen tự nhiên sử dụng để lai tạo trước đây đã được thu nhập từ Việt Nam, vùng Đông Dương hoặc từ những nơi khác trên tế giới có điều kiện tự nhiên gần giống với Đà Lạt.

Về các yếu tố sinh thái đối với Cymbidium cũng có những kết luận khá rõ. Căn cứ vào kết luận chung của nhiều tác giả, các yếu tố khí hậu cơ bản cho Cymbidium là:

- Nhiệt độ: Từ 7-27oC, tối thích ở 13-24oC. Nhiệt độ thấp hơn 6oC hay cao hơn 30oC, cây có thể chịu đựng được trong một thời gian ngắn. Một vài giống cho hoa không đều đặn ở các vùng thấp có nhiệt độ cao hơn, phần lớn chỉ phát triển thân lá, hay chỉ ra hoa một vài vụ rồi ngưng hẳn.

- ánh sáng: 50-70% ánh sáng trực tiếp với với độ chiếu sáng trên dưới 20.000 lux (khoảng 1/5 độ chiếu sáng của mặt trời vùng Đà Lạt trong tháng 4 và tháng 8, từ 11-14 giờ) .

- Độ ẩm: từ 60-70% độ ẩm tương đối của không khí và khoảng 70-80% độ ẩm của giá thể là điều kiện tốt cho Cymbidium.

Những yếu tố khác như độ thông gió, quang chu kỳ, độ quang mây... cũng có ảnh hưởng đến sinh lý của Cymbidium, nhưng đến nay vẫn chưa có được những kết luận chính xác và đầy đủ.

Đối chiếu với điều kiện tự nhiên của Đà Lạt, chúng ta thấy nhiệt độ bình quân hàng năm của Đà Lạt là 17,9oC. Bình quân thấp nhất là 18-19oC. Bức xạ và độ ẩm so với yêu cầu của Cymbidium, thì có những tháng dư thừa, có những tháng lại hơi thiếu. Tuy nhiên ta có thể dễ dàng điều chỉnh cho phù hợp.

Từ một vài dẫn liệu nêu trên, ta có thể mạnh dạn kết luận việc nuôi trồng Cymbidium ở Đà Lạt có một ưu thế tuyệt vời. Đây là một tiềm năng to lớn, chỉ còn một việc là chúng ta biết tác động như thế nào để cho tiềm năng đó mở cửa.

Một vài năm sau ngày giải phóng, phong trào nuôi trồng lan ở Đà Lạt đã được phục hồi dần và đang trên đà mở rộng. Các cấp lãnh đạo nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã bắt đầu thấy được tầm quan trọng của ngành xuất khẩu hoa lan nên đã có những chủ trương khuyến khích phát triển. Năm 1978, ngành xuất khẩu thành phố Đà Lạt đã mạnh dạn xuất thử lô hàng đầu tiên sang Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa và đã dành được nhiều cảm tình của khách hàng. Nhưng từ con số 3.000 cành năm đầu tiên đó, đến nay số lượng hoa Cymbidium xuất khẩu cũng chỉ lên tới 25.000 đến 30.000 cành.Tốc độ phát triển như thế là quá chậm (bình quân mỗi năm chỉ tăng được 2.700 cành). Thật đáng tiếc cho một mặt hàng xuất khẩu có nhiều ưu thế như vậy.

Sự hạn chế trên đây chủ yếu do 2 nguyên nhân:

Trước tiên, chúng ta chưa tích cực đầu tư khoa học kỹ thuật vào những khâu chính là chọn giống, nhân giống, bảo vệ thực vật...

Kế đó, việc đầu tư cho sản xuất, việc mua bán hoa cắt cành... còn nhiều mặt yếu kém, còn có tính chất thời vụ...

Điều đáng ngại hơn nữa là uy tín đối với khách hàng chưa được nâng lên vì chất lượng hoa chậm cải tiến, đáp ứng không kịp thị hiếu người tiêu dùng.

Tuy nhiên, phong trào trồng lan không dừng lại, nó đã phát triển và sẽ phát triển mạnh trong những năm tới vì sản lượng hoa hiện nay không chắc đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chưa nói đến việc phải mở rộng hơn nữa thị trường ở các nước xã hội chủ nghĩa và cả các nước tư bản chủ nghĩa.

Ngày nay việc nuôi trồng lan đã có nhiều thay đổi thuận lợi cho việc phát triển sản xuất. Giải quyết nhu cầu giống không còn là vấn đề khó khăn như trước. Các nguồn nguyên liệu và phương pháp nuôi trồng đã có những cải tiến rất nhiều. Có những mô hình mới vừa phục vụ cho sản xuất mở rộng, vừa giảm chi phí đầu tư để có hiệu quả cao như: trồng trên vỏ thông, trồng thành luống, che mát bằng cây tự nhiên, sản xuất giống sai hoa hàng loạt...

Đây là một mặt hàng thu về nhiều ngoại tệ, nhưng bản thân nó lại chẳng yêu cầu phải đầu tư cao. Theo tính toán, trong điều kiện nuôi trồng chưa phải là tối ưu, cứ 1m2 trồng Cymbidium từ năm thứ 4 trở đi có thể dễ dàng thu được 10 đơn vị ngoại tệ (R.US.) mỗi năm .

Để phát huy được tiềm năng to lớn này, trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay, không thể trông chờ vào sự độc quyền đầu tư kinh doanh của một cơ quan nào, mà phải tổ chức liên kết nhiều thế mạnh khác nhau: vốn đầu tư, khoa học kỹ thuật, vận chuyển, thị trường ...

Một triệu cành lan xuất khẩu hàng năm có thể nói là quá lớn, nhưng nếu có những chủ trương và biện pháp thích đáng thì mục tiêu đó cũng chỉ còn khoảng cách trong tầm tay. Đó là:

- Mở rộng việc liên lạc thông tin với các nước để kịp thời nắm bắt tình hình thị trường thế giới cũng như các kỹ thuật tiến bộ trong công nghệ sản xuất và chế biến hoa.

- Cần mở rộng việc đầu tư dài hạn cho việc nuôi trồng hoa lan xuất khẩu với quy mô lớn và cả quy mô gia đình.

- Tiếp tục tổ chức nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật đối với công tác nhân giống và tạo giống mới.

- Xây dựng quy trình gia công, bảo quản, đóng gói và vận chuyển, với cơ sở vật chất và tổ chức thích hợp.

- Mở rộng việc hợp tác sản xuất và kinh doanh dài hạn về hoa lan xuất khẩu với những cơ quan kinh tế của trung ương, các tỉnh, thành và các công ty Việt kiều ở các nước.

Kho tàng tự nhiên vô giá này đang đón chờ chiếc chìa khóa của những ai quan tâm đến sự phát triển của đất nước.

 Lan Cymbidium nhập nội vào Đà Lạt cho hoa đều đặn, dễ dàng.


Sở khoa học, công nghệ và môi trường Lâm Đồng

Trang truoc    Trang sau