Nội dung chính Trang trước Mục lục Trang sau  

ã hội của người Mạ cũng như một số dân tộc khác ở vùng Lâm Đồng - Nam Tây Nguyên đang trong quá trình tan rã sâu sắc của xã hội nguyên thủy, bước vào thời kỳ quá độ chuyển sang xã hội có giai cấp, lại bị ảnh hưởng của cả xã hội bên ngoài như phong kiến, thực dân cũ và mới, cho nên các quan hệ xã hội hết sức phức tạp, mang nhiều đặc điểm của những hình thái kinh tế-xã hội khác nhau. Nhưng, quan hệ xã hội cổ truyền còn tồn tại khá đậm nét và vẫn là quan hệ chủ đạo, chi phối chủ yếu mọi sinh hoạt và đời sống của người Mạ. Cho nên nghiên cứu về xã hội cổ truyền là vấn đề quan trọng cần được quan tâm hơn cả khi nghiên cứu về quan hệ xã hội của người Mạ. Muốn nghiên cứu vấn đề này, chúng ta cần phải đề cập đến nhiều mặt như quan hệ sở hữu, sự phân hóa các tầng lớp dân cư, quan hệ dòng họ và làng xã, tập quán tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, quan hệ hôn nhân gia đình v.v... Trong bài viết nhỏ này, bước đầu chúng tôi đề cập tới vấn đề đó trên khía cạnh quan hệ hôn nhân và gia đình, một lĩnh vực còn bảo lưu nhiều nét tàn dư của cơ cấu xã hội trước kia của người Mạ.

Trong khi hầu hết các dân tộc ở Lâm Đồng còn tồn tại khá đậm nét các hình thức hôn nhân và gia đình của thời kỳ chế độ mẫu quyền thì người Mạ là tộc người duy nhất đã xuất hiện khá phổ biến các hình thức hôn nhân gia đình theo chế độ phụ quyền.

Trong chế độ hôn nhân của ngưới Mạ, những yếu tố của chế độ phụ quyền được biểu hiện khá rõ nét trên nhiều mặt, nhiều khía cạnh mà trước hết là ở vai trò chủ động của người đàn ông. Nếu như trong xã hội các dân tộc còn lưu giữ nhiều hình thức hôn nhân của thời kỳ chế độ mẫu hệ như Kơho, Churu, Raglai... người con trai dù đã đến tuổi trưởng thành vẫn phải "ngồi chờ" để có một cô gái nào đó đến "bắt chồng" thì trong xã hội người Mạ, chế độ "bắt chồng" đó đã được thay thế bằng chế độ "bắt vợ". Người thanh niên đến tuổi trưởng thành (thông thường là 15 -16 tuổi) nếu ưng cô gái nào thì anh ta có quyền trình bày nguyện vọng đó cho cha mẹ của mình, và nếu được cha mẹ chấp thuận thì nhờ người mai mối đi nói với bên nhà gái để tiến tới hôn nhân. Trong đời sống và sinh hoạt xã hội của người Mạ từ xa xưa đã lưu truyền rộng rãi nhiều câu ca dao nói về vai trò của người đàn ông trong hôn nhân và được mọi người coi như là luật tục mạng tính chất chung của cả dân tộc. Ví dụ người ta khuyên nhủ người đàn ông:

"Không muốn ăn gà anh nên đặt bẫy

Không muốn cô đơn, anh phải cưới vợ đi"

Hoặc là

"Luộm thuộm thì việc chẳng xong

Cưới vợ quá trễ đâu giờ dạy con"

Hay

"Già nên lười biếng làm nơm

Già nên cái giỏ anh đan vụng về

Già nên muốn cưới vợ về

Nàng ta chạy mất khó bề kiếm ra"

Nếu không phải chính bản thân người con trai đề xuất ý kiến về việc cuới vợ cho mình thì cũng do gia đình anh ta (mà chủ yếu là người cha) lo tìm kiếm, lựa chọn và tổ chức cưới vợ cho con trai. Người mai mối (Cau gôi pao) cho đôi trai gái thông thường cũng là người đàn ông. Khi ông ta làm môi giới liên hệ với gia đình hai bên để bàn bạc việc hôn nhân cho đôi trai gái thì ông ta bàn bạc chung với cả cha lẫn mẹ của đôi bên, nhưng ý kiến quyết định chấp thuận hay không chủ yếu là ý kiến của người cha.

Chế độ "bắt chồng" được thay thế bằng chế độ "bắt vợ" nên đã dẫn đến tục lệ cư trú bên chồng. Sau lễ cưới, nếu người chồng đã nộp đủ hôn lễ cho nhà gái thì chỉ cần ở lại nhà vợ 8 ngày hoặc một, hai năm là hai vợ chồng về ở hẳn bên nhà chồng. Lẽ dĩ nhiên cũng còn nhiều trường hợp người chồng phải ở tại nhà vợ lâu hơn, thể hiện những dấu ấn của thời kỳ mẫu hệ trong hiện tại. Từ khi đã ở hẳn bên gia đình nhà chồng, người vợ hoàn toàn phụ thuộc gia đình người chồng trong mọi lĩnh vực và thực sự được coi như một tài sản của gia đình nhà chồng. Người phụ nữ khi đã theo chồng thì hoàn toàn bị tách khỏi cộng đồng gia đình bố mẹ đẻ của mình để lao động, sinh sống cả về vật chất và tinh thần theo gia đình nhà chồng. Khi chồng chết mà không có em trai chồng để lấy thay, người vợ góa đó phải ở lại nhà chồng để nuôi con trong ba năm, sau đó trở về nhà bố mẹ đẻ của mình để "đi bước nữa" với hai bàn tay trắng. Con cái và những tài sản mà hai vợ chồng đã chung sức làm ra trong bao năm tháng đều phải để lại cho gia đình nhà chồng. Không những vậy, chị ta còn phải trả lại một phần của sính lễ mà gia đình chồng trước đây đã nộp cho gia đình chị khi tiến hành hôn lễ.

Hoặc nếu như chị ta ở lại nhà người chồng quá cố cho đến khi có dịp tái giá thì của sính lễ trong cuộc tái giá này phải nộp trả cho gia đình người chồng trước. Nếu người vợ chết, người chồng lấy em gái của người vợ quá cố thì người con gái đó không có quyền đòi thêm lễ vật nếu như lần cưới trước gia đình nhà trai đã nộp đủ của sính lễ. Nếu người vợ quá cố không có em gái để thay mình, người chồng đi lấy vợ khác thì con cái và toàn bộ tài sản của người vợ quá cố làm ra đều thuộc quyền sử dụng của người chồng. Điều đó phản ảnh sự bất bình giữa nam nữ trong hôn nhân đã bắt đầu xuất hiện, điều mà chúng ta không nhìn thấy ở thời kỳ chế độ mẫu hệ.

Mặt khác, giá trị thấp kém của người phụ nữ trong xã hội người Mạ còn thể hiện ở chỗ họ bị coi là một nhân công lao động đơn thuần. Bởi vậy, khi người con gái đi lấy chồng là gia đình nhà gái mất đi một lao động nên họ đòi hỏi một sự bồi thường cho sự mất mát đó. Điều đó được biểu hiện trước tiên ở chỗ người con trai Mạ muốn tiến tới thành hôn với một người con gái nào đó phải biếu bố mẹ vợ tương lai và vợ chưa cưới của mình một ít quà trong lễ đính hôn, thông thường là 1 ché cho bố mẹ vợ và một con gà, một ché rượu gạo cùng những tặng phẩm khác như chuỗi hạt đeo cổ, lục lạc, lược sừng và những đồ trang sức nhỏ khác cho người đính hôn với anh ta. Mặt khác của sính lễ mà nhà trai đã nộp cho nhà gái trong lễ cưới ở người Mạ rất nặng nề, thông thường là 1 cặp chiêng, 30 cái ché, hai con trâu, 3 đến 6 con heo. Điều đó thể hiện mầm mống của tính chất hôn nhân mua bán đã xuất hiện trong xã hội người Mạ. Sính lễ càng lớn, giá trị con người của người nữ càng giảm và dần dần trở thành một tài sản để đổi chác bán mua. Tính chất hôn nhân đó của xã hội người Mạ còn được phản ảnh trong tập tục người con trai trước khi muốn đưa vợ về nhà mình ở hẳn thì phải ở rể một thời gian từ một đến 12 năm tùy từng hoàn cảnh cụ thể. Đây không những là dấu vết của thời kỳ chế độ mẫu hệ còn tồn tại trong xã hội người Mạ mà còn là một hình thức bóc lột sức lao động của người rể để bù vào sự thiệt thòi phải mất người lao động do gả con đi lấy chồng. Nếu người con trai nào chưa nộp đủ của sính lễ thì phải ở rể đến lúc nào nộp xong mới được đưa vợ về nhà mình. Nếu không có khả năng nộp đủ tất phải ở rể để lao động cho nhà vợ suốt đời.

Hôn lễ của người Mạ cũng đã bắt đầu xuất hiện nhiều chi tiết phức tạp, nhất là việc đưa cô dâu về nhà chồng. Đến ngày làm lễ cưới, cô dâu mang một gùi củi đến nhà chú rể. Cùng đi có đông đảo bà con bạn bè trong họ hàng nhà gái cũng như dân làng. Khi đến nhà chú rể thì người mẹ của chú rể ra đón cô dâu và hướng dẫn vào nhà để đặt chiếc gùi của cô ta xuống. Sau đó người mai mối đưa cho chú rể một nắm cơm kèm theo một chén rượu để chú rể uống một nửa rồi đưa lại cho cô dâu uống một nửa với sự chứng kiến của đông đảo dân làng nhất là bà con hai bên nhà trai nhà gái. Nghi lễ này được lập lại 6 lần. Sau đó người ta làm lễ trao vòng là cái lễ bắt buộc mọi đám cưới phải thực hiện .

"Muốn cho xong việc hôn nhân

Phải làm một lễ trao vòng cho nhau"

Trong thời gian này, người ta tiến hành các nghi lễ hiến sinh, bà con hai bên nhà trai nhà gái cùng làng xóm uống rượu và tiến hành các sinh hoạt tinh thần khác như múa, hát theo những điệu nhạc và nhạc cụ của dân tộc như chiêng, trống, kèn... Đêm hôm sau, cặp vợ chồng mới ăn ở với nhau và các cuộc liên hoan vẫn được tiếp diễn trong bốn hoặc năm ngày liên tiếp.

Những nghi thức trong hôn lễ của người Mạ mà chúng tôi vừa nêu ra trên đây vừa phản ảnh tính chất nguyên thủy của chế độ hôn nhân của người Mạ (sự quan tâm của cộng đồng làng xã đối với trai gái...) đồng thời phản ảnh chế độ hôn nhân nguyên thủy đó đã bước sang thời kỳ chế độ phụ quyền.

Do tính chất hôn nhân mua bán đã phát sinh và phát triển ở một chừng mực nhất định trong xã hội người Mạ, tính chất hôn nhân theo tình yêu nhằm đảm bảo hạnh phúc cho người phụ nữ Mạ dần dần bị mất đi. Không những họ phải chịu sự bất bình đẳng về nam nữ, phải lệ thuộc vào người đàn ông trên nhiều mặt, và họ còn phải chấp nhận hiện tượng đa thê nữa. Chế độ đa thê được luật tục xa xưa của người Mạ cho phép:

"Chim cút hót những điều xấu

Con quạ hát những chuyện xưa

Ai biết điều khiển một vụ tranh cãi có quyền lấy hai vợ"

Tuy rằng trong thực tế xã hội Mạ, hiện tượng đa thê chưa phải phổ biến mà chỉ thường xảy ra ở những người thủ lĩnh, chủ làng, những người có quyền thế, giàu có và phải được sự đồng ý của người vợ cả. Đồng thời người đàn ông nào muốn lấy vợ hai phải nộp cho người vợ cả một số của bồi thường rất lớn, thường là 30 ché thấp, 30 ché cao, 6 cái chiêng cổ, 3 con trâu... Thế nhưng vẫn có nhiều chủ làng có hai, ba vợ.

Gia đình của người Mạ là gia đình phụ quyền. Hiện nay, người Mạ tồn tại hai hình thức gia đình chủ yếu là gia đình lớn phụ quyền và gia đình nhỏ phụ quyền. Hai hình thức gia đình này tồn tại ở mọi khu vực cư trú của người Mạ, kể cả những vùng gần đây có bị ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân mới nên đã có nhiều biến đổi về kinh tế xã hội. Nhưng nhìn chung toàn bộ xã hội người Mạ, gia đình lớn vẫn là hình thức tồn tại tương đối phổ biến hơn cả. Gia đình lớn là gia đình bao gồm nhiều nhóm gia đình nhỏ hợp thành, có từ 10 đến 30 thành viên thuộc 3 đến 4 thế hệ có quan hệ huyết thống gần gũi nhau. Ví dụ gia đình ông K?Poi ở làng Bơ Lạch A, xã Lộc Bắc huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng tính đến tháng 4-1978, có 4 nhóm gia đình nhỏ (nay gọi là 4 hộ) gồm 30 người thuộc 4 thế hệ. Trong đó, về dòng máu thì thuộc hai loại: loại anh em ruột thịt cùng sinh ra từ một người cha và loại người ngoài vào như con dâu và con rể. Hộ thứ nhất gồm ông K?Poi cùng vợ là Ka Noong, con trai và con dâu cùng cháu, tất cả có 10 người. Hộ thứ hai gồm K?Lằng với vợ là Ka Dệt và con. Hộ thứ ba gồm vợ là Ka Rực lấy chồng về ở rể là K?Hai cùng con và cháu, tất cả 9 người. Hộ thứ 4 là K?Giố có các con và cháu, cả thảy 8 người. Ngoài ra có một nhà nhỏ bên cạnh của chị Ka Lọi, con gái bà ka Giố, chồng đang thời kỳ ở rể. Quan hệ giữa 4 chủ hộ trong gia đình lớn là:

- K'Poi (chủ hộ 1) là anh ruột K'Lằng (chủ hộ 2)

- K'Hai (chủ hộ 3) là cháu rể gọi K'Poi (chủ hộ 1) bằng cậu.

- Chồng bà Ka Giố (chủ hộ 4) là em ruột K'Poi (chủ hộ 1) và K'Lằng (chủ hộ 2).

Cho đến nay, xã hội người Mạ nhất là vùng Mạ lưu vực sông Đạ Đơng, còn tồn tại rất nhiều gia đình lớn như gia đình ông K'Poi vừa nêu trên đây. Một số gia đình lớn cùng với một số gia đình nhỏ có quan hệ gần gũi với nhau về huyết thống thường cư trú thành từng nhóm, tạo nên một tập thể kinh tế xã hội thống nhất. Sự thống nhất về kinh tế thể hiện ở chỗ đất đai canh tác thuộc quyền sở hữu tập thể của nhóm gia đình. Về xã hội, nhóm gia đình này trước đây cư trú trong một làng, đều có ý thức cùng do một ông tổ mà ra và mang tên gọi riêng. Chẳng hạn như làng Bơ Lạch nghĩa là "người của bãi đất bằng", làng Bơrder là "người của vùng đất đỏ", làng Bơ Lưng là "người của vùng thung lũng dưới chân núi", làng Bơ Nao là " người của vùng có hồ" v.v... Hiện nay do sự phát triển về số lượng thành viên, nhóm gia đình trong một làng đó tách ra nhiều nhóm khác, nên mỗi nhóm gia đình hiện nay chỉ cư trú một phần của làng. Ví dụ làng, Bơ Lạch A ở xã Lộc Bắc hiện nay gồm hai nhóm gia đình đồng tộc ở thành hai khu của làng. Từ điều vừa trình bày trên đây, ta có thể suy ra trước đây trong xã hội người Mạ đã tồn tại hình thái đại gia đình phụ quyền hay gọi là công xã gia đình. Bởi vì những nhóm gia đình có quan hệ huyết thống với nhau, có sự thống nhất về kinh tế, xã hội và tinh thần như vừa nêu ra trên đây, thuật ngữ dân tộc học gọi là patronyme mà ta gọi là Tông tộc.

Trong gia đình lớn gồm nhiều gia đình nhỏ cùng cư trú trong một nhà dài, quyền hành tối cao là do người đàn ông cao tuổi thuộc thế hệ thứ nhất nắm giữ. Ví dụ trong gia đình lớn của ông K'Poi ở làng Bơ Lạch A đã nêu trên đây. Trước kia ông chồng của bà Ka Noong là chủ gia đình, nhưng sau khi ông ta chết, thì ông K'Poi là em trai ruột kế với ông là làm chủ gia đình. Quyền hành làm chủ gia đình thể hiện trên mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, tinh thần. Cụ thể về "đối nội", ông ta là người đóng vai trò quyết định trong việc cưới xin, ma chay, dàn xếp các xích mích giữa các nhóm gia đình nhỏ, bàn bạc với mọi người về công việc sản xuất, dời nhà v.v... Về "đối ngoại", ông ta là người đại diện gia đình mình để bàn bạc với các chủ gia đình khác để giải quyết việc làng hoặc quan hệ giữa các gia đình lớn v.v... Còn quyền hành chủ yếu trong các đơn vị gia đình thành viên của gia đình lớn là do người đàn ông lớn tuổi của gia đình đó nắm giữ, kể cả những người vốn xuất phát từ gia đình khác đến làm rể. Ví dụ trong gia đình lớn của ông K'Poi, trong 4 ông chủ của bốn nhóm gia đình nhỏ chỉ có ba ông (K'Poi, K'Lằng, K'Điều) là thuộc giòng máu gia đình này, còn ông K'Hai vốn là người thuộc tông chi khác đến làm rể nhà ông K'Poi nhưng nay là chủ một nhóm gia đình nhỏ. Vai trò của người phụ nữ dần dần bị lu mờ và càng ngày càng bị lệ thuộc vào người đàn ông mà trước hết là người chồng và người cha của họ. Người vợ chỉ là một lao động của gia đình, là một tài sản mà gia đình nhà chồng vừa bỏ ra một số của cải để mua về. Con gái của họ được coi là những thành viên tạm thời của gia đình cha cô ta. Ngạn ngữ Mạ có câu :

"Con gái sẽ thuộc nao người

Con trai ở lại với nao của mình"(80)

Chế độ thừa kế tài sản được truyền lại theo dòng dõi người đàn ông. Nếu người cha chết trước khi đứa con trai của ông ta đủ khôn lớn để đảm đương các trọng trách của người chủ gia đình thì tài sản của người cha này sẽ do một anh hoặc em trai của ông ta quản lý và nếu ông không có anh em trai thì sẽ do người cháu thứ nhất quản lý. Tuy nhiên khi người con trai cả đến tuổi trưởng thành thì mọi tài sản và đặc quyền của người cha sẽ truyền lại cho người con trai cả này. Luật tục của người Mạ nói.

"Cây R'tinh chết, còn cây R'tang

Cây bông vải chết, gốc còn nơi kia

Trâu chết thì hãy còn sừng

Phần cha mẹ chết hãy còn con trai"

Nếu gia đình nào đang nắm giữ một dòng dõi có tăm tiếng (nao Knang) chỉ có con gái mà không có con trai để nối dõi thì họ phải cưới cho con gái một người chồng vốn thuộc "nao" dòng dõi khác để về nắm giữ "nao" của mình. Nếu sau này đôi vợ chồng đó lại không có con trai nữa thì quyền nắm giữ "nao" của họ bắt buộc phải giao cho một người cháu trai là con đầu lòng của người chị hoặc em gái (vì họ không có anh em trai). Nghĩa là chỉ có người con trai mới có quyền thừa kế tài sản và nối dõi tông đường, dù rằng có trường hợp người con trai đó vốn xuất phát từ một dòng máu khác. Còn con gái vốn đã được coi là một thành viên tạm thời của gia đình, chờ cho đến ngày trưởng thành để "xuất giá tòng phu" trở thành người của "nao" khác nên họ không được hưởng cái quyền thừa kế tài sản và đặc quyền của cha mẹ, trừ trường hợp gia đình nào không có con trai mà người con gái lại "bắt chồng" về ở rể thì mới được hưởng tài sản của cha mẹ để lại.

Chế độ phụ hệ còn biểu hiện trong gia đình của người Mạ ở chỗ, khi có trường hợp ly dị, người cha còn phải có trách nhiệm đóng góp một phần vào việc nuôi dưỡng con cái cho đến khi chúng được 6 tuổi và người cha được phép giữ lại con trai cả, mặc dù mẹ nó nuôi nấng nó từ khi còn nhỏ.

Tập quán còn quy định bất cứ một người đàn ông Mạ nào khi lấy vợ đều phải ở rể một thời gian dù anh ta đã nộp đủ tất cả của hồi môn cho nhà gái. Thời gian thông thường là 1 đến 12 năm, đặc biệt lắm cũng phải 8 ngày. Không những vậy, rải rác ở một số vùng, chế độ cư trú sau hôn nhân vẫn chưa xác định được một cách dứt khoát, có thể ở nhà vợ từ 5 đến 10 năm rồi về nhà chồng ở với một thời gian tương tự và cứ thế lặp đi lặp lại cho hết cuộc đời. Thậm chí cho đến ngày nay, vẫn còn trường hợp người con gái "bắt chồng" về ở hẳn nhà mình nếu họ bỏ ra số của sính lễ bằng hoặc nhiều hơn số của sính lễ thông thường của một người con trai đi hỏi vợ. Ví dụ như chị Ka Ngùi, nay 40 tuổi ở xã Lộc Trung huyện Bảo Lộc đã nộp cho nhà chồng 3 ché rượu, một cặp chiêng, 2 con trâu, 6 con heo để cưới chồng về nhà chị.

Những trường hợp như vậy thường diễn ra đối với những gia đình giàu có mà lại không có con trai để nối dõi.

Tập quán của người Mạ cho phép ly hôn khi nào hôn nhân không đạt vì các lý do sinh lý hoặc vì một bên không tán thành, vì ngoại tình, vì lười làm ăn v.v... Nghĩa là người đàn ông hay đàn bà cũng đều có quyền khởi xướng trong vấn đề ly dị, chứ không ưu tiên cho một giới nào. Bên nào là kẻ gây ra việc ly hôn, bất cứ là đàn ông hay đàn bà đều phải nộp 15 cái ché cổ cho người kia và làm một lễ hiến sinh thường là một con heo và một cái ché cho người làm trung gian đi điều đình với các già làng để cho phép ly hôn. Sau khi ly dị, của cải trong gia đình do hai người đã chung sức làm ra đều được chia ra một cách công bằng cho hai bên, con cái cũng được chia ra hoặc tùy chúng nó lựa chọn ở với cha hoặc mẹ, mà thường là ở với mẹ nhiều hơn, chỉ trừ đứa con trai cả phải thuộc quyền của người đàn ông. Ở đây quyền bình đẳng nam nữ trong thời kỳ chế độ mẫu hệ vẫn còn được lưu giữ ở một chừng mực nhất định.

Tàn dư mẫu hệ còn được thể hiện rõ rệt ở chỗ trong chế độ hôn nhân của người Mạ hiện nay vẫn tồn tại dấu vết của quần hôn nguyên thủy, đó là hình thái tối cổ của quan hệ hôn nhân gia đình và là một trong những đặc điểm nổi bật của chế độ hôn nhân trong thời kỳ chế độ mẫu quyền. Tục lệ hôn nhân chị em vợ (sororat) và hôn nhân anh em chồng (levirat), hôn nhân con cô con cậu (crossconsin) còn tồn tại phổ biến trong xã hội người Mạ. Dù rằng dấu ấn của nó đã phai mờ đi rất nhiều chứ không còn đậm nét như trong thời kỳ chế độ mẫu hệ nữa. Nếu các dân tộc còn bảo lưu đậm nét tàn dư mẫu hệ thì hôn nhân chị em vợ, anh em chồng và hôn nhân con cô con cậu còn diễn ra hai chiều thì trong xã hội người Mạ đã bị hạn chế và thu hẹp lại. Nếu chồng chết, người vợ có thể lấy em trai của chồng nếu được người đó đồng ý, chứ không được lấy anh trai chồng. Nếu vợ chết mà có em gái chưa lấy chồng (hoặc đã có chồng mà chồng chết) thì người chồng goá bụa đó có thể lấy luôn em gái vợ nếu người con gái đó thỏa thuận, chứ không được lấy chị gái vợ. Hôn nhân con cô con cậu chỉ thực hiện được ở trường hợp con gái của anh hoặc em trai (tức cậu) với con trai của em hoặc chị gái (cô), chứ con trai cậu không lấy đụơc con gái cô, và cũng không có hai anh em trai con cô lấy hai chị em gái con cậu. Nếu ai làm trái với những tập tục trên, chẳng hạn như con trai cậu mà lấy con gái cô hoặc chồng chết lấy anh chồng, vợ chết mà lấy chị vợ đều bị dân làng phạt, ít nhất là 3 ché rượu, một con heo.

Không những tàn dư của chế độ quần hôn nguyên thủy còn tồn tại như vừa nói trên đây mà trong xã hội người Mạ thấp thoáng vẫn còn bóng dáng của hình thái tạp hôn. Hiện tượng giao thiệp, chung chạ nam nữ trước hôn nhân cho đến nay vẫn còn tồn tại khá phổ biến và được coi là chuyện bình thường đối với người Mạ. Trinh tiết của người con gái không được coi trọng và nó không ảnh hưởng gì tới hôn nhân và cuộc sống hạnh phúc của vợ chồng sau này. Tập tục của người Mạ còn quy định quyền cửu phụ (tức quyền người cậu) cũng là một biểu hiện tàn dư của chế độ mẫu hệ còn tồn tại trong việc cưới vợ hay gã chồng của cháu mình. Gia đình cả hai bên trai gái khi cần lo dựng vợ gả chồng cho con cái đều phải hỏi ý kiến của ông cậu, nhiều lúc ý kiến đó lại có ý nghĩa quyết định. Những tặng phẩm trong lễ hỏi và lễ cưới thường được trích ra một phần tặng cho ông cậu bên nhà gái. Khi người vợ chết, người chồng lấy vợ lần thứ hai và phải ở rể thì con cái thường không ở với cha đẻ và mẹ kế mà thường trở về họ ngoại ở với cậu của mình. Và người cậu cả có quyền nuôi dạy và có trách nhiệm hoàn toàn về mọi mặt đối với những đứa cháu đó.

Người Mạ cũng như một số dân tộc khác thuộc ngữ hệ Môn-Khơme ở Tây Nguyên không có họ nên không có việc tính dòng họ cho con cái. Nhưng khi đặt tên cho đứa bé mới ra đời, họ thường phải hỏi các bậc bề trên và thường đặt theo tên ông bà đã mất. Con trai đặt theo vần tên của giới đàn ông (chú, bác, cậu) và con gái đều được đối xử nuôi dưỡng như nhau, không có sự phân biệt nào trong mọi phương diện đối với con trai và con gái. Việc nuôi dạy con cái là trách nhiệm chung của cha và mẹ, nhưng người mẹ còn giữ một vai trò quan trọng, tương đối gần gũi hơn, nhất là trong việc dạy dỗ truyền lại những tập tục văn hóa của dân tộc, việc cư xử ngoài xã hội, những công việc nội trợ và nghề phụ gia đình, v.v...

Trong sản xuất cũng như trong đời sống gia đình, trong việc tổ chức cưới vợ gả chồng cho con cái tuy vai trò quyết định là người đàn ông, nhưng tất cả đều có sự bàn bạc thỏa thuận giữa hai vợ chồng.

Ngoài ra, như trên đã đề cập, mặc dù chế độ đa thê được tập quán chấp thuận và đã xảy ra trong thực tế, nhưng người phụ nữ Mạ vẫn giữ được vai trò "quyết định tương đối" trong vấn đề này. Nó thể hiện ở chỗ người chồng muốn lấy vợ hai, vợ ba ... đều phải hỏi ý kiến và phải được sự chấp thuận của vợ cả. Khi đã được sự "chuẩn y" của vợ cả, người chồng còn phải nộp cho vợ cả một số tiền của bồi thường rất lớn rồi mới được xúc tiến việc cưới hỏi vợ sau.

Như vậy, trong chế độ hôn nhân và gia đình của người Mạ, yếu tố mẫu quyền vẫn có một sức cưỡng bền bỉ nên còn tồn tại một cách dai dẳng và khá phổ biến trên nhiều khía cạnh. Nhưng, hôn nhân và gia đình theo chế độ phụ quyền đã được xác lập và ngày càng phát triển trong người Mạ.

Do địa bàn cư trú của ngừơi Mạ là vùng rừng núi rộng lớn, lại có khí hậu phù hợp và lượng mưa rất lớn thuận tiện cho rừng phát triển mạnh, đất đai canh tác ở đây dư dả nên rẫy của người Mạ đa số là rẫy mới, rẫy chỉ làm một mùa rồi để hoá. Làm rẫy mới thì công việc phát rừng là một việc quan trọng hơn cả, khác với những nơi làm rẫy hai ba mùa hay thường xuyên thì việc làm cỏ, phát cây con là chủ yếu. Công việc phát rừng, một công việc nặng nhọc và quan trọng như thế thường là do đàn ông đảm nhiệm. Những công cụ chính để phá rẫy như rìu, chà gạt... đều do người đàn ông làm ra. Không những vậy, sống trong một môi trường rừng núi dày đặc, họ còn phải chống lại biết bao khắc nghiệt khác của thiên nhiên và sự tấn công của thú dữ.

Tất cả những việc đó, sức lực của người đàn bà không thể gánh vác nổi mà vai trò chính phải là người đàn ông. Từ đó vị trí của người đàn ông trong xã hội người Mạ được đưa lên hàng đầu.

Đó là nguyên nhân nội tại, nguyên nhân chủ yếu làm cho chế độ mẫu quyền phải nhường chỗ cho chế độ phụ quyền trong xã hội người Mạ. Bên cạnh đó, người Mạ vốn là một dân tộc có truyền thống bất khuất, lại luôn luôn bị các thế lực bên ngoài xâm lược, nên họ đã có một quá trình đấu tranh anh dũng chống lại sự xâm lược của các thế lực đó từ lâu để bảo vệ sự tồn tại và phát triển của dân tộc mình. Quá trình đó cũng tất phải đòi hỏi vai trò của người đàn ông là vai trò chủ yếu, và chính đó cũng là một nguyên nhân hoặc ít ra là một điều kiện làm cho xã hội người Mạ từ chế độ mẫu hệ chuyển sang chế độ phụ hệ như hiện nay.

PHAN XUÂN BIÊN

  Nội dung chính Trang trước Mục lục Trang sau