Nội dung chính Trang trước Mục lục Trang sau  

heo những tư liệu khảo sát điền dã đã thu thập được, người Chil và nguời Lạt cư trú thành nhiều nhóm trong các vùng rừng rậm và những cánh rừng thông lâu năm ở phía bắc tỉnh Lâm Đồng ngày nay. Đó là một vùng rộng lớn từ thành phố Đà Lạt cho đến các miền phía nam tỉnh Đắc Lắc. Vùng cư trú của người Chil và Lạt về cơ bản, trùng hợp với địa phận tỉnh Tuyên Đức cũ. Các nhóm Chil, Lạt có nhiều quan hệ gần gũi về tộc người và văn hoá với các nhóm Mnông ở Nam Đắc Lắc.

Xã hội các nhóm Chil và Lạt mang nhiều đặc trưng có ý nghĩa quan trọng đối với việc tìm hiểu lịch sử và quá trình phát triển của các dân tộc ở Lâm Đồng hiện nay.

I- NHỮNG QUAN HỆ DÒNG HỌ TRONG NGƯỜI CHIL VÀ LẠT

1- Những dòng họ của người Chil và Lạt

Người Chil và Lạt ở vùng Lạc Dương đều có họ, và họ có ý thức rất rõ về dòng họ của mình. Hiện tại, người Chil và Lạt ở đây, có khoảng 25 họ, với các họ chính như sau:

1- Daguk                             7- Bongđung                                     

2- Păngtin                           8- Lơmu                                             

3- Krajyong                         9- Konsor 

4- Langbiang                       10- Konsar

5- Dangur                           11- Liênghot

6- Bonto                             12- Chil

                                        13- K'sar

Số lượng người trong các dòng họ không đều nhau. Có họ đông người như Daguk, Krajyơng, Păngting, Langbiang... Có họ ít người như Konsor, Konsar, K?sar... Hiện nay, ở những vùng tập trung như xã Lát, Kinplanhon có sự cư trú xen kẽ giữa các họ và các dòng. Ở xã Lát, trong các bon Đung, Đangya, Bnơ (A, B, C), Dangkia Pangtindalngik có sự chung sống của các họ Pangtin, Daguk, Krajyơng, Langbiang, Lunghok. Ở xã Kinplanhon trong các vùng Tiêng Liêng, Đạcháy, Đạđum có các họ Buolto, Lơmu, Konsor, Chil, K'sar... Tuy vậy ở mỗi bon và vùng trên đây đều có một dòng họ chính chiếm số đông dân cư. Ở bon Đung chủ yếu là họ Păngting, bon Đungya họ Đaguk, bon Buơ họ Langbiang... Ở Tiêng Liêng có dòng lớn là Chil (Hangđroi và Tiaso), ở Đạcháy có dòng Bullya Tring là những dòng lớn...

Những họ lớn trong các bon, các vùng cư trú đóng vai trò khá quan trọng trong đời sống và sinh hoạt xã hội của người Chil và Lạt tại các nơi đó. Trước hết, những dòng họ đông người được coi là dòng họ chính, họ lớn và mạnh. Những người trong dòng họ này rất tự hào về nguồn gốc, thân thế lịch sử dòng họ mình. Trong quá khứ, việc chọn lựa những chức vụ quản lý bon làng như "quăng bon" thường được chọn những người trong dòng họ lớn. Thời kỳ Pháp và Mỹ thống trị, các chức tước, các tay sai phần nhiều là người xuất thân từ các dòng họ lớn. Những dòng họ lớn, không chỉ có địa vị về mặt xã hội mà còn có nhiều ưu thế về mặt kinh tế, so với những dòng họ khác. Họ giàu có, đời sống khá giả hơn và có nhiều của cải, của quý hơn. Một số những dòng họ lớn, mạnh không chỉ chiếm ưu thế trong một vùng mà còn được kính trọng, kiêng nể ở nhiều khu vực, họ Daguk, Păng-tin, Langbiang, Krajyơng... dòng Chil (Tiaso, Hangđroi)... đã từng nổi tiếng khắp vùng đông nam và đông bắc chân núi Lâm Viên, cho đến miền đèo Prenn (đông Nam Đà Lạt).

Những dòng họ nhỏ, yếu không chỉ ít về số lượng người, mà thân phận và địa vị của họ trong xã hội cũng kém cỏi. Họ bị coi thường, hoặc bị dòng họ lớn mạnh khinh rẻ. Thường những dòng họ nhỏ yếu này bị đẩy vào sinh sống ở miền hẻo lánh xa xôi, đất đai cằn cỗi, nghèo nàn. Dòng họ Lơmu (tiếng Chil có nghĩa là con sùng) bị xã hội Chil trước đây coi thường và khinh rẽ như một loài sâu bọ. Các dòng họ Konsor, Konsar (con cá) cũng chịu một số phận hẩm hiu như vậy. Không mấy người mang các họ này có được chức vị trong hệ thống quản lý bon, hoặc trong các cấp hành chính địa phương trong các thời kỳ trước đây.

Mối quan hệ giữa các dòng, họ hiện nay ở Lạc Dương tương đối tốt hơn trước, tình cảm đoàn kết biểu lộ rõ. Nhưng bên cạnh đó, vẫn tồn tại những dấu vết về sự phân biệt giữa các dòng họ.

2- Lãnh thổ phân bố của một số dòng họ

Theo những truyền thuyết và ký ức ở địa phương người Chil và Lạt trước đây sống tập trungthành những bon phân bổ rãi rác trong khắp khu vực rừng rậm phía Bắc tỉnh Lâm Đồng và Nam Đắc Lắc. Phần nhiều các bon tập trung dọc theo các nguồn sông, suối, như vùng đầu nguồn sông Krông Knô suối Đanhim. Vì vậy, nhiều địa danh cư trú mang từ "Đak" (Đak có nghĩa là nước, vừa có nghĩa là suối, nguồn nước).

Hiện nay người Chil ở Lạc Dương tập trung trong các khu vực sau đây:

1- Xã Kinplanhon Hạ

- Vùng Tiêng Liêng, Hangđroi

- Vùng Đăragua

- Vùng ĐạCháy - Đađơn

2- Xã Đầm Ròn

3- Một vài bon nhỏ ở xã Lát (81)

Các dân tộc người Lạt cư trú chủ yếu ở xã lát quanh thị trấn Lạc Dương với các buôn Bnơ (A, B, C), Bonđang, Đangua, Đơngur...

Những vùng cư trú này được hình thành chủ yếu là từ sau khi Pháp chiếm đóng vùng Nam cao nguyên. Trong thời Mỹ - nguỵ, các khu vực cư trú của người Chil có nhiều xáo trộn, nhất là với chính sách "dồn dân lập ấp".

Dựa vào các địa danh, những chuyện kể và ký ức của người già, chúng ta có thể nhận thấy sự phân bố lãnh thổ tộc người và dòng họ của người Chil, Lạt trước đây:

a) Người Chil

Các dòng họ người Chil tập trung chủ yếu ở vùng phía bắc và đông bắc núi Lang Biang (Lâm Viên) kéo dài đến vùng Nam Đắc Lắc, chủ yếu là ngọn suối Đanhim và sông Krông Knô. Đường phân giới phía Bắc từ Đam Rông dọc theo ranh giới Đắc Lắc - Lâm Đồng, đến chân núi Biđúp. Ở phía Nam, các tộc người Chil dừng lại khoảng "đường vòng Lâm Viên" bắt đầu từ ấp Thái Phiên vùng hồ Than Thở). Những bộ phận người Chil hiện cư trú ở vùng Đức Trọng, chỉ mới đến trong các đợt di dân của Mỹ-ngụy về sau này.

b) Người Lạt

Các dòng họ người Lạt tập trung cư trú ở vùng Nam, tây Nam núi Lang Biang, đổ dài về phía Đà Lạt xuống đến gần chân đèo Prenn:

a- Họ Đaguk phân bổ ở khu vực từ đèo Prenn qua thị xã Đà Lạt (vùng ấp Nguyễn Siêu, ấp Du Sinh cho đến gần phi trường Cam Ly).

b- Họ Păngting và Krajyơng cùng chung nhau sinh sống trong vùng đất từ sau ấp Phước Thành (ở phía bắc hồ Xuân Hương, kéo qua phía đông phi trường Cam Ly và vùng Suối Vàng).

c- Họ Lang Biang quản lý vùng đất quanh phía Nam chân núi Lâm Viên, cho đến vùng đập Đa Thiện tiếp giáp với đường vòng Lâm Viên đi Kinplannhon Hạ.

d- Họ Buonđung có một thời gian từng là họ lớn mạnh chiếm cứ vùng đất hiện nay là thị trấn Lạc Dương và xã Lát. Về sau, do những cuộc chiến tranh liên miên nên suy yếu dần, đất đai bị thu hẹp nhanh chóng.

e- Họ Liênghok, Rờôn, Liêngyrang... và các họ nhỏ của người Lạt, thường cộng cư với các dòng họ lớn hoặc sinh sống trên các vùng đất nhỏ hẹp chen giữa các dòng họ lớn, như những "trái độn". Họ Sarem vốn là dòng họ nhỏ bé, nạn nhân của các vụ tranh chấp giữa họ Langbiang và Buonđung, cư trú ở phía Bắc xã Lát, trên đường ranh giới đất đai giữa hai họ lớn này.

Các khu vực cư trú của người Chil và Lạt được xác định khá chặt chẽ. Các đường phân giới được đánh dấu rất cẩn thận, thường dựa theo các dòng sông, suối, các con đường mòn băng qua các hẻm núi. Các mốc giới là những tảng đá lớn, các thác nước, và cả những cây cổ thụ. Những ranh giới đó được lưu truyền lại cho các thế hệ sau rất tỉ mỉ, như một quy ước bất xâm phạm. Một trong những đường phân giới giữa các nhóm Chil và Lạt ở phía Đông Nam, nay là đường vòng Lâm Viên (con đường thuộc Lâm trường Lâm Viên nối từ Đà Lạt đến Kinplanhon đã được nhiều thế hệ người Chil, Lạt rất coi trọng. Cho tới nay vẫn chưa có một nhóm Chil, Lạt nào vượt qua ranh giới đó để cư trú hay làm nương rẫy, khai thác lâm sản. Khu vực quản lý của mỗi dòng họ bao gồm: đất đai, nương rẫy (mir), các cánh rừng (những khu rừng cấm, rừng thiêng), các nguồn nước, sông, suối, các con đường mòn, thung lũng và cả những thú rừng trong khu vực. Những sự nhầm lẫn hoặc cố tình tranh chấp, xâm phạm vào các giới hạn đất đai của mỗi họ, đều phải có sự hòa giải, tạ lỗi, hoặc xung đột đổ máu. Mỗi bon, mỗi dòng họ chỉ được phép cư trú và sinh sống trong các vùng đất đã được phân giới, hoạch định thuộc quyền quản lý của mình.

3- Tranh chấp giữa các dòng họ trong lịch sử

Những cuộc tranh chấp giữa các họ của người Lạt và Chil còn để lại dấu ấn khá đậm nét trong lịch sử cũng như trong kho tàng văn học dân gian địa phương vùng Lạc Dương. Phần nhiều những cuộc tranh chấp đó xảy ra trong các dòng họ người Lạt nhiều hơn là ở người Chil.

Thời gian xảy ra các cuộc tranh chấp của các dòng họ Lạt ở Lạc Dương, khoảng hơn một thế kỷ về trước, khi thực dân Pháp chưa đặt chân đến vùng nam Tây Nguyên và phía bắc Lâm Đồng.

Nguyên nhân của những cuộc tranh chấp, xung đột giữa các dòng họ người Lạt chủ yếu là giành đất đai, chiếm tài sản, mở rộng khu vực quản lý, cũng như tăng cường sức mạnh, uy thế của dòng. Giữa các họ Daguk, Pangting, Krajyơng, Langbiang... thường hay xảy ra các cuộc tranh chấp xung đột với các lý do đã nêu ở trên. Và hầu như cách giải quyết những xung đột đó đều kéo dài, những cuộc phục thù thường tái diễn thu hút nhiều sức người, sức của các dòng họ tham chiếm.

Những cuộc tranh chấp thường bắt đầu bằng những sự xâm phạm đất đai, hoặc vô tình hoặc cố ý, cũng có khi do sự thù hằn cá nhân của hai người thuộc hai dòng họ. Những sự kiện đó, lúc đầu được giải quyết bằng một cuộc thương nghị giữa hai họ, mỗi bên nêu ra các yêu cầu, đề nghị của mình. Những yêu cầu đề nghị đó, thường dựa trên các quy định truyền thống của người Lạt nhằm hạn chế, phân xử, và giải hóa việc rắc rối giữa các cá nhân, dòng họ. Có thể các cuộc thương lượng đó sẽ kết thúc và giải quyết các vụ xích mích, nếu đó là nguyên nhân vô tình. Nhưng phần lớn đều dẫn đến tranh chấp vũ trang giữa hai hay nhiều dòng họ. Những cuộc va chạm vũ trang được xảy ra một cách bất ngờ, trong một thời gian ngắn giữa hai họ, có khi xảy ra ngay giữa lúc các cuộc thương lượng gần kết thúc. Sau khi đánh nhau bằng vũ trang, hai họ lại nối tiếp các cuộc thương lượng để hòa giải, để chuộc lại người, của, súc vật v.v..., và bên bại phải chấp nhận các yêu cầu của bên thắng. Tuy vậy bên dòng họ bại vẫn chưa phải chịu thua hoàn toàn. Họ vẫn nuôi dưỡng ý chí phục thù vừa nhằm gỡ lại danh dự, vừa tìm cách đoạt lại các đất đai, tài sản bị mất. Tùy theo điều kiện phục hồi, củng cố sức lực mà thời gian phục thù kéo dài sớm hay muộn và lúc đó cuộc chiến tranh lại tiếp tục. Cho đến khi một trong các dòng họ tranh chấp bị kiệt sức hoàn toàn, buộc phải từ bỏ ý đồ phục thù, lúc đó cuộc tranh chấp mới chấm dứt.

Chiến tranh xảy ra các cuộc tranh chấp dòng họ, thường diễn ra ở vùng chân núi Lâm Viên, phía Bắc xã Lát, và có khi lan tận vùng Đà Lạt, Cam Ly. Một trong những cuộc tranh chấp dai dẳng và khá ác liệt được nhiều người nhắc lại là cuộc xung đột giữa dòng họ Langbiang và họ Buônđing. Dòng họ Buônđing, vốn chiếm cứ xã Lát từ lâu đời. Còn dòng họ Langbiang ở sâu trong vùng chân núi Lâm Viên giữa khu vực cư trú của hai họ có một vài dòng họ nhỏ hơn sống thành các bon như Saremma, Saremhôn... Khởi đầu, hai họ này đều muốn giành quyền quản lý các bon nhỏ ở giữa để mở rộng đất đai và uy thế của mình. Những cuộc thương thuyết giữa các già làng, quăng bon và người đứng đầu các bon trong hai họ liên hệ không sao giải quyết và dàn xếp thỏa đáng. Một cuộc tiến công chớp nhoáng vào lúc các cuộc thương lượng đang còn sôi nổi, của phía Buônđing vào các bon của dòng họ Langbiang. Mặc dù cũng có phòng bị trước, những cuộc tiến công bất ngờ của Buônđing vào lúc gần sáng đã gây tổn thất nặng nề cho các bon của Langbiang. Lúc đó dòng họ Langbiang là một dòng họ lớn và mạnh nhất trong vùng người Lạt. Trong lúc các bon Langbiang đang lo củng cố, xây dựng lại thì họ Buônđing lại tiến công vào các bon Saremmạ, Saremhôn... Kết quả của những trận chiến đấu đầu tiên, họ Buônđing đã thu được một số lớn của cải gồm trâu, ché, chiêng... Và hai bon Saremmạ, Saremhôn nạn nhân của cuộc xung đột bị mất đất, mất của cải, người bị bắt về phân chia cho các nhà của Buônđing. Về sau có câu: "Buolsremmạ, Chạsremhôn, Buônđing sadơ!" (Saremmạ hết đất, Saremhôn hết của, Buônđing chiếm sạch hết!), để nhắc lại sự kiện trên và ghi lại mối hận cho con cháu của hai họ nhỏ bé này. Trước những thảm bại bất ngờ, dòng họ Langbiang buộc phải cố gắng nối lại cuộc thương thuyết với họ Buônđing, nhưng mặt khác vẫn chuẩn bị điều kiện và cơ hội phục thù. Họ Langbiang, vừa khắc phục những hậu quả của sự thất bại, vừa vận động, cầu cứu sự giúp đỡ của các dòng họ lân cận như họ Păngting, Daguk... trợ sức. Một cuộc tấn công quy mô từ phía họ Langbiang vào các buôn dòng họ Buônđing mở đầu cho một giai đoạn xung đột mới giữa hai họ. Mặc dầu phải chịu nhiều tổn thất do sự phòng bị, bảo vệ chu đáo của người trong các bon của Buônđing, các buôn này đã rào bon, cắm chông, thả chà gai, gài bẫy, chuẩn bị vũ khí... Nhưng kết quả cuối cùng, họ Langbiang đã giành được thắng lợi. Cuộc thương thuyết được tiếp ngay sau lần đọ sức, với thất bại vừa qua họ Buônđing bị sa sút, kiệt quệ, buộc phải chấp nhận các đề nghị khắc nghiệt của họ Langbiang. Họ Buônđing phải nộp lại toàn bộ tài sản đã chiếm được trong lần thắng trận trước và nộp phạt nhiều khoản để đền bù cho những gia đình trong họ Langbiang có người bị chết trận, đồng thời phải giao lại đất đai, người của các bon Saremmạ, Saremhôn về phía họ Langbiang.

4- Các tập tục, quy định nhằm củng cố, bảo vệ dòng họ

a-Quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên trong dòng họ

Trước hết các thành viên cùng họ có quyền bình đẳng trong việc sử dụng đất đai do họ đó quản lý và tham dự bàn bạc những quyết định lớn của họ như việc thay đổi chỗ ở của dòng họ, thương lượng hay chiến tranh với các họ khác, xét xử tội ma lai và các tội khác, bầu và bãi miễn những người đứng đầu và quản lý dòng họ.

Nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi thành viên trong họ bao gồm:

- Bảo vệ đất đai và khu vực cư trú thuộc quyền quản lý của dòng họ, kể cả các nguồn nước, rừng núi...

- Bảo vệ danh dự của dòng họ, khi cần thiết phải tham gia các cuộc xung đột vũ trang để bảo vệ đất đai, tài sản, danh dự của dòng họ, và làm cho dòng họ thêm lớn mạnh.

- Tự nguyện, tự giác thi hành các quy định truyền thống, các luật tục của dòng họ. Đặc biệt là các kiêng cữ hôn nhân, sự trách cứ, hay trừng phạt những sai trái của các cá nhân được xem như nghĩa vụ của mỗi thành viên.

- Thương yêu, giúp đỡ nhau giữa các thành viên trong họ, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn. Nếu một "bếp" trong họ thiếu ăn, các "bếp" khác có trách nhiệm giúp đỡ, cho mượn lúa, bắp cho không.

- Tuân thủ ý kiến của tộc trưởng già làng... đặc biệt là trong việc phân chia đất đai, tham gia các cuộc tranh chấp vũ trang.

- Đối với khách, hoặc những người ngoài dòng họ đến thăm viếng, giao thiệp, mọi người trong dòng họ đều tỏ lòng qúy mến, tiếp đãi lịch thiệp, ân cần...

b- Hôn nhân

Hôn nhân là một trong những biện pháp nhằm củng cố và mở rộng sức mạnh, uy thế của các dòng họ người Chil và Lạt.

Giữa các họ của người Chil và Lạt ở Lạc Dương có một quan hệ hôn nhân khá phức tạp với nhiều quy định chặt chẽ. Người ta cấm những người cùng dòng họ, không được kết hôn. Ai cố tình làm sai điều này sẽ bị tội loạn luân và phạt vạ rất nặng và có thể bị khai trừ ra khỏi họ, khỏi bon. Giữa các họ cũng có một số cấm kỵ trong việc hôn phối. Một số họ không được kết hôn với nhau như giữa họ:

Buôntô             -            Đayu

Liêngyrăng      -            Liênghot

Konsar             -            Konsor

K'sar               -            Chil...

Theo cách giải thích của những người trong các dòng họ trên vì vốn trước đây các dòng họ này cùng một gốc, nhưng về sau dần dần tách rời, chia xa. Việc kết hôn giữa các họ như vậy sẽ đẻ ra quái thai, hoặc trẻ chết non. Ngoài ra giữa các họ Liêngyrăng với họ Krajyơng, giữa họ Daguk với họ Păngtin, giữa họ Liênghot và họ Daguk... cũng rất hạn chế hôn phối. Có lẽ sự tranh chấp các dòng họ mạnh, những cuộc xung đột đó đã đưa đến sự thù hằn, chia rẽ các thành viên của hai họ. Sự kết hôn giữa họ lớn và họ nhỏ là một trong những cách liên kết giữa các họ với nhau, làm tăng thêm vị trí cho các dòng họ lớn.

c) Các tín ngưỡng và hình phạt

Mỗi dòng họ người Chil, Lạt thường có một số tín ngưỡng và nghi lễ được tiến hành cộng đồng trong toàn bộ. Đó là các lễ nghi cầu cúng thần linh, các "giàng" cho sự bình yên của dòng họ, và sự được mùa trong năm. Đây cũng là dịp hội hè, vui chơi của toàn dòng họ. Việc cúng " Yang Koi " (thần lúa) được tiến hành nhiều lần trong một vụ sản xuất, nhưng có một lần toàn dòng họ, toàn bon cúng chung, đó là sau vụ gặt, khi lúa đã vào yên trong các chòi lúa. Dịp này cũng là ngày hội của toàn bon, toàn dòng họ, kéo dài trong nhiều ngày cùng ăn chung, vui chung với nhau. Các lễ cúng thần để xin đất dời bon đến nơi ở mới, cũng được tổ chức một lúc trong toàn dòng họ, trong các "bếp". Cũng vậy, vào những mùa thường xảy ra bệnh dịch, lễ cúng thần núi, thần bếp, thần đất v.v... đều được tổ chức toàn bon và trong từng gia đình thành viên của các họ.

Việc bàn định và tiến hành các lễ phạt, hình phạt đều do tập thể các thành viên dòng họ bàn bạc quyết định theo các tập tục cổ truyền. Xét về mặt nào đó, các lễ phạt, hình phạt có tác dụng gắn bó, củng cố dòng họ, chống lại những xu hướng đi ngược lại lợi ích của cộng đồng dòng họ, làm suy yếu các dòng họ. Đối với người Chil và Lạt ở Lạc Dương có một số tội phạm và hình phạt sau đây được coi là quan trọng.

* ẮN cắp, lừa gạt, bội tín . Tội phạm này được xét xử theo luật tục bằng cách nấu chì chảy đổ vào bàn tay, dúng tay vào nồi nước sôi để lấy một vật như chiếc vòng, lặn xuống nước... để kiểm tra xem sự gian dối, hay thật thà. Những người phạm tội loại này buộc phải hoàn trả, đền bù của cải cho nạn nhân, và bị mọi người khinh rẻ.

*Loạn luân . Những người phạm tội loạn luân bị dòng họ trừng trị rất nặng. Những hình phạt, nặng về việc làm nhục, bêu riếu, giành cho kẻ loạn luân như phải ăn cơm trong máng của heo, chui qua bụng trâu bò, bị mọi người nhổ nước bọt vào người v.v... Người phạm tội loạn luân muốn trở lại với dòng họ buôn làng phải nộp phạt, hiến tế heo, trâu...

*Ma lai. Trong quan niệm của người Chil, Lạt ma lai là những kẻ làm hại tính mệnh người khác gọi là "chà", gây cho người trong họ, trong buôn ốm đau chết chóc. Vì vậy ma lai bị trừng trị rất nặng, những người có ma lai bị họ hàng ruồng bỏ, giết hại. Người Chil, Lạt còn cho rằng ma lai có dòng, lưu truyền nên con cháu kẻ bị nghi là ma lai cũng có thể bị giết hại hoặc bắt đem bán cho người xứ khác.

II- TỔ CHỨC QUẢN LÝ XÃ HỘI TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI CHIL, LẠT

1- Bon

Bon là đơn vị cư trú của người Chil, Lạt, giống như chòm xóm người Việt, hay các buôn, plei, của các dân tộc Tây Nguyên.

Mỗi bon của người Chil và Lạt trước đây thường gồm khoảng bốn, năm nhà dài, cũng có bon chỉ một hai nhà dài. Mỗi nhà dài là một đại gia đình huyết tộc. Các bon nằm rải rác trong rừng ở xa nhau từ vài ba giờ đồng hồ, có khi đến một buổi đường đi. Thông thường các bon của người Chil, Lạt nằm gần các nguồn nước, sông, suối, hồ ... và trong các thung lũng. Tên gọi các bon được đặt theo các đặt điểm tự nhiên, hoặc một sự kiện có liên quan đến việc hình thành bon:

Bon Đạchai: vùng suối nước có nhiều cát

Bon Đạtrong: nước mạch

Bon Tiasó đângơ: vùng rừng lồ ô

Bon Pasamek: Muỗi bay

Bon Kon Klang: con ó...

Khi di chuyển địa điểm cư trú, đến nơi ở mới, người Chil và Lạt thường mang theo tên bon cũ của mình đặt cho vùng cư trú mới. Trong thời kỳ Mỹ - ngụy, có nhiều bộ phận người Chil bị chuyển đến vùng Đức Trọng. Nhưng họ vẫn mang cái tên bon quen thuộc xuống nơi ở mới. Vì vậy, ở Đức Trọng và một số nơi khác thuộc Lâm Đồng có khá nhiều bon người Chil, Lạt mang tên Liêngbong, Đatê, Daragua...

Mỗi bon trước đây có thể có từ hai họ hoặc nhiều hơn chung sống. Trong đó có một họ lớn chiếm đa số. Mỗi họ sống riêng trong một nhà dài với nhiều "bếp". "Bếp" là các tiểu gia đình bao gồm vợ chồng con cái chiếm một gian nhà, trong nhà dài, có bếp riêng để nấu nướng và sinh hoạt của tiểu gia đình quây quần chung quanh bếp đó. Giữa các "bếp" ranh giới có tính chất ước lệ, không có phên vách hoặc vật chuẩn phân chia cụ thể. Trẻ con các "bếp" có thể nằm ngủ chơi bời tùy chỗ chúng thích, hoặc thỉnh thoảng sang ăn nhờ các "bếp" khác.

Giới hạn chung quanh bon là những con đường mòn, trong số đó một con đường lớn hơn chạy thẳng vào phía trước bon, nối liền với lối đi sang bon khác. Phía tây bắc của các bon là một khoảng rừng rậm rạp dùng làm nghĩa địa chung cho bon, đó là vùng đất linh thiêng do "yang bnom" (thần núi) coi sóc và cấm người lạ không được xâm phạm. Vùng đất canh tác, các rẫy "mir" thường nằm xa bon khoảng trên một giờ đồng hồ đi lại.

Việc di chuyển các bon trong thời gian trước đây thường từ 5 đến 10 năm một lần, tùy theo vùng đất đai canh tác tốt xấu, mau hay lâu bạc màu. Việc di chuyển bon cũng chỉ nằm trong phạm vi các vùng đất, khu rừng do dòng họ quản lý, muốn sang các vùng đất có chủ, buộc phải có sự thương lượng với các bon, các dòng họ láng giềng. Người Chil và Lạt, ít khi quay trở lại vùng đất cũ.

Ngày nay, tình trạng du canh, du cư đã giảm bớt, nhiều bon đã ở cố định. Các nhà dài trong bon đã biến mất. Theo với những biến động lịch sử trong thời gian qua, tính chất cư trú truyền thống của các bon người Chil, người Lạt đã phai nhạt dần. Những vùng như ở xã Lát, quanh trụ sở ủy ban xã Kinplanhon nguời Lạt và Chil đã ở các ngôi nhà trên nền đất nhỏ bé theo từng gia đình.

2- Chức năng, vị trí và quyền hạn của "Quăng bon"

Trong quá khứ, người Lạt và Chil có một hệ thống quản lý xã hội khá chặt chẽ từ bon cho đến các "bếp".

Đứng đầu bon là ông quăng bon (có tài liệu phiên âm là Knăng bon) - tức chủ bon. Đây là một người đàn ông đứng tuổi, khoảng ngoài năm mươi, có uy tín trong dân bon và nhiều kinh nghiệm sản xuất, sinh hoạt. Quăng bon cũng là người am hiểu các truyền thống, các phong tục tập quán, các cách giải quyết theo luật tục, rành rọt về mối quan hệ giữa các dòng họ, các thành viên trong bon.

Chức năng và trách nhiệm của quăng bon bao gồm các mặt chủ yếu như sau:

- Quản lý sinh hoạt, trật tự trong bon dựa trên những quy định và tập tục truyền thống. Quyết định việc di chuyển bon.

- Cùng với những người giúp việc, phân chia đất đai, núi rừng, nương rẫy cho các gia đình trong bon.

- Huy động nhân công trong bon vào các công việc chung của bon, như làm nhà, đắp đập ngăn suối giữ nước, chuẩn bị hội hè v.v...

- Hòa giải các già làng, những người đứng đầu dòng họ và những nguời giúp việc, phân xử các vụ tranh chấp xung đột giữa các gia đình và thành viên trong bon (dựa theo các luật tục) như trộm cắp, bội tin, loạn luân, trai gái v.v...

- Thay mặt các thành viên trong bon giao dịch với các bon láng giềng, đón tiếp khách khứa đến thăm bon, trao đổi, mua bán ...

- Cùng với các già làng, các người đứng đầu họ lớn bàn bạc, thương nghị với các quăng bon láng giềng về các vụ tranh chấp đất đai, của cải, các vụ xung đột, xô xát giữa các thành viên, các gia đình của hai bon, hoặc của nhiều bon.

- Trong tình hình xảy ra các cuộc đụng chạm võ trang quăng bon bàn bạc cùng già làng và người đứng đầu dòng họ về việc chiến đấu hay hòa giải, cùng những quyết định lớn về số phận chung của bon. Quăng bon đứng ra, hoặc ủy quyền cho một người khác, chỉ huy các cuộc phòng thủ hoặc chiến đấu của bon trong cuộc tranh chấp vũ trang với các bon khác.

Quăng bon có một số người giúp việc trong công việc quản lý bon:

a-Người chia đất (Cho át pu te-pri): 

Người chia đất có trách nhiệm nắm vững ranh giới và tình trạng đất đai của bon. Người chia đất sẽ giúp quăng bon việc quyết định phân chia đất đai cho các hộ gia đình canh tác dựa trên số người và điều kiện canh tác của từng gia đình. Ranh giới giữa các rẫy sẽ được xác định cụ thể khi tiến hành việc phát rẫy, gieo tỉa. Người chia đất dựa vào các mô đá, các gốc cây và mạch nước để làm dấu cho các phần đất. người chia đất, cũng có thể đề nghị với quăng bon việc dời bon khi tình trạng vùng đất canh tác đã bị bạc màu.

Trong điều kiện các bon ít người, công việc của người chia đất sẽ do quăng bon đảm nhiệm và quyết định.

b-Người chỉ huy quân sự :

Người chỉ huy quân sự do quăng bon chỉ định khi có các cuộc xung đột vũ trang giữa các bon và trong trường hợp quăng bon già yếu, không đủ khả năng chỉ huy chiến đấu. Người chỉ huy quân sự sẽ thay mặt quăng bon chỉ huy, tập hợp, huy động dân làng, nhất là những thanh niên trai tráng tham gia công cuộc phòng thủ và tiến công khi cần thiết. Người chỉ huy quân sự sẽ trực tiếp cầm đầu lực lượng chiến đấu đi tiếp đánh các bon đối địch.

Nếu quăng bon đủ khả năng và sức lực, ông ta sẽ tự đảm nhiệm lấy công việc chỉ huy quân sự trong chiến đấu vũ trang của bon.

c-Người thay mặt quăng bon:  

Trong những điều kiện cần thiết như đau ốm, tuổi già, hoặc đi vắng lâu ngày, quăng bon có thể chọn một người thay mình đảm nhiệm các công việc của ông. Người được chọn này, có khả năng và sức lực để lo liệu công việc chung của bon, và thường về sau, khi quăng bon qua đời anh ta sẽ được dân làng tín nhiệm thay quăng bon đã quá cố chính thức làm quăng bon. Người thay mặt quăng bon chủ yếu là thực hiện những lời dặn của quăng bon trong một phạm vi nhất định. Vì những lý do trên đây khi quăng bon chọn người giúp việc cho mình, thường cân nhắc kỹ lưỡng và hỏi ý nhiều người trong bon.

3- Cách thức tiến cử:

Quăng bon được chọn ra theo sự tín nhiệm của các thành viên trong bon. Người được chọn làm quăng bon, trước đó, phải trải qua nhiều thử thách, có nhiều đóng góp lớn lao với nhân dân trong bon. Sự tín nhiệm đó sẽ tích lũy dần dần bằng sự tin cậy của các thành viên, cho đến lúc có thể thay thế được người quăng bon đã quá cố. Vì vậy quá trình chọn lựa này, kéo dài trong nhiều thời gian. Cũng có thể trước khi qua đời vị quăng bon sắp quá cố sẽ đề nghị người thay thế mình. Lời đề nghị đó sẽ tăng thêm uy tín cho người quăng bon mới, thường lệ lời đề nghị đó cũng phù hợp với ý kiến của dân bon.

Trường hợp bãi miễn quăng bon hầu như rất ít xảy ra. Một phần vì dân bon không muốn có sự bãi miễn với những sai sót nhỏ nhặt của quăng bon, phần khác vì sự lựa chọn khá kỹ càng như trên và các người được chọn làm quăng bon thường rất cố gắng trong trách nhiệm và công việc của mình. Trường hợp bãi miễn quăng bon một cách hãn hữu bởi lý do ông ta bị đau ốm, thương tật, hoặc có hành động sai trái nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sự tồn vong, suy yếu của bon. Việc bãi miễn đó cũng do toàn thể các thành viên trong bon bày tỏ sự bất tín nhiệm, hoặc sự cần thiết thay thế một quăng bon mới.

Chức vụ quăng bon không có tính chất thừa kế, hoặc lưu truyền. Sự chọn lựa, bầu cử hết sức bình đẳng và tự nguyện. Những người kế thừa quăng bon do tài năng đức độ và sự tín nhiệm của dân bon quyết định. Về sau này quăng bon thường được chọn ở những người thuộc dòng họ lớn.

4- Hệ thống "già làng", chủ hộ và tộc trưởng

- Già làng: Xã hội người Chil, Lạt ở Lạc Dương không có một hệ thống già làng riêng biệt và hoàn chỉnh như hệ thống già làng ở các dân tộc Êđê, Bana, Giarai và một số dân tộc ở Tây Nguyên. Tuy nhiên những già làng người Chil, Lạt có vai trò khá quan trọng trong việc quản lý các bon.

Không phải tất cả các người già trong bon đều được xếp vào hạng "già làng" mà chỉ một số người có tuổi trên 60 tuổi, có uy tín, đức độ và hiểu biết, cư trú trong bon lâu hơn năm mới được nhân dân gọi là "già làng". Những người già, mà trước đó, thời còn trẻ, vi phạm các luật tục, có hành vi xấu hoặc từ nơi khác mới đến sống trong bon. Không được xếp vào loại "già làng?.

Các già làng, được nhân dân trong bon coi như lớp người "tinh hoa" của bon, bởi họ tích lũy được nhiều kinh nghiệm sống và sản xuất. Trong nhiều công việc, nhất là những lúc khó khăn về sản xuất, và chiến tranh giữa các dòng họ, các thành viên trong bon rất chờ mong ý kiến của các già làng. Cũng có khi các già làng được mời tham dự vào việc phân xử. Giải quyết tranh chấp, kiện tụng trong bon.

Quăng bon thường dựa vào các già làng, nhất là ý kiến của các già làng đứng đầu nhà dài và dòng họ để quyết định công việc quản lý các xử lý các vấn đề liên quan đến bon. Nhiều khi thông qua các già làng, với uy tín và hiểu biết của họ, quăng bon điều hành sinh hoạt của bon bằng dư luận và các tập tục cổ truyền. Các già làng thường giúp đỡ quăng bon. Họ xem đó là trách nhiệm và vinh dự của mình.Vai trò chính của già làng, là tư vấn cho quăng bon giải quyết các việc quan trọng.

- Tộc trưởng: Tộc trưởng là người đứng đầu dòng họ trong mỗi bon. Đây là người lớn tuổi và thuộc thứ bậc lớn nhất trong một họ. Tộc trưởng cũng là người đứng đầu nhà dài, vì mỗi họ người Chil, Lạt thường sống trong một ngôi nhà dài. Mỗi bon có bao nhiêu họ (hoặc có bao nhiêu nhà dài) thì có bấy nhiêu tộc trưởng.

Tộc trưởng lo việc quản lý sinh hoạt và sản xuất của họ mình, cũng như chịu trách nhiệm phân giải các tranh chấp thuộc về nội bộ dòng họ. Ông cũng sẽ là người chủ trì các buổi sinh hoạt tín ngưỡng tiến hành trong nhà dài nơi cư trú của họ mình. Chẳng hạn, việc xử lý các vụ ma lai trong họ, tộc trưởng phải xem xét và quyết định các hình phạt và tiến hành việc phạt. Tộc trưởng phối hợp chặt chẽ với quăng bon trong việc quản lý chung của bon. Khi xảy ra các cuộc xung đột vũ trang, tộc trưởng sẽ là người chỉ huy quân sự của họ mình phối hợp tác chiến cùng các họ khác trong bon. Những bon nhỏ, ít họ, đôi khi quăng bon còn là tộc trưởng của dòng họ lớn nhất trong bon.

- Chủ hộ: Trong mỗi nhà dài có nhiều bếp, mỗi bếp là một gia đình nhỏ gồm vợ chồng và các con. Người đàn ông trong các bếp này có thể coi là chủ hộ. Anh ta không chỉ lo làm ăn nuôi sống vợ và các con, mà còn giữ mối quan hệ với các bếp khác chung sống trong nhà dài, cũng như giữa gia đình mình với các gia đình khác trong bon. Chủ hộ thường thay mặt gia đình tham gia các công việc, hội họp toàn bon. Ở người Chil, Lạt địa vị người phụ nữ còn khá quan trọng, nên các chủ hộ khi quyết định việc lớn vẫn thường phải bàn bạc với vợ và các con đã trưởng thành.

III- QUÁ TRÌNH PHÂN HÓA XÃ HỘI TRONG NGƯỜI CHIL VÀ LẠT

1- Tài sản cơ bản

Khái niệm tài sản của người Chil, Lạt bao gồm những của cải thiên nhiên và những gì do con người làm ra thuộc quyền quản lý và sử dụng của họ. Nói cách khác tài sản gồm tư liệu sản xuất (đất đai, rừng núi, nương rẫy...); công cụ sản xuất (cầy, bừa, dao, rựa...) và của cải đã làm ra (nhà cửa, lúa gạo...). Trước kia cũng như hiện nay tài sản cơ bản của người Chil, Lạt chia làm hai loại. Tài sản chung toàn bon và tài sản của gia đình.

Trên nguyên tắc đất rừng, nguồn nước, nhà ở, đường đi... thuộc quyền sở hữu chung của toàn bon. Đây là những tài sản lớn và mỗi người trong bon đều có quyền hưởng thụ. Nông cụ, gia súc, lương thực, đồ dùng cá nhân... là tài sản của mỗi bếp tức của gia đình và cá nhân. Các loại chiêng, ché, trâu bò... là những tài sản qúy giá nhất.

- Đất rừng: Được phân chia một cách công bằng và theo tập tục truyền thống cho các gia đình để phát nương làm rẫy. Trong thời gian chiếm hữu vùng đất rừng, các gia đình hết sức tôn trọng các đường phân ranh đã được quy ước bởi quăng bon và người chia đất đánh dấu.

- Nhà ở: Nhà ở là tài sản chung của bon, hoặc của dòng họ, do công sức chung tạo nên, mỗi gia đình được phân chia các khoảng để ăn ngủ, sinh hoạt theo từng bếp riêng biệt. Nếu có sự phát triển thêm, người ta nối thêm vào nhà dài một khoảng sàn cho các gia đình mới chung sống.

- Công cụ sản xuất : Cày, bừa, cuốc... là những công cụ thường là tài sản chung của họ trong một nhà dài, chia nhau sử dụng. Nhưng những thứ đó ở vùng Lạt, Chil không phổ biến lắm và chỉ mới xuất hiện gần đây, còn công cụ sản xuất truyền thống vẫn là chà gạt (wek) và gậy chọc lỗ. Wek và gậy là những tài sản thuộc về gia đình và cá nhân.

- Trâu, bò, dê... là tài sản của gia đình và cá nhân chủ yếu dùng để biến tế, đổi chác. Trâu là đơn vị đánh giá cho một số tài sản quý khác.

- Chiêng, ché, cườm... là những tài sản quý giá, tiêu biểu cho sự giàu có, hùng mạnh. Số chiêng, ché càng nhiều, càng cổ xưa càng chứng tỏ giàu có lâu đời. Mỗi bộ chiêng (gồm 6 cái) có thể đổi hàng chục con trâu. Các ché cổ và dây cườm cũng có giá trị lớn. Tài sản này thường là của gia đình và cá nhân.

- Thóc lúa, lương thực, thực phẩm: Đây là tài sản gia đình và cá nhân có thể vay mượn lẫn nhau khi cần thiết.

- Chăn đắp, áo quần, váy khố... là tài sản cá nhân do cá nhân sử dụng.

2- Nguồn gốc tài sản và quyền chi phối

a- Nguồn gốc: Tài sản của người Chil, Lạt do nhiều nguyên nhân tạo nên:

- Chiếm hữu trong thiên nhiên : Như chiếm các vùng đất rừng, các thứ lâm thổ sản khai thác, hái lượm trong rừng, chăn nuôi trâu, bò, dê...

- Mua bán, đổi chác: Các loại chiêng, ché, vải mặc có thể đổi cho các tộc người khác như chiêng ché đổi cho người Việt bằng trâu bò, vải đổi cho người Mạ v.v...

- Cướp đoạt: Những cuộc xung đột vũ trang giữa các dòng họ trước đây, đã đem lại cho người Chil, Lạt nhiều tài sản phong phú như đất rừng, chiêng ché, trâu bò.

b- Quyền chi phối và sử dụng tài sản:

Những tài sản công cộng thuộc quyền chi phối và sử dụng bình đẳng của các thành viên trong bon. Đất rừng là tài sản công cộng, việc phân chia phải theo các tập tục và có sự bàn bạc chung của các gia đình trong bon. Những tài sản cướp được trong các cuộc xung đột vũ trang cũng được phân phối đều cho toàn thể thành viên trong bon. Các con vật săn bắn được trong vùng đất rừng của bon cũng vậy, ngoài một phần ưu tiên cho người có công săn bắn còn được đem chia cho mọi gia đình trong bon. Công việc phân chia và quản lý các tài sản chung trong bon trên danh nghĩa là do các thành viên của bon, nhưng trên thực tế là do quăng bon và các tộc trưởng đảm nhiệm.

Những tài sản riêng như chiêng ché, trâu bò, lương thực, đồ dùng cá nhân... là của các gia đình và cá nhân có quyền chi phối sử dụng. Trong quá trình chung sống với nhau, giữa các gia đình, các cá nhân có thể cho vay mượn, giúp đỡ nhau về tài sản trong tinh thần thương yêu thỏa thuận với nhau.

c- Sự tích lũy tài sản

Quá trình tích lũy tài sản của người Chil, Lạt diễn ra theo các biện pháp sau đây:

- Tăng cường độ lao động để có thêm của cải. Họ phát thêm rẫy, nuôi thêm nhiều trâu bò, khai thác nhiều lâm sản... Hiện nay ở xã Lát, Kinplanhon việc khai thác rừng thông đem lại một nguồn lợi lớn, tăng thu nhập nhanh chóng cho một số gia đình.

- Dành dụm, tiết kiệm trong chi tiêu, sinh hoạt. Ở một vài vùng người có đạo Tin Lành, họ đã bỏ hẳn việc uống rượu, không cúng tế tốn kém nên đã dành được một số của cải tài sản.

- Do việc trao đổi và mua bán, nhờ vậy mà một số gia đình tích lũy được nhiều tài sản quý như chiêng ché, vải, áo quần v.v...

- Những cuộc hôn nhân, cũng đem lại một số tài sản đáng kể cho nhà trai. Theo tục lệ người Chil, các cô gái đi cưới chồng. Trong lễ cưới, nhà gái phải nộp một số tài sản cho nhà trai. Nhà có nhiều con trai, sẽ có thêm nhiều tài sản.

- Trong quá khứ, những cuộc chiến tranh giữa các dòng họ, các bon cũng tạo nên việc tích lũy tài sản.

3- Sự xuất hiện giàu, nghèo trong xã hội

Cho đến nay, trừ vài nơi ở xã Lát, còn nói chung rất khó phân biệt sự giàu nghèo giữa các gia đình và cá nhân. Sự giàu có, trong quan niệm người Chil, Lạt được tính theo số lượng nhiều chiêng, ché, trâu bò, cườm... Khi những nhà dài đã tan vỡ, chuyển sang cư trú theo từng gia đình trong các căn nhà nhỏ, thì sự giàu sang có thể nhìn thấy trong một số gia đình. Họ có bàn ghế, tủ giường, tiền bạc, vàng bạc. Tuy vậy, chiêng, ché, trâu bò vẫn là những tài sản quan trọng của người giàu có hiện nay.

Tài sản của những gia đình giàu theo điều tra đầu năm 1982 (vùng Tiêng Liêng xã Kinplanhon) gồm có những thứ sau đây:

- 1 bộ chiêng đủ 6 chiếc (mỗi chiếc trị giá 2 trâu).

- Trên 10 ché đựng rượu cổ xứ (có ché trị giá bằng 1 con trâu đực lớn).

- Hơn 20 con trâu (ngoài ra có thêm nhiều bò, dê, heo).

- Nhiều áo quần và đồ trang sức...

Những thứ như lúa gạo, thực phẩm, đồ dùng thường ngày v.v... không có giá trị nhiều để xác định giàu nghèo theo quan niệm địa phương.

Những gia đình nghèo, hiện nay sống trong các ngôi nhà lụp xụp, đồ đạc bên trong hầu như không có gì đáng giá ngoài mấy trái bầu đựng nước, vài con dao rựa, áo quần rách rưới. Vào ngày giáp hạt các gia đình nghèo thường thiếu ăn, phải đi đào củ rừng, hái rau rừng, hoặc đi vay mượn bà con xóm giềng. Trẻ em nhà nghèo hầu như không có áo quần và gầy yếu...

Sự chênh lệch tài sản giữa người giàu và nghèo ở vùng người Chil, Lạt chủ yếu do nguyên nhân sau đây:

- Do lao động sản xuất. Những gia đình đông người, có nhiều lao động nên phát được nhiều rẫy, chăn nuôi nhiều gia súc, khai thác nhiều lâm sản... nên tích lũy được nhiều tài sản.

- Do thừa kế tài sản của dòng họ, nhất là những gia đình khá giả, dòng họ lớn.

- Do sự may rủi trong cuộc sống. Tai nạn thiên nhiên, sự ốm đau, chết chóc... đã làm cho không ít gia đình nghèo đói, kiệt quệ. Những gia đình vốn nghèo, gặp rủi ro càng nghèo khổ thêm và phải cầu cứu đến sự giúp đỡ của bon.

Nhìn chung, trong xã hội người Chil và Lạt trước kia cũng như hiện nay, sự chênh lệch, cách biệt nhau về mặt tài sản giữa các gia đình, các tầng lớp người không lớn lắm. Quá trình phân hoá giàu nghèo diễn ra chậm chạp, đôi khi bị chi phối bởi yếu tố ngẫu nhiên, may rủi. Sự khác biệt tài sản, sự hình thành tầng lớp giàu có và kẻ nghèo đang mới là bước đầu, tình trạng người bóc lột người chưa phổ biến.

4- Các tầng lớp trong xã hội người Chil, Lạt

Các tầng lớp xã hội người Chil và Lạt chưa được hình thành rõ nét. Đại đa số người Chil vẫn sống trong mối quan hệ bình đẳng của những thành viên trong dòng họ, bon làng. Họ chưa có ý thức cụ thể về sự phân biệt các tầng lớp, về sự phân chia giàu nghèo. Ngoài quăng bon và những người có trách nhiệm liên quan đến việc quản lý dòng họ, bon, trong xã hội người Chil, Lạt còn có các tầng lớp người sau đây đáng lưu ý :

- Thầy cúng, thầy phù thủy ... (P'dâu, Thanghô, krou...)

Những người này chuyên việc cúng bái lên đồng, phù chú chữa bệnh, đoán xem vận mạng. Trước đây mỗi bon có vài ba người, họ cũng tham gia sản xuất và sống như những thành viên khác trong bon, hoạt động của họ chỉ vào các dịp cần thiết, chứ chưa có tính chất chuyên nghiệp. Tuy họ không có chức năng quản lý xã hội, nhưng trong cuộc sống của bon họ có một vai trò nhất định, nhất là về tín ngưỡng. Những krou, p'dâu... thường là những người hiểu biết các phong tục truyền thống của dân làng, có kinh nghiệm sản xuất, chọn nương rẫy, xem thời tiết... Vì vậy cũng có khi họ được dân bon mời tham gia, hoặc góp phần thực hiện các vụ phân xử theo tập tục các vụ tranh chấp trong bon. Các p'dâu có thể giúp việc cho quăng bon trong lúc kiểm tra sự chân thật hay gian dối của bị cáo bằng cách đổ chì vào lòng bàn tay anh ta, đun nước sôi để anh ta nhúng tay v.v... Trong trường hợp khẳng định ma lai, các krou là người giúp việc đắc lực cho quăng bon, tộc trưởng và dân bon, Krou sẽ tiến hành các nghi thức, để phát hiện, thử thách xác định người nghi có ma lai. Chính từ những việc trên, dân làng càng kính nể và khiếp sợ các vị krou, p'dâu...

- Đầy tớ (đe) ở vùng người Lạt thuộc xã Lát trong quá khứ gần đây vẫn còn tồn tại một số ít người gọi là "đe"- tôi tớ. Trong mỗi bon số người "đe" không nhiều lắm (khoảng năm bảy người). Những "đe" có nguồn gốc từ:

* Con cái của những người bị coi là ma lai. Sau khi cha mẹ bị tiêu diệt, con cái của người có ma lai vẫn được sống lại trong bon, nhưng bị mọi người hắt hủi nghi ngờ.

* Những tù binh bị bắt được trong các cuộc xung đột vũ trang giữa các dòng họ và các bon.

* Những người lớn và trẻ em các dân tộc (nhiều nhất là Mnông) bị bắt cóc và đem bán cho người Lạt.

* Một số ít nghèo đói, nợ nần, lưu lạc từ nơi khác tới sống nhờ trong bon.

Thân phận các "đe" rất khổ cực, họ không được coi là thành viên của bon, hoặc của dòng họ nào trong bon. Họ không có tài sản riêng và không được nhận phần đất rừng để phát rẫy, "đe" cũng ăn ở trong nhà dài và chịu sự sai khiến của người chủ nhà trưởng tộc và rất bị khinh rẻ. Tuy thế, sự chênh lệch giữa họ và các thành viên trong bon không phải là quá cách biệt. Họ cũng có thể chọn một mảnh đất rừng hẻo lánh cằn cõi để phát một rẫy nhỏ gieo tỉa lấy lúa ăn. Các "đe" sau một thời gian, có thể tự chuộc mình để trở thành người bình thường. Nếu là người bị mua bán họ phải trả đủ số tiền, của lúc mua bán cho người chủ. Những "đe" là tù binh, thì bon của họ có thể đem tiền của đến xin chuộc về. Các "đe" ở xã Lạt có thân phận như kẻ khốn cùng hơn là nô lệ.

IV- QUAN HỆ GIỮA NGƯỜI CHIL, LẠT ĐỐI VỚI CÁC XÃ HỘI BON NGOÀI

  1. Quan hệ với người Chăm (82) và các tộc người láng giềng

  2. Trong những truyền thuyết và ký ức của người Chil ở vùng Lạc Dương, cho thấy rõ dấu vết của một thời kỳ có sự hiện diện của người Chăm và những tác động của người Chăm vào xã hội người Chil và người Lạt.

    Người Chil và Lạt gọi người Chăm là "Prenn". Những người Prenn đã đến nhiều nơi ở vùng Lạc Dương. Họ lên đến ngọn nguồn sông Krông Knô, Đămrong. Họ vào tận các bon người Chil sống hẻo lánh trong rừng rậm. Họ chiếm cứ các nguồn nước, các khu rừng của người Chil. Các công trình bằng đá xây dựng cạnh thác nước của người Chil - người Chil gọi là tiêng liêng (đá kêu) - bị người Prenn phá hủy gần hết. Một vài cuộc xô xát võ trang trong quá trình chiếm cứ các bon đã xảy ra (như ở vùng Đạ Chái, Hangdroi...). Người Chăm đã chiến thắng và buộc người Chil, Lạt phải thần phục và cống nộp của cải, trâu bò...

    Sự thống trị của người Chăm ở đây hãy còn lỏng lẻo, chưa có một bộ máy quản lý thống trị người Chil và Lạt. Thông qua các quăng bon, hoặc một số người được chỉ định, người Chăm thu các thứ cống nạp. Hàng năm, các quan lại Chăm đi kiểm tra một số vùng. Một số dòng họ người Chil đã liên kết chống lại người Chăm, nhưng họ đã bị thất bại.

    Tộc người láng giềng với người Chil, Lạt là người Mnông ở phía Tây và Tây Bắc, người Churu ở phía đông, người Kơho ở phía Nam. Trong số đó, người Chil, Lạt có nhiều quan hệ mật thiết và lâu đời với các nhóm Mnông ở vùng Nam Đắc Lắc, vùng Krông Knô. Người Chil cũng thích tự nhận mình là Mnông - Chil. Những ảnh hưởng về tộc người, của người Mnông đối với Chil, Lạt khá đậm nét. Các cơ cấu quản lý xã hội như quăng bon, Chô átputepri, sự phân lập các dòng họ... của người Chil rất gần gũi với người Mnông. Trong lúc đó ảnh hưởng của các tộc Churu, Raglai, Kơho đang cư trú ở vùng Lâm Đồng mờ nhạt hơn. Mối quan hệ chủ yếu với các nhóm này nặng về sự trao đổi hàng hóa, kỹ thuật sản xuất... Người Chil, Lạt rất thích mua các tấm chăn, áo, váy và các hàng dệt của người Kơho, Mạ... Thời gian về sau này, một bộ phận người Chil đã di cư về vùng Đức Trọng, sống chung với người Kơho, và chịu nhiều ảnh hưởng sâu sắc hơn về người Kơho.

  3. Chính sách của Mỹ-ngụy đối với người Chil, Lạt

Trước khi Mỹ-ngụy kiểm soát vùng Lạc Dương, người Pháp cũng đã gần một trăm năm thống trị ở đây. Họ thiết lập một hệ thống hành chính, với một chính sách cai trị thực dân khá chặt chẽ. Một tầng lớp tay sai được chọn trong người Lạt nhằm phục vụ cho quyền lợi của người Pháp. Họ cũng đã truyền bá đạo thiên chúa vào người Chil, Lạt để mê hoặc đồng bào dân tộc hòng để dễ bề cai trị. Chính sách của thực dân Pháp đối với người Chil, Lạt cũng giống như đối với các dân tộc khác ở nước ta là chia để trị và duy trì tình trạng ngu dân.

Vào giữa những năm 60, Mỹ-ngụy thay thế người Pháp và thực hiện một chính sách thực dân kiểu mới ở vùng người Chil, Lạt. Thực chất chính sách này là sự tiếp tục những chính sách phản động của chủ nghĩa thực dân cũ đối với các dân tộc ở nước ta với màu sắc tinh vi và nham hiểm hơn. Đó là chính sách đàn áp và kiểm soát các dân tộc, biến người Chil người Lạt cùng các dân tộc khác thành công cụ xâm lược phản cách mạng của Mỹ-ngụy ở miền Nam Việt Nam.

Trong thời kỳ Mỹ-ngụy, vùng Lạc Dương có một ý nghĩa quan trọng về mặt chiến lược. Đấy là một trong những vùng căn cứ cách mạng của tỉnh Lâm Đồng và là một trong những vùng căn cứ cách mạng của miền Nam. Để có thể khống chế và kiểm soát vùng này, Mỹ-ngụy đã có nhiều cố gắng tập trung người Chil vào các khu dồn dân, các ấp chiến lược. Mỹ-ngụy đã huy động các phương tiện chiến tranh như xe tăng, máy bay, máy ủi, xúc... để xúc dân đang sống rải rác trong rừng về tập trung cư trú, sinh sống ở vùng Tiêng Liêng, Hangdroi, vùng ấp Thái Phiên (gần Đà Lạt). Ở đây Mỹ-ngụy xây dựng một hệ thống kìm kẹp vững chắc, quản lý chặt chẽ đồng bào Chil sống sau vòng kẽm gai, tách đồng bào Chil khỏi rừng núi, cắt đứt mọi sự ủng hộ và liên hệ với cách mạng của họ.

Việc truyền bá đạo Tin lành trong vùng người Chil, Lạt đã được Mỹ-ngụy chú ý. Hầu hết ở các vùng tập trung dân Mỹ-ngụy đều cho xây dựng nhiều nhà thờ Tin lành. Riêng vùng Tiêng Liêng đã có đến 4 nhà thờ cho khoảng hơn 3.000 dân. Một tầng lớp mục sư cũng được đào tạo gấp rút và chọn ngay chính trong con em các tầng lớp khá giả của người Chil, hoặc ngay trong những người có uy tín trong các bon làng Chil, Lạt. Trong một thời gian ngắn, tôn giáo Tin lành đã được phổ biến và chiếm ưu thế trong vùng Chil, Lạt và đã trở nên một công cụ nhằm khống chế và lũng đọan đời sống tinh thần của đồng bào Chil, Lạt.

Sự giống nhau giữa chủ nghĩa thực dân cũ và mới trong chính sách thống trị ở vùng dân tộc, đó là chúng tìm mọi cách để chia rẽ dân tộc. Tiếp tục những mưu đồ chia rẽ của Pháp trước đây, Mỹ-ngụy đã lợi dụng những mâu thuẫn trong nội bộ của các nhóm Chil, Lạt do lịch sử để lại, kích động và xuyên tạc quan hệ giữa người Chil, Lạt với người Việt và các dân tộc khác. Một mặt Mỹ-ngụy kích động ý thức dân tộc hẹp hòi của từng nhóm Chil, với người Lạt. Cho đến nay, chính quyền cách mạng ở địa phương vẫn còn phải tiếp tục xoá bỏ những hậu quả trên. Mặt khác, chúng gây nên sự phân biệt giữa các nhóm tôn giáo trong các dân tộc, giữa Tin lành với Thiên chúa giáo, với những người không theo tôn giáo v.v... Kết quả của những chính sách xã hội, chính trị, tôn giáo trên đây đã làm suy yếu tình cảm đoàn kết dân tộc, có lợi cho sự bình định và áp bức của Mỹ-ngụy.

Cùng với những chính sách trên, Mỹ-ngụy ngày càng tăng cường các biện pháp kìm kẹp quân sự. Ngoài việc dùng bom đạn đánh phá vào các vùng căn cứ cách mạng của đồng bào Chil, Lạt, Mỹ-ngụy còn tổ chức một lực lượng quân sự địa phương, trang bị vũ khí cho thanh niên Chil, biến họ thành những tay sai đắc lực chống lại nhân dân và cách mạng. Thêm vào đó là việc du nhập một nền văn hoá, một lối sống phi dân tộc, ngoại lai nhằm đầu độc xã hội Chil, Lạt, nhất là những người trẻ tuổi.

Hậu quả của chủ nghĩa thực dân mới ở vùng người Chil, Lạt huyện Lạc Dương là khá nặng nề, đối với xã hội người Chil và người Lạt. Sau giải phóng, chính quyền cách mạng đã ra sức khắc phục những hậu quả xã hội do Mỹ-ngụy để lại. Đó là những khó khăn lớn nhất ở địa phương sau ngày thống nhất đất nước mà nhân dân địa phương đã và đang vượt qua.

KẾT LUẬN

1- Xã hội người Chil, Lạt ở vùng Lạc Dương là một xã hội có nhiều đặc trưng tộc họ. Cuộc tranh chấp, xung đột giữa các tộc họ, giữa người đứng đầu các bon làng... đã gây nên một tình trạng xã hội phức tạp và đã để lại những hậu quả lịch sử nhất định.

2- Xã hội người Chil, Lạt đang trong quá trình phân hóa bước đầu. Tình trạng tư hữu tài sản, sự giàu nghèo đã xuất hiện. Nhưng giai cấp chưa ra đời, sự bóc lột giai cấp, giàu nghèo, chưa tồn tại. Tồn tại cơ bản và chi phối xã hội Chil, Lạt vẫn là quan hệ huyết thống và dòng họ.

3- Xã hội người Chil, Lạt trải qua nhiều biến động. Sự thống trị của người Chăm diễn ra trong một thời gian dài, tiếp theo là những chính sách nô dịch của chủ nghĩa thực dân mới đã gây nên sự xáo trộn, ảnh hưởng đến quá trình phát triển xã hội. Đáng chú ý là sự thống trị của Mỹ-ngụy đã để lại nhiều hậu quả nặng nề cho vùng Chil, Lạt ở Lạc Dương.

Tháng 7-1982

PHAN AN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHÚ THÍCH

(80) Nao có nghĩa là bàn thờ trong mỗi nhà, nơi linh thiêng nhất của ngôi nhà.

(81) Bon là 1 đơn vị cư trú của đồng bào Chil.

 

 

(82) Người Chăm tức người Chàm.

 

  Nội dung chính Trang trước Mục lục Trang sau