![]() |
|||||
Nội dung chính | Trang trước | Mục lục | Trang sau | ||
I- NHỮNG BIẾN ĐỔI KINH TẾ Ở XÃ KINPLANHON Xã Kinplanhon Hạ nằm trên cao nguyên Lâm Viên thuộc huyện Lạc Dương tỉnh Tuyên Đức (cũ). Dân số tính đến ngày 30 tháng 5 năm 1982 là 2.439 người gồm 542 gia đình. Dân tộc ở xã Kinplanhon 100% đều thuộc nhóm người Chil trong cộng đồng Kơho thuộc tỉnh Lâm Đồng. Trước năm 1975, xã Kinplanhon bao gồm hai khu vực dân cư - chính trị đối nghịch nhau. Khu vực căn cứ địa cách mạng (nay là thôn Đạ Cháy) và khu vực tạm chiếm của Mỹ - ngụy được thiết lập theo kiểu mẫu của những ấp chiến lược. Toàn bộ diện tích thiên nhiên của xã phần lớn là rừng thông ba lá (78) và một số đất đai ven suối có thể canh tác lúa nước theo phương pháp gieo (sạ) với một năng suất thấp. Lương thực chủ yếu của đồng bào địa phương là bắp, gạo đóng vai trò thứ yếu trong đời sống hàng ngày. Trước năm 1977, dân cư địa phương hoàn toàn sống bằng nông nghiệp rẫy và phải thường xuyên di chuyển chỗ ở theo từng chu kỳ nhất định. Trên một đám rẫy, đồng bào trồng bắp là chính. Năm đầu tiên vừa khai canh rẫy mới, người ta trồng bắp trên rẫy và xen canh trồng bí, dưa, thuốc lá. Sang năm thứ hai và năm thứ ba, rẫy chỉ trồng bắp. Bắp ở địa phương có nhiều loại và thời gian trồng tỉa, thu hoạch cũng khác nhau. Dưới đây là các loại bắp chính của địa phương với các chu kỳ trồng trọt và thu hoạch của nó: - Mpô mê (bắp đá): trồng tháng 4, thu hoạch tháng 9 - Mpô liêng (bắp nếp): trồng tháng 4, thu hoạch tháng 8 - Mpô brông (bắp đỏ): Trồng tháng 4, thu hoạch tháng 8. Mpô mê (bắp đá) là loại cây lương thực được đồng bào ưa thích nhất vì năng suất thu hoạch cao và khi ăn bắp nở nhiều. Theo cách tính của địa phương, một thùng thiếc tây (20 lít) sẽ thu hoạch vào vụ mùa được từ 50-60 thùng. Mpô mê khi nấu ăn cũng rất lợi, một lon sữa bò khi nấu chín để ăn sẽ đạt được gần 2 lon. Đồng bào thường nướng, luộc Mpô mê để ăn. Mpô mê còn dùng để nấu rượu, cám dùng để nuôi heo. Tóm lại, đối với đời sống của các dân tộc ở xã Kinplanhon Hạ (H. Lạc Dương), Mpô mê có một ý nghĩa rất quan trọng trong lương thực hàng ngày. Nhưng, muốn phát triển trồng Mpô mê thì lại phải phát rẫy, đốt cháy rừng thông và đất đai ngày càng cằn cỗi. Đó là một mâu thuẫn trước mắt cần được giải quyết ở một vùng có đặc điểm nhiều tiềm năng lâm nghiệp, nhất là rừng thông ba lá và vốn có nghề trồng rẫy phổ biến từ lâu đời. Từ năm 1977, nghề rừng ở xã đã được phát triển theo hướng lâm trường khai thác quốc doanh. Nhà nước trả lương bằng lương thực và thực phẩm (mỗi ngày 7,500 kg gạo và các thực phẩm như dầu ăn, thịt hộp...). Cho đến năm 1979, hầu hết lao động chính đều tham gia công tác lâm nghiệp là 1.306 người. Kết quả lao động của 1.306 người (hơn 50% dân số toàn xã) trong năm 1981 đã đem lại cho nhà nước 300 tấn nhựa. Nhân dân trong xã nhận được của nhà nước trả công 895.000đ và 155 tấn gạo (79). Trung bình mỗi gia đình nhận được của nhà nước hơn 1.600đ và gần 300kg gạo. Bình quân đầu người trong mỗi hộ năm 1981 thu nhận được khoảng hơn 320đ và 60 kg gạo. Mỗi tháng một đầu người được trả công hơn 26 đồng và 5 kg gạo. Năng suất lao động khai thác nhựa năm 1981 là một lao động có thể lấy được nhựa 300 cây thông trong một ngày. Mỗi tháng chỉ làm trong 15 ngày và lấy được 200 kg nhựa. Chế độ làm việc ở các lâm trường Kinplanhon Hạ là chế độ hợp đồng và chưa phải là biên chế công nhân chính thức. Hiện nay ở xã Kinplanhon Hạ có hai lâm trường khai thác nhựa thông. Một lâm trường sử dụng lao động ở các làng Tiêng Liêng, Hang Roi thuộc phạm vi xã. Hiện trường khác sử dụng lao động ở các làng Đạ Cháy và Đạ Hoa. Dân số toàn xã Kinplanhon bị chi phối bởi những hoạt động sản xuất của hai lâm trường khai thác nhựa thông. Ý nghĩa xã hội sâu sắc của việc mở rộng khai thác lâm nghiệp ở đây là đã hạn chế và dần dần chấm dứt được nạn phát rẫy trồng bắp. Đời sống bán định cư phụ thuộc nông nghiệp rẫy cũng được hạn chế, công tác định canh, định cư được kết quả. Cường độ lao động và những khó khăn do di chuyển chỗ ở để làm rẫy không còn nữa. Lương thực và thực phẩm chưa nhiều, nhưng đã được bảo đảm chắc chắn. Đó là những bước đầu tiên để ổn định đời sống vùng dân tộc xã Kinplanhon. Từ năm 1980 trở lại đây, có thể nói, lâm nghiệp khai thác thông là loại hình kinh tế cơ bản của người Kơho (Chil) ở vùng Kinplanhon. Loại hình này mới xuất hiện từ năm 1977 dưới những tác động của các chính sách kinh tế nhà nước ở địa phương Lâm Đồng. Chỉ hai năm sau (năm 1981), loại hình kinh tế này đã được hình thành và phát triển như là một sinh hoạt kinh tế chủ yếu trong đời sống nhân dân và với những triển vọng cải cách xã hội rất rõ rệt. Tuy vậy, một nền kinh tế phát triển không phải là một nền kinh tế chỉ có một loại hình và bất cứ sự phát triển và tính tối ưu nào của một loại hình kinh tế cũng không thể nào thỏa mãn được hết nhu cầu của con người. Vì vậy, sự kết hợp của một loại hình kinh tế chính với những loại hình kinh tế phụ có tính truyền thống sẽ là một công thức tối ưu nhất về sự phát triển kinh tế ở một vùng dân tộc như xã Kinplanhon. Đến năm 1985, tại đây có thể xóa bỏ được hoàn toàn lối canh tác phát rừng đốt rẫy cổ xưa. Đồng thời hình thành ở đây một vùng đất trồng mới của cây cà phê, chè trong tỉnh Lâm Đồng mà từ xưa đến nay chưa hề có. Sự phát triển lâm nghiệp và hạn chế diện tích rẫy càng đòi hỏi phải tăng thêm diện tích vườn và phát triển nghề trồng vườn. Trong thực tế, từ năm 1977, diện tích trồng bắp mpô mê đã đột ngột thu hẹp lại, nhưng thói quen dùng loại bắp này trong đời sống vẫn còn. Do đó, người ta đã chuyển việc trồng bắp ở rẫy sang diện tích vườn trong vùng đất thổ cư gần nhà. Mảnh đất vườn này được gọi là "tiah mogar". Việc tăng thêm diện tích bắp ở vườn, một đáp ứng và bảo đảm thêm lương thực để ăn, mặt khác còn tạo ra nguồn thức ăn để nuôi gia súc (heo, gà , vịt...). Trên mảnh đất "tiah mogar" người ta còn có thể trồng cà phê, cây ăn quả có giá trị kinh tế và xuất khẩu cao như avôca, đào ... Đại gia súc (trâu, bò, ngựa, voi) đã được chăn nuôi từ xưa trong các gia đình dân tộc. Trâu bò được nuôi theo đàn và thả rong trong rừng. Trước năm 1960, đàn trâu bò đã từng có đến hàng nghìn con. Từ những năm cuối 60 đầu 70, đàn trâu bò giảm xuống vì lý do chiến tranh, quân đội Mỹ-ngụy bắn giết khá nhiều trâu bò. Năm 1976, đàn trâu bò còn lại 125 con. Cho đến cuối năm 1981, đàn trâu bò đã phát triển được 550 con và đến năm 1985 có thể đạt từ 1.300 đến 1.500 con. Theo kinh nghiệm dân gian, vấn đề phát triển đàn trâu bò có liên quan chặt chẽ đến vấn đề chống nạn cháy rừng và là một hiện tượng cân bằng quy luật trong thiên nhiên. Cỏ mọc nhiều và về mùa khô sẽ gây ra cháy rừng, phá trụi cây thông. Đàn trâu bò sẽ ăn hết cỏ ở rừng thông và khi đến mùa nắng rừng không còn có để gây nên nạn cháy. Vì vậy, đối với quan niệm của đồng bào dân tộc, việc phát triển chăn nuôi trâu bò đàn là một biện pháp cân đối quy luật thiên nhiên nhằm bảo vệ rừng và môi sinh hơn là chăn nuôi để ăn thịt và làm sức kéo trong nông nghiệp. Trong tập quán ở địa phương, nhất là trong nhóm người Lạt thì việc chăn nuôi ngựa đàn vốn là một nghề cổ truyền. Ngựa cũng được thả rong trong các thung lũng và rừng thông để ăn cỏ. Việc nuôi ngựa đàn, ngoài việc sử dụng để chuyên chở, có lẽ ngựa cũng có ý nghĩa như trâu bò trong việc hạn chế nạn cháy rừng như trên đã nói. Từ thực tiễn của những biến đổi kinh tế tại xã Kinplanhon Hạ thuộc huyện Lạc Dương tỉnh Lâm Đồng, chúng ta thấy đã hình thành nên một cơ cấu kinh tế ở địa phương. Cơ cấu kinh tế này có thể mô tả dưới dạng công thức ngắn gọn như sau:
Xã Kinplanhon Hạ là một địa phương mà lâm nghiệp chiếm ưu thế phát triển toàn bộ. Nó có thể điển hình cho nhiều vùng khác ở huyện LẠC DƯƠNG VÀ TỈNH LẤM ?ỒNG. Ở đây, kinh tế lâm nghiệp phải kết hợp chặt chẽ với nghề chăn nuôi đại gia súc và nghề vườn như là một hệ thống hữu cơ. Cơ cấu kinh tế gồm ba loại hình này bảo đảm được tính ổn định và sự tiếp thu dễ dàng của người địa phương từ hiện trạng cổ truyền bước sang hiện tượng canh tác. Cơ cấu kinh tế này bảo đảm tiến trình ổn định và phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương trong tương lai. Sự biến đổi kinh tế hiện nay ở xã Kinplanhon Hạ là sự kết hợp của hai tác động : tác động của nhà nước thông qua chính sách định canh định cư, khai thác lâm trường quốc doanh và tác động của nhân dân qua những loại hình kinh tế cổ truyền đã được biến đổi về mặt hình thức và qui mô. II- NHỮNG BIẾN ĐỔI KINH TẾ Ở XÃ ĐINH TRANG HÒA Xã Đinh Trang Hòa nằm ở cao nguyên Di Linh, cạnh quốc lộ 20, nguyên là một ấp chiến lược của Mỹ-ngụy trước đây đã được thành lập bằng dồn dân cưỡng bức. Tuy sống trong ấp chiến lược gần quốc lộ, nhưng trước giải phóng nguồn sống chính vẫn là nông nghiệp rẫy. Dân cư ở đây chủ yếu là người Kơho. Họ phải đi phát rừng làm rẫy cách xa nơi ở hàng ngày đường. Đi lại khó khăn, chăm sóc hoa màu trở ngại, thu hoạch lúa rẫy kém và đời sống rất cực nhọc. Sau giải phóng, cuộc sống làm rẫy vẫn kéo dài và càng phải đi sâu vào rừng già hơn để khai thác rẫy. Bắt đầu từ tháng 7 năm 1979, một biến đổi lớn trong đời sống người Kơho ở vùng này. Đó là việc vận động chuyển từ nông nghiệp rẫy sang canh tác ruộng nước, kết hợp với kế hoạch giãn dân và phát triển nghề vườn. Công việc chuyển từ nông nghiệp rẫy sang ruộng nước được bắt đầu bằng công tác giáo dục và vận động trong thanh niên trong những người có ý thức mới kết hợp với đầu tư của nhà nước về sức kéo, giống, công cụ sản xuất. Việc khai thác ruộng nước đã đạt đuợc 186 ha vào năm 1979 đối với đồng bào Kơho như là những thí nghiệm mới trong cuộc sống của dân tộc. Chỉ 2 năm sau, đồng bào Kơho với sự giúp đỡ của chính quyền, đã thực hiện ngay những kỹ thuật mới trong nông nghiệp như cấy thẳng hàng, sử dụng phân bón, phát triển thủy lợi, tăng vụ, thay đổi giống lúa... Đồng thời, chính quyền không ngăn cấm việc phát rẫy bằng pháp lệnh mà chủ trương hạn chế dần theo nguyên tắc so sánh hiệu quả kinh tế. Nhà nước đầu tư vào ruộng nước và chỉ một thời gian ngắn, thu hoạch ruộng nước đã chứng minh sự hơn hẳn của nông nghiệp rẫy. Vì vậy, quá trình chuyển sang ruộng nước đã nhanh chóng phát triển, diện tích rẫy rút giảm tối đa và biến thể thành đất trồng cây thực phẩm. Ngày nay, người ta vẫn tiếp tục canh tác trên các rẫy cũ và không phát triển rẫy mới. Trên các rẫy này hoàn toàn không trồng lúa mà trồng các loại bầu bí, mướp và rau cải. Rẫy lúa truyền thống đã trở thành vườn rau. Vai trò canh tác cây lương thực trên diện tích rẫy đã chấm dứt và trong những năm sắp đến, diện tích rẫy cũng dần dần biến mất hẳn trong đời sống địa phương. Quá trình chuyển biến từ canh tác lúa rẫy sang lúa nước cũng là quá trình hình thành và phát triển kinh tế vườn trong người Kơho ở xã Đinh Trang Hòa. Kinh tế vườn trong giai đoạn đầu còn gắn liền với phương thức canh tác rẫy nhằm thỏa mãn nhu cầu tự túc thực phẩm cho các gia đình ở địa phương. Nhưng sau đó, quá trình giãn dân đã tạo điều kiện cho mỗi gia đình người Kơho có một mảnh vườn gần nhà trên những vùng đất màu mỡ. Trên mảnh vườn đó, người ta trồng cây thực phẩm, rau cải phục vụ cho bữa ăn gia đình, ngày nay họ đã trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như cà phê, chè, hồng, avôca, mít, cam, chuối... có mục đích để bán lấy tiền. Kinh tế hàng hóa nông phẩm nhỏ đã bắt đầu xuất hiện trong những người nông dân vùng dân tộc Kơho ở Đinh Trang Hòa. Để có nhiều hàng hóa bán, người nông dân phải học tập và nâng cao trí thức trồng trọt các loại cây công nghiệp và cây ăn quả có giá trị. Do đó, quá trình tiến bộ trong trồng trọt và quá trính tiến bộ xã hội nói chung được ngày càng phát triển trên cơ sở xuất hiện nền kinh tế hàng hóa nhỏ do kinh tế vườn mang lại. Vì vậy, bộ mặt xã hội vùng Kơho Di Linh nói chung. Đinh Trang Hòa nói riêng đang biến đổi nhanh chóng, đời sống của người Kơho đang được nâng cao, khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa người Kơho và các dân tộc khác ở đây đang được rút ngắn lại. Từ thực tiễn của xã Đinh Trang Hòa hiện nay, chúng ta có thể nhận thấy ở đây đã có hơn 186 ha ruộng nước, trong đó có 52 ha ruộng cấy hai vụ theo kỹ thuật mới và năm 1982, số ruộng cấy hai vụ sẽ đạt được 100 ha. Năm 1930, sau 5 tháng sắp xếp lại chỗ ở, toàn bộ hộ gia đình đều có khu vườn riêng cạnh nhà với diện tích khoảng gần 2 sào. Trên miếng vườn này, người ta trồng cà phê (hiện nay có khoảng trên 15.000 gốc cà phê) và đến cuối năm số gốc cà phê sẽ tăng thêm 35.000 cây nữa. Mỗi gia đình có khoảng gần 100 cây cà phê trong vườn. Vườn cà phê sẽ trở thành một nguồn thu nhập chính, cà phê sẽ trở thành hàng hóa để trao đổi với nhà nước và bán ở thị trường, là nguồn cung cấp mọi nhu cầu cho các gia đình. Vì vậy, kinh tế vườn (cà phê) ở đây đã ngày càng trở thành một cơ cấu kinh tế chính ở địa phương. Ở xã Đinh Trang Hòa người Kơho thường chăn nuôi dê, heo, gà vịt với số lượng không đáng kể và có tính chất tự túc, tự cấp trong gia đình. Nhiều gia đình không có chăn nuôi. Vì vậy, trong thực tế, chăn nuôi ở đây có một vị trí rất nhỏ bé, không thể xem như một thành phần chính yếu của một cơ cấu kinh tế đang phát triển hiện nay. Cơ cấu kinh tế chính ở đây, có thể được hình dung bằng công thức sau đây.
Đặc biệt, cơ cấu kinh tế này chỉ mới xuất hiện trong vòng 2 năm qua và ngày nay nó đã nhanh chóng trở thành một cơ cấu kinh tế chủ yếu quyết định phương thức sống của cá nhân và cộng đồng dân tộc trong hiện tại. Với cơ cấu kinh tế này, đời sống của đồng bào đã biến đổi và được cải thiện nhanh chóng. Những yếu tố trao đổi về hàng hóa, nhất là với cây cà phê trong kinh tế vườn đã thúc đẩy và hình thành nhu cầu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển hơn nữa kinh tế gia đình và địa phương. III- NHỮNG BIẾN ĐỔI KINH TẾ Ở XÃ ĐẠ TẺH Xã Đạ Tẻ huyện Đạ Huoai là một xã nằm sâu trong nội địa, cách xa quốc lộ và các thị trấn lớn. Trước năm 1977, xã Đạ Tẻ có tên là Lộc Trung, dân số gồm 624 hộ với 2.954 nhân khẩu. Hầu hết dân cư là người Mạ, họ cư trú tập trung trong năm thôn (xã Đạ Tẻ hiện nay có 6 thôn). Trước đây, người Mạ sống ở hơn 40 buôn rải rác và cách xa nhau nằm dọc theo thung lũng sông Đạ Đơng. Từ năm 1977, theo sự hướng dẫn của chính quyền, các buôn người Mạ trên đã tự định cư lại ở khu vực sông Đạ Tẻ bước đầu thực hiện định canh bằng ruộng nước và định cư buôn làng. Về điều kiện tự nhiên, huyện Đạ Huoai và xã Đạ Tẻ là một vùng có ưu thế sản xuất nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng. Khả năng khai thác ruộng nước còn dồi dào, đất đai màu mở, công việc thủy lợi hóa có nhiều điều kiện thuận lợi. Song, ở đây, diện tích rừng già còn chiếm một tỷ lệ lớn, lượng mưa trong năm khá nhiều, cây cối hồi sinh mau lẹ. Vì vậy, việc canh tác nông nghiệp rẫy có nhiều thuận lợi. Công chăm sóc ít, lao động giản đơn hơn làm ruộng nước. Mặt khác, từ năm 1977 đến năm 1979, đầu tư của nhà nước vào ruộng nước chưa nhiều, thiên tai hạn hán xảy ra ở vùng ruộng nước và cuối cùng việc thu hoạch ở ruộng lúa nước giảm sút hơn mức thu hoạch trên rẫy. Vì vậy, đồng bào Mạ lại quay về với lúa rẫy, diện tích rẫy lại mở rộng hơn. Cho đến năm 1980, với sự chú ý của chính quyền, diện tích ruộng nước ở xã Đạ Tẻ được 80 ha, trong đó có một số diện tích làm được 2 vụ với năng suất 3 tấn/ha. Cho đến nay, ở xã Đạ Tẻ, cuộc đấu tranh giữa hai phương thức canh tác: rẫy và ruộng nước đang diễn ra trong đời sống thực tế của đồng bào Mạ. Theo tập quán, trên đám rẫy, người Mạ trồng lúa, bắp, xen canh với cây bông vải và cả những cây thực phẩm như bầu, bí, rau, mía... Với cơ cấu cây trồng ở một đám rẫy như trên là một tập quán cổ truyền lâu đời mà người Mạ đã có những kinh nghiệm dồi dào trong sản xuất. Cơ cấu cây trồng như trên thỏa mãn được những nhu cầu cần thiết cho đời sống dân tộc với một mức sống thấp của xã hội chậm tiến. Song, quá trình biến đổi từ nông nghiệp rẫy sang nông nghiệp ruộng nước ở đây trong điều kiện sự giúp đỡ của Nhà nước chưa nhiều. Vì vậy, sự ưu thế của ruộng nước chưa có thể đẩy lùi và xóa bỏ một bước vai trò của nông nghiệp rẫy trong cuộc sống thực tế. Điều đó chứng minh rằng, cho đến năm 1982, đời sống của đồng bào Mạ chưa có một sự biến đổi cơ bản có ý nghĩa kinh tế-xã hội toàn diện. Mặt khác, theo qui luật tiến triển của các loại hình kinh tế trong lịch sử, sự tồn tại phổ biến loại hình nông nghiệp rẫy trong thời đại hiện nay là biểu tượng cho một xã hội ngừng trệ thiếu những động lực thúc đẫy của một quá trình tiến bộ xã hội. Ở xã hội người Mạ hiện nay tại xã Đạ Tẻ, chưa hình thành một cơ cấu kinh tế đa dạng mà chỉ tồn tại một loại hình kinh tế độc canh. Chăn nuôi gia súc, nghề dệt trong gia đình... là những ngành nghề rất thứ yếu chỉ thực hiện vào thì giờ rỗi rãnh và không có vị trí kinh tế quan trọng đối với đời sống xã hội của người Mạ. Vì vậy, ở đây, chăn nuôi và nghề dệt không được xem như là một thành phần hữu cơ của một cơ cấu kinh tế có ý nghĩa quyết định trong xã hội và gia đình. Cơ cấu kinh tế ở Đạ Tẻ có thể hình dung được trong mô hình.
Rẫy và ruộng nước hiện nay ở Đạ Tẻ là hai loại hình độc canh không có mối quan hệ kết hợp mang tính qui luật. Đó là hai loại hình mang tính mâu thuẫn và hủy hoại lẫn nhau như là một quá trình xã hội đang diễn ra hiện nay. Rẫy càng nhiều thì ruộng nước càng ít và ngược lại, ruộng nước nhiều thì rẫy sẽ giảm đi. Rẫy càng phát triển thì xã hội càng ngưng trệ không phát triển. Trái lại, ruộng nước càng nhiều thì những biến động của các quá trình tiến bộ xã hội càng được tăng thêm ngày càng nhiều và sẽ làm xuất hiện một cơ cấu kinh tế đa dạng và hoàn chỉnh như các mô hình đã diễn ra ở hai xã Kinplanhon và Đinh Trang Hòa mà phần trên đã khảo tả và phân tích. Tổ chức lao động và quan hệ sản xuất ở các xã Kinplanhon, Đinh Trang Hoà và Đạ Tẻ cho đến nay cũng chưa có sự thay đổi có tính cách mạng về mặt nội dung. Từ năm 1976 cho đến nay, các xã trên cũng đã thành lập các tổ vần công, đổi công, các tập đoàn sản xuất, một số hợp tác xã nông nghiệp ... Ví dụ như ở xã Đạ Tẻ, theo số liệu đầu năm 1982 đã thành lập được 13 tập đoàn sản xuất trong 5 thôn: Thôn 1: 195 hộ 907 khẩu 3 tập đoàn Thôn 2: 123 hộ 587 khẩu 3 tập đoàn Thôn 3: 99 hộ 486 khẩu 3 tập đoàn Thôn 4: 183 hộ 857 khẩu 3 tập đoàn Thôn 5: 24 hộ 102 khẩu 1 tập đoàn Mỗi tập đoàn có một tập đoàn trưởng và một tập đoàn phó. Trong các tổ đổi công và các tập đoàn sản xuất này, nhất là ở các vùng Mạ, vẫn tiến hành những phương thức canh tác và kỹ thuật trồng trọt cổ truyền từ nghìn năm xưa. Tính cách canh tác tuy có, nhưng rất ít và không cơ bản. Công cụ lao động sản xuất vẫn chưa có gì thay đổi, dù là công cụ cải tiến, đơn giản. Cũng vẫn sử dụng những chiếc rìu, chà gạt, gậy chọc lỗ, gùi tuốt lúa... Do đó, tổ chức lao động cổ truyền và sự phân công lao động theo tập quán dân tộc vẫn chưa thay đổi về căn bản. Những hình thức tương trợ và lao động sản xuất tập thể cổ truyền như "Tâm ốp luh" hay "Lọt luh" vẫn được tồn tại trong thực tế và nó pha trộn với những từ ngữ và hình thức tổ chức lao động của tổ sản xuất, tập đoàn và hợp tác xã ở vùng dân tộc, nhất là những vùng sâu và chậm phát triển trong các dân tộc ở Lâm Đồng. Theo tập quán "Tâm ốp luh" hay "Lọt luh" qui định, tất cả những lao động trong một tộc họ đều đến làm việc và giúp cho một gia đình trong công việc làm rẫy với thời gian một ngày chẵn. Qua ngày thứ hai, mọi người làm giúp cho nhà khác. Nếu nhà thứ nhất chưa xong, sau khi làm giúp hết lượt cho các gia đình thì những người đi làm giúp mới trở lại tiếp tục công việc chưa xong. Phương pháp vần công phổ biến tính theo ngày, nhưng cũng có hình thức tính theo việc (ví dụ gặt hái, người ta qui định gặt hái hết đám rẫy trong 1, 2 ngày). Mọi người đi làm đều phải mang cơm theo. Thức ăn là do người được giúp lo sắm hoặc đôi khi những người làm giúp cử người đi bắt cá, săn thú, hái rau để lo thức ăn cho cả tập đoàn người. Trong khi đi làm giúp, lao động phụ nữ ít thời gian hơn nam giới. Khi gần xế chiếu (khoảng 4 giờ chiều) là thời gian giã gạo nấu cơm tối, những người phụ nữ được về sớm để lo lắng công việc này. Quá trình biến đổi các tổ chức lao động và sự phân công lao động mang tính chất cổ xưa như trên chỉ có thể thực hiện được đầy đủ khi thay đổi hẳn phương thức canh tác từ rẫy sang ruộng nước. Hơn thế nữa, phải thay đổi hẳn những công cụ lao động sản xuất, thay đổi tập quán và kỹ thuật sản xuất và từ đó, từ bản thân của sự đổi mới về sản xuất về hình thành nên những tổ chức sản xuất mới, những sự phân công lao động mới phù hợp với quá trình tiến bộ xã hội hiện nay. Có thể nói, xã Kinplanhon là một địa phương điển hình cho các vùng lâm nghiệp của Lâm Đồng, xã Đinh Trang Hòa đại diện cho vùng kinh tế ruộng nước và kinh tế vườn phát triển và Đạ Tẻ là một địa phương tiêu biểu cho tình trạng quá độ biến đổi từ rẫy sang ruộng nước ở Lâm Đồng hiện nay. Tính đa dạng và phức tạp của Lâm Đồng về loại hình kinh tế và các quá trình xã hội trong sản xuất cũng có thể nhìn thấy được qua hiện trạng phát triển của các xã Kinplanhon, Đinh Trang Hòa và Đạ tẻ. Việc nghiên cứu các quá trình xã hội trong sản xuất và những đặc điểm dân tộc trong từng tộc người hiện nay là một trong những nội dung cơ bản của môn dân tộc học kinh tế trong dân tộc học hiện đại. Lâm Đồng là một trong những địa phương mang nhiều đặc trưng điển hình về mặt tộc người và về các quá trình xã hội trong sản xuất của các dân tộc. Sự biến đổi từ hiện trạng canh tác trên rẫy sang lao động canh tác ở các đồn điền tư bản đối với các dân tộc Kơho, Mạ trước đây cũng như quá trình xã hội đang diễn ra theo các mức độ khác nhau hiện nay ở vùng dân tộc Lâm Đồng là một đặc điểm đáng đi sâu nghiên cứu để tìm hiểu những hình thức quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội bằng con đường phi tư bản chủ nghĩa. Đó là một trong những vấn đề có tính lý thuyết trong khoa học xã hội hiện nay. MẠC ĐƯỜNG TRẦN VĂN CHỈ
CHÚ THÍCH
(79) Lao động khai thác nhựa thu hoạch được 500.000 đồng và 100 tấn gạo. Lao động lâm sinh được 70.000đ và 15 tấn gạo, đội lâm sản phụ được 325.000đ và 40 tấn gạo.
|
|||||
Nội dung chính | Trang trước | Mục lục | Trang sau |