Nội dung chính Trang trước Mục lục Trang sau  

âm Đồng là một vùng dân cư có nhiều thành phần dân tộc với những đặc điểm kinh tế - xã hội đáng được đi sâu nghiên cứu. Lâm Đồng rộng 9.933 km 2 (1) là một trong ba tỉnh của Tây Nguyên đất đỏ và phì nhiêu. Diện tích của Lâm Đồng chiếm gần bằng 1/5 của diện tích toàn vùng Tây Nguyên, là một tỉnh có diện tích đất đai hạn hẹp so với hai tỉnh Đắc Lắc và Gia Lai - Kon Tum. Nhưng, ngược lại, so với hai tỉnh trên, Lâm Đồng là vùng dân cư có mật độ dân số cao nhất toàn vùng Tây Nguyên.

BẢNG SO SÁNH VỊ TRÍ CỦA LÂM ĐỒNG VỚI CÁC TỈNH TÂY NGUYÊN

Vị trí

Diện tích và dân số

Vị trí

Mật độ dân số

1.

Gia Lai - Kon Tum

1.

Lâm Đồng

Diện tích: 25.536 km2

Mật độ: 40 người/km2

Dân số: 596.900 người

 

2.

Đắc Lắc

2.

Đắc Lắc

Diện tích: 19.800 km2

Mật độ: 25 người/km2

Dân số: 490.200 người

 

3.

Lâm Đồng

3.

Gia Lai - Kon Tum

Diện tích: 9.933 km2

Mật độ: 23 người/km2

Dân số: 396.700 người.

 

I. ĐẶC ĐIỂM VỂ ĐỊA LÝ VÀ MÔI SINH

Lâm Đồng còn là một tỉnh có tiềm năng to lớn để phát triển cây công nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc lớn, phát triển các ngành trồng rau cải, dược liệu và hoa. Mặt khác với những cảnh đẹp của thiên nhiên và nhờ có những biệt thự, hệ thống khách sạn xinh đẹp ở thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng có nhiều khả năng để phát triển ngành du lịch và nơi nghỉ ngơi dưỡng sức vào loại tốt nhất ở nước ta.

Phía bắc Lâm Đồng nối liền với những vùng dân cư thuộc thành phần dân tộc Mnông, Bih và Êđê của tỉnh Đắc Lắc. Về phía tây, ranh giới của tỉnh Lâm Đồng tiếp giáp với vùng đồi núi miền Đông Nam Bộ cũ thuộc tỉnh Sông Bé và Đồng Nai ngày nay. Trong những vùng đồi núi này có những bộ phận của người Stiêng, người Châu ro sinh sống, còn đại bộ phận tỉnh Sông Bé và Đồng Nai là vùng dân cư người Việt đã từng tồn tại lâu đời trong lịch sử. Phía đông và phía nam của tỉnh Lâm Đồng nối liền với những vùng rừng núi miền tây và các tỉnh Thuận Hải, Phú Khánh. Đó là vùng dân cư có các dân tộc Raglai, Êđê và một vài bộ phận người Chăm sinh sống.

Lâm Đồng là một vùng đất cao nguyên do phún thạch của núi lửa cấu thành. Với độ cao trên 1.200m, nhiệt độ trung bình ở Lâm Đồng trong cả năm là 21o, mưa không nhiều, cả năm mưa chỉ đạt đến mức 1.755 mm. Nói chung, Lâm Đồng là một vùng môi sinh thuận lợi để phát triển sức khỏe của con người và gia súc. Trong nội địa tỉnh Lâm Đồng có ba cao nguyên nhỏ. Đó là cao nguyên Lâm Viên (thuộc huyện Lạc Dương), cao nguyên Di Linh (thuộc huyện Di Linh) và cao nguyên Bảo Lộc (thường gọi là cao nguyên Mạ thuộc huyện Bảo Lộc). Ngoài ra, còn có những vùng bằng phẳng và đồng cỏ mà các dân tộc ở đây đã từng canh tác nông nghiệp và chăn nuôi gia súc như các vùng thuộc huyện Đơn Dương và Đức Trọng (kể cả một số tiểu vùng của huyện Di Linh). Do những đặc điểm thiên nhiên mà Lâm Đồng đã hình thành từ lâu đời những vùng kinh tế - dân cư có tính chất chuyên môn hóa mà ngày nay đang được phát triển. Ở Đức Trọng, Đơn Dương và một số tiểu vùng của Di Linh là những vùng chăn nuôi gia súc cổ truyền. Ngày nay, tại nơi đây đang hoạt động 9 nông trường chăn nuôi của Nhà nước, trong đó có nông trường bò giống Phi Vàng là một trong những cơ sở chăn nuôi lớn của nước ta hiện giờ. Cao nguyên Di Linh và Bảo lộc là những vùng kinh tế nổi tiếng về các loại cây công nghiệp (chè, cà phê). Ở đây có những nông trường chè và xí nghiệp chè lớn của Nhà nước. Nghề trồng chè và cà phê là một trong những ngành kinh tế gia đình đang được phát triển mạnh mẽ hiện nay, nhất là trong các gia đình người dân tộc. Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng còn có một vùng kinh tế lâm nghiệp quan trọng với nhiều lâm sản quý như gỗ thông, nhựa thông, hồi.... ở huyện Lạc Dương. Tại đây, còn có thể phát triển nghề trồng rau, nuôi ngựa, bò và chế biến lâm sản.

Có thể nói, Lâm Đồng là một vùng địa lý phong phú và đa dạng về các giống loài thực vật, đặc biệt là cây dược liệu (sâm, atisô....). Nhân dân các dân tộc ở vùng này, nhất là người Lạt và người Kơho vốn có kinh nghiệm lâu đời về việc chọn lựa và sử dụng các giống cây cỏ mang tính dược liệu quý trong đời sống. Vấn đề phát triển và chế biến các loại thuốc chữa bệnh bằng cây cỏ là một trong những phương hướng kinh tế được nhiều nước trên thế giới đang quan tâm và đẩy mạnh.

Ở Lâm Đồng có nhiều thác nước và hồ nước lớn. Những thác nước lớn như Prenn (còn gọi là thác Thiên Sa), thác Cam Ly, thác Angkrôet, thác Đatanla, thác Liên Khương.... hàng năm chỉ cạn nước độ 3, 4 tháng, có thể là những nguồn điện năng lớn mà mục tiêu công nghiệp hóa vùng dân cư này không thể nào bỏ quên và tiến hành chậm trễ được. Những hồ nước lớn như Hồ Xuân Hương, hồ Suối Vàng và nhiều hồ nước lớn nhỏ trong thiên nhiên vốn có sẵn có thể khai thác thành những cơ sở nuôi cá và thủy sản nước ngọt quy mô để giải quyết vấn đề thực phẩm tại chỗ cho con người sống tại đây (3).

Nhìn chung, thiên nhiên của vùng dân cư Lâm Đồng là một vùng môi sinh có nhiều hứa hẹn trong tương lai đối với các dân cư các dân tộc sinh sống tại đây. Lâm Đồng là một tỉnh thiếu lúa gạo thường xuyên và gay gắt nhất so với các vùng khác ở Tây Nguyên. Nhưng, mặt khác, Lâm Đồng chưa hẳn là một vùng thiếu lương thực. Nơi đây vốn có những vùng trồng bắp nổi tiếng trong nhân dân các dân tộc. Khoai tây, sắn, khoai lang và nhiều cây có bột có giá trị dinh dưỡng đều vốn đã được phát triển trong dân gian với những năng suất khả quan. Vấn đề chế biến và công nghiệp chế biến thực phẩm là con đường giải quyết nhu cầu ăn của nhân dân địa phương chứ chưa hẳn là vấn đề ưu tiên phát triển nông nghiệp trồng lúa. Lâm Đồng cũng như các tỉnh ở Tây Nguyên vốn có tiềm năng phát triển cây bông vải và nghề dâu tằm. Các dân tộc ít người ở Lâm Đồng như người Mạ, người Kơho.... vốn có kinh nghiệm lâu đời về những nghề trên. Nghề trồng bông, kéo sợi, nuôi tằm cũng là những nghề cổ truyền trong những nhóm dân cư người Việt ở địa phương.

Tóm lại, những nhu cầu cơ bản cho con người tồn tại và phát triển trong điều kiện tối ưu nhất của đời sống đều có thể giải quyết được một cách khả quan với những tiềm năng thiên nhiên sẵn có ở Lâm Đồng. Nhưng, những tiềm năng tối ưu đó chỉ có thể trở thành sự thật khi con người nhận thức được chính xác những quy luật của thiên nhiên, biết sắp xếp và tổ chức khai thác thiên nhiên đúng phương hướng, biết quản lý xã hội một cách hiệu quả nhất.

II. SỰ HÌNH THÀNH CÁC VÙNG HÀNH CHÍNH DÂN CƯ Ở LÂM ĐỒNG

Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, toàn bộ tỉnh Lâm Đồng ngày nay là vùng đất đai thuộc hai tỉnh Đồng Nai Thượng (Haut Donnai) và Lâm Viên (Lang Biang) dưới thời Pháp thuộc. Năm 1950, Ủy ban hành chính Liên khu 5 quyết định thành lập tỉnh Lâm Đồng trên cơ sở nhập hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Viên thành một đơn vị hành chính của vùng tự do miền Nam Trung Bộ (4).

Sau hiệp nghị Giơnevơ, từ năm 1958, ngụy quyền Ngô Đình Diệm, đổi tên tỉnh Đồng Nai Thượng thời Pháp thành tỉnh Lâm Đồng và lấy Bảo Lộc làm tỉnh lỵ. Mặt khác, thành lập tỉnh Tuyên Đức bao gồm vùng đất của Lang Biang, Đà Lạt và quận lỵ Dran và lấy thị xã Đà Lạt làm tỉnh lỵ. Năm 1966, Đà Lạt thành một đơn vị hành chính riêng độc lập với Tuyên Đức và là thành phố trực thuộc của nhà nước trung ương ngụy quyền.

Sau thắng lợi vĩ đại mùa xuân 1975, miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng, Lâm Đồng trở thành một trong 40 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc trung ương của bộ máy nhà nước trong cơ cấu hành chính nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tỉnh Lâm Đồng ngày nay bao gồm thành phố Đà Lạt và sáu huyện (Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương, Bảo Lộc, Di Linh, Đạ Huoai).

Theo thống kê hành chính năm 1980, toàn tỉnh Lâm Đồng có 67 xã bao gồm những xã người dân tộc, xã người Việt và xã xen kẽ giữa các dân tộc với người Việt (Kinh).

THÀNH PHẦN XÃ DÂN TỘC TRONG HỆ THỐNG XÃ TỈNH LÂM ĐỒNG (5) 

 

Địa phương

Tổng số xã, ấp

Xã người dân tộc

Xã người Việt

Xã xen kẽ

1

H. Lạc Dương

5 xã

5 xã

 

 

2

H. Đức Trọng

13 xã

3 xã

6 xã

4 xã

3

H. Đơn Dương

8 xã

1 xã

1 xã

6 xã

4

H. Bảo Lộc

15 xã

6 xã

7 xã

2 xã

5

H. Di Linh

13 xã

9 xã

 

4 xã

6

H. Đạ Huoai

10 xã

4 xã

2 thị trấn

4 xã

MẠC ĐƯỜNG

  Nội dung chính Trang trước Mục lục Trang sau