Nội dung chính Trang trước Mục lục Trang sau  

gười Mạ là một dân tộc thiểu số thuộc ngữ hệ Môn-Khơme cư trú tập trung đông nhất ở huyện Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng (85)

Địa bàn cư trú trước đây của người Mạ bao gồm từ cao nguyên Lang Biang, Di Linh xuống đến tận cùng hạ lưu sông La Ngà và sông Đồng Nai. Trải qua bao thời gian, người Mạ dần dần tụ cư về vùng trung thượng lưu sông Đồng Nai. Nhìn chung, lãnh thổ tộc người của người Mạ hiện nay vẫn là một dải đất liền nhau, ít bị ngăn cách bởi các khu vực cư trú của các dân tộc khác. Đó là một dải đất trải dọc theo lưu vực sông Đạ Đơng, giáp ranh giữa cao nguyên "ba biên giới", cao nguyên Bảo Lộc, Di Linh và cao nguyên đất đỏ miền Đông Nam Bộ.

Lãnh thổ cư trú của người Mạ giáp lãnh thổ của người M'nông về phía Bắc, người Stiêng về phía Tây, người Kơho và người Châu ro (Chro hay Jro) ở phía Đông. Người Mạ hiện nay có khoảng 30.000 người, trong đó nơi cư trú tập trung đông đảo nhất là tỉnh Lâm Đồng với dân số 20.000 người.

Người Mạ nhìn chung có chiều cao trung bình 1m57 - 1m60 đối với nam và 1m50 đối với nữ. Tuy nhiên, cũng có người cao tới 1m70 hoặc hơn nữa. Thân hình vạm vỡ và phát triển cân đối với màu da đen sạm, có người đen lánh do dạn dày mưa nắng. Mặt tương đối rộng, gò má hơi dô, mũi bè, có người mũi rộng chệch, môi bình thường không dày lắm. Mắt đen, có người mắt nâu sẫm, tóc cứng và thẳng là chủ yếu, có một số ít người tóc quăn v.v... răng người Mạ nói chung là bình thường, nhưng đa số hàm răng trên lại bị cà sát lợi

1949, thực dân Pháp đã lập ra bộ vần tiếng Kơho dùng chung cho người Kơho và người Mạ.

Trong thời kháng chiến chống Pháp, nhất là trong những năm chống Mỹ cứu nước, quê hương của người Mạ phần lớn là những căn cứ địa cách mạng. Một số nơi là vùng tạm chiếm, nên đa số người Mạ đã biết nói tiếng Việt, nhất là giới trẻ. Những người Mạ tham gia hoạt động cách mạng và một số người ở vùng địch hậu còn biết viết chữ phổ thông. Sau ngày giải phóng, với chủ trương xóa mù chữ, Chính quyền cách mạng đã ban hành, cả tổ "Ánh sáng văn hóa" đã đi đến tận từng buôn làng xa xôi hẻo lánh để dạy cho bà con chữ. Người Mạ vốn rất ham học hỏi, nhất là được học chữ, nên đến cuối năm 1979 việc xóa nạn mù chữ căn bản đã được hòan thành.

Người Mạ tự nhận mình là một dân tộc và phân biệt với người Kơho rất rõ rệt. Trong thư tịch và trong thực tế thường gặp những tộc danh "Mạ Xộp", "Mạ Hoang" (Wang), "Mạ Tô" "Mạ Krung", "Mạ Blao", "Mạ Dagui", "Mạ Đạ Đơng", "Mạ Ngăn".

Mạ Xộp là người Mạ ở vùng đất rất tốt, vùng đất từ chân núi Phọt Chan về phía Tây đến tận lưu vực sông Đạ Đơng, hiện nay thuộc địa phận xã Lộc Bắc và một phần xã Đạ Tẻ. Vùng này chỉ có một độ cao từ 200m - 700m. Người ở Lộc Thắng tức là ở cao nguyên Blao gọi người Mạ Lộc Bắc là Mạ Xộp, tức là Mạ dưới núi để so sánh với họ là người Mạ ở trên núi.

Mạ Tô là người Mạ ở thượng lưu, ở trên cao (chữ Tô có nghĩa là nguồn), do người Mạ ở vùng thấp gọi họ và cũng do chính người Mạ ở cao nguyên tự gọi.

Mạ Hoang (Wang) là tên gọi của bọn thực dân Pháp, bọn cai ký tay sai gọi những người Mạ chống chế độ đi phu. Theo nhiều người Mạ cho biết, dưới thời Pháp thuộc, trong các căn cước của người Mạ, những ai chống lại chúng "được ghi là Mạ Hoang". Những người này sống ở lưu vực sông Đạ Đơng, nhiều nhất ở phía hữu ngạn, nay thuộc tỉnh Sông Bé.

Mạ Krung là người Mạ ở làng Krung, sinh sống ở phía Tây Nam Bảo Lộc và Định Quán, nay thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai. Đây là người Mạ miền bình nguyên, sống tương đối xa cách với nơi cư trú chính của người Mạ.

Mạ Ngăn có nghĩa người Mạ chính thống ở lưu vực sông Đạ Đơng, phía Tây và phía Bắc Blao. Hiện nay, đồng bào chủ yếu cư trú ở các xã Lộc Bắc, Đạ Tẻ, Lộc Lâm huyện Bảo Lộc.

Những tên gọi khác như "Mạ Blao", "Mạ Đa Gui", "Mạ Đạ Đơng" là tên gọi người Mạ ở ba tổng (đơn vị hành chính cũ) dưới thời Pháp thuộc.

I. ĐẶC ĐIỂM KINH TẾ

Hình thái kinh tế nương rẫy đóng vai trò chủ đạo trong đời sống của người Mạ. Dụng cụ chủ yếu để làm rẫy là con dao, chiếc rìu, gậy chọc lỗ.

Rẫy (mir) của người Mạ có thể chia làm 3 loại: rẫy ở thung lũng, rẫy ở sườn núi và rẫy ở đỉnh đồi. Ở cao nguyên Bảo Lộc là nơi tồn tại phổ biến ba loại hình rẫy nói trên. Trong khi đó ỏ các vùng Đạ Tẻ, Đạ Lai, Đạ Huoai có nhiều thung lũng và núi thấp người Mạ gọi là "đăng" và trên các mảnh đất khá bằng phẳng nằm trong thung lũng. Do đó, ở đây chỉ có hai loại rẫy: rẫy ở sườn núi (mir đăng) và rẫy ở đất bằng (mir lơng). Rẫy đất bằng thích hợp cho lúa sớm và bắp. (88)

Về thời gian canh tác, người Mạ phân biệt rẫy mới và rẫy cũ. Rẫy mới là phát năm đầu (mrili), rẫy cũ là rẫy năm thứ hai (mpuh) và năm thứ ba (ndre).

Công việc đầu tiên trong một chu trình làm rẫy là chọn rừng. Có nơi cả làng cùng chọn một đám rừng lớn rồi chia cho từng hộ để làm. Có nơi từng gia đình tự đi tìm rừng để làm rẫy nên rẫy nằm rải rác ở nhiều nơi. Người Mạ chọn rừng thứ sinh (sar) để làm rẫy, chớ không phải rừng thưa (lac) hay rừng già nguyên sinh (rlau). Công việc chọn rừng thường diễn ra vào tháng 2 dương lịch. Sau đó người ta phát cây con và dây leo (mus, muih) bằng chà gạt (wion, vol), đốn cây lớn (kơl) bằng rìu (sung). Cả hai công việc này đều do đàn ông làm. Khi cây đã khô, người đốt vào khoảng giữa tháng 3, hoặc trong nửa đầu tháng 4.

Rẫy của người Mạ là một loại rẫy đa canh. ngoài lúa, người ta trồng nhiều loại cây khác như bắp, bầu bí, mướp, thuốc lá, bông vải,... Người ta trồng bắp trước tiên khi rẫy vừa dọn xong và bắt đầu tỉa lúa khi những cơn mưa đã đến đều đặn. Lúa sớm (koi krong) được tỉa trước, từ khoảng giữa tháng 4 đến đầu tháng 5, lúa mùa (koi me) tỉa sau, vào cuối tháng 4 hoặc trong tháng 5. Lúa nếp (mbar) chỉ được trồng trên rẫy lúa mùa thành một mảng dưới chân đồi. Cây gậy chọc lỗ (rmuh) dài khoảng 3 mét, đầu nhọn có bọc sắt, người ta thường dùng cho đến khi bọc sắt hư mới bỏ. Người đàn ông đi trước, hai tay cầm hai cây vừa đi tới vừa chọc lỗ. Số người đi theo ít hay nhiều tùy theo tốc độ tỉa hạt của họ nhanh hay chậm.

Sau đây là một số giống lúa rẫy thường gặp ở vùng Mạ lưu vực sông Đạ Đơng: giống koi krong (có các loại Wẹt, Hu; Hateo, Nộp, Bọ, Sôm, Bít, Có, Rơhơn,...). Giống Mbal (có các loại Mơl, Siêu,Slơ, Đung, Duôi, Yôi,...). Giống Koi Prum (có các loại Nơma, dru (hay Yok), Canh, Hin,...). Giống Koime (có các loại Bò, Blơ, Sèn, Krui, Nbé, Lui, Kel, Nanh Dạ, Wênh,...).

Lúa sớm được thu họach vào tháng 7 hoặc tháng 8. Lúa mùa chín được thu họach vào cuối tháng 10 hoặc sang đến tháng 11. Người Mạ dùng tay để suốt lúa (kach koi) và chỉ dùng liềm để gặt lúa nếp vì loại này cứng, khó suốt bằng tay.

Năng suất của rẫy tùy thuộc vào loại đất canh tác hơn là loại giống. Người Mạ không tính năng suất của rẫy theo diện tích (hécta) mà theo số gùi lúa thu được khi tỉa một gùi lúa giống, khi tính như họ ta thấy năng suất bình quân của rẫy khác nhau tùy từng loại đất. Theo một tài liệu cũ, ở khu vực cao nguyên Bảo Lộc, nơi phần lớn là đất do đá badan phong hóa tạo thành, một gùi giống tỉa xuống sẽ thu được 10 gùi (mỗi gùi nặng 30 kg). Trong khi đó ở vùng lưu vực các phụ lưu tả ngạn sông Đạ Đơng, nơi người Mạ thường làm rẫy trên sườn các đăng và thung lũng, là những chỗ có cấu tạo đất bằng đá phiến phong hóa, một gùi giống tỉa xuống sẽ thu được 80 gùi. Song, rẫy nằm ở vùng đất bồi, một gùi giống thu về được 100 gùi.

Tuy nhiên, nếu tính theo hécta, năng suất bình quân của rẫy toàn vùng Mạ đều ở mức chung là 1,6 tấn.

Người Mạ, đong lúa bằng các loại gùi sau đây:

Khiu: loại gùi nhỏ nhất, cao chừng 30 cm, và đường kính miệng gùi chừng 25 cm, ngoài việc dùng để đựng lúa giống khi tỉa và đựng lúa vừa suốt khi thu họach, khiu, dùng làm đơn vị đo lường giống lúa nếp tỉa hàng năm. Thông thường mỗi năm người ta chỉ tỉa một khiu lúa nếp.

Sơhơl : có hai quai đeo sau lưng, cao khoảng 37 cm, miệng hơi bầu dục có đường kính 34 cm. loại gùi này dùng để lường số lúa tỉa hàng năm, mỗi năm chỉ tỉa một sơhơl lúa.

Sah : có hai quai đeo sau lưng, cao khoảng 75 cm, miệng tròn có đường kính 50 cm. Đây là đơn vị đo lường lúa sớm tỉa hàng năm. Số lượng giống tỉa hàng năm chẳng những tùy thuộc vào số nhân khẩu trong gia đình Mạ như trên đã nói, tùy thuộc vào cấu tạo đất rẫy. Thông thường người Mạ tỉa lúa mùa là chính, và tỉa thêm lúa sớm để thu họach vào thời kỳ giáp hạt, nhưng có một số làng chỉ dùng lúa sớm làm vụ chính mà không tỉa lúa mùa vì những nơi đó có nhiều rẫy đất bằng (mir lơng).

Khi tính lượng lúa giống đem tỉa, người Mạ dùng nhiều loại gùi khác nhau, nhưng sah là đơn vị đo lường chung để tính số thu hoạch của tất cả các loại lúa. Ở xã Đạ Tẻ cũng như Lộc Bắc, người ta tỉa một sah lúa sẽ thu họach được 70-80 sah, hoặc 100 sah vào những năm rẫy tốt. Với mức tiêu dùng hàng năm của mỗi người khoảng 25 sah lúa, một gia đình có 4 người tỉa một sah lúa giống có đủ lúa dùng cho các nhu cầu đời sống trong hơn 10 tháng, nếu năm đó sản lượng của rẫy ở mức bình thường.

Nếu rẫy là ngành trồng trọt phổ biến và quan trọng trong sinh hoạt kinh tế của người Mạ thì ruộng nước là phương thức canh tác chỉ xuất hiện một số ít làng và có vai trò rất nhỏ bé.

Ở vùng Mạ, trong thiên nhiên có những nơi đất trũng không có cây lớn mà chỉ có rừng xavan mọc, bị ngập nước vào mùa mưa và phần lớn khô hạn vào mùa nắng. Những địa thế tự nhiên này được gọi là srê. Có nhiều srê nằm rải rác, mang những tên như Srê Nau Puh Klong, Srê Đa Rmin, Srê Kang, Srê Ko, v.v... Những srê này là địa thế tự nhiên có thể khai thác thành ruộng nước. Những mảnh ruộng làm trên các nơi này được gọi là srê.

Từ trước năm 1975, người Mạ ở các làng Jirai, Minh Rồng 2, Minh Rồng Srêkăng (nay thuộc xã Lộc Thắng, huyện Bảo Lộc) cũng có làm ruộng nước. Công việc canh tác ruộng nước ở đây chỉ mới xuất hiện trong vòng 20 năm gần đây. kỹ thuật làm ruộng của người Mạ tại đây rất thô sơ. Họ dùng cuốc để cuốc đất, dùng cây gỗ để ban đất cho bằng rồi chọc lỗ tỉa hạt như làm rẫy.

Một loại hình trồng trọt khác không có ý nghĩa kinh tế quan trọng đối với người Mạ là vườn. Vườn bao bọc quanh nhà hay là một mảnh đất nhỏ gần nhà với hàng rào sơ sài chung quanh. Các loại cây trồng thường là thuốc lá, mít, đu đủ, chuối, mía, v.v... có nơi trồng khoai môn, bo bo như ở xã Đạ Tẻ, hoặc mới trồng thêm cây dâu tằm, như ở xã Lộc Thắng. Thỉnh thoảng cũng có những mảnh vườn thuốc lá riêng. Một số loại cây trong vườn như thuốc lá, chuối, mía, cũng còn được trồng chung với lúa trên rẫy.

Hình thức trồng trọt này xuất hiện ở nhiều làng với quy mô rất nhỏ.

Ngoài ra, tại một số làng người Mạ chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân, trong sinh hoạt kinh tế đã xuất hiện một số yếu tố mới. Nhiều nơi nghề trồng trọt trên rẫy là sinh hoạt kinh tế chủ yếu, một số làng đã có nhiều người Mạ thoát ly công việc làm rẫy để trở thành công nhân thường xuyên trong các đồn điền trà, cà phê của tư sản Pháp và Việt. Đồng thời lại xuất hiện ở người Mạ một loại hình trồng trọt mới là chuyên canh trà.

Trước đây trong số công nhân người dân tộc làm trong các đồn điền trà, cà phê của các giới tư bản ở Lâm Đồng, công nhân người Mạ chiếm số lượng đông nhất. Có loại công nhân không thường xuyên chỉ làm theo mùa. Họ kết hợp việc làm ruộng, làm rẫy với việc đi làm cho đồn điền. Nếu làng ở gần đồn điền, họ đến làm việc rồi chiều về làng như số người ở làng Jirai làm công nhân cho đồn điền Minh Rồng. Nếu nhà ở xa, họ dành thời gian rảnh rỗi khi xong công việc ruộng nương để đến lại đồn điền trong một vài tháng, như trường hợp người Mạ ở Tân Lú đến làm công nhân theo mùa cho đồn điền Boulbet.

Có loại công nhân thường xuyên, ở hẳn thành làng trong đồn điền. Chẳng hạn tại đồn điền Chauvel có 100 hộ gồm 500 người Mạ cư trú thường xuyên trong các nhà dài làm ngay trong đồn điền. Tại đồn điền Boulbet có một khu người Mạ cho đến 1978 còn 19 hộ gồm 95 người. Những người Mạ này đến từ các làng Ding Jri, B'Dạ, B'Kra... ở vùng Tân Lú, Tân Rai cũ. Tại đồn điền Minh Rồng cũng có một làng người Mạ ở thường xuyên. Công việc của loại công nhân này là hái trà hoặc hái cà phê đối với giới nữ, hái cà phê, làm cỏ, bón phân đối với giới nam. Số công nhân lao động gián tiếp hoặc lao động có kỹ thuật thì làm những việc như thư ký hành chính, kế toán, lái xe, lái máy cày, y tá, giáo viên, cai ký, thống kê, chăm sóc trà v.v...

Một hoạt động kinh tế khác cũng phổ biến là chăn nuôi, nhưng ngành này chưa độc lập với trồng trọt và chưa có quy mô lớn. Người Mạ thường nuôi trâu, bò, heo, dê, gà, vịt, ngỗng v.v... Người ta nuôi theo lối nửa thả rong nửa chăm sóc, gia súc được thả rong trong ban ngày và nhốt vào chuồng ban đêm. Chăn nuôi chủ yếu là phục vụ cho các buổi lễ hiến sinh, cung cấp thực phẩm và chưa có hiện tượng buôn bán gia súc. Hiện nay ở một số nơi, người Mạ đã dùng trâu để làm sức kéo trong nông nghiệp.

Người Mạ nổi tiếng về nghề dệt vải, đặc biệt là vùng lưu vực tả ngạn sông Đạ Dơng. Bông vải được trồng trên rẫy lúa. Người ta hái bông và phơi khô. Sau đó, đem cán và kéo thành sợi bằng những dụng cụ thô sơ.

Sợi được xếp thành lọn và được nấu trong một đêm. Sau đó vớt ra cạo nhẹ cho nhẵn rồi đem phơi. Đến đây người ta có thể đem đi nhuộm bằng các loại vỏ cây rừng hoặc cây trồng, chẳng hạn lá cây "Ndir" dùng để nhuộm màu chàm, vỏ cây "Riơl" dùng để nhuộm màu đỏ, củ cây "Rmít" dùng để nhuộm màu vàng. Khi dệt, người phụ nữ ngồi dưới mặt đất, duỗi thẳng hai chân để trải khung dệt (bơnơ bơsa) ra, khung dệt gồm có những thanh gỗ đặt nằm ngang trên chân người dệt để mắc hệ thống sợi. Tay người dệt cầm một cái cây nhỏ để luồn sợi chỉ ngang qua giống như động tác dệt chiếu theo lối thủ công của người Việt. Dụng cụ dệt thô sơ, tốc độ rất chậm chạp, nhưng sản phẩm dệt rất đẹp và được nhiều dân tộc ưa thích. Hoa văn trang trí rất phong phú và tinh vi với nhiều màu sắc sặc sỡ, phản ánh môi trường sinh sống và mơ ước trong cuộc sống của người Mạ. Sản phẩm dệt của người Mạ thường là cái khố (ntrônh) cho đàn ông, cái váy (ôibon) cho đàn bà, các loại chăn (ôi tir, ôi rnêng, ôi dal, ôi drai...) v.v... ngoài những loại hàng dệt phục vụ cho nhu cầu trong làng, một số hàng dệt đem đi trao đổi hoặc bán ở những chợ.

Nghề rèn trong vùng người Mạ cũng rất phổ biến, và hiện nay nghề này phổ biến hơn nghề dệt. Sản phẩm rèn nhiều nhất là các nông cụ dùng trong trồng trọt, sau đó là những đồ gia dụng và vũ khí. Trước kia người Mạ rất nổi tiếng về những vũ khí do tự họ rèn lấy như cây chà gạt lưỡi cong (wiơh jal) hoặc cây lao phóng (tá ndrek). Nguyên liệu trước kia là quặng sắt nằm lẫn với cát sông hoặc đất. Họ mang về đốt cháy bằng than để lấy sắt tinh. Hiện nay người Mạ mua sắt ở các chợ để rèn. Lò rèn rất đơn giản, gồm hai ống thụt (dinh muh) và hai ống tre dẫn hơi đến bễ đựng than (kôn nuh). Công cụ gồm có đe (kel), kèm (káp), v.v... Thợ rèn (chau lơ nuh) là một người đàn ông lớn tuổi, trực tiếp làm những khâu chính là đốt sắt và đập thành hình những sản phẩm muốn rèn. Những người trẻ chỉ giữ việc thụt bễ và mài sắc những sản phẩm đó.

Nghề gốm tuy có trong vùng Mạ, nhưng không phổ biến lắm, chỉ có một số làng nổi tiếng như làng Cor, làng Pang, làng Rdu nằm ở lưu vực sông Đa Klung, nơi có đất sét rất mịn để có thể làm nồi đất bằng tay. Nồi đặt trên một cái cối giã gạo lật úp. Khi nặn xong, người ta dùng một miếng giẻ ướt để làm nhẵn cái nồi, sau đó đem phơi nắng và đem nung. Trước khi sử dụng, người ta đổ vào nồi một loại nước lấy từ vỏ cây rừng và nấu lên để tránh tình trạng nồi bị lỗ bọt.

Ngoài ra, một số làng người Mạ ven sông Đạ Đơng còn biết làm thuyền độc mộc, một nghề thủ công hiếm có ở vùng này. Thuyền độc mộc là một thân cây cổ thụ được khoét rỗng ruột.

Sản xuất thủ công nghiệp của người Mạ chưa thành một nghề chuyên hóa mà là do nông dân làm vào những lúc rảnh rỗi công việc trồng trọt.

Địa bàn cư trú của người Mạ chủ yếu là rừng núi nên hoạt động săn bắt hái lượm cũng là một sinh hoạt thông thường trong đời sống kinh tế. Săn bắt hái lượm là những sinh hoạt dân gian trong các vùng Mạ ở rừng núi.

Vùng người Mạ gần các đường cái hoặc thị trấn thì vai trò của săn bắn đã lu mờ. Săn bắt thú rừng là công việc của đàn ông. Họ thường đi săn vào cuối mùa khô đầu mùa mưa với chiếc nỏ (nạ) và các loại bẫy (nđa). Ngày nay việc dùng súng trong săn bắn đã phổ biến.

Ngoài ra, việc đánh bắt cá cũng khá phổ biến. Người Mạ bắt cá bằng nhiều cách khác nhau. Đàn bà bắt cá, tôm, bằng rổ đan (ninrơ). Đàn ông dùng lưới quăng chài (jal). Người ta câu cá dùng vó (vú), dùng lao (dram) đâm cá. Người Mạ cũng dùng thuốc độc Kran để suốt cá. Đây là loại lá cây rừng, đập dập bỏ xuống suối. Cá bị say thuốc, không bơi nhanh được người ta dùng lao để đâm cá.

II. TỔ CHỨC XÃ HỘI

1. Chế độ sở hữu đất đai

Quyền sở hữu tối cao về đất đai của người Mạ trước đây thuộc về cộng đồng làng (bon). toàn bộ đất đai thuộc về phạm vi của làng bao gồm đất canh tác và không canh tác, rừng núi, sông suối... Là tài sản chung của tất cả mọi người trong làng. Ai cũng có quyền canh tác và hưởng toàn bộ sản phẩm mà họ làm ra được, không phải cống nộp tô thuế cho ai. Nhưng quyền sở hữu cộng đồng này được tập trung trong tay người chủ làng (người Mạ gọi là quăng bon) là người đại diện cho dân làng. Vì vậy, trong thực tế, quăng bon đồng thời là người chủ đất của làng.

Ở Đạ Tẻ, Lộc Thắng và một số nơi gọi chủ đất bằng từ "Tôm ụ", nhưng đất đai của người Mạ đa số là rừng nên Tôm ụ cũng có nhĩa là Tom bri (chủ rừng). (89)

Người chủ đất có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đất đai của làng. Nhiệm vụ đó thể hiện ở chỗ:

- Người ở làng khác muốn đến phát rẫy tại làng của mình thì phải có ý kiến của ông chủ đất.

- Quy định những ngày tiến hành các lễ nông nghiệp trong một chu kỳ sản xuất cho dân làng.

Tuy vậy, ông ta cũng chỉ được canh tác một phần đất đai nào đó và cũng phải lao động như mọi người. Theo tục lệ người chủ đất ở vùng họ không có quyền được chọn những vùng đất tốt hơn mọi người.

Bên cạnh chủ đất, mỗi làng còn có một hay hai "cau ắt bri" (tức là người cầm rừng) có nơi gọi là cau ắt pu bri. Những người này thường chia nhau những khoảng rừng khác nhau trong một làng và coi đó như thuộc quyền "sở hữu" của mình. Ví dụ như ở làng B'Lạch A có 2 ông "cau ắt bri" là K'Pôi và K'Sim. Những người này có nhiệm vụ cùng bàn bạc với chủ đất của làng để định đọat vùng canh tác cho dân làng trong một chu kỳ sản xuất và họ là người tổ chức các lễ nghi nông nghiệp và các khâu sản xuất của dân làng. Thông thường đó là những người có kinh nghiệm sản xuất và gia đình dòng dõi ông ta vốn đã làm ăn "phát đạt" hơn những người khác. Họ là những người có thể lên làm chủ đất, chủ làng khi chủ làng cũ chết hoặc già yếu.

Lúc đầu, những người này chỉ có nhiệm vụ trông coi một khu rừng nhất định và lo tổ chức các lễ nghi nông nghiệp cho dân làng. Nhưng dần dần họ trở thành có quyền sở hữu đối với vùng đất này. Bởi vậy, ai canh tác ở khu rừng của họ, đều phải biếu xén. Quá trình phân hóa này được thể hiện rõ nét ở vùng cao nguyên Blao, nơi tiếp xúc với người Việt và người Kơho.

Vùng cao nguyên Blao, nơi đất đai đã được khai thác nhiều, đất bằng phẳng nên cả làng làm một chỗ trong một chu kỳ. Ví dụ, năm nay cả làng làm ở khu rừng A thuộc quyền trông coi của ông C, năm sau làm khu rừng X thuộc quyền của ông B. Canh tác ở đâu, là do sự bàn bạc và quyết định của chủ làng, chủ rừng và các chủ gia đình của các nhà trong làng.

Ở vùng phía tây, nơi đất đai còn nhiều, nhưng địa hình ở đây lại không bằng phẳng và thường được cấu tạo bằng những đồi núi, cách xa nhau bởi những thung lũng, vách núi, nên mỗi nhà tự chọn cho mình một khu riêng.

Gần đây, người Mạ ở Lộc Thắng và một số nơi đã canh tác ruộng nước. Số ruộng đất này nằm trong địa phận của từng làng, làng vẫn có quyền sở hữu "tối cao" nhưng chỉ là hình thức, còn quyền sở hữu thực tế thuộc về từng nhóm gia đình có quan hệ huyết thống gần gũi với nhau khoảng hai ba đời. Từng nhóm gia đình bao gồm hai, ba, bốn, gia đình có chung một khu ruộng và chia cho từng gia đình một số mảnh ruộng để tự gia đình canh tác theo cha truyền con nối, nhưng gia đình không có quyền bán hay chuyển nhượng cho người khác ngoài nhóm gia đình mình. Diện tích ruộng nước so với rẫy chiếm tỷ lệ rất thấp.

Gần đây ở vùng cao nguyên Blao, tập trung ở xã Lộc Thắng, xung quanh đồn điền trà Minh Rồng, một số người Mạ đã có một số diện tích đất tư trồng chè. Tính đến năm 1977 ở xã Lộc Thắng đã có hơn 112 gia đình người Mạ có vườn chè riêng với diện tích chừng 114,95 ha. Có gia đình diện tích trồng chè riêng rộng đến 9 ha, trung bình mỗi gia đình từ 2 ha đến 4 ha.

Những tư liệu sản xuấ khác như công cụ lao động (chà gạt, cuốc, bẫy v.v...) và tư liệu tiêu dùng (gạo thóc, chiêng ché) lại thuộc về sở hữu gia đình lớn hoặc từng hộ nhỏ trong gia đình nhà dài. Từng hộ nhỏ (bao gồm cha mẹ, con cái) có chà gạt, cuốc và các công cụ lao động riêng. Từng hộ nhỏ cũng có kho thóc, tuy vậy vấn đề tư hữu ở đây chưa thật gay gắt.

2. Cơ cấu tổ chức xã hội

Người Mạ cư trú thành từng làng (bon) với một khu vực đất đai riêng biệt. Giữa các làng có "đường ranh giới rõ rệt, đó là con sông, khe suối, hòn đá, thung lũng v.v... do các chủ làng bàn bạc quy định với nhau và từ đời này qua đời khác, làng là đơn vị tổ chức xã hội cao nhất của xã hội người Mạ trước đây. Làng ngày xưa là một công xã thị tộc, mọi người trong làng đều có quan hệ huyết thống với nhau. Làng còn là một công xã gia đình (cả làng là một nhà) hoặc là một làng đại tông tộc (một làng có nhiều nhóm tông tộc). Kiểu làng này hiện còn khá rõ nét ở vùng Mạ phía tây như xã Lộc Bắc, xã Đạ Tẻ. Ví dụ làng Bơsur ở xã Đạ Tẻ chỉ có một nhà dài duy nhất.

Gần đây đặc biệt là vùng cao nguyên Blao, làng người Mạ đã là một đơn vị cư trú láng giềng (công xã láng giềng) một phần do quan hệ huyết thống đã bị phân hóa, một phần có nhiều người ở những làng khác và dân tộc khác đến cư trú chung.

Trong xã hội Mạ không có người làm nghề thầy cúng chuyên nghiệp. Mọi lễ tiệc cúng quải nếu có tính chất chung của cộng đồng làng ví dụ như lễ vào năm (nô rhe), các lễ nông nghiệp (nô Yang Bri), nô R'nuel, nô Yang ue... thì do chủ làng cúng, sau đó ai về nhà nấy để cúng. Nếu việc gì có tính chất gia đình thì gia trưởng lo việc cúng kiếng.

Người phù thủy ở vùng Mạ xem như người thầy thuốc chữa bệnh. Người Mạ quan niệm có hai loại phù thủy là phù thủy thiện (cău Cơnang) và phù thủy ác (cău Căă). Sự phân biệt giữa hai loại đó là do dân làng căn cứ vào quá trình chữa bệnh của người phù thủy và sự hiệu nghiệm của nó, chứ không phải do bản thân người phù thủy nhận mình là loại phù thủy "thiện hay ác". Theo người Mạ thì khi một phù thủy làm phép để tìm bệnh cho một người nào đó mà ông ta đọc những câu thần chú nghe lạ tai và kỳ quặc với những động tác hơi khác thường thì có thể ông ta là một phù thủy ác. Nếu quả thật là một phù thủy ác thì bị dân làng ghét bỏ, phạt tội và cô lập ông ta. Bởi vậy, trong xã hội người Mạ ít có phù thủy ác, còn phù thủy thiện trước đây mỗi làng có thể có một người. Nhưng hiện nay rất ít người làm nghề này.

3. Phân hóa giai cấp

Trong xã hội Mạ, tuy vẫn tồn tại quyền công hữu đất đai nguyên thủy, nhưng cũng đã xuất hiện người giầu, kẻ nghèo. Người giầu gọi là Cau pái, là những chủ đất, chủ làng (Tom bri, Tom thá...) là những người có địa vị trong xã hội Mạ.

Người nghèo gọi là Cau ơ pái. Có nơi như xã Lộc Thắng gọi là Cau bngil. Đó là số đông dân trong làng. Trong thời kỳ chủ nghĩa thực dân thống trị, nhất là thời Mỹ-ngụy, một số vùng tạm chiếm, việc phân hóa xã hội rất phức tạp. ngoài tầng lớp trên, có một tầng lớp xã hội mới được hình thành bao gồm những tay sai của chủ nghĩa thực dân như công chức, ngụy quân, mục sư, thầy giảng, ngụy quyền địa phương (ấp, xã trưởng...). Nhiều người trong số này vẫn phải lao động như mọi người và có quan hệ chặt chẽ với những người cùng tộc họ. Điều khác nhau giữa họ với những người cùng làng là mức sống họ được nâng cao hơn do viện trợ Mỹ đem lại. Trong tay họ có một số máy móc, đất đai do Mỹ-ngụy cấp và thông qua tích lũy của cải làm giầu.

4. Tổ chức gia đình

Cho đến nay người Mạ tồn tại hai hình thức gia đình lớn phụ quyền và gia đình nhỏ phụ quyền. Hai hình thức gia đình này tồn tại ở vùng Mạ, song mỗi nơi tỷ lệ giữa hai loại đó có khác nhau. Vùng Mạ phía tây (Lộc Bắc, Đạ Tẻ) gia đình lớn phụ quyền vẫn còn phổ biến, những vùng ven cao nguyên Blao như Lộc Thắng, Lộc Phước, hình thức gia đình nhỏ phụ quyền lại nhiều hơn.

Trong loại gia đình lớn phụ quyền, các gia đình nhỏ ở chung, nhưng làm ăn riêng. Cũng có nơi các gia đình nhỏ cũng ở chung cùng lao động chung nhưng ăn riêng. Người chủ gia đình lớn là người lớn tuổi nhất của thế hệ cao nhất trong gia tộc.

Trong gia đình lớn, ăn uống được tổ chức từng nhóm gia đình nhỏ, mỗi gia đình có vài ba bếp vừa để sưởi vừa để nấu ăn.

Các đồ dùng như chiêng ché là thuộc quyền sở hữu của gia đình lớn trong đó người chủ gia đình là người trông giữ các vật trên.

Những sinh hoạt về mặt tinh thần như cưới xin, ma chay, uống rượu v.v... đều có tính chất tập thể của gia đình lớn.

Bên cạnh hình thức gia đình lớn đang dần dần tan rã xã hội người Mạ đã xuất hiện ngày càng phổ biến hình thức gia đình nhỏ phụ quyền. Trong gia đình này, quyền hành vẫn thuộc về người đàn ông là chủ yếu. tuy vậy, mọi việc thường được bàn bạc chung giữa hai vợ chồng. Gia đình nhỏ thực sự là một đơn vị kinh tế cá thể. Tuy vậy vẫn còn lưu giữ được nhiều dấu vết của gia đình lớn phụ hệ.

5. Hôn nhân

Người Mạ vốn cư trú trên một lãnh thổ tương đối độc lập nên từ trước đến nay thường có quan hệ hôn nhân trong nội bộ dân tộc của mình. Tuy vậy họ không cấm quan hệ hôn nhân với các dân tộc khác, nhất là đối với người Kơho.

Hôn nhân con cô, con cậu chỉ thể hiện khi con gái của cậu lấy con trai cô. Trường hợp ngược lại là không được phép. Nếu vợ chết mà người vợ quá cố có em gái chưa lấy chồng (hoặc có chồng đã chết) thì người chồng có thể lấy em vợ nếu như người con gái đó đồng ý. Không được lấy chị gái. Ngược lại khi chồng chết, người vợ có thể lấy em trai chồng (có thể chưa vợ hoặc đã có mà vợ chết) chứ không được lấy anh chồng.

Nếu trái với nguyên tắc trên, người vi phạm bị dân làng phạt ché, một con heo và rượu.

Người con trai vào độ tuổi 15 là đến tuổi kết hôn. Người thanh niên ấy thích cô gái nào thì xin ý kiến cha mẹ đẻ và tìm người mai mối. Người làm mai gọi là "Căn joi pao" và thường là người đàn ông. Hôn nhân ở người Mạ khác với người Kơho ở chỗ người thanh niên quyết định và đi cưới vợ. Còn người Kơho vẫn còn tục lệ "đi bắt chồng" như người Churu. Việc hôn nhân ở vùng Mạ đã xuất hiện quyền quyết định tuyệt đối của cha mẹ. Quyền chủ động hôn nhân là do bên phía nhà trai. Trước đây, ở người Mạ còn có tục dựng vợ gả chồng cho con từ thuở còn bé. Trong trường hợp này bên nhà trai cũng đóng vai trò chủ động. Nhà trai đem một con gà, một ché rượu sang nhà gái để "tỏ bày". Nếu nhà gái không bằng lòng thì không nhận những thứ đó và bằng lòng thì nhận và coi như hứa hôn.

Khi hai đứa bé đó đã đến tuổi trưởng thành thì làm lễ cưới. Nếu lúc này bên nhà gái không muốn cho cưới nữa thì phải trả lại lễ cho nhà trai, còn nếu nhà trai không muốn cưới nữa, thì phải chịu mất đồ hứa hôn và sức lao động trong thời gian ở rể.

Chế độ cư trú sau hôn nhân của người Mạ thiên về cư trú bên chồng. Tuy vậy, sau lễ cưới, người chồng phải sang nhà vợ ở một vài năm nếu nhà nghèo thì có thể lâu hơn. Nhưng nếu nộp đầy đủ hôn lễ cho nhà gái thì chỉ cần ở lại nhà gái 8 ngày. Nếu ai không nộp đủ hôn lễ cho nhà gái thì phải ở rể đến lúc nào nộp xong hôn lễ mới được đưa vợ về nhà mình.

Nếu bên nhà gái muốn bắt chồng về bên nhà mình thì phải nộp đủ số hôn lễ bằng số hôn lễ của nhà trai đi cưới vợ.

Ở vùng Mạ tỷ lệ tử cao hơn sinh nên người Mạ rất ao ước có con. Khi đặt tên cho đứa bé mới sinh họ thường phải hỏi các người già và thường đặt theo tên ông bà đã mất, trong đó con trai đặt tên theo vần tên của chú, bác, cậu, con gái đặt tên theo vần của dì, cô.

Người con trai có quyền được hưởng tài sản của cha mẹ để lại, còn con gái thì thường về nhà chồng nên ít được hưởng các quyền thừa kế tài sản đó. Tuy vậy cũng có gia đình cho con gái một vài đồ vật lặt vặt khi về nhà chồng. Những gia đình không có con trai, mà người con gái lại bắt chồng về ở rể thì họ được quyền hưởng tài sản của cha mẹ để lại.

III. PHONG TỤC TẬP QUÁN VÀ TÍN NGƯỠNG

Những tàn dư tôn giáo nguyên thủy còn tồn tại khá đậm nét trong xã hội người Mạ. Người Mạ quan niệm mọi hành động trong đời sống hàng ngày của họ đều do các lực lượng siêu nhiên mà họ gọi là Yang chi phối. Người Mạ thờ cúng rất nhiều Yang như Yang Hiu (thần nhà), Yang Koi (thần lúa), Yang Bri (thần rừng), Yang Bơnơm (thần núi). Cũng như các dân tộc ít người khác ở Tây Nguyên, người Mạ quan niệm có những vị thần thiện (Yang) và có những vị thần ác (Chà). Đối với người Mạ, vị thần tối cao sáng tạo ra mọi vật cũng là Yang Ndu giống như quan niệm của người Kơho. Vì quan niệm mọi sự vật trong đời sống của mình đều diễn ra theo ý muốn của các thần nên người Mạ phải giết súc vật để làm lễ tế thần vào những dịp như được mùa, sinh đẻ, bệnh tật, chết chóc v.v... Do đó hiến sinh súc vật là hình thức biểu hiện cụ thể nhất của những quan niệm của họ về thế giới siêu hình. Lễ hiến sinh lớn nhất là lễ đâm trâu.

Ở người Mạ cũng như ở những dân tộc sống chủ yếu bằng trồng trọt, loại nghi lễ quan trọng và đều đặn là nghi lễ tiến hành vào những khâu trong quá trình canh tác. Trong một chu kỳ làm rẫy hàng năm, người Mạ đã cúng nhiều lễ để cầu xin các thần phù hộ cho lao động của họ được kết quả tốt, khỏi bị thiên tai làm cho mất mùa, đói kém.

Vào dịp chọn rừng để làm rẫy, người Mạ cúng lễ Yu Sin Bri, lễ này thường được cúng tại nhà người chủ làng là nơi các chủ gia đình ttrong làng đến tụ tập bàn bạc việc chọn rừng. Theo tập quán, các lễ cúng không cử hành trước khi phát rừng, nhưng trước khi đốt rừng người Mạ phải cúng thần lửa. Lễ này gọi là Lơ Yang Us, cúng tại nhà rồi đem lửa ra rẫy vì họ quan niệm rằng lửa đi từ nhà ra rẫy để "ăn" (sa) đám rẫy. Lúc cúng, người ta cầu thần lửa hãy ăn sạch đám rừng đã phát để người ta khỏi tốn công dọn. Buổi lễ cử hành trước khi tỉa hạt là Lơ Yang Tuyl Koi, cầu thần cho hạt giống nẩy mầm đều.

Trong thời gian lúa lớn lên và chín, nhiều bất trắc có thể xảy ra làm mất mùa nên mỗi bước cây lúa lớn lên là một lần được chào mừng hoặc cầu xin bằng một lễ cúng thần. Khi cây lúa lớn được vài ba tấc, người ta làm lễ Yu Tam Nơm (hoặc Bơnom) có ý nghĩa tượng trưng đem thuốc chữa bệnh cho cây lúa, vì thế vào dịp này người ta đem củ nghệ bỏ vào rẫy. Từng gia đình cúng riêng tại rẫy của mình với gà và rượu. Người ta cầu cho rẫy lúa khỏi bị hư hại và hạn hán và không bệnh tật nào cả.

Khi lúa sắp trổ bông, người ta tổ chức một lễ lớn thứ hai nữa trong năm, lễ Ya R'mul, do từng gia đình cúng ở rẫy. Khi cúng người ta gác cây chọc lỗ (R'mul) lên trần nhà giữa rẫy và để nguyên tại đó cho đến khi dọn nhà vô làng thì lấy xuống đem về. Trong dịp lễ này, ở ngay đầu làng người ta dựng lên hai cái nhà nhỏ. Một cái là nhà sàn hình dáng giống như nhà ở thu nhỏ lại, là nơi để thờ các thần thiện, trong đó có bày một chén cơm nếp trên có để một trứng gà luộc cắt làm đôi, một chén rượu có để một ống hút nhỏ tượng trưng cho ống hút rượu cần. Chung quanh căn nhà này có cắm các cây bông làm bằng tre chuốt ra. Các nhà kia có hình dáng giống như cái sừng trâu, gọi là nhà ma (Hiu chà arặc) là nơi ma qủy vào trú ngụ khỏi đi làm hại mùa màng. Trong nhà ma không bày biện các món ăn.

Ngoài rẫy, mỗi gia đình cắm một cây nêu cao chừng 6 mét gọi là Yu, tượng trưng cho nhà của lúa. Khi mang lúa về kho, cây này được đem về làng cắm bên cạnh kho lúa của gia đình. Đi kèm với lễ này là thời gian bảy ngày kiêng cữ, dân làng không được đi làm ở rẫy hoặc đi sang làng khác.

Còn một lễ khác cũng mang ý nghĩa cầu lúa trổ bông là Yu Đồng. Yu Đồng là cây nêu nhỏ làm bằng cây lồ ô, trang trí bằng cách chuốt ra thành những sợi trắng, nhưng trong nhiều làng không có sự phân biệt giữa lễ này với Yu Rmul nói trên.

Mùa thu họach lúa được mở đầu bằng lễ Ya Tuyn Koch, do từng gia đình cúng ở rẫy cầu thần cho suốt lúa được đầy gùi, đầy kho. Đồ cúng là gà và rượu.

Lễ nông nghiệp lớn nhất trong năm là Yụ R'he diễn ra trong thời gian khi chu kỳ làm rẫy trước đã kết thúc và chu kỳ làm rẫy mới chưa bắt đầu. Theo như cách gọi của người Mạ thì thời gian đó nằm trong hai "tháng" kơmui Sa pôm và kơmui Tôn tắp, nhưng tên gọi phát xuất từ việc đi đào các loài củ để ăn (sa pôm) và đi đến những bãi cát kiếm trứng (tăp) của một loại nhộng (tôm) về ăn. Lễ Yu R'he thường diễn ra trong 7 ngày, và các buổi cúng đều tổ chức bên cạnh kho lúa của mỗi gia đình. Người ta dựng các cây nêu bằng tre có trang trí, quét dọn và trải chiếu dưới nhà kho, chuẩn bị những ché rượu cần v.v... Buổi cúng thần đầu tiên của làng diễn ra dưới kho thóc của người chủ rừng với sự tham gia của những người chủ gia đình trong làng. Người ta bày trên đống lúa ở trong kho thịt gà hoặc dê, một chén cơm, một trứng gà, một chén nước lã, một ly rượu, một ống tre và một cái quạt nan nhỏ gọi là Ntơmkoi, ntơmkoi có cán dài, đầu để các nan dài để bẻ hoặc ghi lên đó số gùi lúa mỗi gia đình đã thu hoạch được trong năm.

Sau khi cúng ở kho lúa của người chủ rừng, mọi người đi đến cúng ở kho thóc của từng nhà trong làng và ăn uống tại đó. Lễ Yu R'he là lễ tạ ơn thần linh và là dịp ăn tết của dân làng. Sau thời gian 7 ngày ăn tết là thời gian 7 ngày kiêng cữ không được làm việc hoặc sang làng khác. Người ta cho rằng nếu làm việc hoặc đi đâu trong 7 ngày đó thì sẽ gặp xui xẻo như bị cây đè, gặp rắn, gặp cọp v.v...

Ngoài những lễ cúng thần mà người Mạ nhất thiết phải tiến hành trong một năm như trên, họ còn có rất nhiều kiêng cữ và cúng bái khác. Chẳng hạn đi ra đường mà nghe con mang kêu thì phải trở về. Người ta sẽ bỏ đám rừng đã chọn và đang phát dở nếu gặp con chồn nhảy từ trên cây xuống, hoặc gặp con trăn, gặp khỉ ăn đêm (đô gle).

Người đàn bà có thai vẫn được đi làm rẫy, nhưng trong một tuần lễ sinh đẻ thì tất cả thân nhân trong gia đình không được đi rừng. Phụ nữ sinh đẻ trong một cái chòi làm cạnh sân nhà. Thông thường họ tự lo liệu lấy, cũng có khi có bà mụ (chau at deh) giúp đỡ. Trong suốt 7 ngày sau khi sinh, mẹ và con không được ra ngoài trời. Đến ngày thứ 8, mẹ bồng con ra ngoài sân. Nếu là con trai thì cầm theo chà gạt, nỏ, dao, nếu là con gái thì cầm theo bị đựng cơm, dụng cụ dệt, gùi, rìu chẻ củi. Sau đó mọi người cúng bái ăn mừng đặt tên con rồi đưa mẹ con vào nhà ở.

Khi đau ốm, người Mạ cũng cúng thần, ngay cả những làng Mạ đã có trạm y tế. Người thầy cúng chuyên đi cúng thần để "chữa bệnh" cho dân làng được gọi là "cau chơ năng". Sau đây là một vài nét về một buổi cúng chữa bệnh của một thầy cúng tại làng B'Lạch A (xã Lộc Bắc) vào một đêm trong tháng 3/1981.

Người thầy cúng đến làng vào buổi chiều, đi theo có một thanh niên phụ việc. Đồ hành nghề đặt trong một cái gùi có nắp đậy. Từ lúc chập choạng tối, căn nhà mà người thầy cúng sẽ đến chữa bệnh đã rộn rịp kẻ ra người vào. Một ché rượu cần đã được bày sẵn để mọi người đến uống. Đến lúc khoảng 7 giờ tối, trên chiếc chiếu đã có 21 chén gạo do những nhà trong làng mang đến, trên mỗi chén gạo có đặt một đồng tiền lẻ. Chủ nhà bưng ra một cái mẹt, trên có 3 gói cơm, 2 chén canh lá khoai mì, một ống muối và 2 bầu nước để chiêu đãi người thầy cúng. ông ta ăn cơm, tu vài ngụm nước rồi nằm ngả ra lim dim ngủ trong khi mọi người có mặt trong nhà vẫn tiếp tục trò chuyện và uống rượu.

Đến khoảng 8 giờ tối, trong nhà đầy người, giờ hành lễ bắt đầu. Người ta đóng chặt cửa lại và không cho ai vào nhà trong lúc hành lễ. Người ta cho rằng nếu trong khi cúng mà có tiếng động thì ông thầy cúng sẽ ngã lăn ra và chết ngay tại nhà.

Khi tỉnh dậy, người thày cúng bắt đầu hành nghề. Ông lấy trong gùi ra một cái lục lạc và một sợi roi mây. Chủ nhà mang ra một cái bát nhôm và mấy cục than hồng đưa cho thầy cúng. Ông lấy trong gùi một loại vỏ cây bỏ vào lửa, khói lên tạo một không khí trang trọng. Một con gà luộc và một chén máu gà cũng được đem bày ra trước mặt thầy cúng, sau đó chủ nhà lấy một cái khăn phủ lên người thầy cúng, che kín mọi phía, chỉ để hở tay cầm roi mây và lục lạc. Ông ngồi xếp bằng, người cúi xuống, miệng lẩm bẩm khấn, tay lắc lục lạc kêu những tiếng leng keng nhỏ, thỉnh thoảng xen kẽ một tiếng chuông lớn hơn. Mọi người trong nhà đều im lặng tuyệt đối trong khi người thầy cúng vẫn ngồi trong chăn để khấn vái, rung chuông và thỉnh thoảng dừng lại để nói chuyện như thể đang nói với một người nào đó. Đồng bào giải thích là ông ta đang cưỡi ngựa, kéo dây cương lục lạc, đi tất cả các nơi, gặp tất cả các thần để hỏi chuyện. Ông ta cũng hỏi cả những ông già bà già xa xưa đã qua đời từ lâu. Mỗi khi gặp ai, vừa hỏi ai, hay nói về một con ma nào đó đang chạy trốn khi gặp ông ta.

Sau chừng một giờ ở trong chăn, người thầy cúng ra khỏi chăn và lần lượt nói chuyện với từng người về những bệnh tật của họ và những thứ phải cúng để được khỏi bệnh mà các thần đã cho ông ta biết. Ông ta là người trung gian giữa dân làng với các thần linh.

Khi có người từ giã cuộc đời thì công việc đầu tiên là mặc những quần áo quý nhất cho người chết, để chân duỗi ra ngay ngắn và cột dây lại, hai tay úp lên ngực. Sau đó lấy một cái bát để gối đầu cho người chết. Để tỏ lòng luyến tiếc người đã mất, người Mạ để người chết trong nhà 7 - 8 ngày. Trong thời gian đầu những người đàn ông vào rừng kiếm loại gỗ tốt làm hòm. Hòm được đưa vào nhà bằng một cửa lớn mới làm chứ không phải bằng của chính mà gia đình thường ra vào. Đến ngày thứ ba, người chết được bỏ vào hòm và sau đó bà con họ hàng buôn làng đến thăm viếng, cúng bái ăn uống. Người Mạ có tục sắm sửa cho người chết những đồ đạc cần thiết như khi còn sống để có thể được tiếp tục "sống" ở "thế giới bên kia". Những người thân như anh em, con cháu thường cắt một phần tóc của mình bỏ vào hòm người chết để mai kia người chết có "nguyên liệu lợp nhà".

Người ở làng nào chôn trong địa phận làng đó, và những người cùng chung máu mủ với nhau chôn trong một nghĩa trang. Nghĩa địa là khu vực riêng cấm kỵ đối với mọi người, đặc biệt là người ngoài làng. Chỉ có những người thân cận mới được đi chôn người chết, trong những ngày bình thường ai đến nghĩa địa thì không được trở về buôn làng ngay sau đó.

Khi khiêng hòm đến nghĩa địa người ta mới đào huyệt. Huyệt không cần phải theo một hướng bắt buộc nào cả. Đáy huyệt lót một lớp cây, hòm được đặt lên đó và trên mặt hòm được lót thêm một lớp cây nữa, xong trải chiếu của người chết đã nằm lúc còn sống lên lớp cây rồi lấp đất. Mộ vun cao theo chiều dài của hòm chứ không làm nấm tròn. Khi chôn xong, người ta để những thứ đồ đạc như ché, chà gạt, rìu, gùi v.v... bên cạnh mộ. Những đồ đạc này phải làm hỏng mỗi thứ một chút. Dưới chân mộ người ta làm một cái sàn thấp và đặt lên đó những đồ dùng làm bếp. Nếu nhà chịu tang giầu có, có tế trâu thì người ta làm một cái chuồng trâu nhỏ bên cạnh mộ và đem xương và sừng con trâu bị giết bỏ vào đó.

Khi về đến nhà, những người đã chôn người chết chưa được vào nhà ngay. Người ở nhà đã nấu sẵn một nồi nước và giết một con gà lấy máu hòa vào nước sôi. Từng người đã đưa đám tang ngồi xuống sân, người khác lấy lá ngải (Suarning) nhúng vào nồi nước đó, rẩy rẩy lên những người ngồi và cầu khấn. Sau đó những người đi đưa đám mới được vào nhà. Sau khi chôn cất người chết, người Mạ còn kiêng cữ 7 ngày không đi làm rẫy.

Nếu như trong lĩnh vực tôn giáo tín ngưỡng, người Mạ còn lưu giữ nhiều lễ nghi rườm rà trong sản xuất, những phong tục tập quán lạc hậu, kiêng cữ trong đời sống, sinh nở, ma chay, đem lại những tác dụng tiêu cực thì trái lại, họ lại có một kho tàng văn học nghệ thuật dân gian quý giá phản ánh cảnh quan địa lý, môi trường sinh sống và cuộc sống tinh thần khá phong phú và độc lập của họ.

Qua những chuyện cổ, chuyện thần thoại, người ta có thể hiểu được ít nhiều nhận thức về vũ trụ, về thế giới, về con người, về nguồn gốc dân tộc của người Mạ xưa. Một số chuyện kể về nguồn gốc những ngành nghề độc đáo của người Mạ như nghề dệt, nghề rèn. Những câu chuyện kể bằng vần điệu gọi là yalyau như là bản trường ca tuyệt vời của người Mạ đã đề cập nhiều về các lĩnh vực như đấu tranh với thiên nhiên, lao động sản xuất, quan hệ xã hội và gia đình, những ước vọng sâu xa nhưng vô cùng bình dị gần gũi là làm sao được sống ấm no hạnh phúc.

"Tam Pơt" là loại hò đối đáp giữa nam và nữ, là những bản tình ca nam nữ rất phổ biến ở vùng người Mạ, nổi tiếng nhất là tình ca Pơt giữa chàng K'Yac và nàng Kông, biểu tượng của tình yêu chung thủy đẹp đẽ của trai gái xứ Mạ.

Luật tục (Ndri) của người Mạ không những là một bộ luật cổ truyền của xã hội Mạ mà còn là một di sản văn hóa tinh thần, một sản phẩm văn học dân gian có nhiều giá trị. Đó là những câu nói có vần điệu mà nội dung của nó là những quy ước xã hội, cách đối nhân xử thế, ca ngợi những đức tính cao quý của con người, lòng dũng cảm hăng say trong lao động sản xuất, sự thương yêu đùm bọc lẫn nhau, đồng thời nó còn châm biếm những thói hư tật xấu trong xã hội.

Âm nhạc của người Mạ càng làm tăng thêm tính chất trữ tình của những điệu Tam Pơt. Dụng cụ âm nhạc của người Mạ chủ yếu là bộ chiêng gồm 6 cái, trống, khèn bầu 6 ống 6 dây... Trong những đêm khuya bên bếp lửa hồng trong vùng rừng sâu gió lạnh, những bản tình ca Tam Pơt hay một điệu Yalyau được hát lên với một làn điệu nhẹ nhàng khoan thai, được đệm với một dàn nhạc cổ truyền ấm áp đã làm cho người ta cảm thấy một cái gì đó thật man mác mênh mông, nhưng thật gần gũi thiết tha.

Hoa văn trang trí trên những sản phẩm dệt như váy, khố và đặc biệt là trên chăn rất độc đáo, sắc sảo. Với cách sử dụng các mầu chủ yếu như đỏ, vàng, xanh, đen trên nền trắng một cách hài hòa, với bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mạ khi dệt vải, với sự cách điệu cao, những hoa văn trang trí được nổi bật lên, thể hiện được quan điểm mỹ thuật của họ và về nội dung phản ánh một cách sinh động nhiều khía cạnh của cuộc sống, hình ảnh người du kích Mạ bắn cháy máy bay trực thăng của Mỹ trong cuộc chiến tranh vừa qua cũng được thể hiện trên những sản phẩm đó.

Đã từ lâu người Mạ là một cộng đồng người ổn định, một thành viên của cộng đồng dân tộc Việt Nam thống nhất. Trải qua bao thế kỷ, người Mạ có những đóng góp xứng đáng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Không những họ đã đổ mồ hôi công sức, cần cù lao động cùng các dân tộc anh em khác chung sức khai phá miền đất bao la của Tổ quốc mà họ còn chung lưng đấu cật cùng đổ xương máu, anh dũng chống lại mọi sự xâm lược của các thế lực đế quốc thực dân. Mặc dầu sống trong vùng rừng sâu hẻo lánh, đời sống còn thấp kém, nhưng người Mạ đã có một truyền thống độc lập tự chủ, tinh thần tự hào dân tộc rất cao. Khi có Đảng lãnh đạo, người Mạ rất sớm theo Đảng dứng lên đấu tranh cho độc lập tự do. Trong lịch sử sông Đa Gui và núi Pọt Chăn (Lâm Đồng) luôn luôn là ranh giới cuối cùng của mọi quân đội xâm lược phải dừng lại trước tinh thần độc lập tự chủ và ý chí bất khuất của người Mạ. Trong suốt mấy mươi năm đô hộ của thực dân Pháp, quân đội của chúng trước sau đều bất lực, chưa hề đặt chân lên vùng đất quê hương của người Mạ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lâu dài và gian khổ vừa qua, đại bộ phận địa bàn cư trú của người Mạ là những căn cứ địa cách mạng vững chắc của tỉnh Lâm Đồng và khu 6 cũ. Vùng người Mạ là một trong những nơi nổi dậy đầu tiên trong phong trào đồng khởi. Nhiều đơn vị bộ đội địa phương của Lâm Đồng được xây dựng đầu tiên từ vùng người Mạ và gồm nhiều con em người Mạ tham gia. Người du kích K'Vét ở xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lộc với khẩu súng trường đã bắn rơi chiếc máy bay HU 1A, tiêu diệt tên trung tướng Tư lệnh trưởng và 7 tên cấp tá trong Bộ Tham mưu sư đoàn "Kỵ binh bay" của Mỹ. Người Mạ đã cống hiến hàng ngàn đứa con thân yêu của mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc. Nhiều địa phương người Mạ đã lập nên nhiều chiến công xuất sắc được chính phủ tặng thưởng huân chương. Xã 5 cũ (nay thuộc Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh, Lâm Đồng) gồm toàn người Mạ cư trú, được Quốc hội tặng danh hiệu anh hùng trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Từ ngày giải phóng đến nay, tuy thời gian còn ngắn ngủi và còn nhiều khó khăn, nhưng với lòng tin tưởng sắt đá vào sự lãnh đạo của Đảng và với truyền thống cần cù lao động, người Mạ bước đầu đã đạt được những thành tích đáng kể trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Lực lượng phản động Fulrô không dám bén mảng đến vùng người Mạ, trật tự trị an trong các buôn làng đều giữ vững. Công cuộc định cư định canh đang được thực hiện, các tập đoàn sản xuất và hợp tác xã đang được xây dựng. Đường giao thông được mở mang vào tận những buôn làng hẻo lánh, màng lưới thương nghiệp bước đầu được tổ chức, cung cấp nhu yếu phẩm cho đồng bào. Đội "ánh sáng văn hóa" đến tận buôn làng dạy chữ cho đồng bào. Tất cả các xã đều có trường cấp I. Bà con đau ốm đã có trạm y tế chữa bệnh. Những phong tục tập quán lạc hậu đang bị lên án và dần dần đẩy lùi từng bước. Những truyền thống văn hóa tốt đẹp, tinh thần và khả năng cách mạng của người Mạ đang được phát huy mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới.

PHAN NGỌC CHIẾN
PHAN XUÂN BIÊN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHÚ THÍCH

85) Ngoài ra, người Mạ còn cư trú ở các vùng rừng núi tỉnh Sông Bé, Đắc Lắc và Đồng Nai.

(88) Hiện nay ở xã Đạ Tẻ, vì diện tích rẫy ở gần làng có phần bị hạn chế nên người Mạ tại đây bắt đầu thâm canh lúa trên một đám rẫy trên hai năm liền.

(89) Có một số nơi còn có tên là Tơm Thá.

 

  Nội dung chính Trang trước Mục lục Trang sau